Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của hai nhân vật Chí Phèo và Tràng qua hai trích đoạn trong tác phẩm Chí Phèo và Vợ nhặt >
Nam Cao và Kim Lân đều nói về những chuyển biến mới mẻ của con người khi đã đến cái dốc bên kia của cuộc đời mà điều làm nên sự thay đổi kì diệu ấy đó là sự quan tâm, tình yêu thương, chăm sóc, sự sẻ chia của con người với con người.
- Phân tích chi tiết bát cháo hành trong truyện "Chí Phèo" và bát cháo cám trong "Vợ nhặt"
- Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong Vợ nhặt và người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa
- Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn văn trong Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt.
- “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài và “Vợ nhặt” của Kim Lân là hai truyện ngắn đều viết về số phận và vẻ đẹp tâm hồn của người lao động. Em hãy phân tích hai truyện ngắn trên trong mối quan hệ đối sánh để nêu bật đặc sắc riêng của từng tác phẩm.
- Cảm nhận của anh/ chị về hai chi tiết nghệ thuật trong Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt.
Trong tác phẩm Chí Phèo ( Nam Cao), sau khi đến với thị Nở; sáng mai ra, Chí Phèo nghe thấy: “ Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy... Chao ôi là buồn!”
(Trích Chí Phèo của Nam Cao, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 149)
Trong tác phầm Vợ nhặt ( Kim Lân), sau khi có vợ, sáng hôm sau, Tràng:
“ ... Bỗng vừa chợt nhận ra, xụng quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. […]. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.”
(Trích Vợ nhặt cùa Kim Lân,Ngữ văn 12,Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 30)
Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của hai nhân vật qua hai đoạn văn trên.
Dàn ý
I. Giới thiệu chung:
- Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc tràn đầy tinh thần nhân đạo. Sáng tác trước cách mạng của ông xoay quanh hai đề tài chính là nông dân nghèo và trí thức nghèo. Truyện ngắn “Chí Phèo” là kiệt tác của Nam Cao, thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của ông.
- Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Ông là một cây bút viết truyện ngắn tài hoa. Thế giới nghệ thuật của Kim Lân chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. “Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Kim Lân, in trong tập “Con chó xấu xí”
II. Phân tích:
1. Đoạn văn trong “Chí Phèo” – Nam Cao:
- Tình huống:
+ Sau cuộc gặp gỡ tình cờ của Chí Phèo với thị Nở, Chí Phèo lần đầu tiên tỉnh rượu. Chí đã tỉnh rượu sau một cơn say rất dài.
+ Trước đó Chí đã là tay sai cho kẻ thống trị nham hiểm – Bá Kiến. Bá Kiến lợi dụng Chí Phèo để trừ khử những phe cánh đối nghịch, gây ra bao tội ác với dân làng mà yếu tố hỗ trợ cho Chí là rượu. Vì thế đời Chí là một cơn say dài mênh mông. Cơn say đã lấy mất của hắn già nửa cuộc đời, đẩy hắn vào kiếp sống thú vật tăm tối.
- Tâm trạng Chí khi tỉnh rượu:
+ Tỉnh rượu, ý thức bắt đầu trở về, Chí thấy lòng mơ hồ buồn, nỗi buồn đã đến nhưng còn mơ hồ chưa rõ rệt.
+ Khi ý thức đã trở về, Chí cảm nhận được sự tồn tại của mình, biết đến không gian, thời gian. Đó là lần đầu tiên Chí nghe được những âm thanh đời thường của cuộc sống bình dị: “ Tiếng chim hót…, tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá…”.
⟶ Những âm thanh ấy đánh thức trong Chí cái ước mơ giản dị của một thời lương thiện. Hắn đã từng ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Nhưng chính bàn tay tội ác của những kẻ thống trị đã phá nát những giấc mơ, đã hủy hoại tan hoang cả một đời lương thiện. phút lóe sáng trong tâm hồn đã kéo nhân vật trở về thực tại, nhận ra hiện thực đáng buồn: “Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy... Chao ôi là buồn!”. Lần đầu tiên Chí Phèo tỉnh rượu cũng là lần đầu tiên hắn đối diện với cuộc đời của mình.
2. Đoạn văn trong “Vợ nhặt” – Kim Lân:
- Tình huống:
+ Tràng đã lớn tuổi mà vẫn chưa có vợ và nạn đói khủng khiếp lại đem đến cơ may để Tràng có gia đình. Hạnh phúc đến với người nông dân nghèo khổ ấy quá bất ngờ, thấy mình như vừa từ giấc mơ đi ra.
- Tâm trạng của Tràng vào buổi sáng đầu tiên khi có gia đình:
+ Tràng trông thấy những thay đổi khác lạ ở ngôi nhà của mình, thay đổi ở người mẹ và cả người vợ. Nạn đói khủng khiếp khiến Tràng quên mất những viêc anh ta phải làm và khiến cuộc sống của anh trở nên tạm bợ, ngôi nhà trở nên trống trải. Nay Tràng đã có một gia đình và tổ ấm. Mẹ và vợ Tràng đang dọn dẹp, sửa sang lại ngôi nhà. Với người khác, cảnh tượng ấy không có gì đặc biệt nhưng với Tràng đó là hình ảnh của cuộc sống gia đình, là thứu là anh ta tưởng chẳng bao giờ có được.
+ Từ khi có gia đình là từ khi Tràng được sống trong những cảm xúc rất con người, ý thức được trách nhiệm, bổn phận của mình. Hắn nghĩ đến tương lai sáng sủa, không còn bế tắc.
3. Điểm tương đồng và khác biệt:
a. Điểm tương đồng:
Cả hai đều nói về những chuyển biến mới mẻ của con người khi đã đến cái dốc bên kia của cuộc đời mà điều làm nên sự thay đổi kì diệu ấy đó là sự quan tâm, tình yêu thương, chăm sóc, sự sẻ chia của con người với con người.
b. Nét khác biệt:
- Nam Cao phát hiện ra những đốm sáng nhân bản còn le lói trong con quỷ dữ Chí Phèo. Tuy nhiên Chí Phèo vẫn rơi vào tình cảnh bế tắc, không lối thoát.
- Kim Lân đã phát hiện ra vẻ đẹp trong tâm hồn con người lao động, dù ở bờ vực của cái chết nhưng họ vẫn khao khát hạnh phúc gia đình, vẫn muốn sống cuộc đời của một con người. Ông mở cho nhân vật của mình một tương lai sáng lạng, đầy hi vọng. Qua đó, Kim Lân gửi vào trong đoạn văn của mình tiếng nói mang ý nghĩa triết lí nhân sinh sâu sắc: Hạnh phúc đã cứu con người thoát khỏi cái chết và có khả năng đưa con người thoát khỏi tình trạng phi nhân tính.
III. Đánh giá:
- Hai đoạn văn đều cho thấy cái nhìn đầy tính nhân đạo của người viết. Qua đây thấy được tài năng, tấm lòng của hai tác giả
Bài mẫu
Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc tràn đầy tinh thần nhân đạo. Sáng tác trước cách mạng của ông xoay quanh hai đề tài chính là nông dân nghèo và trí thức nghèo. Truyện ngắn “Chí Phèo” là kiệt tác của Nam Cao, thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của ông. Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Ông là một cây bút viết truyện ngắn tài hoa. Thế giới nghệ thuật của Kim Lân chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. “Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Kim Lân, in trong tập “Con chó xấu xí”. Qua việc khắc họa hai nhân vật trong hai đoạn trích trên, ta thấy được sự thành công của hai nhà văn trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.
Sau cuộc gặp gỡ tình cờ của Chí Phèo với thị Nở, Chí Phèo lần đầu tiên tỉnh rượu. Chí đã tỉnh rượu sau một cơn say rất dài. Trước đó Chí đã là tay sai cho kẻ thống trị nham hiểm – Bá Kiến. Bá Kiến lợi dụng Chí Phèo để trừ khử những phe cánh đối nghịch, gây ra bao tội ác với dân làng mà yếu tố hỗ trợ cho Chí là rượu. Vì thế đời Chí là một cơn say dài mênh mông. Cơn say đã lấy mất của hắn già nửa cuộc đời, đẩy hắn vào kiếp sống thú vật tăm tối.
Sau khi tỉnh rượu, Chí nhận ra và cảm nhận được những thanh âm của cuộc sống: “tiếng chim hót, tiếng anh thuyền chài đuổi cá, tiếng mấy bà đi chợ bán vải về”. Đó là âm thanh vang vọng của cuộc sống thường nhật. Những âm thanh ấy chính là tiếng gọi thiết tha của cuộc sống và đã lay động sâu xa tâm hồn Chí Phèo. Âm thanh ấy như cơn mưa rào mùa hạ, như dòng suối ngọt ngào đổ vào tâm hồn quỷ dữ và thức dậy cả một trời ký ức tươi đẹp. Âm thanh ấy nhắc cho hắn nhớ đến một tuổi trẻ từng mơ ước “một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ ở nhà dệt vải…”.
Âm thanh ấy cũng đánh thức hiện tại đầy cay đắng. Hắn không nhớ mình năm nay bao nhiêu tuổi; chỉ biết đã qua bên kia con dốc của cuộc đời. Hắn nhận ra hiện tại đã già mà vẫn còn cô độc. Nghĩ đến tương lai, hắn chạnh lòng vì phải đối mặt với một “đói rét, ốm đau và cô độc, cô độc, còn sợ hơn cả đói rét và ốm đau”. Khi ý thức được hiện tại, đoán biết được tương lai, Chí không còn là quỷ dữ nữa mà đã trở lại năng lực làm người.
Khi thấy bát cháo hành của Thị Nở, Chí Phèo ngạc nhiên và thấy “mắt mình như ươn ướt”. Hắn xúc động vì lần đầu tiên được chăm sóc, lại là sự chăm sóc của một người đàn bà. Và cũng bởi vì đây là lần đầu Chí được bàn tay của một người đàn bà cho. Hắn nhận ra bát cháo hành mà hắn đón lấy là “cái cho” đầu tiên của cuộc đời, vì xưa nay muốn có cái ăn, hắn phải rạch mặt ăn vạ. Điều ấy khiến Chí chạnh lòng nhận ra bi kịch của đời mình.
Chí cảm nhận về cháo hành như cảm nhận về tình người, tình yêu thương mà bây giờ hắn mới nhận ra. Hắn nhận ra “cháo hành ăn rất ngon” nhưng cũng tự hỏi “sao đến bây giờ mới được ăn”; rồi lại tự trả lời “có ai nấu cho mà ăn đâu”. Phút giây ấy, người đọc có thể hình dung ra tình cảnh thê thảm của Chí: không người thân, không kẻ thương, Chí cô độc đến tuyệt đối giữa làng Vũ Đại. Như vậy, bát cháo hành chính là liều thuốc giải độc, là bát cháo của tình yêu thương, của tình người. Thầy Phan Danh Hiếu. Hương vị cháo hành còn là hương vị của tình yêu mà lần đầu Chí cảm nhận được. Nếu như ban đầu, người đàn bà xấu xí, quá lứa lỡ thì, lại dở hơi ấy chỉ khơi lại cái bản năng ở Chí Phèo thì sau đó điều kì diệu đã xảy ra, sự săn sóc đầy ân tình và yêu thương mộc mạc của thị Nở đã làm thức dậy bản chất lương thiện tiềm ẩn trong con người Chí Phèo. Chính bàn tay chăm sóc ân cần của thị Nở và hương vị của cháo hành đã xoa dịu trái tim con quỷ dữ và thức dậy bản tính người, thức dậy thiên lương trong sâu thẳm con người của Chí. Sức mạnh của tình yêu thương đã lan tỏa từ bát cháo hành, xông đến tận cùng thớ não và tim gan của Chí, đưa hắn ra khỏi vùng tối của cuộc đời, mang hắn đến bến bờ thiên lương. Trái tim đầy tổn thương của hắn phải chăng đã được vá lại từ tình yêu thương của thị Nở.
Nếu lúc trước Chí say và ngã vào Thị vì Chí không biết rằng người đàn bà ấy vừa dở hơi vừa xấu xí, xấu đến mức ma chê quỷ hờn. Nhưng lúc này, khi hoàn toàn tỉnh táo, Chí không những chấp nhận thị mà còn yêu thị. Bởi chỉ có tình yêu mới khiến con người ta thấy xấu cũng thành đẹp. Và Chí say thị thật. Đàn bà không có men như rượu nhưng cũng có thể làm người ta say. Chí thấy thị có duyên lắm. Vậy là Chí tỉnh, hắn đâu có say. Chính vì Chí tỉnh nên hắn mới cảm nhận được những hương vị của cuộc sống, của tình yêu. Những chi tiết này cho ta khám phá ra thêm một đức tính nữa của Chí. Đó là tính thiện – Nam Cao tin rằng: lương thiện là thứ không bao giờ mất đi ở người nông dân. Đó là tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn dành cho nhân vật.
Đã có lúc, Chí hồn nhiên, hắn thấy lòng thành trẻ con, muốn làm nũng với Thị như làm nũng với mẹ. Ý nghĩ hồn nhiên ấy khiến Chí như trẻ lại. Còn người đọc nhận ra một điều chua chát: Chí không có mẹ, hắn chưa bao giờ được nhận sự yêu thương từ mẹ. Bởi thế thị đối với hắn như người ban ơn vậy. Rồi hắn khao khát hạnh phúc. Tình yêu với Thị Nở khiến hắn đủ hi vọng và mong ước có một gia đình: “Giá cứ như thế này mãi thì thích nhỉ”; “Hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui”. Thầy Phan Danh Hiếu. Rồi hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người. Chí không còn là kẻ rạch mặt ăn vạ nữa, không còn là con quỷ dữ nữa. Hắn thực sự đã trở lại làm người với hai chữ “con người” đúng nghĩa. Như vậy, thị Nở chính là “thiên thần” của Chí. Thị không có đôi cánh tình yêu như trong thần thoại nhưng lại ấm nóng như lửa và mạnh mẽ như gió. Nếu là gió, thị sẽ thổi tung đám tàn tro nguội lạnh vây quanh cuộc đời của Chí. Nếu là lửa, lửa sẽ đốt bỏ lớp vỏ quỷ dữ để trả lại cho anh hình hài của một con người.
Gặp thị Nở, Chí Phèo đã trải qua những cảm xúc chưa hề có trong đời, mang đến niềm vui, niềm hi vọng và mong ước trở về làm người lương thiện trỗi dậy. Chí khát khao trở lại tháng ngày tươi đẹp. Và thị Nở sẽ là chiếc cầu nối đưa hắn trở về xã hội loài người nhưng niềm mong mỏi ấy đã bị chặn đứng bởi định kiến của bà cô, mà cũng là của xã hội ấy.
Buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ, Tràng có nhiều thay đổi. Tràng sung sướng, hạnh phúc, hãnh diện: thấy “trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”, việc có vợ đối với hắn vẫn hết sức bất ngờ. Tràng nhận ra sự thay đổi xung quanh khiến anh cảm động: “có cái gì vừa thay đổi mới lạ”: “Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc cây ổi đã kín nước đầy ăm ắp”, bà cụ Tứ lúi húi giẫy cỏ, nàng dâu quét tước, nấu nướng. Tất cả những cảnh tượng đó thật bình thường nhưng đủ làm cho hắn cảm động vì chưa bao giờ Tràng được trải qua niềm hạnh phúc giản dị như thế.
Tràng có sự thay đổi trong suy nghĩ: yêu thương, gắn bó với gia đình; thấy có trách nhiệm phải lo lắng cho vợ con; và ngời lên niềm tin vào tương lai tươi sáng. Tràng thấy cuộc đời mình bỗng nhiên thay đổi hẳn, hắn thấy mình trưởng thành (“nên người”) và cần có trách nhiệm với gia đình của mình:
“Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”. Bởi vì Tràng đã có một gia đình, và trong cái buổi sáng đầu tiên ấy, hắn đã được tắm mình trong không khí ấm áp, hạnh phúc của tổ ấm gia đình.
Tác giả đã đặt nhân vật vào tình huống độc đáo để nhân vật bộc lộ phẩm chất, tính cách; Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, đậm chất nông thôn và có sự gia công sáng tạo của nhà văn. Cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, dựng cảnh sinh động với nhiều chi tiết đặc sắc...
Như vậy, qua phân tích diễn biến tâm trạng của Chí và Tràng ta thấy được cả Nam Cao và Kim Lân đều rất quan tâm đến đời sống tâm hồn của những người lao động nghèo Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Hai nhà văn đều mô tả chi tiết, chân thực, sinh động diễn biến tâm trạng của mỗi nhân vật ở thời điểm buổi sáng – gắn liền với sự thức tỉnh/ đổi thay của mỗi nhân vật – thông qua cảm xúc và dòng ý nghĩ.
Có khi các nhà văn khách quan kể lại diễn biến đó nhưng cũng có khi Nam Cao và Kim Lân nhập thân vào nhân vật, trần thuật lại diễn biến tâm trạng thông qua lời văn nửa trực tiếp. Tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của mỗi nhà văn không chỉ giúp cho các nhân vật nổi hình nổi sắc mà còn giúp các nhà văn thể hiện sâu sắc tình cảm nhân đạo của mình.
Ngoài những yếu tố chi phối như đề tài, cảm hứng, phong cách, quan niệm nghệ thuật, tư tưởng, khuynh hướng sáng tác của mỗi nhà văn có khác nhau thì có lẽ bối cảnh ra đời của hai tác phẩm là yếu tố quyết định đến sự khác nhau trong số phận của hai người nông dân này.
Qua diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau buổi sáng gặp Thị Nở, ta thấy đó là tâm trạng của con người đang đứng trước bi kịch của đời mình; Chí Phèo “lần đầu tiên thức tỉnh” sau một cơn say dài - nhận thức sự bần cùng hóa dẫn đến tha hóa, lưu manh hóa của bản thân và khát khao muốn quay lại cuộc sống lương thiện; qua đó nhà văn Nam Cao thể hiện tin tưởng vào sự thức tỉnh lương tâm của người nông dân trước cách mạng.
Trong đoạn trích của “Vợ nhặt”, cùng tả tâm trạng nhân vật vào buổi sáng, Kim Lân đã phát hiện ra sự thay đổi và trưởng thành trong nhận thức, tình cảm và hành động của nhân vật Tràng. Nó không phải quá đột ngột bất ngờ mà nó là một lát cắt trong chuỗi diễn biến tâm trạng đầy ngạc nhiên, có sự thay đổi dần dần của Tràng từ lúc “nhặt” được vợ cho đến cuối truyện.
Qua đó, tác giả có cái nhìn trân trọng, ca ngợi người nông dân dù trong hoàn cảnh hết sức bi đát vẫn có ý thức xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhân vật Chí Phèo tuy thức tỉnh để khao khát hoàn lương như cuối cùng rơi vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, còn nhân vật Tràng cuối cùng đã được đổi đời, tìm thấy hạnh phúc đích thực của cuộc đời…
Với Tràng, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một người nông dân với những nét phẩm chất, tính cách, trí tuệ, ngôn ngữ tiêu biểu cho người nông dân Việt Nam. Với Chí Phèo, Nam Cao đã xây dựng được một nhân vật điển hình cho một tầng lớp của xã hội. Đặc biệt, thông qua hai nhân vật này, người đọc cảm nhận được tấm lòng nhân đạo cũng như sự nhìn nhận đa chiều để trân trọng vẻ đẹp con người của hai nhà văn.
Loigiaihay.com
- Cùng yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời nhưng nếu ở bà cụ Tứ là sự vị tha, bao dung, lạc quan thì ở người đàn bà hàng chài là sự chịu đựng, hi sinh, nhẫn nhục. Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
- Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp của hình tượng sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà và hình tượng sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?. Từ đó, trình bày suy nghĩ của mình về việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của quê hương đất nước
- Cảm nhận nhân vật Mai (Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành) và nhân vật Chiến (Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi)
- Phân tích sức mạnh của tình thương yêu con người qua đoạn Mị cứu A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) và Tràng đối với cô vợ theo (Vợ nhặt – Kim Lân)
- Cảm nhận của anh/ chị về chi tiết “dòng nước mắt” trong hai đoạn trích của Vợ nhặt và Chiêc thuyền ngoài xa.
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết đoạn văn nghị luận về hạnh phúc
- Viết đoạn văn nghị luận về sự đố kị
- Viết đoạn văn nghị luận về câu nói "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường"
- Viết đoạn văn nghị luận về câu nói "Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước đi thì khác nào chân đã gãy"
- Viết đoạn văn nghị luận về "Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể"
- Viết đoạn văn nghị luận về hạnh phúc
- Viết đoạn văn nghị luận về sự đố kị
- Viết đoạn văn nghị luận về câu nói "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường"
- Viết đoạn văn nghị luận về câu nói "Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước đi thì khác nào chân đã gãy"
- Viết đoạn văn nghị luận về "Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể"