

Đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt 5 - Đề số 2>
Kỉ niệm mùa hè Tôi là một cô bé say mê diều. Nhà tôi ở gần bãi đất rộng, dốc - chỗ bọn con trai trong xóm chọn làm nơi thả diều. Chiều chiều, khi đã nấu cơm xong, tôi có thể đứng lặng hàng giờ để ngắm những cánh diều đủ loại, đủ màu sắc bay trên bầu trời xanh lộng gió.
Đề bài
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Kỉ niệm mùa hè
Tôi là một cô bé say mê diều. Nhà tôi ở gần bãi đất rộng, dốc - chỗ bọn con trai trong xóm chọn làm nơi thả diều. Chiều chiều, khi đã nấu cơm xong, tôi có thể đứng lặng hàng giờ để ngắm những cánh diều đủ loại, đủ màu sắc bay trên bầu trời xanh lộng gió.
Đây những chiếc diều bướm mảnh mai duyên dáng với gam màu đỏ, vàng rực rỡ. Kia những chiếc diều dơi, diều sáo,… trông mạnh mẽ chao liệng trên cao tựa như chạm vào mây. Chiều nay cũng vậy, tôi tha thẩn xem bọn con trai trèo lên bãi đất dốc lấy đà chạy xuống dong diều lên cao, tay chúng giật dây mới điệu nghệ làm sao. Bỗng “bụp”, mắt tôi tối sẫm. Tôi giật mình vì cái diều hình mặt trăng khuyết của một em nhỏ va vào mặt. Cậu bé lắp bắp vẻ hối hận.
- Em… xin lỗi. Chị… chị có sao không?
Câu nói của nó không làm tôi dịu đi chút nào, tôi gắt:
- Mắt mũi nhìn đi đâu mà để diều va vào mặt người ta. Diều này…! Diều này…! – Vừa gắt, tôi vừa giằng mạnh chiếc diều hình mặt trăng của nó, định xé, khiến thằng bé bật khóc.
Bỗng tôi nghe có tiếng con gái:
- Này, bạn!
Thì ra là một “đứa” con gái chạc tuổi tôi. Tôi lạnh lùng:
- Gì?
- Em bé chỉ không may làm rơi diều vào bạn mà sao bạn định phá đi niềm vui của nó thế.
Nhìn ánh mắt bạn, tôi bối rối cúi đầu. Tôi liền trả lại cho thằng bé cái diều, rồi lặng lẽ bỏ đi. Nhưng tôi vẫn nghe thấy tiếng bạn ấy nói với thằng bé:
- Thôi nín đi, nhà em ở đâu để chị dẫn em về.
Tôi ân hận nghĩ:
- Mình sẽ không bao giờ làm thế nữa.
Theo Nguyễn Thị Liên
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Cô bé trong truyện say mê với điều gì?
A. Dán diều
B. Thả diều
C. Ngắm diều
D. Nghe sáo diều
Câu 2. Chuyện gì xảy ra với cô bé khi cô đang xem dong diều?
A. Bị cái diều của một em nhỏ va vào mặt.
B. Bị dây diều của một em nhỏ vướng vào mặt.
C. Bị dây diều của một em nhỏ quấn vào người.
D. Bị cái diều của một em nhỏ sà vào người.
Câu 3. Cô bé đã cư xử như thế nào với em nhỏ chơi diều?
A. Gắt gỏng, giằng mạnh chiếc diều và xé tan.
B. Gắt gỏng, giằng mạnh chiếc diều và định xé.
C. Giằng mạnh chiếc diều và đánh cậu bé khóc.
D. Giằng mạnh chiếc diều và mắng mỏ cậu bé.
Câu 4. Nghe bạn gái góp ý, thái độ của cô bé thế nào?
A. Xấu hổ thẹn thùng, xin lỗi về việc đã làm, dẫn em nhỏ về.
B. Bối rối ngượng ngùng, trả diều và dẫn em nhỏ về đến nhà.
C. Xấu hổ cúi đầu, trả em nhỏ cái diều, xin lỗi về việc đã làm.
D. Bối rối cúi đầu, trả em nhỏ cái diều, ân hận về việc đã làm.
Câu 5. Theo em, cô bé đã học được bài học gì?
A. Phá đi niềm vui người khác lại là niềm vui cho chính mình.
B. Biết lỗi nhưng cố tình tìm lí do dể bào chữa.
C. Niềm vui của người khác là niềm vui của chính mình và không nên phá hoại niềm vui người khác.
D. Niềm vui của người khác không liên quan đến mình.
Câu 6. Nếu em là cô bé trong câu chuyện, em sẽ nói gì cậu bé sau khi trả lại diều?
Câu 7. Từ “gắt” trong câu “Vừa gắt, tôi vừa giằng mạnh chiếc diều hình mặt trăng của nó.” đồng nghĩa với từ nào?
A. quát
B. xấu hổ
C. lo lắng
D. đau
Câu 8. Hai câu văn sau được liên kết với nhau bằng cách nào? Nêu rõ cách liên kết trong hai câu văn đó.
“Tôi giật mình vì cái diều hình mặt trăng khuyết của một em nhỏ va vào mặt. Cậu bé lắp bắp vẻ hối hận.”
Câu 9. Câu nào sau đây là câu ghép?
A. Nhìn ánh mắt bạn, tôi bối rối cúi đầu.
B. Vừa gắt, tôi vừa giằng mạnh chiếc diều hình mặt trăng của thằng bé, định xé tan.
C. Em bé chỉ không may làm rơi diều vào bạn mà sao bạn định phá đi niềm vui của nó thế.
D. Tôi liền trả lại cho thằng bé cái diều, rồi lặng lẽ bỏ đi.
Câu 10. Thêm vế các câu thích hợp để tạo câu ghép.
a) Mưa càng to, ....................................................................................................................
b) Chẳng những Mai hiền lành mà ...........................................................................................
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Em hãy viết bài văn tả một người bạn mà em gắn bó và yêu quý nhất.
-------- Hết --------
Lời giải
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM
1. C |
2. A |
3. B |
4. D |
5. C |
7. B |
9. C |
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
II. Đọc thầm văn bản sau:
Câu 1. Cô bé trong truyện say mê với điều gì?
A. Dán diều
B. Thả diều
C. Ngắm diều
D. Nghe sáo diều
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn thứ nhất để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Cô bé trong truyện say mê với việc ngắm diều.
Đáp án C.
Câu 2. Chuyện gì xảy ra với cô bé khi cô đang xem dong diều?
A. Bị cái diều của một em nhỏ va vào mặt.
B. Bị dây diều của một em nhỏ vướng vào mặt.
C. Bị dây diều của một em nhỏ quấn vào người.
D. Bị cái diều của một em nhỏ sà vào người.
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn thứ hai để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Khi cô bé đang xem dong diều thì bị cái diều của một em nhỏ va vào mặt.
Đáp án A.
Câu 3. Cô bé đã cư xử như thế nào với em nhỏ chơi diều?
A. Gắt gỏng, giằng mạnh chiếc diều và xé tan.
B. Gắt gỏng, giằng mạnh chiếc diều và định xé.
C. Giằng mạnh chiếc diều và đánh cậu bé khóc.
D. Giằng mạnh chiếc diều và mắng mỏ cậu bé.
Phương pháp giải:
Em đọc phần hội thoại của cô bé và em nhỏ để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Cô bé đã cư xử với em nhỏ chơi diều với thái độ gắt gỏng, giằng mạnh chiếc diều và định xé.
Đáp án B.
Câu 4. Nghe bạn gái góp ý, thái độ của cô bé thế nào?
A. Xấu hổ thẹn thùng, xin lỗi về việc đã làm, dẫn em nhỏ về.
B. Bối rối ngượng ngùng, trả diều và dẫn em nhỏ về đến nhà.
C. Xấu hổ cúi đầu, trả em nhỏ cái diều, xin lỗi về việc đã làm.
D. Bối rối cúi đầu, trả em nhỏ cái diều, ân hận về việc đã làm.
Phương pháp giải:
Em đọc từ “Bỗng tôi nghe có tiếng con gái…” đến hết để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Nghe bạn gái góp ý, cô bé bối rối cúi đầu, trả em nhỏ cái diều, ân hận về việc đã làm.
Đáp án D.
Câu 5. Theo em, cô bé đã học được bài học gì?
A. Phá đi niềm vui người khác lại là niềm vui cho chính mình.
B. Biết lỗi nhưng cố tình tìm lí do dể bào chữa.
C. Niềm vui của người khác là niềm vui của chính mình và không nên phá hoại niềm vui người khác.
D. Niềm vui của người khác không liên quan đến mình.
Phương pháp giải:
Em đọc lại bài đọc và rút ra bài học cô bé nên hay không nên làm gì.
Lời giải chi tiết:
Theo em, bạn nhỏ đã học được bài học là niềm vui của người khác là niềm vui của chính mình và không nên phá hoại niềm vui người khác.
Đáp án C.
Câu 6. Nếu em là cô bé trong câu chuyện, em sẽ nói gì cậu bé sau khi trả lại diều?
Phương pháp giải:
Em đặt mình vào tình huống của cô bé và đưa ra lời nói phù hợp.
Lời giải chi tiết:
Nếu em là cô bé trong câu chuyện, em có thể nói với cậu bé như sau:
"Xin lỗi em, chị không nên cáu giận như vậy. Chị đã không nghĩ đến cảm giác của em. Diều của em rất đẹp. Chị có thể chơi cùng em được không?"
Câu 7. Từ “gắt” trong câu “Vừa gắt, tôi vừa giằng mạnh chiếc diều hình mặt trăng của nó.” đồng nghĩa với từ nào?
A. xấu hổ
B. quát
C. lo lắng
D. đau
Phương pháp giải:
Em giải nghĩa từ “gắt” trong câu đã cho rồi tìm đáp án có nghĩa giống hoặc gần giống từ em cần tìm.
Lời giải chi tiết:
Từ “gắt” trong câu “Vừa gắt, tôi vừa giằng mạnh chiếc diều hình mặt trăng của nó.” đồng nghĩa với từ “quát”.
Đáp án B.
Câu 8. Hai câu văn sau được liên kết với nhau bằng cách nào? Nêu rõ cách liên kết trong hai câu văn đó.
“Tôi giật mình vì cái diều hình mặt trăng khuyết của một em nhỏ va vào mặt. Cậu bé lắp bắp vẻ hối hận.”
Phương pháp giải:
Em nhớ lại các cách liên kết câu và tìm từ ngữ thể hiện cách liên kết đó.
Lời giải chi tiết:
Hai câu văn trên được liên kết với nhau bằng cách thay thế từ ngữ “cậu bé” thay thế cho “một em nhỏ”.
Câu 9. Câu nào sau đây là câu ghép?
A. Nhìn ánh mắt bạn, tôi bối rối cúi đầu.
B. Vừa gắt, tôi vừa giằng mạnh chiếc diều hình mặt trăng của thằng bé, định xé tan.
C. Em bé chỉ không may làm rơi diều vào bạn mà sao bạn định phá đi niềm vui của nó thế.
D. Tôi liền trả lại cho thằng bé cái diều, rồi lặng lẽ bỏ đi.
Phương pháp giải:
Em xác định thành phần câu và vế câu để xác định câu ghép.
Lời giải chi tiết:
- Nhìn ánh mắt bạn, tôi (CN)/ bối rối cúi đầu (VN).
- Vừa gắt, tôi (CN)/ vừa giằng mạnh chiếc diều hình mặt trăng của thằng bé (VN1), định xé tan (VN2).
- Tôi (CN)/ liền trả lại cho thằng bé cái diều (VN1), rồi lặng lẽ bỏ đi (VN2).
- Câu ghép là:
Em bé (CN1)/ chỉ không may làm rơi diều vào bạn (VN1) mà sao bạn(CN2)/ định phá đi niềm vui của nó thế (VN2).
Đáp án C.
Câu 10. Thêm vế các câu thích hợp để tạo câu ghép.
a) Mưa càng to, ...........................................................................................................................................
b) Chẳng những Mai hiền lành mà ...........................................................................................................................................
Phương pháp giải:
Em chú ý nội dung vế câu cho sẵn để viết vế câu thích hợp.
Lời giải chi tiết:
a) Mưa càng to, cây cối càng xanh tươi.
b) Chẳng những Mai hiền lành mà cô ấy còn rất chăm chỉ học tập.
B. Kiểm tra viết
Phương pháp giải:
- Em xác định đối tượng miêu tả và lập dàn ý về đối tượng đó với bố cục 3 phần.
- Dựa trên dàn ý đã lập để viết bài văn hoàn chỉnh.
Lời giải chi tiết:
Dàn ý :
1. Mở bài: Giới thiệu về người bạn mà em muốn miêu tả
- Tên bạn ấy là gì?
- Bạn ấy là bạn như thế nào của em?
2. Thân bài:
a. Tả hình dáng
- Chiều cao, cân nặng của bạn ấy là bao nhiêu?
- Bạn ấy để kiểu tóc gì?
- Khuôn mặt bạn ấy như thế nào?
- Đôi mắt của bạn ấy có màu gì?
- Nụ cười của bạn ấy có gì đặc biệt?
- Trang phục đi học, đi chơi của bạn ấy thế nào?
b. Tả tính cách, hoạt động
- Tính cách của bạn ấy như thế nào?
- Tính cách ấy được thể hiện qua những hành động gì?
- Những người xung quanh nhận xét bạn ấy thế nào?
- Em thích nhất điều gì ở bạn ấy?
3. Kết bài: Tình cảm của em đối với người bạn đó
- Em cảm thấy như thế nào khi chơi với bạn đó?
- Kì vọng, mong muốn của em dành cho tình bạn của hai người là gì?
Bài tham khảo 1:
Bạn thân nhất của em, là người bạn hàng xóm đã chơi với em từ lúc còn nhỏ xíu cho đến tận bây giờ. Cậu ấy là một cô gái xinh xắn có tên là Thùy Chi.
Chi là một cô gái có vẻ ngoài ưa nhìn và nổi bật. Mới học lớp 5 thôi, mà cậu ấy đã cao 1m55 và có vóc dáng cân đối, thon thả. Nước da của Chi không trắng ngần mà hơi ngăm, nhưng lại giúp cậu ấy trông rất cá tính và nổi bật. Chi có khuôn mặt dáng tròn, phần trán hơi dô, tỏ rõ tính cách có phần ương bướng của cậu ấy. Lúc nhỏ, Chi thường để mái bằng để che cái trán đó, nhưng từ lúc lớp 4 đến nay, cậu ấy luôn tự tin khoe chiếc mái ra ngoài. Mắt của Chi là mắt một mí, nên khi cười mắt híp lại như hai vầng trăng non rất đáng yêu. Mũi cậu ấy cao và thẳng, đẹp như búp bê vậy. Khuôn miệng của Chi khá rộng, khi cười tươi lên trông cứ như các cô người mẫu nước ngoài. Kiểu tóc mà Chi để nhiều nhất là buộc tóc đuôi ngựa. Hằng ngày cậu ấy thường mặc quần vải đen và đi giày thể thao lúc đến trường. Ngày nghỉ hay đi chơi thì đổi thành áo phông và quần cộc. Sự đơn giản ấy tạo cho Chi một phong cách vừa trẻ trung lại năng động. Ở nhà, Chi là em út nên rất được bố mẹ cưng chiều. Nhưng cậu ấy vẫn rất ngoan ngoãn, tự giác giúp bố mẹ làm việc nhà. Khi đến lớp thì cậu ấy là một học sinh nghiêm túc, luôn năng nổ tham gia các hoạt động tập thể.
Từ nhỏ, em và Thùy Chi đã chơi cùng nhau rồi. Sau những lần cãi vã, chúng em lại thêm hiểu và yêu quý nhau hơn. Em mong rằng dù năm, mười hay mười lăm năm nữa thì chúng em vẫn là đôi bạn thân thiết nhất.
Bài tham khảo 2 :
Trong suốt những năm tháng ở dưới mái trường Tiểu học, em có rất nhiều những người bạn tốt. Nhưng trong suốt năm năm đến trường, trong số những người bạn ấy, em có một cậu bạn thân từ hồi lớp Một cho đến bây giờ. Đó là Nam.
Nam không chỉ là bạn thân ở trường mà còn là bạn ấu thơ, người bạn hàng xóm cạnh nhà của em. Cùng là con trai nên sở thích của chúng em khá giống nhau. Trái ngược với những bạn nữ thích để tóc dài điệu đà xinh xắn, em và Nam cắt tóc ngắn. Bởi vì bọn em còn chơi rất nhiều trò hay với nhau, khi ra mồ hôi cũng không thấy quá khó chịu. Nam có nước da hơi ngăm đen vì những ngày tháng tuổi thơ cùng em chơi thả diều hay chơi đuổi bắt với đám trẻ hàng xóm. Cậu ấy có dáng người cao, đặc biệt là đôi chân dài nên Nam là người chạy nhanh nhất trong lớp. Nam sở hữu một đôi mắt sáng, lúc nào cũng linh động. Mẹ em nói người nào có đôi mắt như thế là thông minh lắm. Quả thật đúng là vậy. Nam vô cùng thông minh. Trong các giờ học, cậu ấy luôn là người giơ tay hăng hái phát biểu nhất lớp. Dù mới chỉ là học sinh lớp Năm nhưng đôi khi Nam có những câu hỏi mà khiến thầy cô giáo phải bất ngờ. Các bài kiểm tra của Nam luôn đạt điểm cao và đứng đầu lớp. Không chỉ trong các giờ học, mà ngay cả các hoạt động của lớp, Nam cũng nhiệt tình tham gia.
Nam là một người năng nổ, hoạt bát và rất dễ mến. Lớp em ai cũng quý cậu ấy. Nam và em là bạn thân từ nhỏ nên mỗi sáng cậu ấy đều qua rủ em đi học, chiều cùng đi về nhà. Chúng em thân thiết với nhau như hình với bóng khiến nhiều bạn trong lớp phải thắc mắc mà hỏi rằng: “Thế hai đứa không tách nhau ra được à?” Những lúc ấy Nam đều cười xòa và đáp lại rằng: “Không thể đâu, bọn tớ chơi thân với nhau từ bé quen rồi.”
Hồi còn nhỏ, em rất hay bị ốm nên mẹ không bao giờ cho em ra ngoài chơi cùng đám trẻ hàng xóm cả. Mỗi ngày em đều nhìn chúng chơi đùa, cười nói vui vẻ mà vô cùng khát khao. Em cứ nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ được chơi cùng chúng thì một ngày mùa thu nọ, nắng vàng dịu nhẹ trải dài khắp muôn nơi, Nam đã chạy đến trước mặt em và rủ em cùng cậu ấy đi chơi thả diều. Ban đầu em vẫn còn ngập ngừng phân vân vì mẹ không cho, nhưng ngay sau đó, Nam đã chạy vào xin phép mẹ em. Chẳng hiểu sao cậu ấy chỉ cần nói vài ba câu là mẹ em đã gật đầu đồng ý rồi. Chẳng thể chờ lâu hơn, em cùng Nam nhanh chân chạy tới triền đê, cả hai đứa cùng nhau chơi thả diều suốt ngày hôm đó. Từ ngày ấy, ngày nào Nam cũng qua rủ em đi chơi cùng, thế rồi hai đứa cứ thế mà thân nhau. Chúng em đã là bạn thân từ khi còn bé đến tận năm lớp Năm rồi, em mong rằng đến lúc lên cấp hai, bọn em vẫn sẽ học chung trường, chung lớp như bây giờ.
Em rất yêu quý Nam. Nam chính là người đã đem tới cho em rất nhiều niềm vui và kỷ niệm. Em mong rằng tình bạn của hai đứa sẽ bền lâu và gắn chặt mãi đến sau này.

