Quan niệm của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng


Nhận thức sâu sắc vai trò của đạo đức cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trang đầu của tác phẩm Đường cách mạng viết năm 1927 Hồ Chí Minh đã dành để viết về Tư cách người cách mạng. Người yêu cầu người cách mạng phải biết hy sinh ít lòng ham muốn về vật chất

Câu hỏi. Quan niệm của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng

Trả lời:

Nhận thức sâu sắc vai trò của đạo đức cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trang đầu của tác phẩm Đường cách mạng viết năm 1927 Hồ Chí Minh đã dành để viết về Tư cách người cách mạng. Người yêu cầu người cách mạng phải biết hy sinh ít lòng ham muốn về vật chất, không ngại gian khổ khó khăn, thậm chí có thể phải hy sinh tính mạng của mình cho sự nghiệp chung. Người cách mạng phải rất khiêm tốn, không hiếu danh, không kiêu ngạo, cả quyết sửa lỗi mình, cẩn thận mà không nhút nhát, nếu thấy việc đúng thì phải quyết tâm làm và phải chịu trách nhiệm trước việc mình làm. Quần chúng tin và theo cách mạng trước hết họ tâm phục đạo đức, gương hy sinh của ngưòi cách mạng. Họ thống nhất trong ý thức đạo đức sẽ tạo sức mạnh vô địch trong hành vi đạo đức, có thể lấy nhân nghĩa mà thắng hung tàn, đem trí nhân mà chế ước cường bạo.

Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng. Theo Hồ Chí Minh thì đối với con người, sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Người từng viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

Vì sao đạo đức cách mạng lại là gốc, nền tảng và ngọn nguồn sức mạnh của người cách mạng? Có nhiều lý do, song Hồ Chí Minh thường nhắc tới ba lý do cơ bản sau:

-   Sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự nghiệp cách mạng to lớn, rất khó khăn, chưa từng có trong lịch sử, hoàn thành nó đòi hỏi không phải một mà nhiều thế hệ tận trung với nước tận hiếu với dân.

-   Kẻ thù của cách mạng Việt Nam luôn là những tên phong kiến thực dân đế quốc gian ác mất nhân tính, chúng ta không hy vọng vào lòng tốt, “sự rủ lòng thương” của chúng để có độc lập cho Tổ quốc và tự do, hạnh phúc cho con người. Để đạt được mục tiêu ấy, chi bằng con đường đấu tranh kiên cường, bằng chiến đấu giành lấy, bằng sự hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ, khi đó mỗi người phải nêu cao đạo đức cách mạng.

-    Chủ nghĩa Mác - Lênin là cách mạng và khoa học. Đến với nó đòi hỏi mỗi người phải có quyết tâm cách mạng và tri thức khoa học, có cái tâm trong sáng và cái đức cao đẹp. Đặc biệt, để hiện thực nó trong cuộc sống càng đòi hỏi người cách mạng không những có tâm sáng, đức cao thượng mà còn cần có cái trí mẫn tuệ và chỉ khi có cái đức thì mới đi đến được cái trí. Cái đức là cái bảo đảm cho người cách mạng giữ vững được chủ nghĩa mà mình đã tin, đã hiểu và đang theo. Hồ Chí Minh không chỉ đòi hỏi mỗi người vừa hồng vừa chuyên mà cả Đảng phải “ là đạo đức, là văn minh’'.

Nhờ những người cách mạng có và giữ vững đạo đức cách mạng, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, đã đưa dân tộc ta thoát khỏi ách áp bức ngoại bang, đang thoát đói giảm nghèo vươn lên tiến kịp các nước để sánh vai với các cường quốc năm châu như Hồ Chí Minh mong đợi.


Bình chọn:
4.1 trên 8 phiếu

>> Xem thêm