Văn bản Dế chọi (Bồ Tùng Linh) CD>
Thời Tuyên Đức, trong cung rất chuộng trò chơi chọi dế, hằng năm bắt dân gian cung tiến. Trò đó không phải nảy sinh từ đất Thiểm Tây mà do viên quan lệnh huyện Hoa Âm muốn lấy lòng quan trên, đem tiến một con dế chọi
DẾ CHỌI
- BỒ TÙNG LINH -
Thời Tuyên Đức, trong cung rất chuộng trò chơi chọi dế, hằng năm bắt dân gian cung tiến. Trò đó không phải nảy sinh từ đất Thiểm Tây mà do viên quan lệnh huyện Hoa Âm muốn lấy lòng quan trên, đem tiến một con dế chọi. Quan tỉnh thấy nó chọi hay quá, đòi phải cung tiến thường xuyên. Quan huyện cũng lại đòi lí trưởng phải cung cấp. Ngoài chợ, bọn tay chơi tìm mua được con nào tốt, đem nhốt lồng nuôi, nâng giá lên thành hàng quý lạ.
Còn bọn lí dịch giảo hoạt lấy lệ cung tiến dế, sách nhiễu dân chúng. Mỗi lần phải nộp một con dế đủ làm khuynh gia bại sản mấy nhà. Huyện ấy, có người tên Thành Danh, đã là một đồng sinh nhưng không theo học tiếp nữa. Anh ta vốn người chất phác, ít nói, cho nên bị bọn hương chức quyền thế ép phải giữ chân chức dịch trong làng. Tuy muôn phương nghìn kế chối từ nhưng vẫn không thoát. Mới chưa đầy một năm mà cái gia sản nhỏ mọn của anh ta cơ hồ đã kiệt. Gặp vụ nộp dế, Thành không dám bổ bán, sách nhiễu dân mà nhà thì không còn gì để bù, bởi thế lo buồn quá chỉ muốn chết đi cho rảnh. Người vợ khuyên can:
- Chết thì được việc gì, chi bằng tự tìm bắt lấy, may ra được con nào chăng.
Thành cho là phải. Từ đó, cứ sáng đi tối về, tay xách ống tre, lồng tơ, đủ cách bới đất, lật đá tìm hang, mọi nơi tường đổ, bờ hoang, bãi cỏ. Cũng có lần moi được vài ba con nhưng vừa yếu vừa bé, không đủ quy cách. Quan trên cứ hạn mà trách phạt, quá mất hơn chục ngày, Thành phải chịu đòn trăm gậy, đôi mông máu me bê bết mà chẳng có con dế nào để nộp. Về nhà, anh ta lăn lộn trăn trở trên giường, chỉ còn nghĩ đến chuyện tự tử mà thôi.
Lúc ấy, trong thôn có cô đồng gù mới đến, có tài bói toán cầu thần. Vợ Thành chạy tiền để bói. Gái tơ, nạ dòng kéo đến đầy chật cổng ngõ. Trong nhà, buồng kín che mành, cửa bày hương án. Người đến bói thắp hương, sì sụp lễ. Cô đồng đứng bên hướng lên không trung khấn thay, mồm mấp máy thầm thì không biết những gì. Mọi người xung quanh cung kính đứng nghe. Lát sau, trong mành ném ra mảnh giấy ghi những lời truyền phán chỉ bảo, không mảy may sai lẫn.
Vợ Thành nộp tiền trước án rồi cũng thắp hương, làm lễ như những người trước. Độ giập bã trầu thì mành động, mảnh giấy ném ra. Giở ra xem, không thấy chữ, chỉ có hình vẽ: Ở giữa là đền gác như kiểu chùa Phật; đằng sau, dưới ngọn núi nhỏ lổn nhồn những mô đá kì quái, những bụi gai tua tủa, một chú dế “thanh ma" nằm phục, bên cạnh là con ếch đang trong tư thế định nhảy ra. Xem mà không hiểu ra sao, chỉ thấy qua chú dế dường như có bao hàm ẩn ý về việc mình cầu khẩn, cho nên vợ Thành bọc giấy vào người, đem về đưa chồng xem. Thành trăn trở, tự nhủ: “Phải chăng bức vẽ chỉ cho ta chỗ bắt dế?”. Ngắm kĩ hình vẽ, thấy giống như Đại Phật Các ở mé đông thôn. Bèn gượng dậy, cầm theo bức vẽ, chống gậy lần ra phía sau chùa. Ở đó có một ngôi mộ cổ trên gò cây cỏ um tùm. Lần theo xung quanh mộ thấy đá lởm chởm rất giống hình vẽ. Thành vạch cây vén cỏ, căng mắt dỏng tai như đi tìm mũi kim hạt cải, nhưng không thấy dấu vết gì cả. Bỗng có một con ếch nhảy vọt ra, Thành kinh ngạc vội đuổi theo. Ếch lẩn vào đám cỏ. Thành dõi theo hướng, lần tìm thấy một chú dế núp dưới gốc gai. Thành chộp vội, nhưng dế đã chui tọt vào hang. Lấy cỏ nhọn chọc, nó vẫn nằm lì trong ấy. Sau phải đem ống phun nước vào, bị sặc, một chú dế cực kì to khoẻ mới bò ra. Tóm được chú ta, nhìn kĩ: mình to, đuôi dài, cổ xanh, cánh vàng. Thành vô cùng mừng rỡ liền nhốt vào lồng mang về. Cả nhà ăn mừng, cho dầu có bắt được trân châu, bảo ngọc cũng không bằng. Rồi thả vào bồn, nuôi nấng hằng ngày bằng thóc ngâm sữa, thịt cua luộc, chăm sóc chi chút từng li từng tí, đợi đến kì hạn nộp quan.
Thành có đứa con lên chín, thấy bố đi vắng liền mở trộm bồn ra xem. Dế thừa cơ vọt ra. Thằng bé đuổi theo mãi mới vồ được vào tay thì dế đã gãy cẳng, bẹp bụng, chết ngay tức khắc. Nó sợ quá, chạy mách mẹ. Mẹ vừa nghe xong, mặt nhợt như chết rồi, quát mắng ầm lên:
- Thật là tiền oan nghiệp chướng! Chết đến nơi rồi! Bố về sẽ cho mày biết!
Thằng bé khóc lóc bỏ đi. Lát sau Thành về, nghe vợ kể lại mà lạnh toát xương sống, đi tìm con thì con đã biến đâu không biết. Mãi sau mới vớt được xác con dưới giếng. Chuyển giận thành thương, Thành vật vã kêu trời muốn chết. Nhà tranh bặt khói, vợ chồng im lặng nhìn nhau không còn biết nói gì. Trời gần tối mới đem chiếu cỏ liệm thây con, ôm ấp vỗ về, thì thấy còn thoi thóp thở. Mừng quá! Nửa đêm, con sống lại. Hai vợ chồng hơi yên tâm. Song đứa con vẫn cứ trơ ra như gỗ, bằn bặt ngủ lịm.
Thành nhìn cái lồng dế rỗng không lại như đứt hơi, tắc họng, không nghĩ gì đến con nữa. Suốt một đêm ròng không hề chợp mắt, Mặt Trời mọc, Thành vẫn nằm dài, lòng buồn rười rượi. Bỗng nghe bên ngoài có tiếng dế gáy, vội nhỏm dậy nhìn ra thì dế vẫn còn đó. Thành mừng quá vồ lấy. Kêu to một tiếng, dế nhảy bật đi. Tay Thành chộp được thì thấy như dường có dường không. Mở ra, dế lại nhảy vọt mất. Hoảng hốt nhìn quanh bốn phía thấy nó đã nép trên vách. Nhưng con này vừa nhỏ vừa ngăn, đỏ đen nham nhở, không phải con trước. Thành cho là hạng bé, không thèm để mắt mà cứ quẩn quanh đi tìm con trước. Bỗng dế con từ trên vách nhảy tọt ngay vào trong tay áo Thành. Ngắm kĩ: đầu vuông, đùi dài, dáng ve sầu, cánh hoa mai, có vẻ tốt. Thành hơi mừng, giữ lấy định đem lên công đường nộp, song chỉ lo sợ không được vừa ý quan, mới nghĩ cách cho chọi thử xem sao.
Một chàng trai tay chơi trong thôn nuôi được một chú dế nòi đặt tên là “Cua sọc xanh”, hằng ngày đem chọi với dế của đồng bạn, đều thắng cả. Chàng ta muốn giữ để kiếm lời, ai trả cao giá mấy cũng chưa chịu bán. Nhân qua nhà thăm Thành, thấy dế Thành nuôi, chàng ta bịt miệng cười và đưa dế mình ra, bỏ vào lồng để đánh. Nhìn thấy dế người vừa to vừa cao, Thành lại càng xấu hổ, không dám đưa dế mình ra. Chàng trai cố ép. Thành nghĩ: Nuôi vật hèn kém cuối cùng cũng vô dụng, chi bằng đem chọi lấy một tiếng cười. Thành đưa dế vào bồn đấu. Chú dế con nằm ẹp xuống không dám động đậy. Chàng trai cười ngất, cầm cái lông lợn chọc vào râu, nó vẫn nằm im. Chàng trai lại cười, lại chọc. Dế con nổi giận, xông thẳng ra, phấn chấn cất tiếng gáy ke ke. Rồi vểnh râu, cong đuôi nhảy xổ vào cắn cổ địch thủ. Chàng trai hốt hoảng, xin ngưng chọi. Dế con dõng dạc cất tiếng gáy như báo cho chủ biết mình vừa thắng cuộc. Thành chứng kiến cảnh ấy, vui mừng vô cùng.
Đang khi cùng nhau ngắm nghía dế con thì một con gà sán lại gần, mổ dế. Thành hoảng, đứng dậy thét đuổi. May mà gà mổ không trúng. Dế co càng nhảy một phát đến hơn một thước. Gà đuổi sấn theo, dế đã nằm dưới móng gà. Thành thảng thốt không biết làm thế nào để cứu dế, chỉ còn biết giậm chân, thất sắc. Nhưng trong nháy mắt đã thấy gà vươn cổ, sã cánh. Nhìn kĩ thì dế đã bám trên mào gà, cắn chặt lấy không buông, Thành vừa kinh ngạc vừa mừng, vội bắt lấy dế bỏ vào lồng.
Hôm sau, Thành đem dâng quan huyện. Quan thấy dế nhỏ, quát ầm lên. Thành thuật lại chuyện lạ về con dế ấy, nhưng quan không tin. Đem chọi với các con khác, dế Thành đều thắng. Đem thử với gà thì quả như lời Thành nói. Quan trên thưởng cho Thành và hiến dế lên tỉnh. Quan tỉnh vui lòng lắm liền bỏ dế vào lồng vàng tiến vua, lại dâng sớ tâu rõ cái hay của nó. Đã vào cung rồi, dế còn phải tỉ thí với khắp các loại dế kì hình dị dạng của cả thiên hạ dâng tiến như dế bướm, dế bọ ngựa, dế dầu, dế "trán tơ xanh", ... con nào cũng chịu thua cả. Còn điều kì lạ hơn nữa, ở trong cung, con dế của Thành mỗi khi nghe tiếng đàn cầm, đàn sắt là lại nhảy múa theo các tiết điệu. Hoàng thượng hết sức đẹp lòng, rộng ơn ban thưởng, xuống chiếu cấp cho quan tỉnh ngựa hay, vải quý. Quan tỉnh không quên guồn gốc dế nên ít lâu sau cũng tiến cử quan huyện là người “tài năng ưu việt” có thể thăng cấp. Quan huyện sướng quá, cho Thành được miễn sai dịch; lại dặn học quan cho Thành thi lấy học vị tú tài.
Còn con Thành, hơn năm sau tinh thần trở lại như cũ và kể lại rằng: Mình đã hóa thành dế lanh lẹ, chọi giỏi, nay mới thực sống lại. Quan tỉnh biết rõ chuyện ấy, lại hậu thưởng cho Thành. Chỉ mấy năm thôi, Thành đã có ruộng đồng trăm khoảnh, lầu gác nguy nga, trâu dê đầy đàn. Ra khỏi nhà thì áo cừu, ngựa xe vượt cả các bậc quyền thế.
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
Bậc thiên tử dùng một vajata gì chốc lát rồi quên; còn kẻ hầu cận bèn lấy làm lệ định. Từ đó, qua bọn tham quan lại ngược, dân phải bán vợ đợ con không dứt. Cho nên, nửa bước của bậc thiên tử cũng quan hệ đến dân, không thể coi nhẹ được. Riêng họ Thành vì sâu mọt mà nghèo, vì dế chọi mà giàu, vênh vang áo cừu, ngựa béo, lúc còn bị lí dịch sách nhiễu chắc chẳng tưởng đến chuyện như thế. Còn ơn trời đền đáp sao mà dài lâu hậu hĩ vậy, khiến cho quan tỉnh, quan huyện đều được hưởng ân huệ và phúc ấm của dế. Ta từng nghe: “Một người thăng thiên, gà chó cũng thành tiên”. Đáng tin vậy thay!
Các bài khác cùng chuyên mục
- Văn bản Phân tích bài "Khóc Dương Khuê"
- Văn bản Về truyện "Làng" của Kim Lân (Nguyễn Văn Long)
- Văn bản Nói thêm về "Chuyện người con gái Nam Xương" (Nguyễn Đình Chú)
- Văn bản Đình công và nổi dậy (trích vở kịch Kim tiền - Vi Huyền Đắc)
- Văn bản Người thứ bảy (Mu-ra-ka-mi)
- Văn bản Phân tích bài "Khóc Dương Khuê"
- Văn bản Về truyện "Làng" của Kim Lân (Nguyễn Văn Long)
- Văn bản Nói thêm về "Chuyện người con gái Nam Xương" (Nguyễn Đình Chú)
- Văn bản Đình công và nổi dậy (trích vở kịch Kim tiền - Vi Huyền Đắc)
- Văn bản Người thứ bảy (Mu-ra-ka-mi)