Phân tích tình huống truyện Vợ nhặt của Kim Lân, từ đó nêu lên giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm


Tình người cao đẹp thể hiện qua cách đối xử với nhau của các nhân vật.


Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài: Phân tích tình huống truyện "Vợ nhặt" của Kim Lân, từ đó nêu lên giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Dàn ý

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Kim Lân là nhà văn một lòng một dạ đi về với “đất”, với “người”, “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sông nông thôn.

+ Nạn đói năm 1945 đã đi vào nhiều trang viết của các nhà văn, nhà trong đó có Vợ nhặt của Kim Lân.

- Nhận xét khái quát:

+ Vợ nhặt xây dựng tình huống truyện độc đáo.

+ Qua tình huống truyện, tác phẩm thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.

II. Thân bài

1. Bối cảnh xây dựng tình huống truyện.

- Bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà kết quả là hơn hai triệu người chết.

- Cái chết hiện hình trong tác phẩm tạo nên một không khí ảm đạm, thê lương. Những người sống luôn bị cái chết đe dọa.

2. Trong bối cảnh ấy, Tràng, nhân vật chính của tác phẩm “nhặt” được vợ.  Đó là một tình huống độc đáo.

Ở Tràng hội tụ nhiều yếu tố khiến nguy cơ “ế” vợ.

- Dân xóm ngụ cư

- Ngoại hình xấu, thô kệch

- Tính tình có phần không bình thường.

- Ăn nói cộc cằn, thô lỗ.

- Nhà nghèo, đi làm thuê nuôi mình và mẹ già.

- Nạn đói đe dọa, cái chết đeo bám.

- Tràng lấy vợ là lấy cho mình thêm một tai họa (theo lôgic tự nhiên).

-Việc Tràng lấy vợ là một tình huống bất ngờ.

- Cả xóm ngụ cư ngạc nhiên.

- Bà cụ Tứ cũng hết sức ngạc nhiên.

- Bản thân Tràng có vợ rồi vẫn còn “ngờ ngợ”.

=> Tình huống truyện bất ngờ nhưng rất hợp lí.

- Nếu không phải năm đói khủng khiếp thì “người ta” không thèm lấy một người như Tràng.

- Tràng lấy vợ theo kiểu “nhặt” được.

3. Giá trị hiện thực:

* Tình cảnh thê thảm của con người trong nạn đói.

- Cái đói dồn đuổi con người.

- Cái đói bóp méo cả nhân cách.

- Cái đói khiến cho hạnh phúc thật mỏng manh, tội nghiệp.

* Vợ nhặt có sức tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn thực dân, phát xít.

4. Giá trị nhân đạo.

Tình người cao đẹp thể hiện qua cách đối xử với nhau của các nhân vật.

- Tràng rất trân trọng người “vợ nhặt” của mình.

- Thiên chức, bổn phận làm vợ, làm dâu được đánh thức nơi người “vợ nhặt”.

- Tình yêu thương con của bà cụ Tứ.

- Con người luôn hướng đến sự sống và luôn hi vọng, tin tưởng ở tương lai

+ Tràng lấy vợ là để duy trì sự sống.

+ Bà cụ Tứ, một người già lại luôn miệng nói về ngày mai với những dự định thiết thực tạo niềm tin cho dâu con vào một cuộc sống tốt đẹp.

+ Đoạn kết tác phẩm với hình ảnh lá cờ đỏ và đoàn người phá kho thóc Nhật.

 III. Kết bài

- Khẳng định tài năng nhà văn qua việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn.

- Khẳng định giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Bài mẫu

     Nạn đói năm 1945 đã làm xúc động biết bao văn nghệ sĩ. Tố Hữu có bài Đói! Đói!, Nguyên Hồng có Địa ngục, Nguyễn Đình Thi có Vợ bờm, Tô Hoài có Mười năm... Kim Lân đóng góp vào đề tài trên một truyện ngắn xuất sắc - Vợ nhặt. Vợ nhặt đã tái hiện được cuộc sống ngột ngạt bức bối, không khí ảm đạm chết chóc của nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử đồng thời cũng cho người đọc cảm nhận được sự quý giá của tình người và niềm tin của con người trong tình cảnh bi đát. Một trong những yếu tố làm nên sức cuốn hút của Vợ nhặt chính là ở chỗ nhà văn đã sáng tạo một tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn. Tình huống truyện đã làm nổi bật giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.

      Vợ nhặt diễn ra trên bối cảnh của nạn đói năm 1945. Cái họa chết đói năm ấy là một cái họa khủng khiếp, không chỉ đói xóm, đói làng mà đói nửa đất nước từ Trung Bộ đến Bắc Bộ, từ thu đông năm 1944 đến xuân hè năm. Hậu quả là hơn hai triệu rưỡi đồng bào ta chết đói. Cái nghèo, cái đói đã từng được văn học đề cập đến. Nhưng cái nghèo, cái đói trong những tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nam Cao làm ta thương cảm rơi nước mắt, còn cái đói trong tác phẩm của Kim Lân đã hiện hình cái chết. Cái chiết khiến ta kinh khiếp rụng rời. Cuộc sống đã bị đẩy đến thế cùng. Ngay từ đầu truyện đã hiện lên màu sắc tang thương của tử khí. Cái chết hiện thành hình “những xác người nằm còng queo, sáng nào đi chợ cũng thấy vài ba cái thây”. Cái chết hiện ra trong màu xanh xám của những người đang sống. Cái chết hiện ra trong “mùi gây của xác người, mùi khét của những đống rấm ở những nhà có người chết”. Cái chết hiện ra trong âm thanh thê thiết của tiếng quạ trên những cây gạo, tiếng hờ khóc tỉ tê như “vẳng lên từ cõi âm”. Cuộc sống bị bao vây trong không khí của sự chết chóc. Kẻ sống thì ủ rũ, hốc hác, bủng beo, gầy xọp, xám xịt. Đến Tràng, một người to béo, lưng rộng như lưng gấu cũng bước từng bước một đầu chúi về đằng trước như bị cái đói đè hẳn xuống. Cái chết lan tràn mọi nơi, cái sống chỉ còn thoi thóp, leo lét.
 
     Giữa khung cảnh đó, Tràng, một người nông dân ở xóm ngụ cư vừa xấu vừa thô lại nghèo đói, không ai thèm để ý vậy mà bỗng dưng lại “nhặt” được vợ. Đây là một tình huống truyện đặc sắc, hấp dẫn. Từ tình huống này, truyện nổi bật ý nghĩa hiện thực và ý nghĩa nhân bản cao đẹp.
 
     Tràng là một nhân vật có ngoại hình xấu. Trên “gương mặt thô kệch” là “hai con mắt nhỏ tí”, “quai hàm bạnh ra”. Đã thế, hình như Tràng còn dở người bởi “hắn có tật vừa đi vừa nói nhảm”, đôi khi “ngửa cổ lên cười hềnh hệch”. Tất cả những đường nét ấy cùng với dáng đi lầm lũi mỗi khi trở về xóm ngụ cư đã thể hiện rõ thân phận nghèo hèn của Tràng. Lời ăn tiếng nói của Tràng cũng cộc cằn, thô kệch như chính ngoại hình của anh ta, khi thì “rích bố cu", khi thì “làm đếch gì có vợ”, lại còn chửi cả những con chó “mẹ bố chúng mày”. Gia cảnh của Tràng cũng rất ái ngại: bố mất, mẹ già, nhà nghèo phải đi kéo xe bò thuê kiếm ăn. Nguy cơ “ế vợ” đã rõ. Đã vậy lại gặp năm đói khủng khiếp, cái chết luôn luôn đeo bám. Trong lúc không một ai (kể cả Tràng) nghĩ đến chuyện vợ con của anh ta thì đột nhiên Tràng có vợ. Một buổi chiều nhập nhoạng, có người đàn bà theo Tràng về làm vợ. Họ lủi thủi đi vào xóm ngụ cư trong khung cảnh tràn ngập tử khí, bóng đen của cái chết đói bao phủ mọi ngõ ngách. Trong hoàn cảnh đó, Tràng “nhặt” được vợ là nhặt thêm một miệng ăn cũng đồng thời là nhặt thêm tai họa cho mình, đẩy mình đến gần hơn với cái chết. Vì vậy, việc Tràng có vợ là một nghịch cảnh éo le, vui buồn lẫn lộn, cười ra nước mắt. Dân xóm ngụ cư ngạc nhiên, họ tò mò bàn tán: “Ai đấy nhỉ?”. Họ mừng cho Tràng, muốn chia sẻ với Tràng nhưng nguy cơ chết đói có thể ập xuống ngay nên họ lại lo cho anh: “biết có nuôi nổi nhau sóng qua được cái thì này không?”. Mọi người lo cho Tràng là lo cho cái sống bởi lúc này cái sống đang phải đối mặt với cái chết. Cái sống - cái chết đang giành giật nhau xung quanh cái ăn. Mọi người cùng nín lặng.
 
     Bà cụ Tứ, mẹ Tràng lại càng ngạc nhiên hơn khi trông thấy người đàn bà đứng ngay đầu giường con mình lại chào mình bằng u. Bà lão chẳng hiểu gì, mãi đến khi Tràng nhắc: “Nhà tôi đấy u ạ. Nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”, bà lão mới “cúi đầu nín lặng” với nỗi lo riêng mà rất chung: “Biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”.
 
     Bản thân Tràng cũng bất ngờ với chính hạnh phúc của mình: “Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ”. Thậm chí sáng hôm sau Tràng vẫn chưa hết bàng hoàng.
 
     Tình huống truyện mà Kim Lân xây dựng vừa bất ngờ lại vừa hợp lí. Nếu không phải giữa năm đói khủng khiếp ấy thì ai chịu lấy Tràng. Vả lại, Tràng lấy vợ có cheo cưới gì đâu. Tràng “nhặt” được vợ còn người vợ thì “theo không” Tràng. Nhưng nghịch cảnh lại chính là ở đó. Người như Tràng nuôi thân chẳng xong, nguy cơ chết đói đang rình rập mà Tràng còn dám lấy vợ.
 
     Việc lấy vợ của Tràng cũng là nghịch cảnh của tình huống. Người Việt Nam bao đời nay coi việc lấy vợ là một trong ba việc lớn của đời người. Bởi vậy lấy vợ phải được tiến hành một cách thận trọng, tổ chức một cách long trọng. Ở đây thì ngược lại, Tràng lấy vợ mà như nhặt được một đồ vật bị ai đó đánh rơi hay vứt đi. Nhặt vợ là cái khốn cùng của cuộc sống. Cái đói quay quắt dồn đuổi đến mức người đàn bà chủ động gợi ý đòi ăn: “ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”. Chỉ vì đói quá mà người đàn bà tội nghiệp này ăn luôn và “ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc”. Chỉ cần vài lời nửa đùa nửa thật: “Này, nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng cùng về” thị đã chấp nhận theo không Tràng. Giá trị con người bị phủ nhận khi chỉ vì cùng đường đói khát mà phải trở nên trơ trẽn, liều lĩnh, bất chấp cả e thẹn. Cái đói đã bóp méo cả nhân cách con người. Thật đau đớn khi chỉ với bốn bát bánh đúc đã se duyên được hạnh phúc. Đám cưới cũng thật là cả một sự mỉa mai. Con đường “đón dâu” chỉ có hai người với một gia sản tòng teng côi cút trong buổi chiều chạng vạng. Về nhà, cảnh hoang toàng với “một bát cháo loãng thếch”, một nồi “chè khoán” (thực chất là cháo cám) mà chỉ cần gợm một miếng cho vào miệng đã thấy “đắng chát, nghẹn bứ”. Một nỗi tủi hờn leo vào tâm trí mọi người. Họ cắm mặt ăn mà không dám nhìn nhau. Cái mong manh của sự sống, cái nguy cơ chết đói hiện ra trong bữa ăn đầu tiên.
 
     Hạnh phúc của con người thật mỏng manh, tội nghiệp. Cái đói, cái chết đến gõ cửa cả làng, cả nước, hủy hoại cả ước mơ, khát vọng của con người đến nỗi “nhặt” được vợ mà còn lo “không biết có qua nổi”. Cái hạnh phúc “trời cho” của Tràng, của gia đình bà cụ Tứ cứ phải diễn ra giữa không khí thê lương, ảm đạm của chết chóc, của tiếng hờ khóc tỉ tê, tiếng quạ kêu trên những cây gạo... Kim Lân nói với chúng ta tất cả những điều đó để chúng ta chua xót cho cuộc đời, cho số phận con người.
 
     Tóm lại, đặt nhân vật vào tình huống truyện đặc sắc, tình cảnh trớ trêu, éo le đó, Kim Lân đã làm nổi bật ý nghĩa hiện thực sâu sắc của tác phẩm. Vợ nhặt có sức tố cáo mạnh mẽ mà không cần tới những lời kết tội bọn thực dân, phát xít.
 
     Tình huống truyện độc đáo cũng đã bộc lộ giá trị nhân đạo tích cực của tác phẩm. Điều mà Kim Lân muốn nói là: trong bối cảnh bi thảm, giá trị nhân bản không mất đi, con người vẫn cứ muốn được là con người, muốn được nên người và muốn cuộc đời thừa nhận họ như những con người. Nhà văn đã viết về “một nỗi khổ êm ái” bởi trong cảnh cùng cực đói khát và chết chóc, con người vẫn hướng tới sự sống. Tràng lấy vợ là để tiếp tục sự sống, để sinh con đẻ cái, để hướng đến tương lai. Đó chính là sức sống bất diệt của Vợ nhặt. Người đàn bà đi theo Tràng cũng để chạy trốn cái đói, cái chết để hướng đến sự sống. Bà cụ Tứ, một bà lão nhưng lại luôn nói đến chuyện tương lai, chuyện sung sướng về sau, nhen lên niềm hi vọng cho dâu con. Đó chính là sức sống bất diệt của Vợ nhặt.
 
     Đặc biệt tình người, lòng nhân ái, sự cưu mang đùm bọc của những con người nghèo đói là sức mạnh để họ vượt lên cái chết. Lời nói của Tràng có thể có ý đùa cợt nhưng thái độ của Tràng đối với người phụ nữ đói khát không hề là một sự đùa cợt. Xuất phát điểm là ở tình người. Bên trong con người có vẻ thô ráp xù xì là một tấm lòng nhân ái. Trong hoàn cảnh lúc ấy, nhường nhau miếng ăn là cả một nghĩa cử cao đẹp, hào hiệp. Thấy người phụ nữ quả quyết theo mình, Tràng rất lo nhưng lại không nỡ từ chối. Cái chặc lưỡi của Tràng là cái chặc lưỡi đầy tính nhân văn, đầy lòng nhân ái. Khi quyết định gắn mạng sống của mình với người phụ nữ ấy, trong Tràng nảy sinh những tình cảm mới mẻ. Nhà văn đã rất tinh tế khi miêu tả sự biến đổi này: cảm giác êm dịu của một anh Tràng lần đầu tiên đi cạnh cô vợ mới “cưới”; cảm giác lâng lâng hạnh phúc của anh ta khi sáng mai thức dậy thấy mình là người đã có gia đình. Chi tiết “hai hào dầu” thật cảm động và giàu ý nghĩa. Câu nói chân thật đến hồn nhiên của Tràng: “vợ mới vợ miếc cũng phải cho nó sáng sủa một tí chứ” ẩn chứa cả một sự trân trọng con người hết sức lớn lao. Đâu phải cứ “vợ nhặt” thì thế nào cũng được, vứt đi cũng được.
 
     Nên nhớ, một nhân vật của Nam Cao (Điền trong Giăng sáng) - trí thức hẳn hoi và cũng chưa rơi vào tình cảnh bi đát như Tràng nhưng đã lấy ánh sáng của đêm trăng để “tiết kiệm hai xu dầu” (2 hào gấp 10 lần 2 xu). Với Tràng, hai hào dầu không chỉ thể hiện sự trân trọng con người. Đó còn là sự trân trọng hạnh phúc bởi hạnh phúc thật đáng quý và cũng thật mong manh. Ánh sáng của ngọn đèn dầu đêm ấy sẽ là ánh sáng của tình người, sự ấm áp của hạnh phúc đồng thời cũng là ánh sáng của niềm tin và hi vọng. Tràng đã thắp lên trong ngôi nhà tồi tàn giữa xóm ngụ cư tăm tối một đốm sáng của niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn.
 
     Người vợ nhặt của Tràng được Kim Lân miêu tả rất ít song đây là một nhân vật không thể thiếu. Sự có mặt của con người này đã là một đột biến, một bước ngoặt. Thiếu người phụ nữ này thì Tràng vẫn chỉ là anh cu Tràng của ngày xưa, bà cụ Tứ vẫn mòn mỏi, lặng thầm trong đau khổ và cả xóm ngụ cư nữa, chắc chắn không ấm áp lên được. Người phụ nữ xuất hiện không tên, không tuổi, không quê, trong tư thế “vân vê tà áo dài đã rách bợt” như “rơi” vào giữa thiên truyện để Tràng “nhặt” làm vợ. Từ chỗ nhân cách bị bóp méo vì cái đói, thiên chức, bổn phận làm vợ, làm dâu được đánh thức khi người phụ nữ này quyết định gắn sinh mạng mình với Tràng. Chị cũng nảy sinh những tình cảm mới mẻ, cũng biết “trách yêu” chồng, đặc biệt là cách cư xử mộc mạc, dáng vẻ e thẹn khi về làm dâu nhà người, cách vun đắp, thu vén cho “căn nhà hạnh phúc”. Chính chị đã làm cho niềm hi vọng của mọi người trỗi dậy khi kể chuyện ở Bắc Giang, Thái Nguyên người ta đi phá kho thóc Nhật.
 
     Khi nói về ước vọng ở tương lai, niềm tin vào hạnh phúc... ta dễ nghĩ đến những người trẻ tuổi nhưng Kim Lân lại khám phá ra một nét độc đáo. Đó là bà cụ Tứ. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn dành tới gần nửa thiên truyện để viết về bà cụ Tứ và cũng không phải vô tình mà bà cụ Tứ là nhân vật duy nhất nhà văn miêu tả không có những nét hài hước, sự kính trọng thấm đượm trong từng câu văn. Bà cụ Tứ là hiện thân của nỗi khổ con người: khổ vì nghèo, vì đói, vì chồng chết phải nuôi con một mình và khổ hơn vì sắp đi gặp ông nhà rồi mà vẫn không lo được vợ cho con. Người mẹ ấy đã nhìn cuộc hôn nhân éo le của con thông qua toàn bộ nỗi đau khổ của cuộc đời bà. Bà lo lắng trước thực tế quá nghiệt ngã. Bà mừng một nỗi mừng sâu xa. Từ ngạc nhiên đến xót thương nhưng trên hết vẫn là tình yêu thương, lòng nhân hậu. Bà nói với con những lời khuyên nhủ chân thành. Hai tiếng “u - con” vừa ấm cúng vừa chan chứa tình thương. Dường như bà cố giấu những lo lắng để mà vui, mà mừng. Bà đã chuẩn bị thêm cho đôi vợ chồng mới cưới một món ăn đặc biệt trong bữa cơm ảm đạm đầu tiên. Bà gọi là “chè khoán” cũng là để dâu con dễ nuốt cái món nấu bằng cám ấy. Rồi bà khen “ngon đáo để”, bà an ủi động viên, so sánh “xóm ta khối nhà còn chẳng có cám mà ăn”. Cho đến khi ai nấy “nghẹn bứ” không nuốt nổi nhưng rồi không ai nỡ nói ra vì họ đã cố tránh cho nhau những tổn thương, vì họ biết trân trọng tình cảm mà người khác mang lại cho mình. Có được một bữa ăn dù là cám trong lúc cả xã hội đang chết đói là hạnh phúc đáng quý mà bà mẹ đã mang lại cho các con. Cũng chính bà cụ là người nói nhiều nhất về tương lai, một tương lai rất cụ thể thiết thực với những gà, lợn, ruộng, vườn... một tương lai khiến các con tin tưởng bởi nó không quá xa vời.
 
     Tình cảm yêu thương, cưu mang, đùm bọc nhau của những con người cùng cảnh ngộ trong khi cái đói, cái chết đang rình rập là cái phần đẹp nhất trong mỗi nhân vật của Kim Lân. Giữa cái đói khủng khiếp, con người vẫn giữ được những tình cảm tốt đẹp, tấm lòng nhân hậu vị tha là điều không dễ dàng. Các nhân vật của Kim Lân khác với các nhân vật của Nam Cao ở chỗ đó. Nếu Nam Cao muốn rung những hồi chuông cảnh báo về nguy cơ băng hoại tình người, băng hoại nhân cách con người và gửi đi thông điệp: “Hãy cứu lấy con người!” thì Kim Lân muốn khẳng định tình người cao đẹp và giá trị con người không bao giờ bị hủy diệt. Kim Lân muốn gửi đi thông điệp: “Hãy tin ở con người”.
 
     Nhặt được vợ là thế cùng. Đoạn kết mở ra thế biến: “Ngoài đình làng bỗng dội lên một hồi trống dồn dập” và trong óc Tràng hiện lên “đám người đói đi trên đê sộp và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Kim Lân đã khéo léo mở ra đoạn kết vừa bất ngờ vừa hợp lí. Hình ảnh lá cờ đỏ trong tâm trí của mẹ con Tràng vừa xa vừa gần, vừa cụ thể vừa trừu tượng. Hình ảnh ấy hứa hẹn một tương lai tươi sáng, tốt đẹp vượt khỏi cảnh ngộ bi đát. Điều này cũng góp phần lí giải tại sao nhà văn chọn bối cảnh không gian cho thiên truyện của mình từ một buổi chiều u ám đến một buổi bình minh tươi đẹp. Đây cũng chính là chỗ khác nhau cơ bản trong giá trị hiện thực và nhân đạo của văn học cách mạng so với dòng văn học hiện thực phê phán trước đó.
 
Nguồn : Sưu tầm

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4 trên 31 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.