Đề thi cuối học kì 2 Tiếng Việt 5 - Đề số 3


Hương mùi Tôi nhớ cái ngày mình chừng mười một, mười hai tuổi. Chiều Hai tám Tết mẹ bảo tôi ra đồng, nhổ mùi về. Cánh đồng vụ đông xanh màu rau củ. Mùi già khiêm nhường, cánh hoa trắng nhỏ nhoi, lơi phơi trước gió.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm văn bản sau:

Hương mùi

            Tôi nhớ cái ngày mình chừng mười một, mười hai tuổi. Chiều Hai tám Tết mẹ bảo tôi ra đồng, nhổ mùi về. Cánh đồng vụ đông xanh màu rau củ. Mùi già khiêm nhường, cánh hoa trắng nhỏ nhoi, lơi phơi trước gió. Nghe mẹ dặn, tôi chọn những cây mùi thật già, vì mùi càng già càng thơm. Tôi ôm bó mùi về mà người như được ướp bằng làn hương dìu dịu ấy. Năm nào cũng vậy, cứ chiều Ba mươi là mẹ làm mâm cỗ cúng tất niên. Tôi có nhiệm vụ rửa sạch mùi cho vào nồi, đổ ngập nước rồi cho lên bếp đun. Nồi mùi sôi sùng sục, hương thơm toả khắp ba gian nhà. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên được mùi hương ấy.

            Chẳng biết tục tắm nước mùi vào ngày tất niên có tự bao giờ, nhưng mỗi dịp xuân về, nó lại làm tôi xao xuyến, bâng khuâng. Hương mùi mộc mạc như chính con người miền quê hiền lành, chất phác. Chiều Ba mươi Tết, cả không gian chòm xóm chưa bao giờ thơm đến thế. Bà tôi bảo tắm nước mùi là để tẩy sạch những cái không may trong năm, sáng mồng Một rửa mặt lá mùi là để chào đón năm mới tốt lành đang đến.

            Mấy chục mùa xuân đi qua, tôi theo mẹ giữ nếp xưa: nấu nước mùi vào ngày tất niên. Các con tôi cũng vậy. Hôm dọn về nhà mới, dù mới Hai mươi Tết, các con vẫn nấu một nồi mùi to để nơi chân cầu thang. Hương thơm dịu dàng, thanh khiết lan toả khắp các tầng. Tôi thấy lòng mình thanh thản lạ... Ở thế kỉ hai mươi mốt này, có biết bao nhiêu loại dầu tắm, sữa tắm, hương thơm đa dạng đa màu. Nhưng với tôi, thứ nước mùi linh thiêng ấy đã ngấm vào da thịt từ thời thơ bé.

(Theo Lê Phương Liên)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1. Khi còn nhỏ, nhân vật "tôi" được giao nhiệm vụ gì trong ngày Ba mươi Tết?

A. Chọn những cây mùi già.

B. Cùng mẹ làm cỗ cúng tất niên.

C. Rửa sạch mùi, cho vào nồi nước và đun lên.

D. Ra đồng, nhổ mùi về.

Câu 2. Câu nào nói về hương thơm của mùi già khi mới được nhổ về?

A. Cả không gian chòm xóm chưa bao giờ thơm đến thế.

B. Ôm bó mùi về mà người như được ướp hương.

C. Hương thơm toả khắp ba gian nhà.

D. Hương thơm dịu dàng thanh khiết lan toả các tầng.

Câu 3. Mỗi dịp xuân về, tục tắm nước mùi khiến nhân vật "tôi" có suy nghĩ, cảm xúc thế nào?

A. Không quên được hương mùi.

B. Xao xuyến, bâng khuâng.

C. Thấy lòng thanh thản lạ.

D. Nhận ra hương mùi thật dịu dàng, thanh khiết.

Câu 4. Vì sao nhiều thế hệ trong gia đình nhân vật "tôi" muốn giữ nếp nấu nước mùi vào ngày tất niên?

A. Nước mùi già rất thơm.

B. Nước mùi giúp tắm sạch.

C. Nước mùi đã trở nên linh thiêng, gợi kí ức.

D. Nước mùi có hương thơm dịu dàng, thanh khiết.

Câu 5. Hai câu cuối của bài đọc muốn nói về điều gì?

A. Sự bận rộn của ngày tất niên

B. Sự no đủ trong những ngày Tết

C. Cảnh đẹp ngày xuân

D. Những dấu hiệu đặc trưng của ngày Tết

Câu 6. Nêu chủ đề của bài đọc Hương mùi. 

Câu 7. Phát hiện lỗi liên kết câu có trong mỗi đoạn văn sau và chữa lại cho đúng:

a. Hoa hồng thường được trồng làm cảnh. Sau đó, nhờ hương thơm đặc biệt, cánh hoa hồng còn được sử dụng để làm nước hoa.

b. Du khách đến Bồ Đào Nha thường bị lôi cuốn bởi những sắc màu rực rỡ. Đây là những vệt màu sáng tươi lung linh trên thân những con tàu. Đó còn là bầu trời ô dù bảy sắc cầu vồng rực lên dưới ánh nắng hiền hoà.

Câu 8. Từ ngữ in đậm dưới đây thay thế cho từ ngữ nào?

Đến Tây Bắc, bạn sẽ gặp những nghệ nhân người Mông thổi khèn nơi đỉnh núi mênh mang lộng gió. Hình bóng họ in trên nền trời xanh hệt như một tuyệt tác của thiên nhiên.

A. những nghệ nhân người Mông thổi khèn

B. những nghệ nhân người Mông

C. người Mông

D. những nghệ nhân

Câu 9. Tìm từ ngữ lặp lại để liên kết các câu văn sau:

a) Bé thích làm kĩ sư giống bố và thích làm cô giáo giống mẹ. Lại có lúc bé thích làm bác sĩ để chữa bệnh cho ông ngoại.

b) Mùa hè đến, hoa phượng nở rộ. Mùa hè cũng là thời gian học sinh được nghỉ ngơi sau một năm học vất vả.

Câu 10. Đặt một câu có từ “cánh” được dùng theo nghĩa chuyển.

B. Kiểm tra viết

Đề bài: Viết bài văn tả một cảnh đẹp thiên nhiên nơi em ở.

-------- Hết --------

Lời giải

  HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM

1. C

2. B

3. B

4. C

5. D

8. A

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

II. Đọc thầm văn bản sau:

Câu 1. Khi còn nhỏ, nhân vật "tôi" được giao nhiệm vụ gì trong ngày Ba mươi Tết?

A. Chọn những cây mùi già.

B. Cùng mẹ làm cỗ cúng tất niên.

C. Rửa sạch mùi, cho vào nồi nước và đun lên.

D. Ra đồng, nhổ mùi về.

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ nhất để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Khi còn nhỏ, nhân vật "tôi" được giao nhiệm vụ rửa sạch mùi, cho vào nồi nước và đun lên trong ngày Ba mươi Tết.

Đáp án C.

Câu 2. Câu nào nói về hương thơm của mùi già khi mới được nhổ về?

A. Cả không gian chòm xóm chưa bao giờ thơm đến thế.

B. Ôm bó mùi về mà người như được ướp hương.

C. Hương thơm toả khắp ba gian nhà.

D. Hương thơm dịu dàng thanh khiết lan toả các tầng.

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ nhất để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Câu nói về hương thơm của mùi già khi mới được nhổ về là: Ôm bó mùi về mà người như được ướp hương.

Đáp án B.

Câu 3. Mỗi dịp xuân về, tục tắm nước mùi khiến nhân vật "tôi" có suy nghĩ, cảm xúc thế nào?

A. Không quên được hương mùi.

B. Xao xuyến, bâng khuâng.

C. Thấy lòng thanh thản lạ.

D. Nhận ra hương mùi thật dịu dàng, thanh khiết.

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ hai để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Mỗi dịp xuân về, tục tắm nước mùi khiến nhân vật "tôi" thấy xao xuyến, bâng khuâng.

Đáp án B.

Câu 4. Vì sao nhiều thế hệ trong gia đình nhân vật "tôi" muốn giữ nếp nấu nước mùi vào ngày tất niên?

A. Nước mùi già rất thơm.

B. Nước mùi giúp tắm sạch.

C. Nước mùi đã trở nên linh thiêng, gợi kí ức.

D. Nước mùi có hương thơm dịu dàng, thanh khiết.

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ ba để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Nhiều thế hệ trong gia đình nhân vật "tôi" muốn giữ nếp nấu nước mùi vào ngày tất niên vì nước mùi đã trở nên linh thiêng, gợi kí ức.

Đáp án C.

Câu 5. Hai câu cuối của bài đọc muốn nói về điều gì?

A. Sự bận rộn của ngày tất niên

B. Sự no đủ trong những ngày Tết

C. Cảnh đẹp ngày xuân

D. Những dấu hiệu đặc trưng của ngày Tết

Phương pháp giải:

Em đọc hai câu cuối bài đọc để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Hai câu cuối của bài đọc muốn nói về những dấu hiệu đặc trưng của ngày Tết.

Đáp án D.

Câu 6. Nêu chủ đề của bài đọc Hương mùi.

Phương pháp giải:

Em nêu nội dung bài đọc và tình cảm của tác giả được thể hiện qua bài đọc.

Lời giải chi tiết:

Bài đọc kể lại những kỷ niệm tuổi thơ của tác giả gắn liền với phong tục tắm nước lá mùi vào ngày tất niên. Tác giả nhớ lại hình ảnh đi nhổ mùi, nấu nước mùi, mùi hương lan tỏa khắp nhà, cảm giác thanh thản và thiêng liêng khi cả gia đình cùng giữ gìn một nét truyền thống đẹp của ngày Tết. Qua đó, bài đọc thể hiện tình cảm yêu mến, trân trọng của tác giả với nét văn hoá truyền thống và sự gắn bó với hương vị Tết quê hương.

Câu 7. Phát hiện lỗi liên kết câu có trong mỗi đoạn văn sau và chữa lại cho đúng:

a. Hoa hồng thường được trồng làm cảnh. Sau đó, nhờ hương thơm đặc biệt, cánh hoa hồng còn được sử dụng để làm nước hoa.

b. Du khách đến Bồ Đào Nha thường bị lôi cuốn bởi những sắc màu rực rỡ. Đây là những vệt màu sáng tươi lung linh trên thân những con tàu. Đó còn là bầu trời ô dù bảy sắc cầu vồng rực lên dưới ánh nắng hiền hoà.

Phương pháp giải:

Em nhớ lại các cách liên kết câu và phát hiện từ liên kết không thích hợp.

Lời giải chi tiết:

a. Lỗi liên kết: Từ nối "Sau đó" không hợp lý vì hai câu có quan hệ bổ sung, giải thích.

Chữa lại: Sau đó => Ngoài ra.

b. Lỗi liên kết: Từ "Đây" trong câu thứ hai không chỉ rõ ràng về đối tượng được nhắc tới.

Chữa lại: Đây => Đó.

Câu 8. Từ ngữ in đậm dưới đây thay thế cho từ ngữ nào?

Đến Tây Bắc, bạn sẽ gặp những nghệ nhân người Mông thổi khèn nơi đỉnh núi mênh mang lộng gió. Hình bóng họ in trên nền trời xanh hệt như một tuyệt tác của thiên nhiên.

A. những nghệ nhân người Mông thổi khèn

B. những nghệ nhân người Mông

C. người Mông

D. những nghệ nhân

Phương pháp giải:

Em tìm cụm từ thay thế ở câu đắng trước.

Lời giải chi tiết:

Từ ngữ “họ” thay thế cho cụm từ “những nghệ nhân người Mông thổi khèn”.

Đáp án A.

Câu 9. Tìm từ ngữ lặp lại để liên kết các câu văn sau:

a) Bé thích làm kĩ sư giống bố và thích làm cô giáo giống mẹ. Lại có lúc bé thích làm bác sĩ để chữa bệnh cho ông ngoại.

b) Mùa hè đến, hoa phượng nở rộ. Mùa hè cũng là thời gian học sinh được nghỉ ngơi sau một năm học vất vả.

Phương pháp giải:

Em giải nghĩa từ “phát động” và tìm hai từ đồng nghĩa.

Lời giải chi tiết:

a) Từ ngữ lặp lại: bé thích làm

Tác dụng: Việc lặp lại cụm từ "bé thích làm" giúp câu văn mạch lạc, thể hiện các ước mơ nối tiếp nhau của nhân vật "bé".

b) Từ ngữ lặp lại: mùa hè

Tác dụng: Việc lặp lại từ "mùa hè" tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các câu, làm nổi bật chủ đề của câu là mùa hè.

Câu 10. Đặt một câu có từ “cánh” được dùng theo nghĩa chuyển.

Phương pháp giải:

Em xác định nghĩa chuyển của từ “cánh” rồi đặt câu.

Lời giải chi tiết:

- Cánh đồng lúa vào mùa chín thơm cả một vùng quê.

- Cánh buồm no gió đẩy thuyền ra khơi.

- Em mở cánh cửa đón ánh nắng xuống.

B. Kiểm tra viết

Phương pháp giải:

- Em xác định đối tượng định tả với bố cục 3 phần.

- Dựa trên dàn ý đã lập để viết bài văn hoàn chỉnh.

Lời giải chi tiết:

Dàn ý :

1. Mở bài: Giới thiệu chung về cảnh đẹp thiên nhiên nơi em ở (cánh đồng, con đường làng, sông, suối, hay danh lam thắng cảnh gì?)

2. Thân bài

a) Tả bao quát những đặc điểm nổi bật của cảnh đẹp quê hương

- Nêu đặc điểm nổi bật của cảnh đó như: Màu sắc, mùi vị chung của toàn cảnh (rộng, hẹp...) như thế nào?

b) Tả chi tiết cảnh đẹp

- Cảnh miêu tả cụ thể qua không gian, thời gian, màu sắc, hương vị...

- Hoat động của con người xung quanh cảnh đó

3. Kết bài: Cảm nghĩ của em đối với cảnh đẹp đã tả (yêu mến, nhiều kỉ niệm, gắn bó, mong có dịp trở lại...).

Bài tham khảo 1:

            Mỗi lần về quê ngoại chơi, em đều rất thích được theo bà ra bờ sông ở cuối làng chơi. Với em, đó là khung cảnh đẹp nhất ở quê hương mình.

            Con sông dài lắm, em không rõ nó chảy từ đâu và sẽ đi qua những miền đất nào nữa. Đứng ở bờ sông, nơi có bãi đất trống bà con tu sửa để tiện chờ thuyền, ghe ghé lại, em chỉ nhìn thấy hai đầu sông xa tít tắp không có điểm cuối. Nước sông hơi đùng đục, không phải là bẩn đâu, mà là do chở đầy phù sa đó. Nhờ vậy, cây cối, vườn rau hai bên bờ sông lúc nào cũng tươi xanh mướt mắt. Trên mặt sông, lúc nào cũng có những chùm lục bình trôi dạt, mỗi lần em về đều có thể nhìn thấy từng tảng xanh xanh với các đóa hoa tim tím xinh không tả xiết. Thích nhất, là hình ảnh những chiếc thuyền, ghe chở hàng hóa qua lại tấp nập. Họ như những gánh chợ di động, ai gọi là tấp vào bán hàng. Rồi cả những người chài lưới, đi bắt cua, bắt ốc ở ven bờ, rồi ra lòng sông bắt cá. Dòng sông như một người mẹ dịu hiền, bao dung cho người dân quê em vậy.

            Chiều chiều gió mát, người dân trong làng thường ra bờ sông mua đồ trên các thuyền ghe. Con nít thì chơi trò tắm sông, thi nhau nhảy rồi bơi lội. Tiếng cười, tiếng nói huyên náo cả một vùng sông. Chính nét đẹp bình dị của cuộc sống đời thường ấy, đã khiến em mê mẩn vẻ đẹp của con sông quê hương mình.

Bài tham khảo 2 :

            Quê hương em là một ngôi làng nhỏ phía dưới chân núi. Nơi đây cuộc sống bình dị, con người chất phác, thật thà. Dù đi xa đến đâu, em vẫn luôn nhớ mãi từng khung cảnh ở quê hương mình. Nhưng nhớ nhất, chính là những buổi hoàng hôn của những ngày mùa đông.

            Vào những chiều đông giá rét, chỉ tầm năm giờ chiều là trời bắt đầu tối lại, hoàng hôn buông dần xuống. Từ trên cao, ông mặt trời từ từ lùi về ngôi nhà nhỏ ở phía cuối chân trời. Bác đi xuống đến đâu, đất trời tối lại đến đó. Thoạt đầu là một sắc đỏ rực bao trùm lên mọi vật, khiến đất trời trở nên nhá nhem. Cũng là màu đỏ như lúc bình minh. Nhưng tông đỏ của buổi hoàng hôn như trầm lặng và nặng nề hơn rất nhiều. Những cơn gió theo đó bỗng chốc thổi nhanh và mạnh hơn, quét từng cơn rét buốt. Trời về tối, nên càng thêm lạnh lẽo. Hàng tre đan thành bụi thành đàn, oằn mình chống lại gió rét. Trên bầu trời vắng tanh, bởi đàn chim đàn vội kéo nhau về tổ trước khi đêm đen sụp xuống. Tiếng dế, tiếng chim im phăng phắc. Cả không gian chỉ còn tiếng xào xạc của lá cây.

            Trên những con đường xi măng trong làng, các bóng đèn đường vàng cam ấm áp dần bật sáng lên. Lúc này, trời đã gần tối hẳn, chỉ còn thấy những vùng sáng tờ mờ trên nền trời sẫm xịt. Cây cối cũng chỉ còn là những hình khối đen nhẻm mà thôi. Và sương đêm cũng dần dần ướp xuống, rải đều lên mặt đường, lên mái nhà, lên ngọn cây. Những ngôi nhà gạch mái đỏ nhỏ bé, dần sáng đèn và đỏ lửa. Mọi người sung sướng ngồi cạnh nhau, sẻ chia cho nhau những ấm áp. Rủ rỉ cho nhau nghe những chuyện của ngày dài. Bên đống lửa, chú mèo mướp nằm ngủ gà ngủ gật. Góc cạnh đó, con chó mực cũng cuộn mình ngủ say. Ngoài đường, lác đác vài người đi làm về muộn, cúi gằm lao nhanh để mong sớm về nhà. Họ chạy vụt qua, để lại những vệt sáng trong đêm. Và rồi, trời tối hẳn, đất trời lạnh lẽo, yên ắng, chỉ còn tiếng lá rít gào, tiếng lá khô xào xạc. Tất cả mọi người đều đã yên vị trong mái ấm của mình. Thế là trời đã về đêm.

            Khung cảnh hoàng hôn của làng quê vào những ngày đông, đem đến cho em những cảm giác thật đặc biệt. Là rét, là tối đấy. Nhưng chính nhờ đó, cảm giác hạnh phúc khi được ôm chú mèo nhỏ, tựa vào lưng cha xem mẹ nấu cơm trong bếp mới càng thêm ấm áp. Những sung sướng mộc mạc, giản dị ấy chỉ có những buổi hoàng hôn mới đem về được.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
  • Đề thi cuối học kì 2 Tiếng Việt 5 - Đề số 2

    5 cây số và rất nhiều yêu thương Khi tôi sắp học hết lớp 1 thì mẹ ốm một trận rất nặng phải vào bệnh viện. Tôi cứ lèo nhèo đòi vào chơi với mẹ nhưng bố kiên quyết không cho. Tôi nhớ mẹ kinh khủng. Đã thế, tôi mặc kệ hết, bố không cho tôi vào thăm thì tôi tự đi!

  • Đề thi cuối học kì 2 Tiếng Việt 5 - Đề số 1

    Út Vịnh Nhà Út Vịnh ở ngay bên đường sắt. Mấy năm nay, đoạn đường này thường có sự cố. Lúc thì đá tảng nằm chềnh ềnh trên đường tàu chạy, lúc thì ai đó tháo cả ốc gắn các thanh ray. Lắm khi, trẻ chăn trâu còn ném đá lên tàu.

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí