Đề thi học kì 1 Văn 8 - Đề số 6>
Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: Việc tử tế không phải là những gì to tát, phi thường mà đôi khi chỉ là một hành động nhỏ bé nhưng vô cùng giá trị như câu chuyện được lan truyền trên mạng xã hội của cậu bé Đạt “thông cống” khi trời mưa, câu chuyện của nữ sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất, cụ bà 80 tuổi với kinh nghiệm 20 năm vá đường không công, sư thầy nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi…
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 8 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên
Đề thi
PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:
Việc tử tế không phải là những gì to tát, phi thường mà đôi khi chỉ là một hành động nhỏ bé nhưng vô cùng giá trị như câu chuyện được lan truyền trên mạng xã hội của cậu bé Đạt “thông cống” khi trời mưa, câu chuyện của nữ sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất, cụ bà 80 tuổi với kinh nghiệm 20 năm vá đường không công, sư thầy nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi…Hay đơn giản, việc tử tế chỉ là hành động thể hiện thái độ sống tích cực, hành động kính trên nhường dưới, có trước có sau, dắt cụ bà qua đường, nhặt rác nơi công cộng… Việc tử tế không phải một ngày, cũng không phải một tháng, một năm mà là toàn bộ thời gian chúng ta đang sống. Vì vậy, hãy tiếp tục lan tỏa những việc làm tử tế mỗi ngày để góp phần xây dựng một cuộc sống tốt đẹp và nhân văn hơn.
Câu 1 (0.5 điểm): Đoạn trích trên thuộc thể loại gì?
Câu 2 (1.0 điểm): Theo tác giả, những câu chuyện tử tế “vô cùng giá trị … được lan truyền trên mạng xã hội” là những câu chuyện nào?
Câu 3 (1.0 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu sau: “Hay đơn giản, việc tử tế chỉ là hành động thể hiện thái độ sống tích cực, hành động kính trên nhường dưới, có trước có sau, dắt cụ bà qua đường, nhặt rác nơi công cộng …”
Câu 4 (1.5 điểm): Anh/chị có đồng ý với tác giả rằng: “Việc tử tế không phải một ngày, cũng không phải một tháng, một năm mà là toàn bộ thời gian chúng ta đang sống” hay không? Vì sao?
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề làm thế nào để lan tỏa việc tử tế trong môi trường học đường.
Câu 2 (4.0 điểm) Hằng năm, các em học sinh thường được tham gia nhiều chuyến đi trải nghiệm thực tế do nhà trường tổ chức. Mỗi một chuyến đi luôn để lại những kỉ niệm đẹp khó quên. Hãy kể lại một kỉ niệm đáng nhớ của em trong chuyến đi thực tế ấy.
(Kể chuyện kết hợp với yếu tố miêu tả và biểu cảm)
Đáp án
PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Câu 1.
Đoạn trích trên thuộc thể loại gì? |
Phương pháp:
Dựa vào đặc trưng thể loại
Lời giải chi tiết:
Thể loại văn bản nghị luận
Câu 2.
Theo tác giả, những câu chuyện tử tế “vô cùng giá trị … được lan truyền trên mạng xã hội” là những câu chuyện nào? |
Phương pháp:
Đọc kĩ đoạn trích, xác định những câu chuyện tử tế được nhắc đến
Lời giải chi tiết:
Những câu chuyện tử tế “vô cùng giá trị … được lan truyền trên mạng xã hội” là:
- cậu bé Đạt “thống cống” khi trời mưa
- nữ sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất
- cụ bà 80 tuổi với kinh nghiệm 20 năm vá đường không công
- sư thầy nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi
Câu 3.
Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu sau: “Hay đơn giản, việc tử tế chỉ là hành động thể hiện thái độ sống tích cực, hành động kính trên nhường dưới, có trước có sau, dắt cụ bà qua đường, nhặt rác nơi công cộng …” |
Phương pháp:
Vận dụng kiến thức đã học về các biện pháp tu từ được học
Lời giải chi tiết:
- Biện pháp: Liệt kê (thái độ sống tích cực, hành động kính trên nhường dưới, có trước có sau, dắt cụ bà qua đường, nhặt rác nơi công cộng).
- Tác dụng:
+ Làm nổi bật ý nghĩa của việc tử tế qua các hành động cụ thể
+ Nhấn mạnh rằng sự tử tế không cần những hành động lớn lao mà đến từ những việc làm nhỏ bé, bình dị trong cuộc sống hàng ngày
Câu 4.
Anh/chị có đồng ý với tác giả rằng: “Việc tử tế không phải một ngày, cũng không phải một tháng, một năm mà là toàn bộ thời gian chúng ta đang sống” hay không? Vì sao? |
Phương pháp:
Nêu suy nghĩ của em và lí giải
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
Đồng ý vì:
- Việc tử tế là giá trị cốt lõi làm nên nhân cách con người, cần được thực hiện liên tục để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
- Lòng tử tế cần được duy trì, không phải chỉ trong thời gian ngắn mà trong suốt cả cuộc đời, bởi nó có ý nghĩa lớn đến cuộc sống cá nhân và cộng đồng.
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1.
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề làm thế nào để lan tỏa việc tử tế trong môi trường học đường. |
Phương pháp:
- Viết đoạn văn theo kết cấu rõ ràng: Mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.
- Tập trung vào các giải pháp cụ thể, thiết thực.
Lời giải chi tiết:
Dàn ý
1. Mở đoạn
Giới thiệu vấn đề: làm thế nào để lan tỏa việc tử tế trong môi trường học đường.
2. Thân đoạn
a. Giải thích vấn dề
- Tử tế là thái độ, hành động mang tính nhân văn, giúp đỡ người khác và sống có trách nhiệm với cộng đồng.
=> Việc tử tế trong môi trường học đường là hành động mang lại ý nghĩa sâu sắc
b. Biểu hiện của sự tử tế trong học đường
- Hỗ trợ bạn bè trong học tập.
- Tôn trọng thầy cô, giữ gìn trường lớp sạch đẹp.
…
c. Ý nghĩa của việc lan tỏa sự tử tế trong học đường
- Góp phần xây dựng nhân cách mỗi học sinh
- Tạo môi trường học tập tích cực, hòa đồng
- Gắn kết mối quan hệ giữa học sinh với bạn bè, thầy cô…
- Truyền cảm hứng và lan tỏa giá trị sống tốt đẹp
- Định hướng lối sống cho tương lai của học sinh
d. Để lan tỏa việc tử tế trong môi trường học đường, chúng ta cần:
- Giáo dục lòng tử tế ngay từ gia đình và nhà trường.
- Khuyến khích các phong trào, hoạt động cộng đồng để lan tỏa hành động đẹp.
- Cá nhân cần tự ý thức, rèn luyện thói quen sống tử tế mỗi ngày.
- Dẫn chứng: học sinh lựa chọn một dẫn chứng phù hợp để tăng tính thuyết phục
e. Phản đề
- Một số trường hợp sống ích kỉ, không có ý thức gây ảnh hưởng đến bạn bè, thầy cô…
3. Kết đoạn
- Khẳng định lại vấn đề
- Liên hệ bản thân
Câu 2.
Hằng năm, các em học sinh thường được tham gia nhiều chuyến đi trải nghiệm thực tế do nhà trường tổ chức. Mỗi một chuyến đi luôn để lại những kỉ niệm đẹp khó quên. Hãy kể lại một kỉ niệm đáng nhớ của em trong chuyến đi thực tế ấy. (Kể chuyện kết hợp với yếu tố miêu tả và biểu cảm) |
Phương pháp:
Sử dụng các phương thức biểu đạt miêu tả, biểu cảm để tạo lập văn bản tự sự.
Lời giải chi tiết:
Dàn ý
1. Mở bài
- Giới thiệu một kỉ niệm đáng nhớ
- Ấn tượng của em về kỉ niệm đó
2. Thân bài
- Giới thiệu kỉ niệm:
+ Đây là kỉ niệm buồn hay vui.
+ Xảy ra trong hoàn cảnh, thời gian nào: chuyến trải nghiệm thực tế do nhà trường tổ chức vào dịp sắp nghỉ hè.
- Miêu tả sơ nét về người mà làm nên kỉ niệm với em: thầy, cô, bạn bè.
+ Hình dáng, tuổi tác.
+ Đặc điểm mà em ấn tượng
+ Tính cách và cách cư xử của người đó
- Diễn biến của câu chuỵên:
+ Nêu mở đầu câu chuyện và diễn biến như thế nào
+ Trình bày đỉnh điểm của câu chuyện
+ Thái độ, tình cảm của nhân vật trong chuyện
- Kết thúc câu chuyện
+ Câu chuyện kết thúc như thế nào.
+ Nêu suy nghĩ và cảm nhận của em qua câu chuyện.
3. Kết bài:
Câu chuyện là một kỉ niệm đẹp thời cắp sách đến trường. nó đã cho em một bài học quý giá và em sẽ không bao giờ quên kỉ niệm này.
Bài tham khảo
Đầu năm học, lớp tôi được đi dã ngoại ở bảo tàng dân tộc học. Ở đó, chúng tôi đã được biết thêm về nhiều dân tộc khác nhau trên mảnh đất chữ S rộng lớn này.
Từ sáng sớm, khi chiếc xe chuyển bánh, ai nấy đều vui mừng, háo hức. Trên xe, chúng tôi hát vang những bài hát quen thuộc. Cổng bảo tàng rất đẹp, nhưng bước vào trong mới thấy hết vẻ rộng lớn và đẹp đẽ của nơi này. Cô giáo cho chúng tôi xếp thành nhiều hàng để di chuyển được dễ dàng. Cô hướng dẫn viên đưa đoàn đi lần lượt tới những khung cảnh khác nhau. Những hàng cây cao, xanh cứ đu đưa theo gió. Biết bao ngôi nhà được dựng bằng tre nứa hiện ra. Tôi ấn tượng nhất ngôi nhà rông cao chót vót với những bậc thang đưa lên sàn nhà.
Một lúc sau, chúng tôi dừng lại ở ngôi nhà dài. Cô tôi kể đây là kiểu nhà của những đại gia đình dân tộc Ê – đê. Chúng tôi ngồi nghỉ ở đó. Cô giáo cho chúng tôi ngồi thành vòng tròn để chuẩn bị chơi trò chơi. Chà! Thật khác với những buổi dã ngoại ngoài trời, chơi trò chơi ở nhà dài Ê – đê có nhiều điều thú vị riêng. Chúng tôi chơi nhiều trò lắm, nào là chia đội hát đối, nào là trả lời ai nhanh hơn, rồi còn chơi cả trò kể tên những dân tộc trên đất nước chúng ta. Tôi đã được bố kể cho nghe về các dân tộc nên nhớ được khá nhiều. Đội tôi đã chiến thắng và được thưởng một túi kẹo dẻo.
Sau đó, lớp di chuyển ra bãi cỏ xanh dưới gốc cây xà cừ. Chúng tôi trải những tấm thảm xuống nền cỏ để chuẩn bị ăn trưa. Mỗi bạn đều được mẹ chuẩn bị cho những món thật ngon. Cô giáo đưa cho chúng tôi ăn một món mà ai cũng thích thú, cơm cuộn rong biển. Ăn xong, tôi khẽ nằm rồi ngước nhìn bầu trời cao trong xanh. Tôi lại nghĩ về những lời cô hướng dẫn viên nói ban sáng, ngày xưa, một số dân tộc còn đói khổ, họ phải vào rừng săn bắt động vật rồi nướng trên ngọn lửa để ăn, rồi các bạn nhỏ không được đi học, họ nhỏ xíu đã phải lên rẫy giúp đỡ cha mẹ.
Quả thực, tôi cảm thấy tự hào vì những thế hệ đi trước đã hi sinh để chúng ta có cuộc sống yên bình như hiện nay. Và tôi cũng cảm thấy may mắn vì mình được đi học, được tham gia những chuyến dã ngoại vừa học tập vừa vui chơi giải trí thế này. Đây là chuyến dã ngoại tôi vui nhất, bởi nó đã đưa tôi tới nhiều vùng miền khác nhau chỉ với những ngôi nhà, những hình ảnh.
- Đề thi học kì 1 Văn 8 - Đề số 7
- Đề thi học kì 1 Văn 8 - Đề số 8
- Đề thi học kì 1 Văn 8 - Đề số 9
- Đề thi học kì 1 Văn 8 Kết nối tri thức - Đề số 5
- Đề thi học kì 1 Văn 8 Kết nối tri thức - Đề số 4
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Kết nối tri thức - Xem ngay