Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Chu Văn An

Tải về

Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2019 - 2020 trường THPT Chu Văn An với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN

TỔ NGỮ VĂN

....................

 

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I LỚP 11

NĂM HỌC 2019 - 2020

.....................

Môn: NGỮ VĂN

(Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao phát đề)

Quảng cáo
decumar

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

    Đọc văn bản

     Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này[....] Rằng cứ mỗi một kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu hiểu rằng một đồng đô-la kiếm được do công sức của mình bỏ ra còn quý hơn nhiều so với năm đô-la nhặt được trên hè phố....

     Xin hãy dạy cho cháu cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm tin chiến thắng. Xin hãy dạy cho cháu tránh xa sự đố kị. Xin dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui thầm lặng. Dạy cho cháu rằng những kẻ hay bắt nạt người khác là những kẻ dễ bị đánh bại nhất....

(Trích Thư của tổng thống Mĩ A.Lin-côn gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, trong Những câu chuyện về người thầy, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2004)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Xác định nội dung của đoạn trích (0.5 điểm)

Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích (0.5 điểm)

Câu 3: Xác định biện pháp tu từ và chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn in đậm của đoạn trích (1.0 điểm)

Câu 4: Từ câu nói Rằng cứ mỗi kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn". Anh/chị rút ra được bài học gì? (1.0 điểm)

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)

     Từ ý kiến trong phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về bản thân cần chấp nhận sự thất bại như thế nào để thành công trong cuộc sống.

Câu 2: (5.0 điểm)

     Phân tích vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

......................................Hết...........................

 

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

- Nội dung: Bức thư phụ huynh gửi đến thầy giáo hãy dạy con mình những điều tốt đẹp.

Câu 2:

* Phương pháp: căn cứ vào 6 phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính – công vụ

* Cách giải:

- Phương thức chính: Nghị luận.

Câu 3:

* Phương pháp: Căn cứ vào các biện pháp tu từ

* Cách giải:

- Biện pháp tu từ: điệp ngữ “xin dạy cho cháu”.

- Hiệu quả nghệ thuật: tăng giá trị biểu đạt, tạo nhịp điệu cho các câu văn. Qua đó, nhấn mạnh tấm lòng mong mỏi, khát khao của người cha khi muốn con mình được học những điều hay lẽ phải.

Câu 4:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

* Cách giải:

Từ câu nói trên, ta rút ra được thêm bài học trong những chặng đường mà mình bước đi. Rằng trong những điều không hay mà ta gặp phải thì đâu đó ta lại được trả giá bằng những điều tốt đẹp. Nên hãy lạc quan, nếu như ta không may gặp phải những người chưa tốt, những việc chưa hay.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

* Gợi ý:

Giải thích:

- “Thất bại” là khi không đạt được mục tiêu do mình đề ra. Đôi khi chỉ là những điều nhỏ bé, đôi khi chỉ là những con điểm kém, thất bại trong mối quan hệ bạn bè,... 

Phân tích, bình luận:

- Thất bại, tổn thương là điều không tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng cách bạn đối diện với thất bại mới là điều giá trị.

- Thất bại đơn giản chỉ là cơ hội giúp bạn có thể bắt đầu mọi việc lại từ đầu, lần này cẩn thận, tinh tế và khôn ngoan hơn vì bạn đã tự rút ra được kinh nghiệm cho mình

* Liên hệ bản thân:

- Muốn thành công phải thay đổi từ bản thân mình

- Hãy rút ra những bài học quý giá từ những sai lầm của chính mình. Khắc phục sai lầm sẽ giúp bạn thành công khi gặp phải vấn đề tương tự, thậm chí cả trong tình huống hoàn toàn khác biệt. 

Câu 2:

* Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

* Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

+ Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, là một nhà văn có cá tính độc đáo, có thể coi ông là một định nghĩa về người nghệ sĩ.

- Nét nổi bật trong phong cách của Nguyễn Tuân là ở chỗ, Nguyễn Tuân luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hóa và mỹ thuật, nhìn con người ở phẩm chất nghệ sĩ và tài hoa. Sáng tác của Nguyễn Tuân thể hiện hài hòa màu sắc cổ điển và hiện đại. Đặc biệt, ông thường có cảm hứng mãnh liệt với cái cá biệt, phi thường, dữ dội và tuyệt mỹ.

- Truyện ngắn Chữ người tử từ lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, in lần đầu tiên năm 1938 trên tạp chí Tao đàn, sau được lựa chọn vào tập truyện Vang và bóng một thời, 1940. Các lần tái bản sau, Vang và bóng một thời được đổi tên là Vang bóng một thời và Dòng chữ cuối cùng được đổi tên là Chữ người tử tù.

+ Vẻ đẹp hình tượng nhân vật Huấn Cao

a. Vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ:

* Tài gắn liền với danh:

- Huấn Cao viết chữ đẹp nên nổi tiếng khắp một vùng rộng lớn: vùng Tỉnh Sơn.

- Viên quản ngục và thầy thơ lại cũng biết tiếng.

* Cái tài gắn với sự khao khát, nể trọng của người đời:

- Viên quản ngục khao khát có được chữ ông Huấn Cao để treo trong nhà.

- Viên quản ngục biệt nhỡn qua ánh nhìn, qua hành động biệt đãi

-> Đây không phải một cái tài bình thường mà nó đạt đến độ phi thường và siêu phàm.

b. Vẻ đẹp của thiên lương:

- “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”:

+ “Khoảnh”: có phần kiêu ngạo về tài năng viết chữ của mình, có ý thức về giá trị của tài năng ấy, tôn trọng tài năng, sử dụng nó như một món quà mà thượng đế trao cho mình nên chỉ trao nó cho những tấm lòng trong thiên hạ.

- “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ” -> khí chất, quan điểm của Huấn Cao.

Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” -> tấm lòng của Huấn Cao với những con người yêu cái đẹp, trọng cái tài.

c. Vẻ đẹp của khí phách:

* Tinh thần nghĩa hiệp:

- Là người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, dám cầm đầu một cuộc đại phản chống lại triều đình mà ông căm ghét.

* Tư thế đàng hoàng, hiên ngang, bất khuất:

- Hành động Huấn Cao cùng các bạn tù giỗ gông. Huấn Cao ở vị trí đầu thang gông – ngay trong tình thế bi đát vẫn đứng ở vị trí chủ soái.

- Trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, Huấn Cao không hề để tâm, coi thường, vẫn lạnh lùng chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng…

* Bản lĩnh cứng cỏi, không sợ quyền uy và không sợ cái chết:

- Cách Huấn Cao đón nhận sự biệt đãi của viên quản ngục.

- Khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.

- Vào thời điểm nhận tin dữ (ngày mai vào kinh chịu án chém), Huấn Cao bình tĩnh, mỉm cười.

d. Sự tỏa sáng của ba vẻ đẹp trong cảnh cho chữ:

* Vẻ đẹp tài hoa:

- Tài năng của Huấn Cao không còn là những lời đồn đại nữa, nó đã hiện thành hình: “những nét chữ vuông tươi tắn…”

* Vẻ đẹp khí phách:

- Trái với sự lo lắng của viên quản ngục và thầy thơ lại, Huấn Cao rất thản nhiên đón nhận, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, lặng người ái ngại cho viên quản ngục.

- Không để tâm tới mọi thứ xung quanh, chỉ tập trung vào những nét chữ mà mình đang tạo ra.

* Vẻ đẹp thiên lương:

- Hiểu ra tấm lòng của quản ngục.

- Quan niệm: không được phụ lòng người -> trong những giây phút cuối đời đã viết chữ dành tặng viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.

- Đỡ viên quan coi ngục đứng thẳng dậy, đưa ra những lời khuyên chí tình.

e. Tổng hợp đánh giá về nhân vật:

* Nguyên mẫu: Cao Bá Quát:

- Cùng họ Cao, giữ chức coi sóc việc học ở địa phương.

- Huấn Cao là người tử tù, dám cầm đầu đội quân chống lại triều đình. Cao Bát Quát là thủ lĩnh, quân sư cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân Mỹ Lương – Hà Tây chống lại triều đình rồi cũng bị kết án tử hình.

- Cùng được tôn vinh vì tài năng viết chữ đẹp.

- Sự cúi đầu trước Huấn Cao của quản ngục cũng giống như câu thơ của Cao Bá Quát: “Nhất sinh đệ thủ bái mai hoa”

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

- Mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn:

+ Là con người tài hoa tài tử, khác thường.

+ Dùng thủ pháp cường điệu, phóng đại và thủ pháp đối lập.

- Ngôn ngữ giàu chất tạo hình, dùng nhiều từ Hán Việt mang màu sắc cổ kính, gợi về cái đẹp của một thời vang bóng.

* Nội dung tư tưởng mà nhân vật truyền tải:

- Quan điểm thẩm mỹ tiến bộ: luôn cho rằng cái đẹp phải gắn liền với cái thiện.

- Thông điệp: cái đẹp sẽ chiến thắng cái xấu xa, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, ánh sáng sẽ chiến thắng bóng tối.

- Thông qua việc ca ngợi Huấn Cao tác giả tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, tôn vinh một trang anh hùng dũng liệt

-> Ca ngợi Huấn Cao là biểu hiện kín đáo của lòng yêu nước.

Tổng kết

Loigiaihay.com


Bình chọn:
2.8 trên 4 phiếu
Tải về

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 11 - Xem ngay

2K7 tham gia ngay group để nhận thông tin thi cử, tài liệu miễn phí, trao đổi học tập nhé!

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.