Văn bản Lễ hội dân gian đặc sắc của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận


11-07-2017 Ka-tê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của dân tộc Chăm. Đây là dịp người Chăm dâng lễ vật tri ân các vị thần và tưởng nhớ tổ tiên của mình.

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 10 tất cả các môn - Cánh diều

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa...


Lễ hội dân gian đặc sắc của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận

11-07-2017

Ka-tê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của dân tộc Chăm. Đây là dịp người Chăm dâng lễ vật tri ân các vị thần và tưởng nhớ tổ tiên của mình. Về Ninh Thuận dịp lễ hội, du khách không chỉ được chiêm bái các đền tháp cổ mà còn được thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc.

1.Khi hoa ta-ghi-lao nở tím sườn núi, làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận nô nức chuẩn bị tết Ka-tê. Lễ hội Ka-tê được tổ chức vào đầu tháng 7 lịch Chăm (tương ứng cuối tháng 9 – đầu tháng 10 dương lịch). Trước đây, dù được mùa hay mất mùa, ngày hội Ka-tê đều kéo dài một tháng. Hiện nay, lễ hội này của người Chăm đã được rút ngắn với thời gian một tuần, trong đó, những lễ thức quan trọng sẽ tiến hành trong ba ngày liên tục. [...]

2. Phần nghi lễ

Sáng sớm ngày đầu tiên của lễ hội Ka-tê, đại lễ diễn ra tại đền tháp Pô-không Ga-rai. Không gian quanh tháp như mở rộng ra bởi sự tham dự của hàng vạn người. Người Chăm hành hương trong lễ hội Ka-tê xếp thành hàng dài, ngay ngắn trên con đường đi lên đỉnh đồi mà ngôi tháp cổ toạ lạc. Họ mong muốn được dự lễ mở cửa tháp và dâng lên thần linh những sản vật mới thu hoạch của gia đình. Khi những nghi lễ đầu tiên diễn ra tại tháp Pô-klông Ga-rai thì tại làng Kuh Nhút, xã Phước Hà, một đoàn người rước y trang của thần linh khởi hành về hướng lễ hội Ka-tê. Đoàn rước lễ vật bao gồm các già làng, chức sắc cùng đông đảo bà con người Chăm và người Ra-glai. [...] Đoàn người Ra-glai trang trọng mang y phục dâng thần linh từ trên núi về làng của người Chăm. Theo quan niệm truyền thống của dân tộc Chăm, nếu người Ra-glai không xuống cúng lễ thì họ không được phép mở cửa tháp để tiến hành các nghi thức của lễ hội Ka-tê. Điều này cho thấy, sự xuất hiện của người Ra-glai quyết định sự thành công của lễ hội Ka-tê.

Đến ngày thứ hai của lễ hội, đoàn người Chăm và Ra-glai mới tổ chức rước y trang lên tháp Pô-klông Ga-rai. Thầy cả lễ vinh dự dẫn đầu đoàn rước y trang lên tháp. Ông khoác trên người áo choàng và dầu chít khăn, chúng đều mang màu trắng. Phía sau thầy cả lễ là các vị chức sắc, thanh niên và trí thức Chăm. Các bộ lễ phục được đặt trên kiệu, có lọng che hai bên. Phía sau là các cô thôn nữ xinh đẹp trong trang phục áo dài Chăm truyền thống. Họ vừa đi vừa múa quạt vui vẻ rộn ràng. Tiếp đó là đoàn người Ra-glai múa và đánh mã la, thổi kèn bầu. Dưới bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân, mã la phát ra âm thanh dồn dập làm xao động tâm hồn người tham dự lễ hội. Với đồng bào Ra-glai, mã la là thứ tài sản quý giá, là nhạc cụ truyền thống luôn đồng hành với họ trong cuộc sống. Thầy cả sư là người chủ trì nghi lễ cúng tạ ơn thần linh. Khi nhạc điệu của tiếng đàn Ka-nhi vang lên, cũng là lúc các vị cả sư rót rượu vào chén dâng lên những vị thần. Tiếp đó, nghi lễ mặc y trang cho các vị thần được tiến hành. Giây phút long bào lộng lẫy khoác lên tượng thần được coi là thời khắc thiêng liêng nhất. Đây cũng là lúc nghệ nhân kéo đàn Ka-nhi say sưa cất tiếng hát. Ca từ và giai điệu da diết, khiến người nghe liên tưởng bài hát sẽ được gió mây mang đến các vị thần linh lời mời của dân làng, cầu mong các ngài hãy về bên tháp, lắng nghe những ước nguyện của họ. Xung quanh tháp, người dân trải chiếu rồi đặt mâm để bày lễ vật tế thần. Họ hi vọng, cuộc tiếp xúc thần linh tối cao của các chức sắc Bà La Môn sẽ giúp họ đạt được ý nguyện của mình. [...]

3. Phần hội

Trước khi diễn ra lễ hội Ka-tê, không khí náo nhiệt đã lan toả mọi dường làng ngõ xóm. Những hoạt động thể thao vui tươi luôn diễn ra sôi nổi ngay lúc y trang của thần linh được rước về đến làng. Sau phần lễ là phần hội kéo dài hết tuần. Trong thời gian lễ hội, hoa đăng luôn được thắp sáng trên mọi ngả đường.

Tất cả những người tham gia lễ hội đều cảm thấy phấn chấn trước khi bước vào một vụ mùa mới. Âm thanh vang vọng của các nhạc cụ dân tộc Chăm (trống Ghi-năng, Ba-ra-nưng và kèn Sa-ra-nai) hoà quyện với giọng hát của nam thanh, nữ tú,... Trong các điệu hát tạ ơn thần linh, tổ tiên, các thiếu nữ Chăm thẹn thùng thả dáng cùng các điệu múa quạt, múa đội Thong-ha-la (cỗ bồng trầu). Việc trình diễn những điệu múa này để cầu các vị thần ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu và dời sống của người dân ấm no, hạnh phúc.

Sau khi kết thúc mọi nghi thức ở các đền tháp, người Chăm trở về ngôi làng của mình chuẩn bị cho phần hội trong ngày tết Ka-tê. Nếu như phần lễ được coi trọng ở đền tháp thì tại thôn bản mà người Chăm sinh sống, phần hội đóng vai trò quan trọng. Trong mỗi năm, một gia đình được cử đại diện làm mâm cúng tế thần linh và phần lộc thụ hưởng được chia đều cho các hộ gia đình.

Tiếp đó, người Chăm tổ chức các hội thi, hội diễn và tái hiện những trò chơi dân gian, chương trình văn nghệ thể dục thể thao sôi động. Trong ngày hội, du khách dễ bắt gặp hình ảnh đội chum nước rất duyên dáng, khéo léo của các cô gái Chăm trong cuộc thi để nhanh về dích. Ở khoảng sân rộng, nam thanh nữ tú Chăm thể hiện những bài dân ca, biểu diễn dân vũ. Họ say sưa ca hát, nhảy múa đến đêm khuya. Hội làng tan dần, mọi người hân hoan trở về mái ấm gia đình để họp mặt gia tiên. Trong không khí tưng bừng, náo nhiệt của lễ hội Ka-tê, mọi khoảng cách giữa con người với nhau như bị xoá nhoà.

Người Chăm rất tự hào khi sở hữu một kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc và lễ hội Ka-tê là một minh chứng rõ nét nhất. Trong thời gian diễn ra lễ hội, mọi người lại có dịp thể hiện sự tri ân đối với tổ tiên, các bậc tiền bối đã có công tạo dựng và bảo vệ cuộc sống cho họ. Đây cũng là khoảng thời gian những thành viên trong gia đình vui Tết đoàn viên, đến thăm họ hàng, bè bạn. Những vất vả, lo âu thường ngày đã tan biến, thay vào đó là niềm vui, sự thân thiện. Mọi người cùng nhau tận hưởng những giây phút bình an, hạnh phúc.

(Theo ĐÀO BÌNH TRỊNH, thegioidisan.vn)

 


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 10 - Cánh Diều - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí