Soạn bài Tiểu sử tóm tắt (chi tiết)>
Soạn bài Tiểu sử tóm tắt - Ngữ văn 11. Câu 2. Hãy cho biết những điểm giống và khác nhau giữa văn bản tiểu sử tóm tắt với các văn bản khác: điếu văn, sơ yếu lí lịch, thuyết minh.
Phần II
Video hướng dẫn giải
Câu 1 (trang 54 SGK Ngữ văn 11 tập 2)
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu bên dưới:
a. Kể lại văn tắt cuộc đời và sự nghiệp nhà bác học Lương Thế Vinh
b. Phân tích tính cụ thể, chính xác, chân thực và tiêu biểu của tài liệu được lực chọn.
c. Để chuẩn bị cho bài viết tiểu sử tóm tắt, cần sưu tầm những tài liệu gì? Các tài liệu đó phải đáp ứng những yêu cầu nào?
Trả lời:
a. Kể vắn tắt cuộc đời và sự nghiệp nhà bác học Lương Thế Vinh:
- Là nhà thơ, nhà toán học tài ba quê ở tỉnh Nam Định.
- Có nhiều hoạt động xã hội: ngoại giao, biên soạn sách, sáng tác văn chương, phát triển kinh tế, dạy dân dùng thuốc.
- Đóng góp chủ yếu là mở mang dân trí, phát triển kinh tế, dạy dân dùng thuốc.
- Lương Thế Vinh là con người kinh bang tế thế, “tài hoa, danh vọng” tột bậc.
b. Các tài liệu được lựa chọn ở trên đảm bảo cụ thể, chính xác, chân thực và tiêu biểu.
c. Để chuẩn bị cho bài viết tiểu sử tóm tắt cần sưu tầm tài liệu về nhân thân, hoạt động xã hội, thành tựu của người được nói tới. Các tài liệu này phải chính xác, tiêu biểu.
Câu 2 (trang 55 SGK Ngữ văn 11 tập 2)
Đọc lại văn bản Lương Thế Vinh và cho biết:
- Bài viết gồm những nội dung nào? Chúng được sắp xếp ra sao?
- Những lưu ý khi viết phần đánh giá về người được viết tiểu sử tóm tắt (nội dung, mức độ và cách đánh giá)?
Trả lời:
- Văn bản Lương Thế Vinh gồm nhiều nội dung và được sắp xếp theo thứ tự: nhân thân → hoạt động xã hội → đóng góp chính → đánh giá chung.
- Phần đánh giá cần khái quát, ngắn gọn và đúng với đối tượng.
Luyện tập
Video hướng dẫn giải
Câu 1 (trang 55 SGK Ngữ văn 11 tập 2)
Trong các trường hợp sau đây, trường hợp nào cần viết tiểu sử tóm tắt?
a. Thuyết minh về các danh nhân.
b. Tự ứng cử vào một chức vụ trong các cơ quan Nhà nước hoặc đoàn thể.
c. Giới thiệu người ứng cử vào một chức vụ nào đó trong các cơ quan Nhà nước hoặc đoàn thể.
d. Giới thiệu một vị lãnh đạo cấp cao của nước ngoài sang thăm nước ta.
e. Khi một vị lãnh đạo từ trần.
Trả lời:
- Trừ trường hợp a, các trường hợp khác đều cần viết tiểu sử tóm tắt.
Câu 2 (trang 55 SGK Ngữ văn 11 tập 2)
Hãy cho biết những điểm giống và khác nhau giữa văn bản tiểu sử tóm tắt với các văn bản khác: điếu văn, sơ yếu lý lịch, thuyết minh.
Trả lời:
So sánh văn bản tiểu sử tóm tắt với các văn bản điếu văn, sơ yếu lý lịch, giới thiệu, thuyết minh:
a. Giống nhau: các văn bản tóm tắt tiểu sử, điếu văn, sơ yếu lý lịch, giới thiệu, thuyết minh đều có thể viết về một nhân vật nào đấy.
b. Khác nhau:
- Tiểu sử tóm tắt và điếu văn: Hai văn bản này khác nhau vể mục đích và hoàn cảnh giao tiếp. Điếu văn được viết để đọc trong buổi lễ truy điệu nên ngoài nội dung tiểu sử của người đã mất còn thêm nhiều nội dung khác như: sự ra đi của người đã mất, nỗi xót đau của những người còn sống, lời chia buồn với gia quyến,...
- Tiểu sử tóm tắt và sơ yếu lý lịch:
+ Sơ yếu lý lịch do chính bản thân viết, còn tiểu sử tóm tắt là do người khác viết.
+ Sơ yếu lý lịch là văn bản hành chính, thường có mẫu cố định. Nội dung thường nhấn mạnh đến nhân thân và các mối quan hệ. Bản lý lịch cần có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Còn tiểu sử không cần nêu chi tiết mọi quan hệ xã hội mà chỉ tập trung nêu mối quan hệ có ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người được viết tiểu sử, chú trọng nhiều đến những cống hiến và đóng góp của người đó. Tiểu sử không cần phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyển
- Tiểu sử tóm tắt và lời giới thiệu, thuyết minh: Văn bản giới thiệu, thuyết minh có đối tượng rộng hơn (người, vật, danh lam thắng cảnh,...). Tuỳ vào đối tượng, mục đích, nội dung của văn bản giới thiệu, thuyết minh, có thể nhấn mạnh, khắc sâu vào những nội dung khác nhau, về hành văn, văn bản giới thiệu, thuyết minh còn yêu cầu về cách diễn đạt phong phú, giàu hình ảnh và có tính biểu cảm.
Câu 3 (trang 55 SGK Ngữ văn 11 tập 2)
Hãy viết tiểu sử tóm tắt của một nhà văn, nhà thơ được học trong chương trình Ngữ văn 11.
Trả lời:
Ví dụ: Viết tiểu sử tóm tắt về nhà thơ Tố Hữu.
Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê gốc ở làng Phù Lai, nay là xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tố Hữu sớm tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, từng bị giam giữ trong nhiều nhà tù nhưng vẫn kiên định con đường cách mạng đến trọn đời. Ông hoạt động tích cực trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa Huế trong cách mạng tháng Tám năm 1945, phụ trách văn hóa nghệ thuật ở cơ quan Trung ương Đảng trên quê hương cách mạng Việt Bắc, Ủy viên bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, Bí thư trung ương đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Đường đời, đường cách mạng của Tố Hữu gắn bó và song hành với đường thơ. Ông có những đóng góp lớn lao cho nền văn học cách mạng Việt Nam với bảy tập thơ đồ sộ: Từ ấy (1937-1946), Việt Bắc (1946-1954), Gió lộng (1955-1961), Ra trận (1962-1971), Máu và hoa (1972-1977), Một tiếng đờn (1992) và Ta với ta (1999). Thơ Tố Hữu không những là phương tiện hiệu quả truyền bá cách mạng sâu rộng vào nhân dân mà còn đưa thơ cách mạng lên đỉnh cao nghệ thuật. Với Tố Hữu, thơ cách mạng đạt đến trình độ thơ trữ tình chính trị, hấp dẫn người đọc bởi tính dân tộc, khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn và giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, thương mến.
Tố Hữu là lá cờ đầu của nền văn học cách mạng Việt Nam. Qua thơ Tố Hữu, có thể thấy tinh hoa và giá trị của nền văn học cách mạng, một nền văn học coi vận mệnh dân tộc là lẽ sống lớn nhất.
Loigiaihay.com