Tổng hợp 10 đề thi học kì 2 Văn 7 kết nối tri thức có đáp án>
Tải vềTổng hợp 10 đề thi học kì 2 Văn 7 kết nối tri thức có đáp án
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 7 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên...
Đề 1
Phần I: ĐỌC – HIỂU (4 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng”
Đúng là một câu thơ có họa, có nhạc. Đẹp vô ngần với màu sắc của bức tranh vùng trời vùng biển giữa một sớm mai hồng với gió nhẹ, trời trong như có sức thanh lọc và nâng bổng tâm hồn. Cũng đẹp vô ngần là nhạc điệu, tiết tấu. Bằng cách nhịp ngắt 3/2/3, câu thơ như mặt biển dập dềnh, con thuyền ra khơi nhịp nhàng với những con sóng chao lên lượn xuống, như một sự nâng đỡ, vỗ về. Không dùng kích thước để đếm đo, thay vào đó một tấm lòng đưa tiễn, dịu ngọt thân thương, trìu mến. Tuy nhiên, hình ảnh trung tâm của đoạn thơ vẫn là hình ảnh con thuyền. Con thuyền ấy chắc ở đâu cũng thể, nó chỉ bình thường thôi, nhưng riêng với nhà thơ, nó rất lạ: trẻ trung như những trai làng trên con thuyền ấy, con thuyền mang khuôn mặt họ, sức sống niềm vui của họ. Sự hồ hởi trong phút lên đường của con thuyền trên mặt biển được so sánh với con tuấn mã vượt đường xa là một liên tưởng bất ngờ, độc đáo. Con thuyền do đó có một vẻ đẹp riêng, một sức sống riêng. Nó cũng có hồn, cũng thật đẹp, thật đáng yêu, cũng bầu bạn thân thiết với con người. Dân trai tráng trên con thuyền ấy vốn cũng bình thường đã trở thành những tao nhân, tráng sĩ. Cánh buồm trên con thuyền ấy, trong một phút xuất thần đã được đặc tả, được linh diệu hóa rất hay:
“Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”
Cánh buồm ấy thực ra cũng không có gì đặc biệt, nó chỉ là “chiếc buồm vôi”, nhưng ở đây nó đã được hóa thân nhằm kết tinh cho một thứ đời sống bên trong của làng chài lưới. Thiêng liêng sâu nặng biết bao, nó như những mảnh hồn làng, nghĩa là một thứ hồn vía quê hương thaan thuộc đến bâng khuâng. Nói đến cánh buồm no gió, cánh buồm căng là do có gió thổi vào, nghĩa là tư thế phụ thuộc, bị động. Nhưng tình hình ở đây có sự đảo ngược, buồm và gió được trao đổi vị trí cho nhau. Các động từ tình thái là trong hệ thống ấy. “Rướn thân trắng” là chủ động, một sự chủ động hào hùng thể hiện khả năng sức mạnh, “thâu góp gió” cũng là chủ động nhưng mơ mộng đầy chất lãng tử, thi nhân. Cả hai câu thơ cứ lung linh vừa thực vừa như không thực này tạo ấn tượng về cái đẹp rất khó giải thích rạch ròi, âu đó cũng là phẩm chất của những câu thơ hay, dấu hiệu của những tài năng mà mấy ai có được? Nhưng, xét cho cùng, những sáng tạo hình ảnh của Tế Hanh, tất nhiên phải do yếu tố tài năng, nhưng đằng sau cái tài năng đột xuất ở đây còn có cái tình. Chính vì cái tình với quê hương phải dạt dào đến mức nào, chẳng hạn như sóng gió một vùng biển làng quê mới có thể làm cho con thuyền, chiếc buồm cất cánh.
(Trích “Nơi chất muối thấm dần: Quê biển” – Về bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh) – Vũ Dương Qũy)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên?
A. Nghị luận
B. Biểu cảm
C. Tự sự
D. Miêu tả
Câu 2. Đối tượng chủ yếu được nói đến trong văn bản trên là gì?
A. Nhà thơ Tế Hanh
B. Bài thơ Quê hương của Tế Hanh
C. Quê hương của Tế Hanh
D. Tình cảm của Tế Hanh
Câu 3. Người viết đã nhận xét về vẻ đẹp của câu thơ Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng dựa trên yếu tố nào?
A. Dựa trên chất họa của bức tranh với màu sắc của vùng trời vùng biển giữa một sớm mai hồng
B. Dựa trên vẻ đẹp hình ảnh con thuyền ra khơi nhịp nhàng với những con sóng chao lên lượn xuống
C. Dựa trên chất nhạc của câu thơ với nhạc điệu, tiết tấu, cách ngắt nhịp 3/2/3
D. A và C là phương án đúng
Câu 4. Tác giả đã sử dụng các biện pháp tu từ gì trong lời bình sau để làm nổi bật vẻ đẹp của con thuyền trong bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Tế Hanh: “Con thuyền ấy chắc ở đâu cũng thế, nó chỉ bình thường thôi, nhưng riêng với nhà thơ, nó rất lạ: trẻ trung như những trai làng trên con thuyền ấy, con thuyền mang khuôn mặt họ, sức sống niềm vui của họ.”
A. So sánh, ẩn dụ
B. Nhân hóa, hoán dụ
C. Điệp ngữ, nói quá
D. So sánh, nhân hóa
Câu 5. Nó cũng có hồn, cũng thật đẹp, thật đáng yêu, cũng bầu bạn thân thiết với con người. Nó ở đây là ai?
A. Con thuyền
B. Biển khơi
C. Cánh buồm
D. Dân trai tráng
Câu 6. Khi nhận xét về bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh, nhà phê bình văn học Hoài Thanh cho rằng: “Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi lại được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng trên cánh buồm giương”. Em có đồng ý với ý kiến đó không?
A. Đồng ý
B. Không đồng ý
Câu 7. Theo tác giả, yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ “Quê hương” là gì?
A. Tài năng sáng tạo nghệ thuật đã giúp nhà thơ Tế Hanh viết nên những vần thơ hay làm đắm say lòng người.
B. Tài năng sáng tạo và tình yêu quê hương đã giúp nhà thơ Tế Hanh viết nên những vần thơ hay làm đắm say lòng người.
C. Tình yêu quê hương sâu nặng, thiết tha đã giúp nhà thơ Tế Hanh viết nên những vần thơ hay làm đắm say lòng người.
D. Nỗi nhớ quê hương tha thiết đã giúp nhà thơ Tế Hanh viết nên những vần thơ hay làm đắm say lòng người.
Câu 8. Qua đoạn trích trên, em hãy cho biết để phân tích một đoạn thơ, một bài thơ thì người viết cần bàn luận về đặc điểm của đoạn thơ, bài thơ đó ở phương diện nào?
A. Nội dung của đoạn thơ, bài thơ
B. Nội dung và hình thức nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ
C. Từ ngữ, hình ảnh, cách gieo vần, nhịp điệu của đoạn thơ, bài thơ
D. Hình thức nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ
Câu 9. Qua đoạn trích, tác giả đã giúp chúng ta cảm nhận được điều gì về bức tranh sinh hoạt của người dân làng chài và tình cảm của nhà thơ Tế Hanh đối với quê hương mình?
Câu 10. Đoạn trích trên đã giúp em rút bài học kinh nghiệm quý giá gì khi phân tích một đoạn thơ, một bài thơ?
Phần II: TẬP LÀM VĂN (6 điểm)
Câu 1. Nối các từ ngữ cột A với các từ ngữ cột B sao cho phù hợp
A |
B |
1. Phép lặp từ ngữ |
a, Sử dụng ở các câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có ở câu trước |
2. Phép đồng nghĩa, trái nghĩa, liên tưởng |
b, Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu đứng trước |
3. Phép thế |
c, Lặp lại ở câu đứng sau từ ngữ đã có ở câu đứng trước |
4. Phép nối |
d, Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước |
Câu 2. Trong đời sống có rất nhiều vấn đề cần phải trao đổi, trình bày ý kiến của mình hoặc tán thành, hoặc phản đối bằng cách nêu ra lí lẽ, dẫn chứng và lập luận để thuyết phục người nghe. Em hãy viết bài văn nghị luận phản đối quan niệm: Cuộc sống chỉ cần gia đình không cần bạn bè.
Đề 2
Phần I: ĐỌC – HIỂU (4 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ. […] Không đọc sách tức là không còn nhu cầu về cuộc sống trí tuệ nữa. Và khi không còn nhu cầu đó nữa, thì đời sống tinh thần của con người nghèo đi, mòn mỏi đi, cuộc sống đạo đức cũng mất luôn nền tảng. Đây là một câu chuyện nghiêm túc, lâu dài và cần được trao đổi, thảo luận một cách cũng rất nghiêm túc, lâu dài. Tôi chỉ muốn thử nêu lên ở đây một đề nghị: Tôi đề nghị các tổ chức thanh niên của chúng ta, bên cạnh những sinh hoạt thường thấy hiện nay, nên có một cuộc vận dộng đọc sách trong thanh niên cả nước; và vận dộng từng nhà gây dựng tủ sách gia đình.
Gần đây có một nước đã phát động phong trào trong toàn quốc mỗi người mỗi ngày đọc lấy 20 dòng sách. Chúng ta cũng có thể làm như thế, hoặc vận động mỗi người trong mỗi năm đọc lấy một cuốn sách. Cứ bắt đầu bằng việc rất nhỏ, không quá khó. Việc nhỏ đấy nhưng rất có thể là việc nhỏ khởi đầu một công cuộc lớn.
(Theo Nguyên Ngọc, Một đề nghị, tạp chí Điện tử Tiasang.com.vn, ngày 19/7/2007)
Câu 1. Văn bản trên mang đặc trưng của thể loại nào?
A. Nghị luận văn học
B. Nghị luận xã hội
C. Văn bản văn học
D. Văn bản thông tin
Câu 2. Câu văn Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ. là yếu tố nào trong văn bản.?
A. Ý kiến của người viết
B. Lí lẽ của người viết
C. Bằng chứng được đưa ra
D. Luận điểm của văn bản
Câu 3. Lời đề nghị phát triển phong trào đọc sách mà tác giả gửi gắm trong bài viết hướng đến đối tượng nào sau đây?
A. Các bạn học sinh, sinh viên trong các nhà trường
B. Lứa tuổi thanh niên và các tổ chức thanh niên
C. Những người yêu sách, thích đọc sách
D. Mỗi người, mỗi gia đình
Câu 4. Vì sao cách xưng hô của tác giả lại chuyển từ tôi sang chúng ta?
A. Vì tác giả muốn bộc lộ rõ ý kiến cá nhân
B. Vì tác giả bị nhầm lẫn từ ngữ xưng hô
C. Vì muốn bộc lộ ý kiến cá nhân và khơi gợi sự đồng cảm nơi người đọc
D. Vì tác giả muốn thay đổi cách xưng hô cho phong phú
Câu 5. Theo tác giả, “Không đọc sách tức là không còn nhu cầu về cuộc sống trí tuệ nữa” và khi đó con người sẽ như thế nào?
A. con người sẽ không còn hứng thú với cuộc sống, đời sống tinh thần nghèo nàn
B. tâm hồn của con người sẽ úa tàn, đời sống tẻ nhạt, không có hứng thú làm việc
C. đời sống tinh thần của con người nghèo đi, mòn mỏi đi, cuộc sống đạo đức cũng mất luôn nền tảng
D. con người rơi vào tình trạng sống hoài sống phí, không có động lực làm việc, xã hội chậm phát triển
Câu 6. Trong các cách hiểu sau về từ “sách”, cách hiểu nào từ “sách” được dùng là một thuật ngữ khoa học?
A. là tập hợp một số lượng nhất định những tờ giấy có chữ in, đóng gộp lại thành quyển
B. là nơi lưu giữ tri thức nhân loại được các nhà biên soạn sắp xếp theo một trình tự hợp lí để người đọc dễ nắm bắt nội dung
C. là nơi cung cấp những bài học cuộc sống thú vị giúp người đọc nhìn nhận cuộc sống đa chiều, sâu sắc hơn
D. là nơi giãi bày tâm tư, tình cảm của mọi người, đem lại những giá trị chân – thiện – mĩ
Câu 7. Em có đồng tình với quan điểm của tác giả: “Không đọc sách tức là không còn nhu cầu về cuộc sống trí tuệ nữa” không?
A. Không đồng tình
B. Đồng tình
Câu 8. Trong đoạn trích trên, để phát động mọi người tích cực đọc sách, tác giả đã đưa ta lời đề nghị gì?
A. Phát động phong trào trong toàn quốc mỗi người mỗi ngày đọc lấy 20 dòng sách, cố gắng mỗi ngày đọc được một cuốn sách có giá trị cho mình
B. Cứ bắt đầu bằng việc rất nhỏ đó là đọc sách nhưng rất có thể việc nhỏ này lại khởi đầu một công cuộc lớn cho cuộc đời mỗi con người
C. Vận động mỗi người trong mỗi năm đọc lấy một cuốn sách, tích tiểu thành đại và cứ như thế trong mười năm ít nhất mỗi người cũng đọc được mười cuốn sách có giá trị
D. Nên có một cuộc vận động đọc sách trong thanh niên cả nước; và vận động từng nhà gây dựng tủ sách gia đình
Câu 9. Theo em, vì sao tác giả cho rằng: “Không đọc sách tức là không còn nhu cầu về cuộc sống trí tuệ nữa”?
Câu 10. Thông điệp mà tác giả gửi gắm qua đoạn trích?
Phần II: TẬP LÀM VĂN (6 điểm)
Câu 1. Xác định các phép liên kết có trong các đoạn trích sau:
a. Một anh thanh niên hai mươi bảy tuổi! Đây là đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét. Anh ta làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu.
b. Tôi ngẩng cao đầu mới thấy tuổi của bà; chứ cứ nhìn bà chặt củi, nhổ sắn, nhìn bà đứng, bà đi thì không ai biết bà đã gần bảy mươi. Bà làm nhanh, đi nhanh, lưng thẳng. Bà không hút thuốc lào như u tôi, không ăn giầu.
c. Có cây lược anh càng mong gặp con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Một ngày cuối năm năm mươi tám- năm đó ta chưa võ trang- trong một trận càn của quân Mĩ - ngụy, anh Sáu bị hi sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực.
d. Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân và phong kiến.
Muốn được như thế thì thầy giáo, học trò và cán bộ phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ hơn nữa.
(Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục)
Câu 2. Em hãy giới thiệu về một trò chơi hay hoạt động với mọi người bằng một bài văn thuyết minh.
Đề 3
Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Cha là vầng sáng thái dương
Dõi theo từng bước đoạn đường con đi
Mỗi lần vấp ngã hay khi
Con đau đớn nhất ch thì động viên
Có cha con có trời riêng tâm tình
Cha là ánh sáng bình minh
Cha là non cả ân tình bao la
(Trích bài thơ Cha yêu của tác giả Võ Hoàng)
Câu 1. Ngữ liệu trên được viết bằng thể thơ gì?
A. Thơ lục bát
B. Thơ bốn chữ
C. Thơ năm chữ
D. Thơ tứ tuyệt
Câu 2. Đối tượng biểu cảm của đoạn trích trên là ai?
A. Người con
B. Người mẹ
C. Người cha
D. A và C đúng
Câu 3. Trong hai câu thơ:
Cha là ánh sáng bình minh
Cha là non cả ân tình bao la
Những chữ nào sau đây là vần được sử dụng trong hai câu thơ?
A. bình – minh – tình
B. là – là, minh – tình
C. minh – tình, cả – la
D. cha – cha, minh – tình
Câu 4. Hai câu thơ sau sử dụng biện pháp tu từ gì?
Cha là vầng sáng thái dương
Dõi theo từng bước đoạn đường con đi
A. So sánh
B. Ẩn dụ
C. Nhân hóa
D. Hoán dụ
Câu 5. Trong câu thơ “Cha là non cả ân tình tình bao la”, từ non có nghĩa là gì?
A. Núi
B. Trình độ thấp
C. Mới mọc
D. Gần đến mức độ chuẩn
Câu 6. Trong bài thơ, người con cảm nhận tình cảm của cha đối với mình như thế nào?
A. Ân cần, chăm sóc chu đáo
B. Yêu thương, rất mực cưng chiều
C. Rất nghiêm khắc, lạnh lùng
D. Yêu thương, quan tâm chu đáo
Câu 7. Em hãy cho biết nội dung của đoạn thơ trên.
Câu 8. Từ nội dung bài thơ, hãy trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ trong khoảng 5 – 7 dòng.
Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Xếp các từ ghép hữu ích, chí nhân, đại thắng, phát thanh, bảo mật, tân binh, hậu đãi, phòng hỏa vào các nhóm thích hợp.
a. Từ có yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau
b. Từ có yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau
Câu 2. Em hãy viết một bài văn nghị luận về vấn đề: nghiện game của học sinh hiện nay.
Đề 4
Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
(1) “Lòng nhân ái không phải tự sinh ra con người đã có. Lòng nhân ái là một trong những phẩm chất hàng đầu, là văn hóa của mỗi một con người. Lòng nhân ái có được là do sự góp công của mỗi gia đình và nhà trường tạo lập cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm rèn luyện, học tập, sẻ chia, “đau với nỗi đau của người khác”… Và lòng nhân ái của các em Trường Quốc tế Global đã được hình thành như thế […].
(2) Lòng nhân ái là một phần quan trọng trong mục tiêu giáo dục toàn diện của trường GIS và thực tế, lòng nhân ái rất cần trong đời sống, đó là nét văn hóa, là cốt cách của mỗi một con người. Các hoạt động từ thiện đã và đang diễn ra tại Trường Quốc tế Global đã góp phần giúp các em học sinh xây dựng tính cộng đồng, tinh thần trách nhiệm, sẻ chia với mọi người và giúp người khi khó khăn hoạn nạn, phát triển toàn diện tri thức và đạo đức để trở thành những công dân ưu tú, có ích cho xã hội, gìn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam”.
(Trích Dạy trẻ lòng nhân ái ở trường quốc tế Global – theo Báo điện tử Dân trí – ngày 14/2/2015)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong đoạn trích trên?
A. Tự sự
B. Thuyết minh
C. Nghị luận
D. Biểu cảm
Câu 2. Theo bài viết, lòng nhân ái của mỗi học sinh được hình thành từ đâu?
A. Mỗi con người sinh ra tự nhiên đã có lòng nhân ái
B. Thông qua các hoạt động trải nghiệm rèn luyện, học tập, sẻ chia,…
C. Do các em được học tập qua sách báo, internet
D. Do yếu tố di truyền từ cha mẹ
Câu 3. Trong mục tiêu giáo dục của trường GIS, lòng nhân ái nằm ở vị trí nào?
A. Là ưu tiên số một trong mục tiêu giáo dục của trường GIS
B. Là mục tiêu giáo dục duy nhất của trường GIS
C. Là một phần quan trọng trong mục tiêu giáo dục toàn diện của trường GIS
D. Chưa có trong kết hoạch giáo dục của trường GIS
Câu 4. Trong các cách hiểu sau về nghĩa của từ “nhân ái”, cách hiểu nào là thuật ngữ?
A. Là có lòng yêu thương con người, sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết
B. Là một phần quan trọng trong mục tiêu giáo dục toàn diện của trường GIS
C. Là một trong những phẩm chất hàng đầu, là văn hóa của mỗi con người
D. Là do sự góp công của mỗi gia đình và nhà trường tạo lập cho các em
Câu 5. Để phát huy lòng nhân ái của học sinh, trường Quốc tế Global đã làm gì?
A. Tổ chức hoạt động tham quan du lịch cho học sinh tham gia
B. Tổ chức Câu lạc bộ học tập cho học sinh tham gia
C. Tổ chức hoạt động từ thiện cho học sinh tham gia
D. Tổ chức hoạt động thể dục thể thao cho học sinh
Câu 6. Trong các câu sau, câu nào có nghĩa không liên quan trực tiếp đến lòng nhân ái?
A. Thương người như thể thương thân
B. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
C. Một miếng khi đói bằng một gói khi no
D. Lá lành đùm lá rách
Câu 7. Em có đồng tình với quan điểm của người viết: “lòng nhân ái rất cần trong đời sống” không?
A. Đồng tình
B. Không đồng tình
Câu 8. Tại sao tác giả cho rằng: giáo dục lòng nhân ái cũng là việc làm hướng đến “gìn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam”?
A. Vì giáo dục lòng nhân ái cũng là giáo dục văn hóa
B. Vì lòng nhân ái vốn là một nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam
C. Vì đó là mục tiêu xây dựng con người có văn hóa
D. Vì đó là sự khác biệt trong văn hóa Việt Nam so với các nước khác
Câu 9. Nêu một số biểu hiện về lòng nhân ái trong cuộc sống?
Câu 10. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với em?
Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Tìm 5 thuật ngữ trong môn Toán và 5 thuật ngữ trong môn Ngữ văn
Câu 2. Cuộc sống của chúng ta luôn có nhiều hoạt động học tập, vui chơi. Có hoạt động cá nhân, có hoạt động tập thể. Có nhiều trò chơi hay hoạt động đặc biệt đã theo suốt tuổi thơ của mình hoặc không ít những trò chơi hay hoạt động độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa từng vùng miền đất nước, em hãy lựa chọn một trò chơi mà em yêu thích và viết một bài văn giới thiệu quy tắc luật lệ của trò chơi ấy cho mọi người cùng biết.
Đề 5
Phần I: ĐỌC – HIỂU (4 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Mùa bánh khúc của năm bắt đầu khi cữ gặt tháng Mười. Ấy là lúc hạt rau tầm âm thầm bật mầm dưới gốc lúa chân ruộng cao hay cánh bãi trồng màu khô ẩm. Ngô lúa vào bồ, lẫm chưa ấm chỗ thì nơi chân rạ gốc ngô, giữa vạt rau má lá tròn, lá gai và rau xương cá xanh mướt là những lan man tầm khúc nếp phủ dày lông tơ sáng mịn xôm xốp đeo long lanh những hạt cườm sương mới nơi chấm hoa li ti vàng màu cúc.
Một mùi thơm hắc ngọt, trầm dịu la đà khi có khi không trước cảm giác kép lơ lửng qua suốt thì Tết tới Giêng Hai. Mùa rau tầm khúc.
Háo hức những bàn chân trần tấy đỏ, ướt lạnh tung bước xua châu chấu cào cào xập xè trong chuỗi cười giòn như chuông pha lê. Ấy là mỗi sớm mai lũ trẻ làng đi kiếm rau tầm…
Sương giăng loang, mỗi khi giẫm lên mùn chuột đào hang, tôi rùng mình vì cái cảm giác lạnh nhột nơi gan bàn chân, nhưng không bớt đi sự hung hăng chạy lên phía trước xí phần những khoảng mặt ruộng sáng trăng. Chỗ nào càng sáng thì rau tầm khúc mọc càng nhiều.
(Trích “Tôi khóc những cánh đồng rau khúc”, - Nguyễn Tham Thiện Kế, https://www.nguoiduatin.vn/ ngày 01/08/2016)
Câu 1. Đoạn trích trên viết theo thể loại gì?
A. Nghị luận văn học
B. Nghị luận xã hội
C. Văn bản thông tin
D. Tùy bút
Câu 2. Phương thức biểu đạt nào được sử dụng trong đoạn trích?
A. Tự sự, miêu tả, biểu cảm
B. Nghị luận, tự sự, biểu cảm
C. Tự sự, biểu cảm, thuyết minh
D. Thuyết minh, biểu cảm, miêu tả
Câu 3. Hai câu văn sau liên kết với nhau bằng phép liên kết nào?
“Mùa bánh khúc của năm bắt đầu khi cữ gặt tháng Mười. Ấy là lúc hạt rau tầm âm thầm bật mầm dưới gốc lúa chân ruộng cao hay cánh bãi trồng màu khô ẩm”
A. Phép thế
B. Phép nối
C. Phép lặp
D. Phép liên tưởng
Câu 4. Đọc lại đoạn trích trên và cho biết bánh khúc được làm từ loài cây nào?
A. Cây rau xương cá xanh mướt
B. Cây rau tầm khúc
C. Cây rau má lá tròn
D. Cây lá gai
Câu 5. Mùa bánh khúc bắt đầu vào thời gian nào trong năm?
A. Tháng Giêng
B. Tháng Năm
C. Tháng Ba
D. Tháng Mười
Câu 6. Theo tác giả của bài viết, rau tầm khúc mọc nhiều nhất ở không gian như thế nào?
A. Dưới gốc lúa chân ruộng cao hay cánh bãi trồng màu khô ẩm
B. Nơi chân rạ gốc ngô, giữa vạt rau má lá tròn
C. Chỗ nào càng sáng thì rau tầm khúc mọc càng nhiều
D. Trên những cánh đồng lúa sau mùa gặt
Câu 7. Ý nào không đúng khi nói về nét nghệ thuật đặc sắc của đoạn trích trên?
A. Sử dụng nhiều hình ảnh so sánh có sức biểu trưng cao; ngôn ngữ hàm súc, cô đọng
B. Kết hợp tài hoa giữa biểu cảm với miêu tả, trình bày nội dung theo mạch cảm xúc tạo sức lôi cuốn, say mê
C. Lựa chọn từ ngữ, câu văn linh hoạt, giàu hình ảnh, giàu sức biểu cảm
D. Giọng điệu chậm rãi, thủ thỉ, tâm tình
Câu 8. Qua đoạn trích, em thấy tác giả dành cho chiếc bánh khúc tuổi thơ tình cảm gì?
A. Trân trọng, yêu thích chiếc bánh khúc – thứ quà quê gợi nhiều thương nhớ về kí ức tuổi thơ ấm áp tình thân
B. Vui sướng, thích thú chiếc bánh khúc – gợi nhắc kỉ niệm tuổi thơ đi hái rau tầm khúc cùng lũ bạn trong xóm
C. Hạnh phúc vì chiếc bánh khúc của quê hương trở thành một món ăn được nhiều người yêu thích
D. Cảm mến về chiếc bánh khúc của quê hương, gợi nhắc thời ấu thơ đầy gian khổ, nhọc nhằn
Câu 9. Kể tên một món ăn đặc sản em thích, nêu ấn tượng của em về món ăn đó.
Câu 10. Hãy cho biết một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người dân Việt Nam?
Phần II: TẬP LÀM VĂN (6 điểm)
Câu 1. Tình yêu quê hương đất nước là thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng và đáng quý trong mỗi con người Việt Nam. Hãy viết đoạn văn (khoảng 2/3 trang giấy thi) bày suy nghĩ của em về vai trò của quê hương trong cuộc đời mỗi con người.
Câu 2. Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương.
Đề 6
Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Giời chớm hè. Cây cối um tùm. Cả làng thơm. Cây hoa lan nở hoa trắng xóa. Hoa giẻ từng chùm mảnh dẻ. Hoa móng rồng bụ bẫm thơm như mùi mít chín ở góc vườn ông Tuyên. Ong vàng, ong vò vẽ, ong mật đánh lộn nhau để hút mật ở hoa. Chúng đuổi cả bướm. Bướm hiền lành bỏ chỗ lao xao. Từng đàn rủ nhau lặng lẽ bay đi.
Sớm. Chúng tôi tụ hội ở góc sân. Toàn chuyện trẻ em. Râm ran […]
Câu 1. Đoạn văn trên đã sử dụng những phương thức biểu đạt nào?
A. Biểu cảm, nghị luận
B. Miêu tả, biểu cảm
C. Tự sự, biểu cảm
D. Tự sự, miêu tả
Câu 2. Trong đoạn văn tác giả đã sử dụng ngôi kể thứ nhất số nhiều đúng hay sai?
A. Đúng
B. Sai
Câu 3. Trong câu: Ong vàng, ong vò vẽ, ong mật đánh lộn nhau để hút mật ở hoa, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì?
A. Liệt kê, so sánh
B. Liệt kê, nhân hóa
C. Liệt kê, điệp ngữ
D. Điệp ngữ, nhân hóa
Câu 4. Không gian được gợi ra trong đoạn trích trên là gì?
A. Không gian làng quê
B. Không gian thành phố
C. A và B đúng
D. A và B sai
Câu 5. Khung cảnh được gợi ra trong đoạn trích trên là gì?
A. Náo nhiệt, sôi động
B. Êm đềm, thanh bình
C. A và B đúng
D. A và B sai
Câu 6. Có người cho rằng: Đoạn văn trên đã sử dụng nhiều câu ngắn, kết câu đơn giản cùng biện pháp so sánh, nhân hóa đã đưa người đọc về với thế giới của làng quê với tất cả những gì tinh khôi, bình yên và đẹp đẽ nhất. Em có đồng tình với ý kiến trên?
A. Đúng
B. Sai
Câu 7. Liệt kê các phó từ có trong các câu văn sau: Giời chớm hè. Cây cối um tùm. Cả làng thơm. Cây hoa lan nở trắng xóa. Hoa giẻ từng chùm mảnh dẻ.
Câu 8. Viết đoạn văn (5-7 câu) trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của không gian và tình cảm của người viết được gợi ra trong đoạn trích trên.
Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ về vai trò của tập thể với mỗi cá nhân.
Câu 2. Thuyết minh quy tắc, luật lệ về một trò chơi hoặc một hoạt động mà em yêu thích.
Đề 7
Phần I: ĐỌC – HIỂU (6 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi
CHIẾC ĐÈN ÔNG SAO
Thằng Tùng ôm khư khư chồng báo trước ngực. Nó len lỏi đi dọc đường Hàng Mã rồi xuôi theo phố Lương Văn Can. Đèn điện sáng trưng. Một thế giới của tuổi thơ ở đây. Đủ các loại đồ chơi. Những chiếc đèn lồng, đèn ông sao treo kín lối đi, xếp đầy trong thùng giấy, tràn cả xuống lòng đường.
Dòng người, dòng xe đi mua sắm quà trung thu rất đông. Thằng Tùng thẫn thờ nhìn. Có cậu bé, cô bé cũng chỉ trạc tuổi nó ngồi trên những chiếc xe máy đắt tiền bắt bố mẹ đi hết cửa hàng này sang cửa hiệu nọ để chọn mua đồ chơi. Những thứ đồ chơi cao cấp giá hàng trăm, hàng triệu đồng mà chúng vẫn chê khiến bố mẹ chúng phải chạy xe lòng vòng mãi.
Nhìn những chiếc đèn ông sao bày la liệt bên đường, thằng Tùng chỉ ước ao có được một chiếc. Nó và em Bi sẽ chơi chung. Nhất định nó sẽ nhường cho cu Bi cầm lâu hơn...
Chợt nhớ tới chồng báo còn nặng trên tay, thằng Tùng vội cất tiếng rao. Giọng nó đã khản đặc:
- Ai... báo... đây...! Báo công an, báo pháp luật, báo an ninh thủ đô... một vụ... giết... người... hai vụ... cướp... hiếp... đây...
Không ai gọi mua báo. Thằng Tùng thấy lo lắng. Báo không bán hết phải trả lại đại lý thì sẽ bị khấu trừ vào số tiền những tờ đã bán được, lời lãi chả còn là bao. "Nhưng thôi... - Nó nghĩ - ... cũng vẫn đủ tiền ăn một ngày của hai anh em nó". Mẹ nó đang ốm mệt không gánh hàng rong vào phố được, chỉ loanh quanh ở cái chợ ngoài bãi sông quét dọn, rửa bát thuê. Chắc giờ này trong gian nhà nhỏ ở chân đê mẹ và cu Bi đang mong nó về. Nó lại định cất tiếng rao thì có người gọi:
- Ê... báo! Còn "Mua và bán" không?
Một bà chủ cửa hiệu bên đường vẫy nó. Thằng Tùng mừng quýnh:
- Dạ! Còn... còn ạ!
Thằng Tùng rút tờ "Mua và bán" đưa cho bà chủ cửa hiệu. Nhận tiền xong nó vừa định bước đi thì bà ta lại bảo:
- Khênh giúp cái thùng đèn ông sao kia vào trong nhà! Hết khách rồi...
- Vâng ạ!
Thằng Tùng đáp và đặt tập báo xuống bậc cửa. Vừa bám vào cái thùng các-tông định cùng bà chủ hiệu đẩy lên nhà thì nó vội kêu lên:
- Khoan đã bà ơi! Có một chiếc đèn ông sao bị rơi ra ngoài, kéo thùng qua thì hỏng mất.
- Rơi đâu mà rơi! Cái thằng oắt con lúc nãy bố mẹ mua cho rồi lại chê đập bẹp vứt đi đấy...
- Bà cho cháu nhé!
- Mày lấy thì lấy đi! Nó bị bẹp mất một cánh rồi!
Thằng Tùng sung sướng chộp lấy chiếc đèn ông sao đang nằm lăn lóc dưới đất. Nó cẩn thận đặt chiếc đèn lên trên chồng báo rồi giúp bà chủ hiệu đưa thùng hàng vào nhà.
Cầm chiếc đèn ông sao bị bẹp một cánh trên tay thằng Tùng cứ ngắm nghía mãi. Nó tính sẽ lấy một chiếc que lùa vào bên trong chiếc đèn nắn cho cái cánh bị bẹp phồng lên như cũ. Thế là tết trung thu này hai anh em nó sẽ có một cái đèn ông sao rồi. Thằng Tùng thấy lòng mình lâng lâng. Cu Bi giờ này chắc cũng đã ngủ. Thằng Tùng chợt nảy ra một ý nghĩ. Nó sẽ giấu thật kỹ chiếc đèn ông sao, chờ đến đúng đêm trung thu mới lấy ra, chắc chắn cu Bi sẽ bị bất ngờ và thích thú lắm.
Thằng Tùng về đến nhà thì trăng đã lên cao. Ánh trăng mùa thu lấp loá trên sóng nước sông Hồng...
(Theo truyện ngắn Trọng Bảo)
Câu 1. Ai là người kể chuyện?
A. Thằng Tùng
B. Cu Bi
C. Một người khác không xuất hiện trong truyện
D. Bà chủ cửa hiệu
Câu 2. Đâu là thành phần vị ngữ trong câu “Dòng người, dòng xe đi mua sắm quà trung thu rất đông”?
A. Dòng xe đi mua sắm quà trung thu rất đông
B. Đi mua sắm quà trung thu rất đông
C. Mua sắm quà trung thu rất đông
D. Quà trung thu rất đông
Câu 3. Biện pháp tu từ nào đã được sử dụng trong câu “Những chiếc đèn lồng, đèn ông sao treo kín lối đi, xếp đầy trong thùng giấy, tràn cả xuống lòng đường.”?
A. So sánh
B. Nhân hóa
C. Điệp ngữ
D. Nói quá
Câu 4. Chủ đề của truyện là gì?
A. Lòng dũng cảm
B. Tinh thần lạc quan
C. Tinh thần đoàn kết
D. Lòng yêu thương con người
Câu 5. Vì sao Thằng Tùng lại có cảm giác "sung sướng chộp lấy chiếc đèn ông sao đang nằm lăn lóc dưới đất"?
A. Vì Tùng sẽ có đồ chơi trong tết trung thu.
B. Vì Tùng nghĩ mình sẽ sửa lại chiếc đèn đó để bán.
C. Vì tết trung thu này Tùng sẽ có đèn ông sao để cùng chơi với cu Bi.
D. Vì Tùng đã bán được thêm một tờ báo.
Câu 6. Từ “thẫn thờ” trong câu “Thằng Tùng thẫn thờ nhìn.” miêu tả tâm trạng như thế nào?
A. Ngẩn ngơ, mất hết vẻ linh hoạt
B. Buồn không chú ý việc chi cả
C. Buồn, nghĩ về hoàn cảnh nghèo khó của mình
D. Bâng khuâng, ngơ ngác
Câu 7. Trong câu:" Hết khách rồi..." dấu chấm lửng có tác dụng gì?
A. Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt
B. Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở, hay ngập ngừng, ngắt quãng
C. Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm.
D. Tỏ ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết
Câu 8. Câu chuyện xảy ra vào thời điểm nào trong năm?
A. Tết Nguyên Đán
B. Tết Đoan Ngọ
C. Tết Nguyên tiêu
D. Tết Trung thu
Câu 9. Nếu em là nhân vật thằng Tùng trong câu chuyện, em hành động như thế nào khi được bà chủ cho chiếc đèn ông sao hỏng? Vì sao em lại làm như vậy?
Câu 10. Ghi lại một cách ngắn gọn tâm trạng của em sau khi sau khi làm được một việc tốt.
Phần II: TẬP LÀM VĂN (4 điểm)
Phát biểu cảm nghĩ về một người thân của em.
Đề 8
Phần I: ĐỌC – HIỂU (6 điểm)
Đọc đoạn ngữ liệu sau:
“...Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
....
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.”
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên?
A. Miêu tả
B. Tự sự
C. Biểu cảm
D. Nghị luận
Câu 2. Dòng nào thể hiện rõ nhất nội dung chính của đoạn thơ?
A. Tình cảm yêu thương, gắn bó, tha thiết, sâu nặng với quê hương của tác giả
B. Tình cảm yêu thương sâu nặng với quê hương của tác giả
C. Tình cảm yêu thương tha thiết đối với mẹ của tác giả
D. Nhắc nhở mọi người phải nhớ về quê hương
Câu 3. “Quê hương” được tác giả ví với mấy hình ảnh?
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Câu 4. Các ý sau đây, ý nào không phải là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc qua đoạn thơ trên?
A. Vai trò của quê hương đối với mọi người
B. Giáo dục tình yêu quê hương cho mọi người
C. Trách nhiệm của mọi người đối với quê hương
D. Tình yêu thương của mọi người dành cho mẹ
Câu 5. Trong 4 dòng thơ sau, dòng nào có chứa thành phần trạng ngữ?
A. Quê hương là vòng tay ấm
B. Con nằm ngủ giữa mưa đêm
C. Quê hương là đêm trăng tỏ
D. Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Câu 6. Chỉ ra phó từ có sử dụng trong câu thơ sau:
“Quê hương mỗi người chỉ một”
A. Quê hương.
B. Mỗi
C. Người
D. Một
Câu 7. Xác định cách gieo vần của các từ được gạch chân trong khổ thơ sau?
Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
A. Vần chân- vần cách
B. Vần chân- vần liền
C. Vần lưng- vần cách
D. Vần lưng- vần liền.
Câu 8. Chọn dòng đúng nhất thể hiện ý nghĩa nổi bật của hai dòng thơ sau?
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
A. Quê hương bình dị, mộc mạc
B. Quê hương gắn bó thắm thiết
C. Quê hương gần gũi, máu thịt.
D. Quê hương tươi đẹp, mộc mạc.
Câu 9. Từ nội dung đoạn thơ ở phần Đọc - hiểu, em hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về tình yêu quê hương của mỗi người.
Phần II: TẬP LÀM VĂN (4 điểm)
Em hãy viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về người mẹ kính yêu.
Đề 9
Phần I: ĐỌC – HIỂU (6 điểm)
Đọc văn bản sau:
Mỗi lần hái được rau khúc về, bà tôi lấy nước mưa trong bể rửa sạch rau khúc và để cho thật ráo nước mới cho vào cối giã. Bà tôi giã rau khúc cho đến khi nhuyễn và dẻo như người ta giã giò. Sau đó bà tôi mới trộn rau khúc đã giã với bột nếp và nhào cho thật nhuyễn. Mỗi khi bà tôi nhào bột bánh xong, tôi cũng cúi rạp xuống ghé sát mũi vào cối bột bánh bà hít thật sâu. Cho dù vẫn chỉ là bột sống nhưng hương vị bánh khúc đã dâng lên làm tôi ứa đầy nước miếng. Những lúc như thế, tôi lại giục bà đồ bánh khúc. Nhưng bà tôi không bao giờ đồ bánh ngay. Bà tôi cứ để cối bột đã nhào kĩ chừng hơn một tiếng mới bắt đầu nặn bánh. Ngày xưa, chả mấy khi có thịt làm nhân bánh như bây giờ. Bà tôi chỉ dùng một ít nước mỡ trộn với đậu xanh mà quê tôi gọi là đậu tằm được thổi chín và giã nhuyễn cùng với hành lá làm nhân. Thi thoảng mua được mấy lạng mỡ phần thì bà tôi mới thái một ít để làm nhân bánh. Những miếng mỡ thái hạt lựu béo ngậy đến mê người. Khi ăn một chiếc bánh khúc như thế, tôi cứ nhai mãi mà không muốn nuốt. Cái béo của mỡ lợn, cái bùi của đậu và vị ngọt ngào của bột nếp và hương rau khúc làm nên một món ăn dân dã ngon lạ thường. Khi đồ bánh, bà tôi phủ một lớp rau khúc kín mặt chõ bánh để giữ hơi và làm cho chõ bánh đậm thêm hương rau khúc.
(Trích Hương khúc - Tôi khóc những cánh đồng rau khúc, Nguyễn Quang Thiều, in trong Mùi của kí ức, NXB Trẻ, 2017)
Câu 1. Đoạn văn bản sử những dụng phương thức biểu đạt nào?
A. Tự sự và thuyết minh.
B. Tự sự và nghị luận.
C. Tự sự và miêu tả.
D. Tự sự và biểu cảm.
Câu 2. Những nhân vật nào xuất hiện trong đoạn trích?
A. Người mẹ.
B. Bà và mẹ.
C. Tôi và bà.
D. Tôi và mẹ.
Câu 3. Đoạn trích sử dụng ngôi kể thứ mấy?
A. Ngôi thứ nhất.
B. Ngôi thứ hai.
C. Ngôi thứ ba
D. Ngôi thứ nhất và ngôi thứ 3.
Câu 4. Bánh khúc của bà được làm từ những nguyên liệu nào?
A. Rau khúc và bột nếp.
B. Rau khúc, bột nếp, đậu xanh.
C. Rau khúc, bột nếp, đậu xanh, mỡ lợn.
D. Rau khúc, bột nếp, đậu xanh, mỡ lợn và hành lá.
Câu 5. Tại sao “Bà tôi cứ để cối bột đã nhào kĩ chừng hơn một tiếng mới bắt đầu nặn bánh.”?
A. Bà dành thời gian chuẩn bị mỡ.
B. Bà ủ bột bánh cho nở để chất lượng bánh được ngon hơn.
C. Bà tranh thủ dạy cháu cách làm bánh.
D. Bà dành thời gian thổi đậu xanh.
Câu 6. Từ “thổi” trong câu văn “Bà tôi chỉ dùng một ít nước mỡ trộn với đậu xanh mà quê tôi gọi là đậu tằm được thổi chín và giã nhuyễn cùng với hành lá làm nhân.” đồng nghĩa với từ nào sau đây?
A. Nấu.
B. Rán.
C. Nướng
D. Xào.
Câu 7. Dòng nào nói đúng tác dụng của phép so sánh trong câu văn “Bà tôi giã rau khúc cho đến khi nhuyễn và dẻo như người ta giã giò.”?
A. Diễn tả thao tác chế biến rau khúc của bà rất kĩ lưỡng, kì công.
B. Diễn tả độ khó của việc chế biến rau khúc.
C. Diễn tả các công đoạn chế biến rau khúc của bà.
D. Diễn tả các công đoạn thưởng thức món bánh khúc.
Câu 8. Vì sao món bánh khúc được coi là một món ăn dân dã?
A. Nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, thưởng thức đơn giản, cảm nhận được hương vị của bánh.
B. Cách chế biến cầu kì, thưởng thức đơn giản, cảm nhận được hương vị của bánh.
C. Cách thưởng thức đơn giản mà vẫn cảm nhận được hương vị của bánh.
D. Cách chế biến thủ công, nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, thưởng thức đơn giản, cảm nhận được hương vị của bánh.
Câu 9. Trong cảm nhận của người cháu, món bánh khúc có gì đặc biệt?
Câu 10. Tình cảm của người cháu dành cho bà?
Phần II: TẬP LÀM VĂN (4 điểm)
Hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng sống “ảo” của giới trẻ hiện nay.
Đề 10
Phần I: ĐỌC – HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào?
A. Ca dao
B. Tục ngữ
C. Vè
D. Câu đố
Câu 2. Hãy xác định thể thơ của văn bản?
A. Thơ tự do
B. Thơ ngũ ngôn
C. Thơ lục bát
D. Thơ song thất lục bát
Câu 3. Nội dung của vản băn là gì?
A. Ca ngợi công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ
B. Ca ngợi công sinh thành dưỡng dục trời biển của cha mẹ, nhắc nhở mỗi người con phải sống có hiếu
C. Nhắc tới công ơn sinh thành của cha mẹ
D. Nhắc nhở người làm con phải có hiếu với cha mẹ
Câu 4. Văn bản trên viết về chủ đề gì?
A. Tình cảm gia đình
B. Tình yêu quê hương đất nước
C. Tình yêu đôi lúa
D. Tình yêu thương con người
Câu 5. Địa danh được nhắc đến trong văn bản là gì?
A. Núi Tản Viên
B. Biển Đông
C. Núi Thái Sơn
D. Núi Hồng Lĩnh
Câu 6. Theo em, trong các từ sau từ nào là từ Hán Việt?
A. Công cha
B. Nghĩa mẹ
C. Thờ mẹ
D. Thái sơn
Câu 7. Chỉ ra các biện pháp tu từ trong hai câu đầu văn bản?
A. Liệt kê
B. So sánh
C. Hoán dụ
D. Ẩn dụ
Câu 8. Văn bản đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật đặc sắc nào?
A. Sử dụng từ ngữ, hình ảnh, có giá trị biểu cảm cao
B. Âm điệu nhịp nhàng như lời tâm tình nhắn nhủ
C. Sử dụng thể thơ truyền thống của văn học dân tộc
D. Tất cả đều đúng
Câu 9. Hãy kể thêm một văn bản mà em biết có cùng chủ đề với văn bản trên?
Câu 10. Qua văn bản em rút ra được bài học gì cho bản thân?
Phần II: TẬP LÀM VĂN (4.0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: "Trong quá trình học tập thì tự học là con đường ngắn nhất để dẫn đến thành công”. Em hãy viết bài văn bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến trên?
- Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 13
- Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 12
- Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 11
- Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 10
- Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 9
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 7 - Kết nối tri thức - Xem ngay