Soạn Địa 12, giải bài tập Địa Lí 12 Kết nối tri thức với cuộc sống Phần 2. Địa lí dân cư - SGK Địa 12 Kết nối tri thức

Bài 7. Lao động và việc làm - SGK Địa lí 12 Kết nối tri thức với cuộc sống


Dựa vào thông tin mục I, hãy trình bày đặc điểm nguồn lao động nước ta.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

? mục I

Trả lời câu hỏi mục I trang 38 SGK Địa lí 12 Kết nối tri thức

Dựa vào thông tin mục I, hãy trình bày đặc điểm nguồn lao động nước ta.

Phương pháp giải:

Trình bày được các đặc điểm nổi bật của nguồn lao động nước ta thông qua số lượng, chất lượng và phân bố lao động

Lời giải chi tiết:

Đặc điểm nguồn lao động nước ta:

- Số lượng: Nước ta có nguồn lao động dồi dào

+ Năm 2021, lực lượng lao động (dân số hoạt động kinh tế) của nước ta là 50,6 triệu người, chiếm 51,3% tổng số dân. 

+ Mỗi năm, nguồn lao động nước ta tăng thêm khoảng 1 triệu người.

- Chất lượng lao động:

+ Lao động cần cù, sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm sản xuất trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, thủ công nghiệp,...

+ Tỉ lệ lao động được đào tạo từ sơ cấp trở lên ở nước ta đạt 26,2% (Năm 2021). Chất lượng lao động có sự phân hoá theo vùng. Đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo cao nhất cả nước (37% năm 2021).

=> Nhờ những thành tựu phát triển kinh tế, y tế, văn hoá, giáo dục – đào tạo, chất lượng lao động ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, so với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, lao động nước ta còn hạn chế về thể lực; trình độ chuyên môn kĩ thuật và tác phong lao động công nghiệp.

+ Lao động Việt Nam năng động, dễ dàng tiếp thu khoa học - công nghệ hiện đại trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động và hội nhập với quốc tế.

- Phân bố lao động:

+ Năm 2021, lao động ở nông thôn nước ta là hơn 32 triệu người, lao động ở thành thị là hơn 18 triệu người.

+ Đồng bằng sông Hồng là khu vực có số lượng lao động lớn nhất cả nước (chiếm 22,5% tổng số lao động cả nước năm 2021), tiếp theo là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (20,7%), Đông Nam Bộ (19,6%)

? mục II

Trả lời câu hỏi mục II trang 39 SGK Địa lí 12 Kết nối tri thức

Dựa vào thông tin mục II, hãy phân tích tình hình sử dụng lao động theo ngành kinh tế, theo thành phần kinh tế, theo thành thị và nông thôn ở nước ta

Phương pháp giải:

Phân tích được tình hình sử dụng lao động theo ngành kinh tế, theo thành phần kinh tế, theo thành thị và nông thôn ở nước ta

Lời giải chi tiết:

Tình hình sử dụng lao động theo ngành kinh tế, theo thành phần kinh tế, theo thành thị và nông thôn ở nước ta:

Theo ngành kinh tế

Theo ngành kinh tế, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch phù hợp với đường lối phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá: giảm tỉ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; tăng tỉ lệ lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.

Theo thành phần kinh tế

Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều thành phần kinh tế. Cơ cấu lao động theo thành phần kinh tế có sự thay đổi theo hướng giảm tỉ lệ lao động khu vực kinh tế Nhà nước, tăng tỉ lệ lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo thành thị và nông thôn

- Bước sang thế kỉ XXI, đô thị hoá khá nhanh, tỉ trọng lực lượng lao động khu vực nông thôn giảm mạnh.

- Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo ở nông thôn thường thấp hơn ở thành thị (năm 2021, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo ở nông thôn là 17,5% và ở thành thị là 41,1%). Trình độ lao động ở nông thôn nước ta có xu hướng tăng lên nhờ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.

? mục III

Trả lời câu hỏi mục III trang 40 SGK Địa lí 12 Kết nối tri thức

Dựa vào thông tin mục III, hãy:

- Phân tích vấn đề việc làm ở nước ta

- Nêu các hướng giải quyết việc làm ở nước ta

Phương pháp giải:

Nêu được thực trạng việc làm và hướng giải quyết việc làm ở nước ta.

Lời giải chi tiết:

* Vấn đề việc làm ở nước ta:

- Việc làm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. 

=> Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư tạo việc làm. 

+ Hầu hết lao động nước ta có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm khá thấp. 

+ Khu vực thành thị thường có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn khu vực nông thôn.

- Việc làm vẫn là vấn đề kinh tế - xã hội lớn ở nước ta hiện nay:

+ Các việc làm giản đơn còn phổ biến, những việc làm này có năng suất thấp, thu nhập không cao. 

+ Trong những năm gần đây, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế đem lại cho người lao động ở nước ta nhiều cơ hội việc làm, nâng cao tay nghề và chất lượng lao động. 

+ Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ tạo ra những thay đổi mang tính đột phá về việc làm.

* Các hướng giải quyết việc làm ở nước ta:

- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động nhằm khuyến khích, hỗ trợ, huy động mọi nguồn lực đầu tư tạo việc làm.

- Đẩy mạnh việc đào tạo, dạy nghể nâng cao chất lượng lao động, bao gồm cả trình độ chuyên môn kĩ thuật, kĩ năng làm việc, tác phong công nghiệp.

- Phát triển hệ thống tư vấn, thông tin về thị trường lao động, việc làm để kết nối thông tin lao động – việc làm nhanh nhất, giao dịch lành mạnh và hiệu quả.

- Xây dựng và thực hiện tốt hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ - tích cực để người mất việc sớm trở lại làm việc.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lao động.

Luyện tập

Trả lời câu hỏi Luyện tập trang 40 SGK Địa lí 12 Kết nối tri thức

Dựa vào bảng 7.1, vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hằng năm phân theo ngành kinh tế của nước ta năm 2000 và năm 2021. Nêu nhận xét.

Phương pháp giải:

Vẽ biểu đồ và nhận xét

Lời giải chi tiết:

- Vẽ biểu đồ:

Đơn vị: %

- Nhận xét:

+ Cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hằng năm phân theo ngành kinh tế của nước ta năm 2000 và năm 2021 có sự thay đổi.

+ Cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm mạnh: từ 65,1% (2000) còn 29,1% (2021); giảm 36%.

+ Cơ cấu lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng tăng: từ 13,1% (2000) lên 33,1% (2021); tăng 20%.

+ Cơ cấu lao động trong ngành dịch vụ tăng: từ 21,8% (2000) lên 37,8% (2021); tăng 16%.

Câu 5

Trả lời câu hỏi Vận dụng trang 40 SGK Địa lí 12 Kết nối tri thức

Sưu tầm thông tin, tìm hiểu về một số ngành nghề mới có nhiều cơ hội việc làm ở nước ta

Phương pháp giải:

Tìm kiếm thông tin một số ngành nghề mới có nhiều cơ hội việc làm ở nước ta.

Lời giải chi tiết:

Một số ngành nghề mới có nhiều cơ hội việc làm ở nước ta:

- Ngành marketing:

Marketing là ngành giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của hầu hết mọi tổ chức kinh doanh trên thế giới. Hiệu quả của hoạt động bán hàng chịu ảnh hưởng lớn từ marketing và nó còn chi phối cả hoạt động của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai. Những công ty quảng cáo, truyền thông tại Việt Nam đang ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp muốn bán được nhiều hàng hóa và sản phẩm thì một phần không thể thiếu chính là cách các nhà đầu tư đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng để có thể cạnh tranh với nhiều đối thủ. Vì vậy yêu cầu về một đội ngũ chuyên tiếp xúc với khách hàng, có những sáng tạo để tiêu thụ được sản phẩm là hết sức cần thiết. Không những vậy xu thế hội nhập toàn cầu đang rất nóng nên ngành marketing chính là ngành dễ xin việc nhất hiện nay. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, từ nay đến năm 2020, ngành marketing cần đến 10.000 lao động trở lên cho mỗi năm. Kết quả khảo sát thông số nhân lực trực tuyến Việt Nam cũng cho thấy, ngành marketing vẫn tiếp tục dẫn đầu trong 6 lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao nhất.  

- Ngành công nghệ thông tin:                                            

Mạng xã hội đang bùng nổ trên toàn thế giới, các thiết bị điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Ngành Công nghệ Thông tin ở Việt Nam tuy không còn quá lạ lẫm, nhưng mức độ phát triển của ngành này vẫn ít nhiều còn hạn chế. Theo thống kê của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, trong ngành này chỉ có khoảng 15% lượng sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Một con số khác trên báo Tuổi Trẻ cho thấy: trong giai đoạn 2013 - 2015, ngành CNTT ở TP.HCM cần khoảng 23.000 - 25.000 người lao động mỗi năm; và trong vòng 5 năm tới, cả nước cần 411.000 người. Điều đó đủ cho thấy ngành này chưa bao giờ ngừng “cơn khát” nhân lực. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 400.000 nhân lực làm CNTT, tức là mỗi năm Việt Nam thiếu 80.000 người. Trong khi đó, mỗi năm thị trường chỉ cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành có liên quan đến CNTT. Mức lương trung bình của một kỹ sư CNTT mới ra trường hiện nay thấp nhất vào mức 5 triệu đồng. Và rõ ràng, với nhu cầu nhân lực như đã nêu ở trên, mức lương này chắc chắn sẽ phải tăng mạnh ngay trong tương lai gần. Không những thế ở một số nước trên thế giới, hiện nay có rất nhiều công ty mạng sẵn sàng chi trên 1.000 USD để mời về cho mình những lập trình viên, những kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, thiết kế lập trình game, an ninh mạng,… thông thạo tiếng Anh cũng như đáp ứng được trình độ chuyên môn. Và ngành Công nghệ Thông tin vì thế, từ lâu đã là ngành học lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn đam mê công nghệ.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K7 luyện thi Tn THPT - ĐGNL - ĐGTD