Đối tượng nghiên cứu


Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3-2-1930. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.

  1. Đối tượng nghiên cứu

a)           Khái niệm "đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam"

Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3-2-1930. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.

Thấm nhuần chủ nghĩa Mác — Lênin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn và trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, vấn đề cơ bản trước hết là đề ra đường lối cách mạng. Đây là công việc quan trọng hàng đầu của một chính đảng.

Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam là hệ thống quam điểm, chủ trương, chính sách về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của cách mạng Việt Nam. Đường lối cách mạng được thể hiện qua cương lĩnh, nghị quyết của Đảng.

Về tổng thể, đường lối cách mạng của Đảng bao gồm đường lối đối nội và đường lối đối ngoại.

Đường lối cách mạng của Đảng là toàn diện và phong phú. Có đường lối chính trị chung, xuyên suốt cả quá trình cách mạng, như: đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Có đường lối cho từng thời kỳ lịch sử, như: đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa; đường lối cách mạng trong  thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền (1939 - 1945); đường lối cách mạng miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ (1954 - 1975); đường lối đổi mới (từ Đại hội VI, 1986). Ngoài ra, còn có đường lối cách mạng vạch ra cho từng lĩnh vực hoạt động như: đường lối công nghiệp hóa; đường lối phát triển kinh tế - xã hội; đường lối văn hóa - văn nghệ; đường lối xây dựng Đảng và Nhà nước; đường lối đối ngoại...

Đường lối cách mạng của Đảng chỉ có giá trị chỉ đạo thực tiễn khi phản ánh đúng quy luật vận động khách quan. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng, Đảng phải thường xuyên chủ động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để kịp thời điều chỉnh, phát triển đường lối, nếu thấy đường lối không còn phù hợp với thực tiễn thì phải sửa đổi.

Đường lối đúng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng; quyết định vị trí, uy tín của Đảng đối với quốc gia dân tộc. Vì vậy, để tăng cường vai trò lạnh đạo của Đảng, trước hết phải xây dựng đường lối cách mạng đúng đắn. Nghĩa là, đường lối của Đảng phải được hoạch định trên cơ sở quan điểm lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tri thức tiên tiến của nhân loại; phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn cách mạng Việt Nam và đặc điểm, xu thế quốc tế. Mục tiêu của đường nhằm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đường lối đúng sẽ đi vào đời sống, soi sáng thực tiễn, trở thành ngọn cờ thức tỉnh, động viên và tập hợp quần chúng nhân dân tham gia tự giác phong trào cách mạng cách hiệu quả nhất; ngược lại, nếu sai lầm về đường lối thì cách mạng sẽ bị tổn thất, thậm chí bị thất bại.

b) Đối tượng nghiên cứu môn học.

Môn học Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ bản nghiên cứu đường lối do Đảng đề ra trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay. Do đó, đối tượng nghiên cứu cơ bản của môn học là hệ thống quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng trong tiến trình cách mạng Việt Nam - từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Môn học Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác — Lênin và môn học Tư tưởng Hồ Chi Minh. Vì đường lối của Đảng là sự vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Do đó, nắm vững hai môn học này sẽ trang bị cho sinh viên tri thức và phương pháp luận khoa học để nhận thức và thực hiện đuờng lối, chủ trương, chính sách của Đảng một cách sâu sắc và toàn diện hơn.

Mặt khác, vì đường lối cách, mạng không chỉ nói lên sự vận dụng sáng tạo các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn thể hiện sự bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới của Đảng ta. Do đó, việc nghiên cứu Đường lối cách mạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ góp phần làm sáng tỏ vai trò nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Loigiahay.com


Bình chọn:
3.7 trên 10 phiếu
  • Nhiệm vụ nghiên cứu

    Yêu cầu đặt ra đối với việc dạy và học môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam