Đọc hiểu - Đề số 22 - THPT


Giải bài tập Đọc hiểu - Đề số 22, đề đọc hiểu dành cho học sinh lớp 10, 11, 12 và thi THPT Quốc gia

Đề bài

Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi:

“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng

Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi

Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng

Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”

(Chiều xuân – Anh Thơ )

Câu a. Đoạn thơ trên chủ yếu được viết theo phương thức biểu đạt nào? (0,5 điểm)

Câu b. Bức tranh chiều xuân hiện lên trong đoạn thơ có đặc điểm gì? ( 0.5 điểm)

Câu c. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thứ hai và thứ ba của đoạn thơ? ( 0.5 điểm)

Câu d. Anh/chị thấy được những điều gì trong tâm hồn tác giả qua đoạn thơ trên? ( 0.5 điểm)

Lời giải chi tiết

Câu a.

Đoạn thơ trên chủ yếu sử dụng phương thức biểu đạt: miêu tả

Câu b.

Bức tranh chiều xuân hiện lên có những đặc điểm là:

- Bức tranh thuỷ mặc chấm phá những nét đầy thi vị về một buổi chiều quê mưa xuân.

- Cảnh đẹp, bình yên nhưng gợi buồn.

Câu c.

- Biện pháp tu từ nhân hóa: “đò-  biếng lười- mặc”, “ quán tranh- đứng im lìm”

- Tác dụng biện pháp tu từ:

+ Biến những vật vô tri, vô giác thành sống động có hồn, gợi hình, gợi cảm.

+ Góp phần khắc họa hình ảnh thiên nhiên, làng quê vắng lặng, im lìm, bình yên nhưng cũng đượm buồn.  

Câu d.

- Tâm hồn của tác giả trong đoạn thơ:

+ Tấm hồn nhạy cảm, tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời buổi chiều xuân.

+ Tấm lòng yêu thiên nhiên, quê hương sâu sắc.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.4 trên 14 phiếu

>> Xem thêm