Chí Phèo đã bị cự tuyệt làm người trong truyện ngắn cùng tên


Thị Nở là người đem lại cho Chí Phèo sự đồng cảm và tình người nhân hậu, nhưng chính Thị Nở cũng là người đẩy Chí Phèo đến bờ vực của cái chết. Thị vừa là phương tiện, là công cụ, lại vừa là nạn nhân của định kiến.


   Có ý kiến cho rằng Nếu không viết “Chí Phèo”, Nam Cao đã để lại cho Văn học Việt Nam một khoảng trống lớn. Chí Phèo là tác phẩm đầu tay của Nam Cao trình làng với bạn đọc, ngay từ khi xuất hiện nó đã trở thành một vấn đề, một kiệt tác của trào lưu văn học hiện thực. Đây là tác phẩm tiêu biểu viết về người nông dân bởi đến đây người đọc mới hiểu thế nào là tận cùng nỗi khổ của người nông dân Việt Nam trong xã hội phong kiến, nếu như ở những tác phẩm của các nhà văn hiện thực khác: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan... hình ảnh người nông dân chỉ hiện lên với những áp bức bất công, bị dồn đến bước đường cùng, nhưng họ vẫn còn giữ được con người mình, nhưng đến với Nam Cao thì đã có những khám phá phát hiện mới mẻ, ông không chỉ phát hiện ra bi kịch bị bần cùng hóa mà còn khám phá phát hiện ra bi kịch bị lưu manh tha hóa, bị cự tuyệt quyền làm người của người nông dân.

   Mở đầu trang văn, Nam Cao đã để cho Chí Phèo xuất hiện bằng một hình ảnh hết sức sống động độc đáo, Chí Phèo khập khưỡng vừa đi vừa chửi; tiếng chửi của Chí Phèo ngay lập tức cho người đọc hình dung về một sự việc bất bình thường. Vì lẽ gì mà một con người phải cất lên những tiếng chửi như vậy? Tại sao những tiếng chửi đó lại không được đáp trà..? Nhưng chúng ta sẽ thấy tiếng chửi này không phải là bâng quơ, không đơn giản mà nó rất logic, rất có dụng ý, ban đầu hắn chửi trời đến chửi đời rồi chửi ngay tất cả làng Vũ Đại nhưng đối tượng của những tiếng chửi này là mơ hồ không xác định đến khi hắn chửi không biết đứa nào đã đẻ ra thân hắn cho hắn khổ thế này thì đối tượng đã được xác định. Chí Phèo chửi để nhận thức nguyên nhân dẫn đến bi kịch của bản thân. Nhưng ngay lập tức hắn hiểu rằng tiếng chửi của hắn là vô vọng, hắn thấy thấm thía nông nổi khốn khổ của số phận, hắn đã phải cất tiếng chửi để thèm mong có ai đó chửi lại hắn, để hắn có thể được giao tiếp với đời, với người. Vậy mà không người nào chịu chửi lại hắn, có nghĩa là tất cả mọi người đã dứt khoát không coi hắn là người. Chửi lại hắn nghĩa là còn thừa nhận hắn là người, là còn bằng lòng giao tiếp đối thoại với hắn. Chí chửi cả làng Vũ Đại với hi vọng sẽ có ai đó chửi lại. Nhưng hắn chỉ nhận lại một sự im lặng đáng sợ, và Chí vẫn còn lại một mình Chí trong sa mạc cô đơn: hắn cứ chửi rồi lại nghe, chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu...

   Bằng cách mở đầu chuyện độc đáo thế này, tác giả không chỉ giới thiệu mà còn bắt đầu hé mở cho người đọc thấy tình trạng bi đát của một số phận, đó là số phận người nông dân bị xã hội tàn phá về tâm hồn, hủy diệt cả nhân tính, do đó bị phủ nhận giá trị, tư cách làm người Nỗi thống khố của Chí Phèo ban đầu tất cả là con số không: không nhà, không cửa, không mẹ cha, không họ hàng thân thích, không một tấc đất cắm dùi... nhưng đó mới chỉ là mở đầu; nỗi khổ đau đớn nhất của Chí Phèo là bị cả xã hội quay lưng lại, bị cướp mất linh hồn người, bị loại ra khỏi xã hội loài người, phải sống kiếp sống tối tăm của thú vật.

   Từ quá khứ đến hiện tại, từ bản chất đến hiện tượng Chí Phèo đã biến đổi. Trong quá khứ Chí Phèo là một con người hiền như cục đất, có bản chất lương thiện, từ khi vào làm canh điền cho nhà Bá Kiến, rồi bị Bá Kiến đẩy vào tù, sau 7-8 năm ở tù ra, Chí Phèo đã bị biến đổi cả nhân hình lẫn nhân tính. Từ đây, Chí Phèo đã rơi vào vô thức và bị lưu manh tha hóa, tất cả mọi hành động của Chí đều phải thông qua rượu, đều diễn ra trong vô thức: đâm thuê, chém mướn, cướp bóc, rạch mặt ăn vạ... Những tội ác của Chí cứ chất đầy lên trong con mắt người dân làng Vũ Đại.

https://loigiaihay.com/chi-pheo-nam-cao-e173.html

   Tưởng như số phận cuộc đời của Chí Phèo sẽ mãi mãi trượt dài trên cái dốc lưu manh tha hóa và rơi vào vực sâu của kiếp sống tội lỗi; nhưng sự xuất hiện của Thị Nở đã đưa Chí Phèo từ vực sâu của kiếp sống lưu manh tha hóa đến bến bờ của cõi đời lương thiện. Đây có thể xem là một sự kiện trọng đại, một biến cố mở ra một bước ngoặt của cuộc đời Chí Phèo, đưa Chí Phèo trở lại với kiếp người. Sự xuất hiện của Thị Nở cùng với bát cháo hành đã biểu hiện cho sự đồng cảm và tình người nhân hậu, người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn kia lại là người duy nhất ở làng Vũ Đại biết được sao có lúc nó hiền đến thế. Hơi ấm của bát cháo hành chính là hơi âm của tình người nhân hậu đã làm cho con người lương thiện bấy lâu chìm khuất trong hình ảnh của con quỷ dữ, thằng đầu bò đã phục sinh, giờ đây sức sống tâm hồn đã trỗi dậy trong Chí Phèo.

   Sau khi con người lương thiện phục sinh, tính cách tâm hồn con người Chí Phèo đã tỉnh dậy lắng nghe những âm thanh bình dị mộc mạc hàng ngày mà bấy lâu nay Chí quên lãng. Chí bỗng hồi tưởng về những kỉ niệm của một thời êm đẹp: Ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm... Đáng lẽ ra hắn cũng sẽ có được một cuộc sống bình thường như bao người khác nhưng giờ đây khi hắn tỉnh dậy hắn mới thấy hắn đã già mà vần còn cô độc, hắn vẫn đang sống bên lề cuộc đời một cách khốn nạn, hắn cảm thấy buồn, hắn thấy tủi nhục. Hơn lúc nào hết, lúc này hắn mong ước được làm người, được trò chuyện...

   Nhưng những giây phút yêu đương của cuộc sống lứa đôi Chí Phèo - Thị Nở thật ngắn ngủi, hạnh phúc vừa hé mở đã khép lại. Chí Phèo và Thị Nở đã dắt tay nhau tới ngưỡng cửa cuộc đời là đại diện. Khi tỉnh dậy và đối diện với hiện thực, Chí Phèo mới giật mình và nhận thức một cách sâu sắc hơn hắn đã bị từ chối khỏi cộng đồng và không thể trở thành người lương thiện trong con mắt mọi người được nữa.

   Khi con người lương thiện trong Chí Phèo đã phục sinh thì hắn lại càng khao khát được làm người hơn bao giờ hết. Nhưng khao khát vẫn chỉ là khao khát. Như ánh cầu vồng vụt tắt sau cơn mưa, như ngọn lửa nhỏ bị dập tắt khi mới le lói sáng, khát vọng làm người của hắn đã bị cự tuyệt hoàn toàn. Chí lại trở về với sự cô độc, và đau đớn, xót xa khi nhận ra mình đã không còn đường để quay trở lại: Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào để mất những vết mảnh chai trên mặt này? Đây chính là sự tự ý thức cao độ của Chí Phèo về bi kịch của bản thân mình. Hình ảnh những vết mảnh chai trên mặt chính là dấu vết của những năm tháng tội đồ. Hình ảnh này đã hằn sâu trong tâm trí của người dân làng Vũ Đại và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với họ. Trong con mắt của mọi người. Chí Phèo là con quỷ dữ, thằng đầu bò và hình ảnh đó không thể tẩy xóa đi được nữa. Chính định kiến của môi trường thế sự đã ngăn cản bước chân của Chí Phèo tìm về với cõi đời lương thiện.

   Hơn ai hết, Thị Nở là người đem lại cho Chí Phèo sự đồng cảm và tình người nhân hậu, nhưng chính Thị Nở cũng là người đẩy Chí Phèo đến bờ vực của cái chết. Thị vừa là phương tiện, là công cụ, lại vừa là nạn nhân của định kiến.

   Đến đây, Chí Phèo rơi vào bi kịch của sự lựa chọn giữa sự sống và nhân cách. Và cuối cùng, Chí Phèo đã tìm đến cái chết để khẳng định nhân cách của mình. Chí Phèo cầm dao đâm chết Bá Kiến – kẻ thù lớn nhất của đời mình rồi tự sát. Chí Phèo đã lựa chọn - một sự lựa chọn nghiệt ngã, nhưng đó là cách duy nhất để con người lương thiện trong Chí được sống, để nhân cách con người của hắn được tồn tại.

   Hành động tự sát của Chí Phèo là cuộc chiến đấu mạnh mẽ nhất, dữ dội nhất và là cuộc chiến đấu cuối cùng giữa con người hiền như cục đất và con quỷ dữ, thằng đầu bò. Trong cuộc quyết đấu này, Chí Phèo đã chết, nhưng nhân cách lương thiện đã trỗi dậy và tỏa sáng, đó cũng chính là chiến thắng tất yếu của cái thiện đối với cái ác, đồng thời cũng là sự thể hiện rõ ràng nhất cho tư tưởng nhân đạo và tinh thần nhân văn của ngòi bút Nam Cao.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.1 trên 13 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 11 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí