Cơ chế quản lý kinh tế thời kỳ trước đổi mới


a) Cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp Trước đổi mới, cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta là cơ chế kế hoạch hoá tập trung với những đặc điểm chủ yếu là:

a)       Cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp

Trước đổi mới, cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta là cơ chế kế hoạch hoá tập trung với những đặc điểm chủ yếu là:

Thứ nhất, Nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh chi tiết áp đặt từ trên xuống dưới. Các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Tất cả phương hướng sản xuất, nguồn vật tư, tiền vốn; định giá sản phẩm, tổ chức bộ máy, nhân sự, tiền lương... đều do các cấp có thẩm quyền quyết định. Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch cấp phát vốn, vật tư cho doanh nghiệp, doanh nghiệp giao nộp sản phẩm cho Nhà nước. Lỗ thì Nhà nước bù, lãi thì Nhà nước thu.

Thứ hai, các cơ quan hành chính can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng lại chịu trách nhiệm gì về vật chất và pháp lý đối với các quyết định của mình. Những thiệt hại vật chất do các quyết định không gây ra thì ngân sách nhà nước phải gánh chịu. Các doanh nghiệp không có quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh, cũng không bị ràng buộc trách nhiệm đối với kết quả sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, quan hệ hàng hóa - tiền tệ bị coi nhẹ, chỉ là hình thức, quan hệ hiện vật là chủ yếu. Nhà nước quản lý kinh tế thông qua chế độ "cấp phát - giao nộp". Vì vậy, rất nhiều hàng hóa quan trọng như sức lao động, phát minh sáng chế, tư liệu sản xuất quan trọng không được coi là hàng hóa về mặt pháp lý.

Thứ tư, bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều cấp trung gian vừa kém năng động, vừa sinh ra đội ngũ quản lý kém năng lực, phong cách cửa quyền, quan liêu nhưng lại được hưởng quyền lợi cao hơn người lao động.

Chế độ bao cấp được thực hiện dưới các hình thức chủ yếu sau:

Bao cấp qua giá: Nhà nước quyết định giá trị tài sản, thiết bị, vật tư, hàng hóa thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực với chúng trên thị trường. Do đó, hạch toán kinh tế chỉ là hình thức.

Bao cấp qua chế độ tem phiếu: Nhà nước quy định chế độ phân phối vật phẩm tiêu dùng cho cán bộ, công nhân viên theo định mức qua hình thức tem phiếu. Chế độ tem phiếu với mức giá khác xa so với giá thị trường đã biến chế độ tiền lương thành lương hiện vật, thủ tiêu động lực tích thích người lao động và phá vỡ nguyên tắc phân phối theo lao động.

Bao cấp theo chế độ cấp phát vốn của ngân sách, nhưng không có chế tài ràng buộc trách nhiệm vật chất đối với các đơn vị được cấp vốn. Điều đó vừa làm tăng gánh nặng đối với ngân sách, vừa làm cho việc sử dụng vốn kém hiệu quả, nảy sinh cơ chế "xin - cho".

Trong thời kỳ kinh tế còn tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng thì cơ chế này có tác dụng nhất định, nó cho phép tập trung tối đa các nguồn lực kinh tế vào các mục tiêu chủ yếu trong từng giai đoạn và điều kiện cụ thể, đặc biệt trong quá trình công nghiệp hóa theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Nhưng nó lại thủ tiêu cạnh tranh, kìm hãm tiến bộ khoa học - công nghệ, triệt tiêu động lực kinh tế đối với người lao động, không kích thích tính năng động, sáng tạo của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Khi nền kinh tế thế giới chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu dựa trên cơ sở áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học — công nghệ hiện tại thì cơ chế quản lý này càng bộc lộ những khiếm khuyết của nó, làm cho kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa trước đây; trong đó có nước ta, lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.

Trước đổi mới, do chưa thừa nhận sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường, chúng ta xem kế hoạch hóa là đặc trưng quan trọng nhất của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, phân bổ mọi nguồn lực theo kế hoạch là chủ yếu; coi thị trường chỉ là một công cụ thứ yếu bổ sung cho kế hoạch. Không thừa nhận trên thực tế sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ, lấy kinh tế quốc doanh, và tập thể là chủ yếu, muốn nhanh chóng xóa sở hữu tư nhân và kinh tế cá thể, tư nhân. Nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.

b) Nhu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế

Dưới áp lực của tình thế khách quan, nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, chúng ta đã có những bước cải tiến nền kinh tế theo hướng thị trường, tuy nhiên còn chưa toàn diện, chưa triệt để. Đó là khoán sản phẩm trong nông nghiệp theo Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa IV; bù giá vào lương ở Long An; Nghị quyết Trung ương 8 khóa V (năm 1985) về giá - lương — tiền; thực hiện Nghị định số 25 - CP và Nghị định số 26 - CP của Chinh phủ... Đó là những căn cứ thực tế để Đảng đi đến quyết định thay đổi về cơ bản cơ chế quản lý kinh tế.

Đề cập sự cần thiết đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Đại hội VI khẳng định "Việc bố trí lại cơ cấu kinh tế phải đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp từ nhiều năm nay không tạo được động lực phát triển, làm suy yếu kinh tế xã hội chủ nghĩa, hạn chế việc sử dụng, và cải tạo các thành phần kinh tế khác, kìm hãm sản xuất, làm giảm năng suất, chất lượng, hiệu quả, gây rối loạn trong phân phối lưu thông, và đẻ ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội". Chính vì vậy, việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trở thành nhu cầu cần thiết và cấp bách.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.5 trên 11 phiếu