Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và nội dung Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng?


Trước nhu cầu cấp bách của phong trào cách mạng trong nước, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đến Hương Cảng (Trung Quốc) triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất của Việt Nam.

Trước nhu cầu cấp bách của phong trào cách mạng trong nước, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đến Hương Cảng (Trung Quốc) triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất của Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã viết: "Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một Đảng". Hội nghị thành lập Đảng Hội nghị được tiến hành trong thời gian (từ ngày 6-1-1930 đến ngày 7-2-1930), với nhiều địa điểm khác nhau tại Hương Cảng (Trung Quốc). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960) đã quyết định lấy ngày 3-2-1930 là ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Dự Hội nghị gồm 2 đại biểu của Dông Dương Cộng sản Đảng (Trịnh Đinh Cửu và Nguyễn Đức Cảnh), 2 đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng (Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu), dưới sự chủ trì cùa Nguyễn Ái Quốc - đại diện của Quốc tế Cộng sản. Nội dung Hội nghị: Thông qua các văn kiện Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt.  Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo lấy tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đại biểu về nước phai tổ chức một Trung ương lâm thời gồm 7 ủy viên chính thức và 7 ủy viên dự khuyết để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

(Đại diện của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không đến kịp, vì vậy đến ngày 24-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra quyết nghị chấp nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam).

Hội nghị hợp nhất có ý nghĩa như là Đại hội thành lập Đảng.

Nội dung cơ bản của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng:

Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng được thông qua trong Hội nghị hợp nhất được coi là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Từ việc phân tích một Cách khách quan tình hình kinh tế, chính trị, xã hội) Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX. Cương lĩnh đã vạch ra phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam: "Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản’’. Tính chất giai đoạn và lý luận cách mạng không ngừng đã được thể hiện trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng: Cách mạng tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị để tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là con đường cứu nước mới, khác với những chủ trương, những con đường cứu nước của những nhà yêu nước đương thời đã đi vào bế tắc và thất bại. Đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam được phản ánh trong Cương lĩnh đã thể hiện được tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Việc xác định đúng đắn phương hướng, con đường của cách mạng Việt Nam ngay từ đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là ngọn cờ tập hợp lực lượng cách mạng, là cơ sở để giải quyết đúng đắn các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.

Về nhiệm vụ, mục tiêu cơ bản của cách mạng tư sản dân quyền (sau này gọi là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân) là chống đế quốc, chống phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng. Đây là hai nhiệm vụ cơ bản. Xuất phát từ đặc điểm của chế độ thuộc địa nửa phong kiến, Cương lĩnh đã phân tích mọi quan hệ gắn bó của hai nhiệm vụ cơ bản là chống đế quốc và chống phong kiến có gắn bó mật thiết với nhau nhưng trước hết phải đánh đổ đế quốc chủ nghĩa "làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập".

Về lực lượng của cách mạng Việt Nam, Cương lĩnh chỉ ra rằng, phải đoàn kết với tất cả các giai cấp, các tầng lớp nhân dân yêu nước để thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc: "Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập". Đồng thời, Cương lĩnh cũng đã chỉ ra lực lượng chính, động lực chủ yếu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam là: "Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chính, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được". Đây là sự thể hiện tính nguyên tắc trong chính sách đại đoàn kết dân tộc và sự sắp xếp, tổ chức lực lượng cách mạng của Đảng ta. Việc tập hợp lực lượng rộng rãi cũng như xác định được động lực chủ yếu, cơ bản của sự nghiệp cách mạng phản ánh sự mềm dẻo và linh hoạt trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta.

Về phương pháp cách mạng: sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để đánh đổ đế quốc phong kiến. Việc nêu lên phương pháp cách mạng bạo lực đã thể hiện sự thấm nhuần và tiếp thu tư tưởng cách mạng bạo lực và khởi nghĩa vũ trang của chủ nghĩa Mác - Lênin. Con đường phát triển là cách mạng chứ không phải là cải cách, thỏa hiệp.

Về vấn đề đoàn kết quốc tế, Cương lĩnh nêu rõ: "Trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp’’. Đồng thời, Cương lĩnh cũng xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, đề cao vấn đề đoàn kết quốc tế chính là sự thể hiện việc kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, lợi ích dân tộc và lợi ích toàn nhân loại tiến bộ đang đấu tranh để giải phóng khỏi ách áp bức, bất công trên thế giới.

Để thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, Cương lĩnh đã khẳng định vai trò quyết định của Đảng: Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp. Để làm tròn sứ mệnh lịch sử là nhân tố tiên phong quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Đảng phải: "thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh dạo được dân chúng". Khẳng định bản chất giai cấp của Đảng vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và chiến lược đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh công nông là những vấn đề then chốt bảo đảm cho Đảng ta trở thành nhân tố duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định được những nội dung cơ bản nhất của con đường cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên cách mạng Việt Nam có một bản cương lĩnh chính trị phản ánh được quy luật khách quan của xã hội Việt Nam, đáp ứng những nhu cầu cơ bản và cấp bách của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta... Vì vậy. Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường".

Sự đúng đắn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã được khẳng định bởi quá trình khảo nghiệm của lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta suốt bảy mươi lăm năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và đến nay vẫn là ngọn cờ dẫn dắt nhân dân ta trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ỷ nghĩa của việc ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam

Mở ra thời kỳ mới cho cách mạng nước ta: thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Việt Nam từ đây có đường lối và tổ chức lãnh đạo, chấm dứt sự khủng hoảng và bế tắc trong con đường cứu nước.

Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Điều đó nói lên quy luật ra đời của Đảng và cũng khẳng định ngay từ đầu vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.

      Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam chứng tỏ các giai cấp công nhân đã trưởng thành và đủ khả năng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam.     

     Những nội dung cơ bản của Cương lĩnh đầu tiên của Đảng có ý nghĩa to lớn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sự đúng đắn của Cương lĩnh đã được lịch sử khẳng định và vẫn là ngọn cờ dẫn dắt nhân dân ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.

       Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập khẳng định dứt khoát con đường đi lên của dân tộc Việt Nam từ năm 1930 là con đường cách mạng vô sản. Đó là sự lựa chọn của chính nhân dân Việt Nam, chính lịch sử dân tộc Việt Nam trong quá trình tìm con đường giải phóng dân tộc.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.4 trên 10 phiếu

>> Xem thêm