Đọc hiểu - Đề số 57 - THPT


Đề bài

Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

      “Viên quản ngục vốn đã tin được thầy thơ lại, cho lính gọi lên, kể rõ tâm sự mình. Thầy thơ lại cảm động nghe xong chuyện, nói: “Dạ bẩm, ngài cứ yên tâm, đã có tôi” rồi chạy xuống phía trại giam ông Huấn, đấm cửa buồng giam, hớt hơ hớt hải kể cho tử tù nghe rõ nỗi lòng viên quản ngục, và ngập ngừng bảo luôn cho ông Huấn biết việc về kinh chịu án tử hình.

      Ông Huấn Cao lặng nghĩ một lát rồi mỉm cười: “Về báo với chủ ngươi, tối nay, lúc nào lính canh về trại nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây ta cho chữ. Chữ thì quý thực. ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.

(Ngữ văn 11, tập 1, trang 113, NXBGD 2014)

Câu 1. Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Của ai? (1,0 điểm)

Câu 2. “Lụa”, “mực”, “bút” thường được dùng trong nghệ thuật gì? (0,5 điểm)

Câu 3. “Tấm lòng biệt nhỡn liên tài” nghĩa là gì? (0,5 điểm)

Câu 4. Huấn Cao coi quản ngục là “một tấm lòng trong thiên hạ”, em có đồng ý không? Vì sao? (1,0 điểm)

Lời giải chi tiết

Câu 1.

Đoạn văn trên được trích từ truyện ngắn “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân.

Câu 2.

“Lụa”, “mực”, “bút” thường được dùng trong nghệ thuật viết chữ thư pháp.

Câu 3.

“Tấm lòng biệt nhỡn liên tài” nghĩa là cái nhìn thể hiện sự kính trọng đặc biệt đối với người tài.

Câu 4.

Đồng ý với việc Huấn Cao coi quản ngục là "một tấm lòng trong thiên hạ" vì ngục quan có những phẩm chất đáng quý:

- Biết yêu, trân trọng cái đẹp, say mê nghệ thuật

- Có lòng “biệt nhỡn liên tài”: thái độ sùng kính Huấn Cao - hiện thân của cái tài, cái đẹp, cái “thiên lương” cao cả;

- Biết hối cải qua hành vi vái người tù một vái, chắp tay nghẹn ngào nói: “  Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” ở cuối tác phẩm.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.8 trên 9 phiếu

>> Xem thêm