Tác phẩm: Sang thu>
Giới thiệu một vài nét về Hữu Thỉnh, về thể thơ, xuất xứ, chủ đề bài “Sang thu”.
Phần I
1.Tác giả
Nguyễn Hữu Thỉnh có bút danh là Hữu Thỉnh, sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 21 tuổi, ông gia nhập quân đội, là chiến sĩ của binh chủng Tăng Thiết giáp. Cuộc đời binh nghiệp đã khơi dậy một hồn thơ chiến sĩ. Ông có viết trường ca, nhưng người đọc chú ý nhiều ở những bài thơ ngũ ngôn như “Sang thu”, “Chiều sông Thương”, v.v...
Cảm xúc bâng khuâng, nhẹ nhàng, thoáng hiện. Một số hình ảnh ẩn dụ đẹp, sáng tạo, thi vị. Đó là ấn tượng về dư vị văn chương khi ta đọc tập thơ “Từ chiến hào tới thành phố" cùa Hữu Thỉnh.
2.Thể thơ, xuất xứ, chủ đề
“Sang thu” viết theo thể thơ năm chữ, gồm có 12 câu chia đều thành 3 khổ thơ, in trong tập thơ “Từ chiến hào đến thành phố” Nxb Văn học, Hà Nội, 1991.
Bài thơ thể hiện những cảm xúc, những rung động tâm hồn trước cảnh vật thiên nhiên trong những ngày hạ mạt thô sơ giữa thời khói lửa.
Phần II
Phân tích bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh.
“Sang thu" là bài thơ ngũ ngôn của Hữu Thỉnh, từng được nhiều người ưa thích. Bài thơ gồm có ba khổ thơ; mỗi khổ thơ bốn câu là một nét thu đẹp êm đềm của đất trời, lao vật trong buổi đầu thu - thu mới về, thu chợt đến.
Với thi sĩ Xuân Diệu thì tín hiệu đầu thu là sắc “mơ phai” của lá được bàn tay tạo hóa “dệt" nên giữa muôn ngàn cây:
“Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng."
(Đây mùa thu tới)
Nhưng với Hữu Thỉnh là “hương ổi” của vườn quê được “phả vào" trong làn gió thu se lạnh. Cái hương vị nồng nàn ấy nơi vườn nhà mà tuổi thơ mỗi chúng ta sẽ mang theo mãi trong tâm hồn, đi suốt cuộc đời:
‘'Bỗng nhận ra hương ổi
Phả và trong gió se."
"Phả" nghĩa là bốc mạnh và tỏa ra thành luồng (Từ điển Tiếng Việt - Hoàng Phê). Hữu Thỉnh không tả mà chỉ gợi, đem đến cho người đọc những liên tưởng về màu vàng ươm, về hương thơm lựng, thơm ngái tỏa ra, bốc lên từ những trái ổi chín nơi vườn quê trong những ngày cuối hạ, đầu thu. Vì gió thu “se” lạnh, nón hương ổi mới lên nồng nàn phả vào đất trời và hồn người.
Nhiều người đã biết: Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Băng Sơn, Nguyễn Đình Thi,... đã viết thật hay về hương cốm Vòng (Hà Nội), một nét đẹp mến yêu về hương vị mùa thu của quê hương đất nước:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới...”
("Đất nước" - Nguyễn Đinh Thi)
”Hương ổi’’ được hữu hình trong bài '‘Sang thu” là một cái mới trong thơ, đậm đà màu sắc dân dã của Hữu Thỉnh.
Sau “hương ổi" và “gió se”, nhà thơ nói đến sương thu. Cũng không phải là “Sương thu lạnh... Khói thu xây thành” trong “Cảm thu tiễn thu” của Tản Đà. Cũng chẳng phải là giọt sương lạnh và tiếng thu buồn những ngày xa xưa: “Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun ” (Chinh phụ ngâm). Mà là sương thu chứa đầy tâm trạng “chùng chình” cố ý làm chậm chạp để kéo dài thời gian:
“Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.”
Sương thu đã được nhân hóa; hai chữ “chùng chình’’diễn tả rất thơ buớc đi chầm chậm của mùa thu về. Nếu các từ ngữ “bỗng nhận ra” biểu lộ cảm xúc ngạc nhiên thì hai chữ “hình như’’ thể hiện sự phỏng đoán một nét thu mơ hồ vừa chợt phát hiện và cảm nhận.
Chữ “se’’ vần với chữ “về” (vần chân, vần bằng, vần cách) đã góp phần tạo nên sự phong phú về vần điệu và nhạc điệu, làm cho giọng thơ nhẹ nhàng, mênh mông gợi cảm.
Không gian nghệ thuật của bức tranh “Sang thu'" được mở rộng, ở chiều cao, độ rộng của bầu trời với cánh chim bay và đám mây trôi, ở chiều dài của dòng sông qua khổ thơ thứ hai tiếp theo:
"Sóng được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Sông mùa thu trên miền Bắc nước ta nước trong xanh, êm đềm trôi: "Trắng xóa tràng giang, phẳng lặng tờ" (“Tức cảnh chiều thu” - Bà Huyện Thanh Quan). Sông nước đầy nên mới “dềnh dàng”, nhẹ trôi như cố tình làm chậm chạp, thiếu khấn trương, để mất nhiều thì giờ... Chim bay “vội vã”, đó là những dàn cò ngói, những đàn sâm cầm, những đàn chim đổi mùa, tránh rét, từ phương Bắc xa xôi bay về phương Nam. Trong số đàn chim bay “vội vã” ấy phải chăng có những đàn ngỗng trời mà nhà thơ Nguyễn Khuyến đã nói tới trong “Thu vịnh”:
“Một tiếng trên không ngỗng nước nào?"
Dòng sông, cánh chim, đám mây mùa thu đều được nhân hóa. Bức tranh thu trở nên hữu tình, chứa chan thi vị. Hữu Thỉnh không dùng những từ ngữ như: lang thang, lơ lửng, bổng bềnh, nhẹ trôi mà lại dùng chữ “Vắt”
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Mây như kéo dài ra, vắt lên, đặt ngang trên bầu trời, buông thõng xuống. Câu thơ tả đám mây mùa thu của Hữu Thỉnh khá hay và độc đáo; cách chọn từ và dùng từ rất sáng tạo.
Khổ thơ cuối nói lên một vài cảm nhận và suy ngẫm của nhà thơ khi nhìn cảnh vật trong những ngày đầu thu:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Nắng, mưa, sấm, những hiện tượng của thiên nhiên trong thời điểm giao mùa: mùa hạ - mùa thu được Hữu Thỉnh cảm nhận một cách tinh tế. Các từ ngữ: “vẫn còn”, “đã vơi dần”, “cũng bớt bất ngờ”gợi tả rất hay thời lượng và sự hiện hữu của sự vật, của thiên nhiên như nắng thu, mưa thu, tiếng sấm buổi đầu thu. Mùa hạ như còn níu giữ. Nắng, mưa, sấm mùa hạ như còn vương vấn hàng cây và đất trời. Nhìn cảnh vật sang thu buổi giao mùa, từ ngoại cảnh ấy mà nhà thơ suy ngẫm về cuộc đời. “Sấm" và “hàng cây đứng tuổi" là những ẩn dụ tạo nên tính hàm nghĩa của bài " Sang thu”. Nắng, mưa, sấm là những biến động của thiên nhiên, còn mang ý nghĩa tượng trưng cho những thay đổi, biến đổi, những khó khăn thử thách trong cuộc đời. Hình ảnh ‘‘hàng cây đứng tuổi'' là một ẩn dụ nói về lớp người đã từng trải, được tôi luyện trong nhiều gian khổ, khó khăn:
“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Hữu Thỉnh viết bài thơ '‘Sang thu'" vào đầu những năm 80 của thế kỉ trước. Lúc bấy giờ, đất nước ta tuy đã được độc lập và thống nhất nhưng đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách mới về kinh tế, về xã hội. Hai câu kết bài thơ mang hàm nghĩa khẳng định bản lĩnh cứng cỏi và tốt đẹp của nhân dân ta trong những năm tháng gian khổ, khó khăn ấy.
“Sang thu” Là một bài thơ hay của Hữu Thỉnh, được in trong tập thư "Từ chiến hào tới thành phố” xuất bản vào tháng 5-1985. Bao cảm xúc dâng đầy trong những vần thơ đẹp, hữu tình, nên thơ. Nhà thơ không sử dụng bút màu vẽ nên những cảnh thu, sắc thu rực rỡ. Chỉ là một số nét chấm phá, tả ít mà gợi nhiều nhưng tác giả đã làm hiện lên cái hồn thu thanh nhẹ, trong sáng, êm đềm, mênh mang... đầy thi vị.
Nghệ thuật nhân hóa và ẩn dụ, cách chọn lọc từ ngữ khá tinh tế là những thành công của Hữu Thỉnh để lại dấu ấn đẹp và sâu sắc trong “Sang thu”. Thơ ngũ ngôn trong "Sang thu” thể hiện một cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt mới mẻ, hàm súc, lắng đọng và hồn nhiên. "Sang thu" thể hiện một bút pháp nghệ thuật thanh, nhẹ, tài hoa, diễn tả những cảm nhận, những rung động man mác, bâng khuâng của tác giả trước vẻ đẹp và sự biến đổi kì diệu của thiên nhiên trong buổi chớm thu. Đối tượng được cảm nhận là cảnh sắc mùa thu nơi đừng quê trên miền Bắc đất nước ta. Bài thơ là một tiếng lòng trang trải, gửi gắm bao tình yêu mùa thu của quê hương đất nước; một tiếng thu nồng hậu, thiết tha.
Phần III
Bình giảng hai khổ thơ đầu “Sang thu” của Hữu Thỉnh
Nếu mùa xuân là mùa hội tụ của những bàn tay nghệ sĩ tài hoa thì mùa thu bước vào trong thơ ca cũng tự nhiên và gần gũi. Trước đây, Nguyễn Khuyến nổi tiếng với ba bài thơ thu: “Thu điếu", “Thu vịnh”, “Thu ẩm”, sau này Xuân Diệu có “Đây mùa thu tới". Nhè nhẹ, khiêm nhường, Hữu Thỉnh cũng góp vào cho mùa thu đất nước một góc quê hương sang thu:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
"Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Đoạn thơ có cái hương vị ấm nồng của chớm thu ở một miền quê nhỏ. Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra là hương vị ổi phả trong gió. Mùi hương quê nhà mộc mạc được gió đưa trong không gian cứ lan tỏa, thoang thoảng bay. Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ: “bỗng nhận ra”. Một sự bất ngờ mà như đã đợi sẵn, đợi từ lâu rồi, để giờ đây có dịp là buông ra ngay. Trong số chúng ta chắc chắn không ai chưa mội lần nếm vị ổi: giòn ngọt, chua chua nơi đầu lưỡi. Cái dư vị của hương thơm đó cứ vấn vít vương lại trong ta khi chợt đọc câu thơ của Hữu Thỉnh. Có hương ổi. Và gió. Và sương. Những hạt sương thu mềm mại, ươn ướt giăng màn qua ngõ. Mùa thu lại về. Mùa thu mang theo hương quê và mang theo sương mờ ướt lạnh. Dường như có thêm sương nên thu đã nhận ra hơn. “Sương chùng chình qua ngõ","chùng chình" hay là đợi chờ gì đây? Cứ dần dần như thế, cứ nhẹ nhàng, mềm mại như thế, thu đến tự lúc nào không hay. “Hình nhự thu đã về”. Nhà thơ giật mình, hơi bối rối. Tự bao giờ nhỉ? Thu về? Từ hương ổi hay từ gió, hay từ sương? Hữu Thỉnh cũng hơi ngỡ ngàng trước thoáng đi bất chợt của mùa thu. Thu về, thu lại về trên quê hương, trên những con đường bờ đê và trên cả những con sông, cánh chim trời.
Cái bỡ ngỡ ban đầu vụt tan biến đi nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt trước mùa thu:
"Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Con sông quê hương dềnh dàng nước chở mùa thu. Những cánh chim bay vội vã. Thật lạ lùng mùa thu! Nơi thì "chùng chình", “dềnh dàng”', mà nơi thi "vội vã", hối hả... Nhưng tất cả đều với một cảm giác mới mẻ, xôn xao khi mùa thu về. Không còn cái gay gắt của mùa hè nóng nực, chỉ còn lại một bầu không gian ẩm ướt và se lạnh. Một thoáng rối lòng để rồi nhường lại cho thu. Mùa thu vừa chớm rất nhẹ, rất dịu, rất êm, mơ hồ như cả đất trời đang rùng mình thay áo mới.Hữu Thỉnh không tả trời thu “xanh ngắt mấy từng cao" như Nguyễn Khuyến mà chi điểm vào bức tranh thu một chút mây vương lại của mùa hè vừa qua:
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu."
Mây trời vắt nửa mình sang thu. Lối diễn đạt của nhà thơ thật độc đáo.Hình như trong đám mây đó còn lại một vài làn nắng ấm mùa hè nên mới "Vắt nửa mình” Thu về làm cho bao cảnh vật đổi thay và đám mây cũng khác lạ.
Với một đoạn thơ ngắn vẻn vẹn hai khổ mà nhà thơ đã đem lại một bức tranh thu nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm quê nhà. Những hình ảnh sang thu thân quen, giản dị mà tươi tắn, sống động. Với những từ láy: “chùng chình", "vội vã”. “dềnh dàng”, và một giọng thơ vừa có thoáng ngỡ ngàng, vừa vui sướng. Hữu Thỉnh đã đưa ta về một miền quê dân dã mà ấm áp tình người.
“Sang thu" - một hình ảnh quê hương tự nó đã tốn thêm vẻ đẹp cho đất nước, cho quê nhà, cho đồng quê trong mùa thu chung của cả đất trời Việt Nam.
Nguyễn Thị Anh Trúc - Trường THCS Hà Tĩnh Giải nhất bảng A, kì thi học sinh giỏi cấp quốc gia - năm học 1991-1992
Loigiaihay.com