Đọc hiểu - Đề số 81 - THPT


Giải bài tập Đọc hiểu - Đề số 81, đề đọc hiểu dành cho học sinh lớp 10, 11, 12 và thi THPT Quốc gia

Đề bài

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

 - Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?

Phố đông, còn nhớ bản làng

Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?

Mình đi, ta hỏi thăm chừng

Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?

- Ðường về, đây đó gần thôi!

Hôm nay rời bản về nơi thị thành

Nhà cao chẳng khuất non xanh

Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường.

Ngày mai về lại thôn hương

Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về

Ngày mai rộn rã sơn khê

Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng.

(Trích Việt Bắc - Thơ Tố Hữu – NXB Giáo dục 2003)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là gì?

Câu 2: Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 3: Nêu kết cấu và tóm tắt nội dung của đoạn trích?

Câu 4: Điều anh /chị tâm đắc nhất trong đoạn trích trên là gì? (Trình bày từ 5 đến 7 dòng)

Lời giải chi tiết

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: Biểu cảm

Câu 2:

Đoạn trích sử dụng nhiều biện pháp tu từ, học sinh có thể chọn 1 biện pháp và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp đó:

- Câu hỏi tu từ (Mình về... chăng?/ Sáng đèn còn... rừng?/ Mình đi... vui?).

=> Tác dụng: Nhấn mạnh, tạo ấn tượng đặc biệt cho đoạn thơ, nhắc nhở người ra đi đừng thay lòng đổi dạ, luôn khắc sâu trong lòng những kỉ niệm sâu đậm với quê hương cách mạng Việt Bắc trong kháng chiến. Dẫu có về thành thị xa xôi, về với phố đông sáng đèn thì những năm tháng gắn bó với chiến khu Việt Bắc vẫn là quãng thời gian không thể nào quên.

- Điệp ngữ:

+ Lặp lại cụm từ còn thấy, còn nhớ

=> Tác dụng: nhấn mạnh, lay động tình cảm của người ra đi, nhắc nhở người ra đi luôn khắc ghi trong lòng những kỉ niệm với quê hương Việt Bắc.

+ Lặp lại từ ngày mai.

=> Tác dụng: nhấn mạnh niềm tin, niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

Câu 3:

- Kết cấu của đoạn thơ: kết cấu đối đáp

- Mượn lời đối đáp giữa kẻ ở, người đi, đoạn thơ gợi nhắc những kỉ niệm kháng chiến, bày tỏ tình cảm lưu luyến nhớ nhung tha thiết mặn nồng của người đi, kẻ ở, đồng thời khẳng định lối sống nghĩa tình, niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.

Câu 4:

Học sinh tự do bày tỏ điều mình tâm đắc nhất sau khi đọc đoạn thơ. Cần lí giải vì sao mình tâm đắc nhất điều đó, trình bày từ 5 đến 7 dòng. (Có thể nêu những cảm nhận như: Tình cảm tha thiết mặn nồng giữa kẻ ở, người đi; lối sống nghĩa tình trong kháng chiến; niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai tươi sáng...

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.4 trên 13 phiếu

>> Xem thêm