Cảm nhận về hai đoạn thơ trong Từ ấy (Tố Hữu) và Sóng (Xuân Quỳnh)>
Tố Hữu và Xuân Quỳnh đã gặp gỡ nhau khi hi sinh bản thân mình, gắn cái “tôi” với cái “ta”, gắn tình cảm cá nhân với tình cảm cộng đồng
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
Tôi buộc lòng tôi với người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạch khối đời
(Từ ấy – Tố Hữu)
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
(Sóng – Xuân Quỳnh)
Dàn ý
KHÁI QUÁT:
- Giới thiệu về Tố Hữu với bài thơ “Từ ấy” và Xuân Quỳnh với bài thơ “Sóng”.
+ Tố Hữu – một nhà thơ lớn của nền văn học Cách mạng Việt Nam. Hồn thơ Tố Hữu bắt gặp và gắn bó với lí tưởng Cách mạng từ rất sớm. “Từ ấy” là một bài thơ hay, đánh dấu bước ngoặt trong tư tưởng và cuộc đời ông.
+ Xuân Quỳnh – một hồn thơ nữ vừa đằm thắm, dịu dàng vừa sâu sắc, mãnh liệt – một gương mặt tiêu biểu của thơ ca thời kì chống Mĩ. “Sóng” là một trong những thi phẩm đặc sắc nhất, tiêu biểu nhất cho hồn thơ Xuân Quỳnh.
- Trích dẫn hai đoạn thơ.
PHÂN TÍCH:
a. Đoạn thơ trong bài thơ “Từ ấy”
“Tôi buộc lòng tôi với người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạch khối đời”
Đây là khổ 2 của bài thơ, là lời thề hứa nguyện gắn bó suốt đời với lí tưởng Cách mạng của nhà thơ.
- “Buộc” và “trang trải”là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng nó đều nằm trong nhận thức mới về lẽ sống của Tố Hữu: đoàn kết gắn bó, tự nguyện gắn bó đời mình với nhân dân cần lao, với hết thảy nhân dân lao động Việt Nam.
- Xác định vị trí của mình là đứng trong hàng ngũ nhân dân lao động chưa đủ, Tố Hữu còn biểu hiện một tinh thần đoàn kết, tình cảm nồng thắm, chan hòa với nhân dân.Tình yêu người, yêu đời trong Tố Hữu đã nâng lên thành chủ nghĩa nhân đạo cộng sản.Nhà thơ muốn được như Mác: “Vì lẽ sống, hy sinh cho cuộc sống – Đời với Mác là tình cao nghĩa rộng”, mong ước xây dựng một khối đời vững chắc làm nên sức mạnh quần chúng cách mạng.
=> Lời thơ nống nàn, tha thiết, sôi nổi, nghệ thuật điệp "tôi", " để" đã cho thấy sự say mê lí tưởng và sự trưởng thành của nhà thơ: Cái Tôi nhà thơ đã hòa nhập với với cái ta chung.
b. Đoạn thơ trong bài thơ “Sóng”
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Đoạn thơ là khổ cuối của bài “Sóng”, là khao khát hòa nhập trong tình yêu của Xuân Quỳnh.
- Đây là một khát khao đầy nữ tính. Xuân Quỳnh mơ ước được “tan ra” như “trăm con sóng nhỏ” giữa biển lớn tình yêu, nghĩa là quên mình, hi sinh cho người mình yêu và cho tình yêu của mình. Tan ra mà không mất đi, ngược lại nó biết rằng mình sẽ còn mãi, sẽ ngàn năm còn vỗ.
- Những cặp khái niệm những tưởng đối lập nhau: “sóng” – “bờ”, “sóng” – “biển”, “tan ra” – “còn vỗ”…thật ra lại rất thống nhất. Đây là hành trình đi đến cõi bất tử của tình yêu.
- Hình ảnh “biển lớn tình yêu” trong thơ Xuân Quỳnh mang một ý nghĩa thật đẹp đẽ. Tình yêu của mỗi cá nhân con người sẽ thật nhỏ bé, mong manh và nhiều khi trở nên vô nghĩa, phù phiếm nếu nó không gắn với cuộc đời rộng lớn. Nghĩa là Xuân Quỳnh đã đi từ thế giới của cái tôi đến thế giới của cái ta, đã mang hạnh phúc của lứa đôi hòa vào hạnh phúc của muôn người.
=> Lời thơ rất ngắn gọn mà hàm súc, cho ta thấy vẻ đẹp nữ tính và sự sâu sắc của hồn thơ Xuân Quỳnh
ĐÁNH GIÁ:
- Hai đoạn thơ thuộc hai bài thơ khác nhau, do hai nhà thơ sáng tác, tưởng chừng như khác biệt nhưng thực ra lại có điểm tương đồng: Tố Hữu và Xuân Quỳnh đã gặp gỡ nhau khi hi sinh bản thân mình, gắn cái “tôi” với cái “ta”, gắn tình cảm cá nhân với tình cảm cộng đồng.
- Tuy nhiên ở mỗi đoạn thơ, các nhà thơ lại gửi gắm những tâm tư khác nhau:
+ Tố Hữu hi sinh bản thân cho Tổ quốc, cho nhân dân cần lao còn Xuân Quỳnh lại quên mình, hi sinh cho người mình yêu và cho tình yêu của mình.
+ Nếu Tố Hữu gắn bó đời mình với nhân dân lao động, thể hiện tinh thần đoàn kết, tình cảm nồng thắm, chan hòa với nhân dân thì Xuân Quỳnh lại gắn tình yêu cá nhân với cuộc đời rộng lớn, mang hạnh phúc cá nhân hòa vào hạnh phúc của muôn người.
- Sở dĩ có sự khác biệt là do yếu tố thời đại, sự khác biệt về tư tưởng, phong cách của mỗi nhà thơ.
Bài mẫu
Tố Hữu – một nhà thơ lớn của nền văn học Cách mạng Việt Nam. Hồn thơ Tố Hữu bắt gặp và gắn bó với lí tưởng Cách mạng từ rất sớm. “Từ ấy” là một bài thơ hay, đánh dấu bước ngoặt trong tư tưởng và cuộc đời ông. Xuân Quỳnh – một hồn thơ nữ vừa đằm thắm, dịu dàng vừa sâu sắc, mãnh liệt – một gương mặt tiêu biểu của thơ ca thời kì chống Mĩ. “Sóng” là một trong những thi phẩm đặc sắc nhất, tiêu biểu nhất cho hồn thơ Xuân Quỳnh. Hai khổ cuối của hai bài thơ đều là những khổ thơ đặc sắc, gửi gắm nỗi niềm của hai tác giả.
"Từ ấy” là một trong những sáng tác tiêu biểu nhất của nhà thơ. Bài thơ thể hiện bước chuyển mình, bước ngoặt lớn trong cuộc đời của một chàng thanh niên trẻ. Việc đứng trong hàng ngũ của Đảng đã thay đổi cuộc đời của ông.
Bài thơ ra đời năm 1938 ,khi ấy nhà thơ mới 18 tuổi. Ở cái tuổi trẻ và đẹp nhất của đời người ấy, còn gì hạnh phúc hơn khi tìm được chân lý, tìm được ánh sáng của cuộc đời. Tìm được con đường đi đúng đắn giữa muôn vàn ngã rẽ của tuổi mười tám,đôi mươi.
Từ nay, chàng trai trẻ ấy sẽ được ngọn cờ của Đảng dẫn dắt và dìu bước, sẽ trưởng thành và kiên cường hơn. Bởi vì niềm hạnh phúc và hân hoan đó, nên bài thơ vang lên với một nhịp điệu rộn ràng như lời ca,tiếng hát .Tất cả đều trong sáng,rạo rực và trào dâng cảm xúc.Thật đẹp và đáng tự hào.
Khổ thơ thứ hai, tác giả viết:
“Tôi buộc lòng tôi với người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạch khối đời”
“Tôi buộc lòng tôi” – đó là sự tự nguyện nhưng cũng chính là trách nhiệm cao cả của một người cộng sản. Họ phải đem cái tôi cá nhân của mình hòa chung với cái chung của mọi người. Nghĩ tới lợi ích của nhân dân,đất nước đầu tiên và sẵn sàng hy sinh những lợi ích riêng tư của bản thân.
Vui chung niềm vui của tầng lớp lao động nghèo khổ và đau chung nỗi đau của dân tộc mất nước lầm than. Cùng ăn cùng ở,cùng chiến đấu với tầng lớp nông dân,công nhân lao động nghèo. Để lan tỏa tình thương, sự đoàn kết gắn bó giữa các tầng lớp nhân dân. Để truyền cho họ ánh sáng của mặt trời chân lý mà nhà thơ đã được giác ngộ. Đi theo Đảng và đi theo cách mạng ,cuộc đời sẽ hạnh phúc và tự do.
Ở khổ thơ này cũng thể hiện một đường lối vô cùng đúng đắn của Đảng khi khẳng định: cách mạng sinh ra từ quần chúng nhân dân,và gắn bó bền chặt với nhân dân. Lấy sự đoàn kết của nhân dân là cội nguồn của sức mạnh. Đảng chỉ mạnh, cách mạng chỉ phát triển khi được sự ủng hộ và tin yêu của quần chúng. Đó cũng là lời nhắc nhở những người Đảng viên luôn luôn phải lắng nghe ,gắn bó và không được xa rời quần chúng nhân dân.
Bài thơ “Sóng” được Xuân Quỳnh sáng tác tại biển Diêm Điền năm 1967, sau được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Bài thơ mang âm hưởng của những con sóng biển và những con sóng lòng đang khao khát tình yêu. Bài thơ có hai hình tượng cùng song hành và hòa điệu, đó là “Sóng” và “Em”. Hai hình tượng này đã tạo nên nét đáng yêu cho bài thơ.
Đọc cả bài thơ ta thấy quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh, ngoài vẻ đẹp truyền thống là nỗi nhớ, lòng thủy chung son sắt và nghị lực niềm tin. Đến hai khổ cuối, ta còn thấy nữ sĩ có một ước vọng thật đẹp là tình yêu được tan vào sóng để dâng hiến và bất tử vĩnh hằng.
Những trải nghiệm cay đắng khiến Xuân Quỳnh sớm nhận ra và thấm thía sự hữu hạn của cuộc đời, của lòng người, nhưng khác với người đàn ông trong Xuân Diệu luôn khát khao chiếm lĩnh và tận hưởng, trái tim người phụ nữ trong Xuân Quỳnh lại có một mong ước đầy nữ tính:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Câu thơ “Làm sao được tan ra…” mang cấu trúc nghi vấn – cầu khiến cho thấy cả nỗi trăn trở và niềm mong ước của người phụ nữ thật da diết và thành thực. “Tan ra” là hi sinh, là dâng hiến, là mong được hóa thân thành “trăm con sóng nhỏ giữa biển lớn tình yêu”; mong ước được hi sinh và dâng hiến cũng là mong được sống hết mình, sống mãnh liệt trong tình yêu. Khao khát cháy bỏng trong tình yêu đã được nhà thơ bày tỏ chân thành, táo bạo và cũng thật nhân hậu, vị tha. Hai câu cuối mở ra cảm giác mênh mang của không gian “biển lớn” cùng sự vĩnh hằng của thời gian “ngàn năm”. Khi sống hết mình, yêu hết mình, để tình yêu lớn lao tới mức tan hòa trong cái vô biên của trời đất thì lúc ấy tình yêu cũng đồng thời được nhập vào dòng thời gian vĩnh hằng, tình yêu sẽ trường tồn cùng năm tháng, cùng đất trời, vũ trụ. Vậy là, con người sẽ làm được điều kì diệu, sẽ chiến thắng được cái hữu hạn của cả thời gian và không gian, sẽ vĩnh viễn hóa tình yêu ngay trong cái ngắn ngủi, thoáng chốc của cuộc đời nếu họ dâng hiến và hi sinh trọn vẹn cho tình yêu. Đó cũng là tâm nguyện cao đẹp thường xuất hiện trong thơ Xuân Quỳnh:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.”
(Tự hát)
Hai đoạn thơ thuộc hai bài thơ khác nhau, do hai nhà thơ sáng tác, tưởng chừng như khác biệt nhưng thực ra lại có điểm tương đồng: Tố Hữu và Xuân Quỳnh đã gặp gỡ nhau khi hi sinh bản thân mình, gắn cái “tôi” với cái “ta”, gắn tình cảm cá nhân với tình cảm cộng đồng. Tuy nhiên ở mỗi đoạn thơ, các nhà thơ lại gửi gắm những tâm tư khác nhau. Tố Hữu hi sinh bản thân cho Tổ quốc, cho nhân dân cần lao còn Xuân Quỳnh lại quên mình, hi sinh cho người mình yêu và cho tình yêu của mình. Nếu Tố Hữu gắn bó đời mình với nhân dân lao động, thể hiện tinh thần đoàn kết, tình cảm nồng thắm, chan hòa với nhân dân thì Xuân Quỳnh lại gắn tình yêu cá nhân với cuộc đời rộng lớn, mang hạnh phúc cá nhân hòa vào hạnh phúc của muôn người. Sở dĩ có sự khác biệt là do yếu tố thời đại, sự khác biệt về tư tưởng, phong cách của mỗi nhà thơ.
Mặc dù ra hai bài thơ ra đời cách đây đã lâu,nhưng bài thơ vẫn còn nguyên giá trị cho tới bây giờ. Đó là giá trị về trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước, là những trăn trở về lý tưởng, về lẽ sống, về những khát khao của cuộc đời.
Loigiaihay.com
- Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù) và nhân vật người lái đò trong cảnh vượt thác sông Đà (tùy bút Người lái đò sông Đà) để làm rõ cách nhìn của Nguyễn Tuân về con người.
- Cảm nhận về hai đoạn thơ trong Sóng (Xuân Quỳnh) và Đất Nước (Nguyễn Khoa Điểm)
- Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của các nhân vật Tnú (“Rừng xà nu” – Nguyễn Trung Thành) và Việt (“Những đứa con trong gia đình” – Nguyễn Thi) để thấy được vẻ đẹp con người Việt Nam trong thời chống Mĩ.
- Cảm nhận của anh/chị về những nét tương đồng và khác biệt của hình tượng người chiến sĩ trong Những đứa con trong gia đình và Rừng xà nu
- Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của hai nhân vật Chí Phèo và Tràng qua hai trích đoạn trong tác phẩm Chí Phèo và Vợ nhặt
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết đoạn văn nghị luận về hạnh phúc
- Viết đoạn văn nghị luận về sự đố kị
- Viết đoạn văn nghị luận về câu nói "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường"
- Viết đoạn văn nghị luận về câu nói "Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước đi thì khác nào chân đã gãy"
- Viết đoạn văn nghị luận về "Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể"
- Viết đoạn văn nghị luận về hạnh phúc
- Viết đoạn văn nghị luận về sự đố kị
- Viết đoạn văn nghị luận về câu nói "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường"
- Viết đoạn văn nghị luận về câu nói "Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước đi thì khác nào chân đã gãy"
- Viết đoạn văn nghị luận về "Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể"