Văn bản Về truyện "Làng" của Kim Lân (Nguyễn Văn Long)>
1. […] Làng là một truyện ngắn có cốt truyện rất đơn giản, tập trung vào diễn tả tâm trạng của nhân vật chính – ông Hai, hay có thể nói đây là một kiểu cốt truyện tâm lí.
VỀ TRUYỆN LÀNG CỦA KIM LÂN
1. […] Làng là một truyện ngắn có cốt truyện rất đơn giản, tập trung vào diễn tả tâm trạng của nhân vật chính – ông Hai, hay có thể nói đây là một kiểu cốt truyện tâm lí.
2. Ngay từ những dòng đầu, truyện đã mở ra với tâm trạng của ông Hai ở nơi tản cư: Tối nào cũng vậy, cứ đến lúc nhà lên đèn và bà Hai ngồi lầm rầm tính toán những tiền cua, tiền bún, tiền kẹo, ... thì một tâm trạng buồn bực lại dậy lên trong lòng ông Hai khiến ông phải vùng dậy sang bên bác Thứ nói chuyện. Cái việc ông Hai cứ tối tối lại tìm sang bác hàng xóm cũng là người tản cư để nói chuyện chính là một cách để giải toả những nỗi buồn bực, nghĩ ngợi vẫn vơ và nhất là để thổ lộ nỗi nhớ da diết cái làng của ông. Bởi vậy, trong cuộc trò chuyện, chỉ có ông Hai nói và bác Thứ ngồi nghe. Mà thực ra thì ông Hai cũng chẳng để ý lắm đến việc người cùng trò chuyện có nghe ông nói hay không, ông chỉ cốt nói để trút vợi tâm trạng và nhất là cho đỡ nhớ cái làng của mình. “Ông nói chuyện về cái làng ấy một cách say mê và náo nức lạ thường. Hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển, hoạt động.".
Ngòi bút miêu tả tâm lí của Kim Lân càng tỏ ra sâu sắc khi đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống thử thách để làm bộc lộ chiều sâu tâm trạng của nhân vật, đó là tình huống ông Hai đột ngột nghe tin dữ: Làng Chợ Dầu của ông theo giặc lập tề.
Cái tin ấy đến với ông vào một buổi trưa giữa lúc tâm trạng ông đang rất phấn chấn vì nghe được nhiều tin ta đánh thắng giặc trên tờ báo ở phòng thông tin. Cái tin ấy đến với ông quá đột ngột, khiến ông sững sờ đến nỗi: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được.”. Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông đã cố gặng hỏi để hi vọng cái tin ấy là không đúng sự thật. Nhưng những người đưa tin lại kể rành rọt quá và khẳng định họ vừa từ dưới ấy lên, nên ông không thể nào nghi ngờ gì nữa. Từ lúc ấy, ông Hai rơi vào một tâm trạng đau đớn, tủi hổ ngày càng nặng nề. Trước càng tự hào, hãnh diện bao nhiêu về cái làng của mình thì nay ông Hai lại càng đau đớn, tủi hổ bấy nhiêu. Suốt ngày ông không bước ra đến ngõ. Ông chỉ quanh quẩn trong gian nhà chật hẹp, lắng tai nghe ngóng động tĩnh bên ngoài: “Một đám đông xúm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, người ta đang bàn tán đến “cái chuyện ấy”. Cứ thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam-nhông, ... là ông lủi ra một góc nhà, nín thít. Thôi lại chuyện ấy rồi!”. Tác giả đã diễn tả rất cụ thể và sâu sắc cái tâm trạng nặng nề đến thành một nỗi sợ sệt luôn ám ảnh trong tâm trí ông Hai.
Không khí nặng nề bao trùm cả gia đình ông từ khi có cái tin ấy. Cả nhà, từ ông Hai, bà Hai đến lũ trẻ con đều sống trong tâm trạng nặng nề, nơm nớp, không ai dám nói to, trẻ con không dám cười đùa. Lòng tự hào về làng quê của ông đã bị tổn thương nặng nề. Nỗi tủi hổ vì là dân của cái làng Việt gian theo Tây đè nặng khiến ông Hai không dám ló mặt ra ngoài, cả đến bên bác Thứ ông cũng không dám sang. Tình thế của ông Hai và gia đình càng khốn đốn hơn khi mà mụ chủ nhà đã ngỏ ý không cho gia đình ông ở nhờ nữa, vì nghe nói có lệnh không chứa chấp những người của cái làng Chợ Dầu theo Tây. Nhưng, chính trong tình thế ấy mới càng bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê đã thống nhất với lòng yêu nước ở một người nông dân bình thường như ông Hai. Trong lúc dường như đã tuyệt đường sinh sống, ông Hai thoáng có ý nghĩ “Hay là quay về làng?” nhưng ông đã gạt ngay ý nghĩ ấy. Bởi vì làng bây giờ đã theo Tây, bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ, là cam chịu trở lại với kiếp nô lệ nhục nhã mà chỉ mới nghĩ đến ông đã thấy rùng mình. Bởi thế mà ông Hai đã tự xác định một cách đau đớn nhưng dứt khoát: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.".
Sự mở rộng và thống nhất của tình yêu quê hương trong tình yêu nước và tình cảm giai cấp là nét mới trong nhận thức và tình cảm của quần chúng cách mạng mà văn học thời kì kháng chiến đã chú trọng làm nổi bật. Hẳn chúng ta còn nhớ những người trai làng trong thơ của Chính Hữu, Hồng Nguyên sẵn sàng từ biệt những gì thân thiết, gắn bó cả đời ở làng quê để bước vào cuộc đời người lính:
- Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính
(Đồng chí - Chính Hữu)
- Ba năm rồi gửi lại quê hương
Mái lều gianh,
Tiếng mõ đêm trường,
Luống cày đất đỏ
İt nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya
(Nhớ - Hồng Nguyên)
Cao trào trong tâm trạng của nhân vật và cũng là lúc biểu lộ một cách sâu sắc, cảm động tình cảm chân thành, thiêng liêng của ông Hai với quê hương, với đất nước và cách mạng, đó là cảnh ông Hai trò chuyện với thằng con út:
“Ông lão ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ hỏi:
- Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai?
- Là con thầy mấy lị con u.
- Thế nhà con ở đâu?
- Nhà ta ở làng Chợ Dầu.
- Thế con có thích về làng Chợ Dầu không?
Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ:
- Có.".
Thì ra, tình yêu làng quê ở ông Hai trước sau vẫn son sắt và sâu nặng, dù có lúc ông đã tức giận và đau đớn tự nhủ: “làng theo Tây mất rồi thì phải thù".
Đoạn đối thoại tiếp theo của hai bố con càng cho thấy tình cảm gắn bó thuỷ chung đến thành một niềm thiêng liêng ở ông đối với Cụ Hồ, cũng tức là đối với cách mạng và kháng chiến:
“Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu ông lại hỏi:
- À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?
Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:
- Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!
Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:
- Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ, con nhỉ.".
Trong tâm trạng buồn khổ quá mà không thể tâm sự cùng ai, ông Hai chỉ còn biết thủ thỉ với đứa con còn ngây thơ. Ông nói như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa. Đó là tấm lòng trước sau gắn bó với quê hương, một lòng một dạ với đất nước, với Cụ Hồ: “Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ đám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai.".
3. Trong văn học cách mạng Việt Nam đã có nhiều tác phẩm thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng của nhân dân đối với cách mạng và đất nước, nhưng có lẽ truyện ngắn Làng của Kim Lân ở trong số những tác phẩm thành công sớm nhất với cách diễn tả thật bình dị, tự nhiên và đặc sắc. Có được thành công này chính là vì tác giả rất am hiểu và gắn bó với những người nông dân và cuộc sống nông thôn nơi quê ông cùng với một ngòi bút viết truyện ngắn vững vàng, đặc sắc ngay từ trước Cách mạng tháng Tám. [ ... ]
Các bài khác cùng chuyên mục
- Văn bản Phân tích bài "Khóc Dương Khuê"
- Văn bản Về truyện "Làng" của Kim Lân (Nguyễn Văn Long)
- Văn bản Nói thêm về "Chuyện người con gái Nam Xương" (Nguyễn Đình Chú)
- Văn bản Đình công và nổi dậy (trích vở kịch Kim tiền - Vi Huyền Đắc)
- Văn bản Người thứ bảy (Mu-ra-ka-mi)
- Văn bản Phân tích bài "Khóc Dương Khuê"
- Văn bản Về truyện "Làng" của Kim Lân (Nguyễn Văn Long)
- Văn bản Nói thêm về "Chuyện người con gái Nam Xương" (Nguyễn Đình Chú)
- Văn bản Đình công và nổi dậy (trích vở kịch Kim tiền - Vi Huyền Đắc)
- Văn bản Người thứ bảy (Mu-ra-ka-mi)