Đề thi học kì 2 Tiếng Việt 5 CD - Đề số 1


Có những dấu câu Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩ đơn giản.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm văn bản sau:

Có những dấu câu

            Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩ đơn giản.

            Sau đó, không may, anh ta lại làm mất dấu chấm than. Anh bắt đầu nói khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu. Anh không cảm thán, không xuýt xoa. Không có gì có thể làm anh ta sung sướng, mừng rỡ hay phẫn nộ nữa cả. Đằng sau đó là sự thờ ơ đối với mọi chuyện.

            Kế đó, anh ta đánh mất dấu chấm hỏi và chẳng bao giờ hỏi ai điều gì nữa. Mọi sự kiện xảy ra ở đâu, dù trong vũ trụ hay trên mặt đất hay ngay trong nhà mình, anh ta cũng không biết. Anh ta đã đánh mất khả năng học hỏi. Đằng sau đó là sự thiếu quan tâm với mọi điều.

            Một vài tháng sau, anh ta đánh mất dấu hai chấm. Từ đó anh ta không liệt kê được nữa, không còn giải thích được hành vi của mình nữa. Anh ta đổ lỗi cho tất cả, trừ chính mình.

            Cứ mất dần các dấu, cuối cùng anh ta chỉ còn lại dấu ngoặc kép mà thôi. Anh ta không phát biểu được một ý kiến nào của riêng mình nữa, lúc nào cũng chỉ trích, dẫn lời của người khác. Thế là anh ta hoàn toàn quên mất cách tư duy. Cứ như vậy, anh ta đi đến dấu chấm hết.

            Thiếu những dấu câu trong một bài văn, có thể bạn chỉ bị điểm thấp vì bài văn của bạn không hay, không ý nghĩa, nhưng đánh mất những dấu câu trong cuộc đời, tuy không ai chấm điểm nhưng cuộc đời bạn cũng vô vị, cũng mất ý nghĩa như vậy.

            Mong bạn hãy giữ gìn những dấu câu của mình, bạn nhé!

(Theo Hồng Phương)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1. Sau khi đánh mất dấu chấm than, anh chàng trở thành một người như thế nào?

A. Rụt rè, nhút nhát, không dám đề nghị, nhờ cậy ai cả.

B. Trở thành một người kể lể dài dòng, không đi vào trọng tâm.

C. Đánh mất khả năng học hỏi.

D. Trở thành một người không có cảm xúc.

Câu 2. Khi bị mất dấu câu, anh ta đã làm gì?

A. Tự trách mình.

B. Đổ lỗi cho bạn.

C. Đổ lỗi cho tất cả.

D. Không đổ lỗi cho người khác.

Câu 3. Điều gì xảy ra với anh chàng khi anh ta chỉ còn lại dấu ngoặc kép?

A. Trong đầu luôn tràn ngập những câu hỏi không có lời giải đáp.

B. Anh ta quên mất cách tư duy, chỉ biết trích dẫn lời của người khác mà không phát biểu được ý kiến của mình.

C. Anh ta quên mất đi quá khứ của chính mình.

D. Anh ta không thể chia sẻ, trò chuyện với những người xung quanh được nữa.

Câu 4. Câu “Cứ như vậy, anh ta đi đến dấu chấm hết.” cho ta thấy anh ta là một người:

A. Không có giá trị, sống một cuộc đời vô nghĩa.

B. Nghèo khổ, mất hết tiền bạc, của cải.

C. Cô đơn, không còn ai thân thích.

D. Hào phóng, sẵn sàng cho mọi thứ.

Câu 5. Câu chuyện muốn khuyên chúng ta điều gì?

Câu 6. Từ “tư duy” cùng nghĩa với từ:

A. học hỏi

B. suy nghĩ

C. tranh luận

D. tư cách

Câu 7. Trong các câu dưới đây, câu nào là câu ghép?

A. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản.

B. Từ đó anh ta không liệt kê được nữa, không còn giải thích được hành vi của mình nữa.

C. Anh ta không phát biểu được một ý kiến nào của riêng mình nữa, lúc nào cũng chỉ trích, dẫn lời của người khác.

D. Mọi sự kiện xảy ra ở đâu, dù trong vũ trụ hay trên mặt đất hay ngay trong nhà mình, anh ta cũng không biết.

Câu 8. Hai câu sau được liên kết với nhau bằng cách nào?

“Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản.”

A. Lặp từ ngữ

B. Dùng từ ngữ nối

C. Thay thế từ ngữ

D. Lặp từ ngữ và thay thế từ ngữ

Câu 9. Xác định thành phần chủ ngữ và vị ngữ trong các câu sau :

a. Trong khu vườn mùa xuân, cây cối thi nhau đâm chồi nảy lộc và chim chóc đua nhau hót vang.

b. Nắng đã chiếu sáng loà cửa biển, xóm lưới cũng ngập trong nắng đó.

Câu 10. Em hãy đóng vai là một dấu câu bất kì (dấu chấm, dấu phẩy, dấu hai chấm,……), nói 2-3 câu về tầm quan trọng của mình.

B. Kiểm tra viết

Đề bài: Viết bài văn kể lại một câu chuyện em yêu thích trong đó có những chi tiết sáng tạo.

-------- Hết --------

Lời giải

  HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM

1. D

2. C

3. B

4. A

6. B

7. D

8. C

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

II. Đọc thầm văn bản sau:

Câu 1. Sau khi đánh mất dấu chấm than, anh chàng trở thành một người như thế nào?

A. Rụt rè, nhút nhát, không dám đề nghị, nhờ cậy ai cả.

B. Trở thành một người kể lể dài dòng, không đi vào trọng tâm.

C. Đánh mất khả năng học hỏi.

D. Trở thành một người không có cảm xúc.

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ hai để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Sau khi đánh mất dấu chấm than, anh chàng trở thành một người không có cảm xúc.

Đáp án D.

Câu 2. Khi bị mất dấu câu, anh ta đã làm gì?

A. Tự trách mình.

B. Đổ lỗi cho bạn.

C. Đổ lỗi cho tất cả.

D. Không đổ lỗi cho người khác.

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ tư để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Khi bị mất dấu câu, anh ta đã đổ lỗi cho tất cả.

Đáp án C.

Câu 3. Điều gì xảy ra với anh chàng khi anh ta chỉ còn lại dấu ngoặc kép?

A. Trong đầu luôn tràn ngập những câu hỏi không có lời giải đáp.

B. Anh ta quên mất cách tư duy, chỉ biết trích dẫn lời của người khác mà không phát biểu được ý kiến của mình.

C. Anh ta quên mất đi quá khứ của chính mình.

D. Anh ta không thể chia sẻ, trò chuyện với những người xung quanh được nữa.

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ năm để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Khi anh ta chỉ còn lại dấu ngoặc kép, anh ta quên mất cách tư duy, chỉ biết trích dẫn lời của người khác mà không phát biểu được ý kiến của mình.

Đáp án B.

Câu 4. Câu “Cứ như vậy, anh ta đi đến dấu chấm hết.” cho ta thấy anh ta là một người:

A. Không có giá trị, sống một cuộc đời vô nghĩa.

B. Nghèo khổ, mất hết tiền bạc, của cải.

C. Cô đơn, không còn ai thân thích.

D. Hào phóng, sẵn sàng cho mọi thứ.

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ sáu để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Câu “Cứ như vậy, anh ta đi đến dấu chấm hết.” cho ta thấy anh ta là một người không có giá trị, sống một cuộc đời vô nghĩa.

Câu 5. Câu chuyện muốn khuyên chúng ta điều gì?

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn cuối để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Câu chuyện khuyên chúng ta không nên đổ lỗi cho người khác mà hãy nhìn lại, chấp nhận cái sai của mình.

Câu 6. Từ “tư duy” cùng nghĩa với từ:

A. học hỏi

B. suy nghĩ

C. tranh luận

D. tư cách

Phương pháp giải:

Em giải nghĩa từ “tư duy” và chọn từ đồng nghĩa..

Lời giải chi tiết:

Từ “tư duy” cùng nghĩa với từ “suy nghĩ”.

Câu 7. Trong các câu dưới đây, câu nào là câu ghép?

A. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản.

B. Từ đó anh ta không liệt kê được nữa, không còn giải thích được hành vi của mình nữa.

C. Anh ta không phát biểu được một ý kiến nào của riêng mình nữa, lúc nào cũng chỉ trích, dẫn lời của người khác.

D. Mọi sự kiện xảy ra ở đâu, dù trong vũ trụ hay trên mặt đất hay ngay trong nhà mình, anh ta cũng không biết.

Phương pháp giải:

Em xác định thành câu và vế câu để tìm câu ghép.

Lời giải chi tiết:

Các câu đơn:

- Anh ta (CN) / trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản (VN).

- Từ đó anh ta (CN) / không liệt kê được nữa (VN1), không còn giải thích được hành vi của mình nữa (VN2).

- Anh ta (CN) / không phát biểu được một ý kiến nào của riêng mình nữa (VN1), lúc nào cũng chỉ trích, dẫn lời của người khác (VN2).

Câu ghép là: Mọi sự kiện (CN1) / xảy ra ở đâu (VN1), dù trong vũ trụ hay trên mặt đất hay ngay trong nhà mình (TN), anh ta (CN2) / cũng không biết (VN2).

Đáp án D.

Câu 8. Hai câu sau được liên kết với nhau bằng cách nào?

“Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản.”

A. Lặp từ ngữ

B. Dùng từ ngữ nối

C. Thay thế từ ngữ

D. Lặp từ ngữ và thay thế từ ngữ

Phương pháp giải:

Em nhớ lại các cách liên kết câu.

Lời giải chi tiết:

Hai câu sau được liên kết với nhau bằng thay thế từ ngữ. “một người chẳng may đánh mất dấu phẩy” được thay thế bằng “anh ta”.

Đáp án C.

Câu 9. Xác định thành phần chủ ngữ và vị ngữ trong các câu sau :

a. Trong khu vườn mùa xuân, cây cối thi nhau đâm chồi nảy lộc và chim chóc đua nhau hót vang.

b. Nắng đã chiếu sáng loà cửa biển, xóm lưới cũng ngập tróng nắng đó.

Phương pháp giải:

Em nhớ lại cách xác định các thành phần câu.

Lời giải chi tiết:

a. Trong khu vườn mùa xuân (TN), cây cối (CN1) / thi nhau đâm chồi nảy lộc (VN1) và chim chóc (CN2) / đua nhau hót vang (VN2).

b. Nắng (CN1) / đã chiếu sáng loà cửa biển (VN1), xóm lưới (CN2) / cũng ngập trong nắng đó (VN2).

Câu 10. Em hãy đóng vai là một dấu câu bất kì (dấu chấm, dấu phẩy, dấu hai chấm,……), nói 2-3 câu về tầm quan trọng của mình.

Phương pháp giải:

Em lựa chọn một dấu câu để dóng vai nói về vai trò của mình.

Lời giải chi tiết:

Tớ là dấu chấm. Tớ dùng để kết thúc câu chuyện nếu không có mình câu chuyện sẽ dài lê thê và không kết thúc.

B. Kiểm tra viết

Phương pháp giải:

- Em xác định đối tượng miêu tả và lập dàn ý về đối tượng đó với bố cục 3 phần.

- Dựa trên dàn ý đã lập để viết bài văn hoàn chỉnh.

Lời giải chi tiết:

Dàn ý :

1. Mở bài: Giới thiệu tên câu chuyện, tên tác giả,... (Nếu đóng vai nhân vật để kể lại câu chuyện, em cần giới thiệu mình là nhân vật nào.)

2. Thân bài: Kể lại câu chuyện theo trình tự hợp lí, trong đó có chi tiết được kể sáng tạo theo 1 trong 3 cách:

– Sáng tạo thêm chi tiết (có thể lựa chọn sáng tạo một hoặc nhiều chi tiết).

– Thay đổi cách kết thúc theo tưởng tượng của em.

– Đóng vai nhân vật để kể lại câu chuyện (chú ý cách xưng hộ, cách thể hiện lời nói, suy nghĩ, cảm xúc phù hợp với nhân vật).

3. Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc,... về câu chuyện hoặc nêu kết thúc của câu chuyện dưới góc nhìn của nhân vật (nếu đóng vai kể chuyện).

Bài tham khảo 1:

            Trong các câu chuyện em đã được học, em thích nhất là câu chuyện Sự tích cây thì là.

            Ngày xưa, các loài cây đều chưa có tên. Một hôm, Trời tập hợp chúng lại để ban cho mỗi loài một cái tên. Các loài cây đều đến thật sớm. Ai ai cũng hớn hở mong chờ được Trời đặt cho một cái tên thật đẹp. Mỗi loài cây đều diện bộ trang phục xinh đẹp nhất và khoe điểm nổi bật nhất của mình.

            Cây có hương thơm dịu được Trời đặt tên là lan. Cây có điệu múa nhịp nhưng được đặt là tóc tiên. Loài cây có dáng đứng hiên ngang được gọi là thông. Các loại rau có cũng có mặt đông đủ để xin Trời những cái tên thật đẹp như quế, tía tô, húng,...

            Đến cuối ngày, khi Trời đã mệt, một nhành cây nhỏ mới vội vã chạy đến. Nó thở hổn hển, nói:

- Con xin lỗi vì bận chăm sóc bà đang bị bệnh nên con đã đến muộn. Xin Trời hãy thương tình đặt cho con một cái tên.

            Cảm động trước lòng hiếu thảo của cây nên Trời không trách phạt mà thương vô cùng. Nhưng lúc này, Trời chưa nghĩ ra được tên gì hay. Ông suy nghĩ mãi rồi ngập ngừng:

– Tên của con... thì là... thì là...

            Nhành cây nghe vậy mừng quá, hét toáng lên:        

– Tôi có tên rồi! Tên tôi là "thì là”!

            Nó vội vàng cảm ơn Trời rồi chạy về nhà khoe với bà của mình. Nó đâu biết rằng “thì là” không phải là tên Trời đặt cho, mà chỉ là lời nói ngập ngừng của ông khi chưa nghĩ ra cho nó một cái tên. Bà khen cậu:

- Con có một cái tên thật đặc biệt!

            Từ đó, muôn loài gọi nó là cây thì là. Muôn loài đều rất yêu thích tên của cậu.

Bài tham khảo 2 :

            “Những con hạc giấy” là một câu chuyện cảm động về những nỗi đau mà chiến tranh mang lại, và đó cũng là câu chuyện để lại cho em nhiều ấn tượng và nhiều suy ngẫm nhất.

          Sự việc bắt nguồn từ ngày 16/7/1945, nước Mỹ chế tạo được bom nguyên tử. Hơn nửa tháng sau, chính phủ Mỹ quyết định ném cả hai quả bom mới chế tạo xuống Nhật Bản, lần lượt ở hai thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki. Việc này đã cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người. Tổng số người chết vì hai quả bom này và bị nhiễm phóng xạ lên tới nửa triệu, còn thành phố đã hoang tàn, không còn dấu hiệu của sự sống.

          Khi Hi-rô-si-ma bị ném bom, cô bé Xa-xa-ki Xa-đa-kô mới hai tuổi đã may mắn thoát khỏi bàn tay của Thần Chết tại thời điểm đó, nhưng em lại nhiễm phóng xạ. Mười năm sau, hậu quả của nó càng trở nên rõ nét: Sức khoẻ của em suy giảm rất nhanh, phải nằm viện liên tục để điều trị.

          Mỗi ngày với Xa-đa-kô là một ngày khó khăn bởi sự hành hạ mà nỗi đau thể xác mang lại. Cô bé không thể đi lại, ăn uống, sinh hoạt như người bình thường, bởi bất cứ hành động nào cũng đều mang lại sự đau đớn. Ngày ngày ngồi trên giường bệnh càng lúc càng khiến Xa-đa-kô thấy mệt mỏi và tuyệt vọng. Bỗng nhiên, một tia hy vọng xuất hiện trong cô bé khi Xa-xa-ki Xa-đa-kô nghe được một truyền thuyết truyền miệng từ xa xưa: Nếu gấp đủ một nghìn con hạc bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khoẻ mạnh trở lại. Cô bé mười hai tuổi ngây thơ đã đặt niềm tin vào đó hoàn toàn, và đã cố nén nỗi đau thể xác, miệt mài ngồi gấp hạc. Mỗi con hạc hoàn thành là một nụ cười lại xuất hiện trên gương mặt đã sớm mệt mỏi vì bệnh tật, cũng là một tia hy vọng cho em được hoàn thành. Câu chuyện của Xa-xa-ki Xa-đa-kô đã nhanh chóng được mọi người biết tới. Trẻ em ở khắp Nhật Bản đã gửi tặng cô thật nhiều con hạc giấy. Thế nhưng, Xa-đa-kô đã vĩnh viễn không tỉnh dậy nữa khi cô bé mới gấp được 644 con.

          Xúc động trước sự ra đi của Xa-đa-kô, học sinh ở thành phố Hi-rô-si-ma đã quyên góp tiền để xây một tượng đài tưởng niệm những nạn nhân qua đời vì tội ác của bom nguyên tử, của chiến tranh. Sau này, bức tượng đó được dựng lên ở Công viên Hoà bình của thành phố. Trên đỉnh tượng đài là tượng một bé gái – mô phỏng lại hình ảnh Xa-đa-kô – giơ cao hai tay nâng một con hạc lớn đang dang cánh bay, ánh mắt tràn ngập nỗi thiết tha và hy vọng. Dưới tượng đài khắc dòng chữ “Chúng tôi muốn thế giới này mãi mãi hòa bình”.

          Khi nghe câu chuyện về cô bé Xa-xa-cô, em nghĩ hẳn ai ai cũng xúc động trước lòng yêu chuộng hòa bình của cô bé. Sẽ chẳng có phép màu nào gìn giữ được cuộc sống hòa bình mà mỗi con người, mỗi quốc gia cần phải nỗ lực chung tay để gìn bảo vệ nền hòa bình vốn có và đẩy lùi chiến tranh phi nghĩa.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí