Sự tích hồ Gươm


0:00
/
5:24
Chọn giọng đọc
Download
Playback seep

Đọc truyện: SỰ TÍCH HỒ GƯƠM

Vào thời giặc Minh xâm lược nước ta, đi đến đâu chúng cũng tàn sát người dân vô tội, cướp bóc của cải của nhân dân. Cuộc sống của người dân vô cùng cực khổ, và lầm than. Thấy cuộc sống của trăm dân như vậy một số người có lòng yêu nước đã tụ họp lại với nhau cùng bàn bạc làm một cuộc khởi nghĩa để chống lại sự tàn ác và bạo ngược của quân giặc. Trong đó có nghĩa quân ở vùng Lam Sơn.

Tuy nhiên, nghĩa quân cũng chỉ toàn là những người nông dân áo vải, binh khí thì thô sơ mà chưa thu hút được nhiều người nên chưa có đủ sức mạnh để chiến đấu chống lại quân giặc. Rất nhiều lần nghĩa quân đã đứng lên khởi nghĩa nhưng lần nào cũng bị binh tướng nhà Minh đánh cho bại trận. Đức Long Quân nhìn thấy tấm lòng chiến đấu quả cảm và tinh thần yêu nước của nghĩa quân, liền quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để tăng thêm sức mạnh và sĩ khí chiến đấu cho họ.

Hồi ấy ở Thanh Hóa, có một người đi đánh cá dưới sông, khi kéo lên thấy lưới rất nặng. Anh ta nghĩ thầm trong bụng: “Phen này chắc là được nhiều cá lắm đây!“. Tuy nhiên khi lưới được kéo lên thì không có một con cá nào mà chỉ là một lưỡi gươm cũ. Anh ta liền vứt lưỡi gươm trở lại sông, lần thứ hai chàng kéo lưới, lưỡi gươm ấy lại vướng vào. Lần này anh quăng lưỡi gươm đi xa hơn nữa.

Đến lần thứ ba kéo lưới vẫn là lưỡi gươm đó mắc vào. Thấy lạ, anh liền cầm lưỡi gươm cũ lên và mang về để trong góc nhà. Người đó tên là Lê Thận – một nông dân quê ở Thanh Hóa, có lòng yêu nước nồng nàn, từ lâu đã có ý muốn gia nhập cùng nghĩa quân Lam Sơn.

Lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn lúc bấy giờ đã ngày càng đông, muốn chiêu binh thêm những người tài giỏi và có lòng yêu nước tham gia. Lê Thận có sức khỏe cùng với lòng yêu nước mong đánh đuổi giặc ngoại xâm từ lâu nên đã gia nhập nghĩa quân. Anh tham gia những trận chiến quan trọng và góp nhiều công sức trong các trận thắng lớn, được Lê Lợi vô cùng tin tưởng.

Một lần Lê Lợi đưa quân qua vùng Thanh Hóa đã vào nhà Lê Thận để nghỉ ngơi. Vừa vào tới nhà, Lê Lợi và các tướng lĩnh thấy lưỡi gươm cũ vứt ở xó nhà của Lê Thận phát ra ánh hào quang sáng chói. Mọi người tiến lại cầm lên xem thì thấy trên lưỡi gươm có khắc hai chữ “thuận thiên”. Tất cả vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng không nghĩ đó là báu vật, chỉ cho đó là lưỡi gươm bình thường mà thôi.

Thời gian sau, nghĩa quân tổ chức rất nhiều trận đánh trả quân Minh. Trong một đánh không may nghĩa quân bại trận, Lê Lợi bị quân giặc đuổi theo vào trong rừng sâu. Khi đang chạy trốn, ông nhìn thấy có một vật sáng chói trên cành cây. Lấy làm tò mò, Lê Lợi liền trèo lên cành cây thì thấy một cái chuôi gươm nạm ngọc sáng lấp lánh. Lại nhớ tới hôm ở nhà Lê Thận có lưỡi gươm phát sáng Lê Lợi liền cầm chuôi gươm về.

Vài hôm sau, gặp Lê Thận, Lê Lợi kể lại chuyện nhặt được chuôi gươm phát sáng và bảo Lê Thận cho mượn lưỡi gươm cũ. Không ngờ sau khi cho lưỡi gươm vào trong chuôi gươm thì lại vừa in như một cặp, lưỡi gươm trở lên sáng chói và sắc nhọn vô cùng.

Lê Thận và mọi người ở đó đều quỳ rạp dưới chân Lê Lợi mà rằng: “Có lẽ đây là gươm báu trời ban, giúp nghĩa quân đánh giặc xâm lược. Nay xin chủ tướng cầm gươm báu để lãnh đạo nghĩa quân đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước ta, để cho muôn dân được hưởng cuộc sống yên bình”.

Lê Lợi nhận thanh gươm từ tay Lê Thận, hứa sẽ dốc hết lòng lãnh đạo nghĩa quân thuận theo ý trời.

Kể từ đó, nghĩa quân đánh đâu thắng đó, trăm trận trăm thắng. Dần dần lực lượng quân Minh bị suy yếu, nghĩa quân không còn phải trốn ở trong rừng nữa, mà chuyển sang đối đầu trực diện. Kho lương thực cũng ngày càng đầy đủ do chiếm được của quân giặc càng giúp cho quân lính có thêm khí thế chiến đấu hơn trước.

Chẳng bao lâu sau, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và nhờ gươm thần mà nghĩa quân đã đánh bại quân Minh. Giặc sợ hãi bỏ tháo chạy về phương Bắc, muôn dân lại được thái bình.

Sau khi đánh đuổi hết giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua để trị vì và thống nhất đất nước.

Một năm sau, khi nhà vua cùng các bề tôi thân tín ngồi thuyền đi dạo trên hồ Tả Vọng trước kinh thành. Đức Long Quân sai rùa vàng lên để lấy lại thanh gươm thần.

Khi thuyền ra tới giữa hồ thì bất ngờ từ dưới làn nước trong xanh, có một con rùa vàng ngoi đầu lên, cất tiếng:

– Thưa nhà vua, lúc trước Đức Long Quân có cho nhà vua mượn thanh gươm thần để đánh giặc. Nay nghiệp lớn đã hoàn thành, xin nhà vua hãy trả lại gươm thần!

Lê Lợi nghe xong, liền cởi thanh gươm bên mình ra, cầm hai tay và dâng lên trước mặt rùa vàng. Thanh gươm bất ngờ bay khỏi tay nhà vua sang miệng rùa vàng. Rùa vàng ngậm lấy gươm, lặn xuống hồ biến mất.

Từ đó, hồ Tả Vọng được đặt tênHồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.

Bài học rút ra

Ca ngợi tinh thần đoàn kết chống giặc của dân tộc ta

  • Người vùng Lam Sơn - Thanh Hóa đã nổi dậy khởi nghĩa chống giặc Minh nhưng do quân giặc đông, quân ta lại là những người nông dân áo vải nên toàn bị đánh cho bại trận. Chứng kiến tấm lòng chiến đấu quả cảm và tinh thần yêu nước của nghĩa quân, Đức Long Quân liền quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để tăng thêm sức mạnh và sĩ khí chiến đấu cho họ. Nhờ có thanh gươm, quân ta đánh đâu thắng đó, chẳng mấy chốc đã tiêu diệt được giặc Minh.

  • Qua đó, ta có thể thấy được tinh thần đoàn kết chống giặc của dân tộc ta. Dù khởi nghĩa thất bại nhưng luôn vùng dậy, quyết tâm đánh giặc. Sự xuất hiện thần kỳ của thanh gươm chính là đại diện cho tinh thần đoàn kết của dân tộc ta. Sức mạnh kỳ diệu của thanh gươm cũng chính là sức mạnh đồng lòng chung sức, cùng nhau chống giặc của quân dân ta. Nhờ có sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta, quân giặc đã nhanh chóng bại trận. Chỉ cần chúng ta đoàn kết, sẽ không có kẻ thù nào là không đánh bại được.

Thể hiện khát khao hòa bình của quần chúng nhân dân

  • Trong truyện, người đọc có thể thấy được tinh thần bất khuất, quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm của nghĩa quân ta. Dù cho binh khí thô sơ, nghĩa quân cũng chỉ toàn những nông dân áo vải nhưng lại không bỏ cuộc. Điều đó thể hiện khát khao được sống trong hòa bình của dân tộc ta.

  • Chi tiết Đức Long Quân cho nghĩa quân mượn gươm thần và sự xuất hiện của Rùa Vàng cũng thể hiện khát khao độc lập dân tộc. Đức Long Quân và và Rùa Vàng là những bậc thần thánh, tượng trưng cho sức mạnh siêu nhiên của bề trên. Việc Đức Long Quân ban gươm thần thể hiện niềm tin của nhân dân ta vào tương lai sẽ chiến thắng, sẽ hòa bình.

Thể hiện sự tôn kính đến các bậc thần thánh

  • Trong truyện có chi tiết Lê Lợi cầm hai tay và dâng thanh gươm lên trước mặt rùa vàng. Lê Lợi là bậc đế vương nhưng trước các bậc tiên thánh vẫn thể hiện sự cung kính. Chi tiết đó đã thể sự tôn kính của nhân dân ta tới các sức mạnh siêu nhiên, các bậc thần thánh bên trên.

  • Hồ Tả Vọng được đổi tên thành hồ Gươm không chỉ ghi dấu việc nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm mà còn thể hiện sự biết ơn, lòng thành kính của dân tộc đối với bậc tiên thánh.

  • Từ đó, truyện cũng răn dạy người đọc về lối sống biết ơn, trân trọng những công lao của người đã góp sức mạnh vào chống giặc ngoại xâm.

Đố vui qua truyện Sự tích hồ Gươm


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
  • Sự tích hòn Trống Mái - Truyện cổ tích

    Ngày xưa có một tên chúa đất giàu có nhưng tham lam và keo kiệt. Hắn sinh được mỗi một cô con gái. Vợ chồng hắn không bắt con gái làm bất cứ việc gì ngoài trang điểm và rong chơi.

  • Đồng tiền Vạn Lịch - Truyện cổ tích

    Ngày xưa có người lái buôn tên là Vạn Lịch. Hắn ta buôn to, giàu có vào hạng nhất nhì trong nước. Vạn Lịch có ngót một trăm chiếc thuyền dùng vào việc chở hàng và rất nhiều công nhân làm việc cho hắn.

  • Bích câu kỳ ngộ - Truyện cổ tích

    Vào đời Hồng Đức, có một người học trò nghèo, sớm mồ côi cha mẹ, trọ học ở phường Bích Câu, phía Nam thành Thăng Long. Chàng rất hay chữ, tuy chưa đỗ đạt gì nhưng người ta vẫn gọi là Tú Uyên.

  • Thánh Gióng - Truyện cổ tích

    Chuyện kể rằng: vào đời Hùng Vương thứ 6, ở một làng nọ có hai vợ chồng ông lão rất hiền lành, chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức hay giúp đỡ mọi người. Hai ông bà tuổi đã cao mà vẫn không có lấy một mụn con.

  • Nàng Xuân Hương - Truyện cổ tích

    Ngày xưa ở tỉnh Bắc có nàng con gái trong trắng như hoa thủy tiên nên có tên là Xuân Hương. Cha nàng là một ông đồ nhà nghèo, đã mất từ lâu. Nàng ở với mẹ, hai mẹ con tần tảo nuôi nhau. Vào thời ấy, các cô gái con nhà gia thế thường được bố mẹ cho đi học. Xuân Hương lúc nhỏ có được bố dạy cho chữ nghĩa, nên cô cũng biết võ vẽ. Năm mười lăm tuổi, nàng xin phép mẹ đến học ở trường một cụ đồ già trong làng.

>> Xem thêm