

Đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt 5 - Đề số 3>
Chú vẹt tinh khôn Một người lái buôn từ Châu Phi về mang theo chú vẹt mào đỏ chót, lông xanh biếc, đuôi dài duyên dáng. Người lái buôn rất yêu quý chú vẹt bởi chú vẹt nói rất sõi. Vì thế, ông cho vẹt sống trong chiếc lồng xinh xắn, bên khu vườn có nhiều hoa lá châu Phi để vẹt đỡ buồn.
Đề bài
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Chú vẹt tinh khôn
Một người lái buôn từ Châu Phi về mang theo chú vẹt mào đỏ chót, lông xanh biếc, đuôi dài duyên dáng. Người lái buôn rất yêu quý chú vẹt bởi chú vẹt nói rất sõi. Vì thế, ông cho vẹt sống trong chiếc lồng xinh xắn, bên khu vườn có nhiều hoa lá châu Phi để vẹt đỡ buồn.
Ít lâu sau, trước khi sang châu Phi buôn chuyến hàng mới, ông nói với vẹt:
- Ta sắp tới quê hương của mi. Mi có nhắn gì với bà con bạn hữu của mi không?
Chú vẹt liền nói:
- Ông chủ làm ơn nói với đồng bào của tôi là: ở đây dù đầy đủ thức ăn, tôi vẫn gầy mòn vì nhớ rừng quê hương, nhớ bạn bè, dòng họ. Tôi đang rất buồn khổ vì sống cô đơn. Nhờ ông bảo họ chỉ giúp tôi cách trở về quê hương.
Nghe vẹt nói, ông chủ thầm nghĩ: “Đúng là ngu như vẹt! Ta đâu có khờ dại mà thuật lại mưu kế để mày thoát thân”.
Tới Châu Phi, ông trở lại khu rừng xưa và thấy một lũ vẹt đậu trên cây cao, trong đó có con vẹt mào đỏ giống chú vẹt ở nhà. Ông bèn nói lại lời vẹt nhà cho chúng nghe. Con vẹt mào đỏ chăm chú nghe xong bỗng trở nên buồn rười rượi, xù lông xù cánh, gục đầu, rồi rơi xuống bụi rậm. Ông nghĩ: “Chắc nó quá thương bạn nên mới rầu rĩ mà chết như thế”.
Về đến nhà, người lái buôn kể lại câu chuyện trên cho chú vẹt của ông nghe. Nghe xong, chú vẹt ủ rũ nhắm mắt và một lúc sau thì rơi xuống đáy lồng, nằm bất động. Người lái buôn buồn rầu than thở: “Hóa ra giống vẹt cũng có tình nghĩa như người, nghe tin bạn chết vì thương nó, nó cũng đau khổ mà chết theo”.
Người lái buôn mở lồng mang vẹt ra, ông để vẹt lên bàn tay ngắm nghía. Đột nhiên chú vẹt bay vù lên cây cao, đứng nhìn ông và nói: “Cảm ơn ông chủ đã thuật lại cách bạn tôi giúp tôi được tự do. Tôi xin chào ông để trở về rừng núi quê hương”. Thế rồi, vẹt cất cánh nhằm hướng tây nam bay thẳng.
(Theo Truyện kể I-ran, Thanh Trà kể)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Chú vẹt mang từ châu Phi về có đặc điểm gì đặc biệt khiến người lái buôn yêu quý?
A. có bộ lông xanh biếc
B. có chiếc đuôi dài duyên dáng
C. có cái mào đỏ chót
D. nói rất sõi tiếng người
Câu 2. Trong câu nói của vẹt nhắn với bà con ở châu Phi, ý nào đã giúp vẹt được cứu sống?
A. Vẹt đang sống cuộc sống đầy đủ thức ăn.
B. Vẹt nhớ quê hương đến gầy mòn cả người.
C. Vẹt muốn được chỉ dẫn cách trở về quê hương.
D. Vẹt đang buồn khổ vì sống cô đơn.
Câu 3. Người lái buôn đã nghĩ gì về vẹt sau khi nghe vẹt nói?
A. Vẹt thật thông minh.
B. Vẹt thật ngu ngốc.
C. Vẹt thật dũng cảm.
D. Vẹt thật ngoan ngoãn.
Câu 4. Nhờ đâu mà chú vẹt đã thoát khỏi chiếc lồng để về quê hương?
A. Ông chủ đã nói lại cách mà người bạn đã chỉ vẹt giả chết để về quê hương.
B. Chú vẹt cầu xin ông chủ thả ra khỏi chiếc lồng.
C. Chú vẹt thông minh tự mở lồng bay ra.
D. Người bạn bay đến cứu nên vẹt mới được về quê hương.
Câu 5. Sau khi được ra khỏi lồng chú vẹt bay về đâu?
A. Khu vườn có nhiều hoa lá.
B. Vẹt cất cánh nhằm hướng tây nam bay thẳng về quê hương.
C. Vẹt ở lại nhà ông chủ.
D. Vẹt cất cánh nhằm hướng đông bay thẳng về quê hương.
Câu 6. Dựa vào đoạn văn trên em hãy nêu suy nghĩ của em về chú vẹt.
Câu 7. Trong câu ghép "Hóa ra giống vẹt cũng có tình nghĩa như người, nghe tin bạn chết vì thương nó, nó cũng đau khổ mà chết theo" có mấy vế câu?
A. 2 vế câu.
B. 3 vế câu.
C. 4 vế câu.
D. 5 vế câu.
Câu 8. Gạch một gạch dưới cặp kết từ trong câu ghép sau:
“Chẳng những vẹt thông minh mà chú còn yêu quê hương mình”.
Câu 9. Nêu tác dụng của điệp từ được in đậm trong đoạn văn sau:
"Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh."
Câu 10. Đặt một câu ghép có sử dụng cặp kết từ “càng.....càng…”
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc khiến em xúc động.
-------- Hết --------
Lời giải
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM
1. D |
2. C |
3. B |
4. A |
5. B |
7. A |
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
II. Đọc thầm văn bản sau:
Câu 1. Chú vẹt mang từ châu Phi về có đặc điểm gì đặc biệt khiến người lái buôn yêu quý?
A. có bộ lông xanh biếc
B. có chiếc đuôi dài duyên dáng
C. có cái mào đỏ chót
D. nói rất sõi tiếng người
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn thứ nhất để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Chú vẹt mang từ châu Phi về nói rất sõi tiếng người khiến người lái buôn yêu quý.
Đáp án D.
Câu 2. Trong câu nói của vẹt nhắn với bà con ở châu Phi, ý nào đã giúp vẹt được cứu sống?
A. Vẹt đang sống cuộc sống đầy đủ thức ăn.
B. Vẹt nhớ quê hương đến gầy mòn cả người.
C. Vẹt muốn được chỉ dẫn cách trở về quê hương.
D. Vẹt đang buồn khổ vì sống cô đơn.
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn hội thoại giữa ông chủ và con vẹt để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Trong câu nói của vẹt nhắn với bà con ở châu Phi, ý muốn được chỉ dẫn cách trở về quê hương đã giúp vẹt được cứu sống.
Đáp án C.
Câu 3. Người lái buôn đã nghĩ gì về vẹt sau khi nghe vẹt nói?
A. Vẹt thật thông minh.
B. Vẹt thật ngu ngốc.
C. Vẹt thật dũng cảm.
D. Vẹt thật ngoan ngoãn.
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn thứ nhất để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Người lái buôn đã nghĩ vẹt thật ngu ngốc sau khi nghe vẹt nói.
Đáp án B.
Câu 4. Nhờ đâu mà chú vẹt đã thoát khỏi chiếc lồng để về quê hương?
A. Ông chủ đã nói lại cách mà người bạn đã chỉ vẹt giả chết để về quê hương.
B. Chú vẹt cầu xin ông chủ thả ra khỏi chiếc lồng.
C. Chú vẹt thông minh tự mở lồng bay ra.
D. Người bạn bay đến cứu nên vẹt mới được về quê hương.
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn thứ ba để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Nhờ ông chủ đã nói lại cách mà người bạn đã chỉ vẹt giả chết mà chú vẹt đã thoát khỏi chiếc lồng để về quê hương.
Đáp án A.
Câu 5. Sau khi được ra khỏi lồng chú vẹt bay về đâu?
A. Khu vườn có nhiều hoa lá.
B. Vẹt cất cánh nhằm hướng tây nam bay thẳng về quê hương.
C. Vẹt ở lại nhà ông chủ.
D. Vẹt cất cánh nhằm hướng đông bay thẳng về quê hương.
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn cuối cùng để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Sau khi được ra khỏi lồng chú vẹt nhằm hướng tây nam bay thẳng về quê hương.
Đáp án B.
Câu 6. Dựa vào đoạn văn trên em hãy nêu suy nghĩ của em về chú vẹt.
Phương pháp giải:
Em đọc lại câu chuyện và cho biết chú vẹt trong câu chuyện có đặc điểm gì nổi bật.
Lời giải chi tiết:
Chú vẹt trong câu chuyện rất thông minh và khôn ngoan. Mặc dù được sống trong điều kiện tốt, chú vẫn nhớ quê hương và bạn bè. Khi nghe ông chủ nói về cái chết của mình, chú vẹt giả vờ đau buồn rồi bay đi để về lại rừng núi. Chú vẹt biết dùng lời nói và hành động để thoát ra, cho thấy sự thông minh và khéo léo của mình.
Câu 7. Trong câu ghép "Hóa ra giống vẹt cũng có tình nghĩa như người, nghe tin bạn chết vì thương nó, nó cũng đau khổ mà chết theo" có mấy vế câu?
A. 2 vế câu.
B. 3 vế câu.
C. 4 vế câu.
D. 5 vế câu.
Phương pháp giải:
Em phân tích thành phần câu và xác định số vế câu.
Lời giải chi tiết:
Hóa ra giống vẹt (CN1)/ cũng có tình nghĩa như người, nghe tin bạn chết vì thương nó (VN1), nó (CN2)/ cũng đau khổ mà chết theo (VN2).
Vậy câu ghép trên có 2 vế câu.
Đáp án A.
Câu 8. Gạch một gạch dưới cặp kết từ trong câu ghép sau:
“Chẳng những vẹt thông minh mà chú còn yêu quê hương mình”.
Phương pháp giải:
Em nhớ lại các cặp kết từ đã học và gạch chân dưới cặp kết từ có trong câu văn đã cho.
Lời giải chi tiết:
Chẳng những vẹt thông minh mà chú còn yêu quê hương mình.
Cặp kết từ trong câu văn trên là “chẳng những…mà còn…”.
Câu 9. Nêu tác dụng của điệp từ được in đậm trong đoạn văn sau:
"Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh."
Phương pháp giải:
Em dựa vào điệp từ “hàng ngàn” và nội dung đoạn văn để nêu tác dụng của điệp từ đó.
Lời giải chi tiết:
Điệp từ “hàng ngàn” có tác dụng nhấn mạnh về số lượng rất nhiều, đông đúc của lộc biếc và hoa gạo khi mùa xuân đến.
Câu 10. Đặt một câu ghép có sử dụng cặp kết từ “càng.....càng…”
Phương pháp giải:
Em lưu ý sử dụng cặp kết từ “càng…càng…” để đặt câu ghép.
Lời giải chi tiết:
Loan càng học bài chăm chỉ, bố mẹ bạn ấy càng vui lòng.
B. Kiểm tra viết
Phương pháp giải:
- Em xác định đối tượng miêu tả và lập dàn ý về đối tượng đó với bố cục 3 phần.
- Dựa trên dàn ý đã lập để viết đoạn văn.
Lời giải chi tiết:
Dàn ý :
a. Mở đầu:
- Giới thiệu sự việc
- Ấn tượng chung về sự việc
b. Triển khai:
- Diễn biến sự việc
- Cảm xúc, suy nghĩ của em đối với sự việc
c. Kết thúc: Ý nghĩa của sự việc
Bài tham khảo 1:
Tuổi thơ của bố rất khó nhọc. Những lúc rảnh rỗi, bố thường kể cho em nghe về những ngày thơ ấu vất vả ấy. Những chuyện đó bao giờ cũng khiến em vô cùng xúc động. Qua đó, bố đã dạy cho chúng em nhiều bài học nhưng câu chuyện về đôi giày của bố đã để lại cho em ấn tượng sâu đậm. Ngày còn đang đi học, bố chịu nhiều thiệt thòi hơn so với chúng bạn. Biết gia đình mình nghèo nên không bao giờ bố đua đòi theo chúng bạn. Bố luôn chịu khó học tập. Về nhà, bố giúp đỡ ông bà những công việc ở nhà. Một hôm, bà đưa bố đi chợ chơi. Khi đi qua cửa hàng bán giày, bà muốn mua cho bố một đôi giày mới. Đôi giày của bố đã cũ quá rồi. Dù rất thích có đôi giày mới nhưng bố nghĩ đến cảnh ông bà lại phải tiết kiệm hơn, chịu nhiều vất vả hơn. bố lại không đành lòng. Bố bảo: "Con không thích đôi giày ấy đâu. Giày của con nhìn cũ thế này thôi nhưng vẫn còn tốt lắm". Bố kéo tay bà nội đi qua cửa hàng giày. Để mua được đôi giày đó, bố đã dành dụm và tích góp tiền trong suốt ba tháng trời. Ngày nào cũng như ngày nào, không quản nắng mưa, bố vất vả làm việc. Bố đã biết tự mình lao động, dành dụm để mua đôi giày mới. Đó là một bài học giúp bố hiểu thêm giá trị của sức lao động.
Bài tham khảo 2 :
Em vẫn còn nhớ như in những kỉ niệm của ngày tựu trường đầu tiên. Đó là một buổi sáng mùa thu thật đẹp. Bầu trời cao vợi và xanh thẳm. Mẹ đưa em đến trường bằng chiếc xe đạp đã cũ. Hôm nay, em sẽ dự lễ khai giảng đầu tiên. Con đường đi học đã quen thuộc, nhưng em lại cảm thấy xôn xao, bồi hồi. Cuối cùng cánh cổng trường cấp một cũng hiện ra trước mắt em. Em ngạc nhiên nhìn ngôi trường hôm nay thật khác. Các anh chị học sinh lớp lớn hân hoan bước vào trường. Em được mẹ dắt vào hàng ghế của khối lớp một. Xung quanh, bố mẹ của các bạn khẽ thì thầm trò chuyện với con mình. Cô giáo chủ nhiệm lần lượt đưa chúng em vào vị trí ngồi của mình. Hôm nay, cô thật xinh đẹp trong bộ áo dài thướt tha. Nụ cười của cô khiến em cảm thấy thật ấm áp. Buổi lễ khai giảng diễn ra thật long trọng. Em cảm thấy vui vẻ và tự hào vì mình đã là học sinh lớp Một. Lời phát biểu của cô hiệu trưởng đã kết thúc buổi lễ. Tiếng trống vang lên như một lời chào mừng năm học mới đã đến. Buổi lễ khai giảng đã để lại cho em một kỉ niệm đẹp không thể nào quên. Những cảm xúc trong sáng, hồn nhiên ấy, em luôn để nó trong một góc của trái tim mình, để luôn nhớ về nó. Ngày đầu tiên đi học.

