

Đề thi cuối học kì 2 Tiếng Việt 5 CD - Đề số 5>
Một người hùng thầm lặng Câu chuyện bắt đầu vào một ngày của tháng 12 năm 1938 tại nước Anh. Uyn-tơn quyết định bay sang Tiệp Khắc khi một người bạn nhờ ông tìm cách đưa những đứa trẻ Do Thái từ Pra-ha sang Anh. Vì chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra, cơ hội cho những người Do Thái trốn thoát khỏi thành phố hầu như không có, đặc biệt là với trẻ em.
Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 5 tất cả các môn - Cánh diều
Toán - Văn - Anh
Đề bài
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Một người hùng thầm lặng
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày của tháng 12 năm 1938 tại nước Anh. Uyn-tơn quyết định bay sang Tiệp Khắc khi một người bạn nhờ ông tìm cách đưa những đứa trẻ Do Thái từ Pra-ha sang Anh. Vì chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra, cơ hội cho những người Do Thái trốn thoát khỏi thành phố hầu như không có, đặc biệt là với trẻ em.
Việc đưa trẻ em đi tị nạn cần rất nhiều tiền. Uyn-tơn đã cùng bạn bè đi quyên góp khắp nơi, kêu gọi các gia đình ở Anh nhận nuôi trẻ em Do Thái. Từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1939, Uyn-tơn tổ chức thành công tám chuyến tàu, đưa 669 đứa trẻ rời Pra-ha, đi qua Đức, Hà Lan,... rồi đến Luân Đôn. Ngày 1 tháng 9 năm 1939, tất cả biên giới do phát xít Đức kiểm soát bị đóng cửa, Uyn-tơn đành kết thúc hoạt động giải cứu.
Sau này, Uyn-tơn còn làm việc trong hội từ thiện hỗ trợ người già và ông nhận được nhiều khen thưởng về công việc đó. Nhưng việc giải cứu 669 đứa trẻ năm xưa ông chưa một lần kể với ai.
50 năm sau, vợ ông vô tình tìm thấy cuốn sổ ghi thông tin về những đứa trẻ ấy. Bà đã đưa cuốn sổ cho một nhà sử học. Thế là câu chuyện về tình thương, lòng dũng cảm của Uyn-tơn mới được mọi người biết đến.
Năm 1988, một hãng truyền thông đã làm chương trình về Uyn-tơn. Khi người dẫn chương trình hỏi: “Trong số những người ngồi đây, ai đã được Uyn-tơn cứu sống?”, cả hội trường đứng lên. Uyn-tơn nghẹn ngào, xúc động. Mọi người ở đó đều khóc. Họ luôn ghi nhớ trong tim người đã mang lại sự sống lần thứ hai cho họ, giúp họ thoát khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc năm nào.
Năm 2015, Uyn-tơn qua đời, hưởng thọ 106 tuổi. Người dân Tiệp Khắc đã dựng tượng ông trên sân ga thành phố Pra-ha. Họ coi ông như một người hùng thầm lặng đáng kính.
(Theo Hà Tiến)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Uyn-tơn bay sang đâu để giải cứu trẻ em Do Thái?
A. Đức.
B. Anh.
C. Hà Lan.
D. Tiệp Khắc.
Câu 2. Sau khi giải cứu trẻ em, Uyn-tơn làm công việc gì?
A. Làm việc trong hội từ thiện hỗ trợ người già.
B. Làm việc trong hội từ thiện hỗ trợ trẻ em.
C. Làm việc trong hội từ thiện hỗ trợ người Do Thái.
D. Làm việc trong hội từ thiện hỗ trợ người tị nạn.
Câu 3. Những giọt nước mắt trong cuộc gặp gỡ giữa ông Uyn-tơn với “những đứa trẻ năm xưa” được ông cứu sống thể hiện điều gì?
Câu 4. Người dân Tiệp Khắc đã làm gì để bày tỏ lòng biết ơn với Uyn-tơn khi ông qua đời?
A. Viết sách kể lại câu chuyện của ông.
B. Dựng tượng ông trên sân ga ở Pra-ha.
C. Đặt tên một trường học theo tên ông.
D. Làm phim về ông.
Câu 5. Em hãy nêu ý nghĩa của câu chuyện.
Câu 6. Gạch chân dưới từ được lặp lại để liên kết câu:
a. Mới sớm tinh mơ, chú gà trống đã chạy tót ra giữa sân. Chú vươn mình, dang đôi cánh to, khỏe như hai chiếc quạt, vỗ phành phạch. Chú rướn cổ lên gáy "o...o” vang cả xóm. Chú chạy di chạy lại quanh sân, đôi đùi mập mạp, chắc nịch.
b. Thoắt cái, lác đác lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn trên bông hoa lay ơn màu đen nhung huyền bí.
Câu 7. Chọn từ thích hợp trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống:
(hòa thuận, hòa nhập, hòa đồng, thanh bình)
a. Cuộc sống nơi thôn quê thật ………………………………. .
b. Nam dễ …………………………… với các bạn trong môi trường học mới.
c. Anh em trong một nhà cần phải ………………………………… .
Câu 8. Trong câu sau, từ "mặt" có nghĩa gì? Từ này được dùng theo nghĩa chuyển hay nghĩa gốc? Vì sao?
Nước chảy xiết, mặt sông đầy những cây gỗ trôi băng băng.
Câu 9. Viết tiếp để tạo câu ghép:
a. Mặc dù trời rất lạnh nhưng..................................................................................................................................
b. Vì Hoa tốt bụng và hay giúp đỡ bạn bè .............................................................................................................................................
Câu 10. Em hãy đặt 1-2 câu nói về một người hùng trong lòng em có sử dụng kết từ.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Viết bài văn kể lại một câu chuyện về một người tài năng, đức độ mà em biết.
-------- Hết --------
Lời giải
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM
1. D |
2. A |
4. B |
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
II. Đọc thầm văn bản sau:
Câu 1. Uyn-tơn bay sang đâu để giải cứu trẻ em Do Thái?
A. Đức.
B. Anh.
C. Hà Lan.
D. Tiệp Khắc.
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn thứ nhất để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Uyn-tơn bay sang Tiệp Khắc để giải cứu trẻ em Do Thái.
Đáp án D.
Câu 2. Sau khi giải cứu trẻ em, Uyn-tơn làm công việc gì?
A. Làm việc trong hội từ thiện hỗ trợ người già.
B. Làm việc trong hội từ thiện hỗ trợ trẻ em.
C. Làm việc trong hội từ thiện hỗ trợ người Do Thái.
D. Làm việc trong hội từ thiện hỗ trợ người tị nạn.
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn thứ ba để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Sau khi giải cứu trẻ em, Uyn-tơn làm việc trong hội từ thiện hỗ trợ người già.
Đáp án A.
Câu 3. Những giọt nước mắt trong cuộc gặp gỡ giữa ông Uyn-tơn với “những đứa trẻ năm xưa” được ông cứu sống thể hiện điều gì?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn thứ năm để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Những giọt nước mắt trong cuộc gặp gỡ thể hiện sự xúc động, lòng biết ơn và sự kính trọng sâu sắc của những người đã được ông Uyn-tơn cứu sống. Đó là những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc, của sự tri ân và sự cảm động trước lòng dũng cảm và tình thương mà ông đã dành cho họ.
Câu 4. Người dân Tiệp Khắc đã làm gì để bày tỏ lòng biết ơn với Uyn-tơn khi ông qua đời?
A. Viết sách kể lại câu chuyện của ông.
B. Dựng tượng ông trên sân ga ở Pra-ha.
C. Đặt tên một trường học theo tên ông.
D. Làm phim về ông.
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn thứ sáu để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Người dân Tiệp Khắc đã dựng tượng ông trên sân ga ở Pra-ha để bày tỏ lòng biết ơn với Uyn-tơn khi ông qua đời.
Đáp án B.
Câu 5. Em hãy nêu ý nghĩa của câu chuyện.
Phương pháp giải:
Em thấy câu chuyện ca ngợi điều gì.
Lời giải chi tiết:
Câu chuyện ngợi khen những con người gan dạ dũng cảm, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Đồng thời lên án chiến tranh phi nghĩa, nhằm vào những đối tượng người vô tội, tương lai của thế giới.
Câu 6. Gạch chân dưới từ được lặp lại để liên kết câu:
a. Mới sớm tinh mơ, chú gà trống đã chạy tót ra giữa sân. Chú vươn mình, dang đôi cánh to, khỏe như hai chiếc quạt, vỗ phành phạch. Chú rướn cổ lên gáy "o...o” vang cả xóm. Chú chạy di chạy lại quanh sân, đôi đùi mập mạp, chắc nịch.
b. Thoắt cái, lác đác lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn trên bông hoa lay ơn màu đen nhung huyền bí.
Phương pháp giải:
Em tìm từ ngữ được lặp lại nhiều lần để liên kết câu.
Lời giải chi tiết:
a. Mới sớm tinh mơ, chú gà trống đã chạy tót ra giữa sân. Chú vươn mình, dang đôi cánh to, khỏe như hai chiếc quạt, vỗ phành phạch. Chú rướn cổ lên gáy "o...o” vang cả xóm. Chú chạy di chạy lại quanh sân, đôi đùi mập mạp, chắc nịch.
b. Thoắt cái, lác đác lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn trên bông hoa lay ơn màu đen nhung huyền bí.
Câu 7. Chọn từ thích hợp trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống:
(hòa thuận, hòa nhập, hòa đồng, thanh bình)
a. Cuộc sống nơi thôn quê thật ………………………………. .
b. Nam dễ …………………………… với các bạn trong môi trường học mới.
c. Anh em trong một nhà cần phải ………………………………… .
Phương pháp giải:
Em xác định nội dung câu để điền từ phù hợp.
Lời giải chi tiết:
a. Cuộc sống nơi thôn quê thật thanh bình .
b. Nam dễ hoà đồng với các bạn trong môi trường học mới.
c. Anh em trong một nhà cần phải hoà thuận.
Câu 8. Trong câu sau, từ "mặt" được dùng theo nghĩa chuyển hay nghĩa gốc?
Nước chảy xiết, mặt sông đầy những cây gỗ trôi băng băng.
Phương pháp giải:
Em giải nghĩa từ “mặt”.
Lời giải chi tiết:
Từ “mặt” có nghĩa chuyển. Nghĩa của nó là phần bề mặt phẳng của sự vật, ở đây là phần bề mặt phẳng của con sông.
Câu 9. Viết tiếp để tạo câu ghép:
a. Mặc dù trời rất lạnh nhưng..................................................................................................................................
b. Vì Hoa tốt bụng và hay giúp đỡ bạn bè .............................................................................................................................................
Phương pháp giải:
Em xác định nội dung câu để viết tiếp vế còn lại.
Lời giải chi tiết:
a. Mặc dù trời rất lạnh nhưng cô ấy vẫn đi bộ đến trường.
b. Vì Hoa tốt bụng và hay giúp đỡ bạn bè nên ai cũng quý mến Hoa.
Câu 10. Em hãy đặt 1-2 câu nói về một người hùng trong lòng em có sử dụng kết từ.
Phương pháp giải:
Em lưu ý nội dung và hình thức câu cần đặt.
Lời giải chi tiết:
- Mẹ luôn hy sinh thầm lặng cho gia đình. Vì vậy trong lòng em, mẹ là người hùng vĩ đại nhất.
- Bố em không chỉ làm việc chăm chỉ mà còn luôn quan tâm, dạy dỗ em từng điều nhỏ nhất.
B. Kiểm tra viết
Phương pháp giải:
- Em xác định câu chuyện định kể và lập dàn ý về đối tượng đó với bố cục 3 phần.
- Dựa trên dàn ý đã lập để viết bài văn hoàn chỉnh.
Lời giải chi tiết:
Dàn ý :
1. Mở bài: Giới thiệu câu chuyện về người tài năng, đức độ mà em biết.
2. Thân bài:
– Kể các sự việc chính theo diễn biến của câu chuyện.
– Phân tích những suy nghĩ, hành động… của nhân vật trong khi kể
3. Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc,... về câu chuyện, nhân vật em vừa kể.
Bài tham khảo 1:
Trong suốt hơn nghìn năm dựng nước và giữ nước, đất nước ta đã xuất hiện lớp lớp những anh hùng. Họ trở thành chứng nhân lịch sử, thành biểu tượng hào hùng cho dân tộc. Đã có rất nhiều câu chuyện viết về những người anh hùng ấy. Nhưng em ấn tượng và đọc lại nhiều lần nhất vẫn là câu chuyện Hai Bà Trưng.
Câu chuyện kể về hai nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị. Đương thời, nước ta đang sống dưới sự cai trị và bóc lột tàn bạo của giặc phương Bắc. Chúng bắt dân ta cống nạp đủ thứ, rồi đày người dân đi săn thú lạ, xuống biển mò ngọc trai. Vì vậy mà nhân dân sống khổ đau, uất hận. Lúc đó, hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị sống ở vùng Mê Linh được mẹ nuôi dạy khôn lớn, không chỉ giỏi võ nghệ mà còn tinh thông binh lược. Hai bà nồng nàn lòng yêu nước và khát khao đánh đuổi giặc xâm lược. Danh tiếng của hai bà vang dội trong lòng dân, nên lũ giặc phương Bắc đang đô hộ rất e ngại. Chúng đã bắt giết chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách hòng đe dọa bà. Nhưng ngờ đâu, hành động đó của chúng lại khiến cơn căm giận của hai bà càng thêm bùng cháy. Hai bà quyết tâm đứng dậy khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân chống lại kẻ thù. Nghĩa quân ầm ầm kéo về thành Luy Lâu hỏi tội Tô Định. Khí thế đoàn quân hào hùng, hai bà mặc áo giáp rực rỡ, cưỡi trên con voi to lớn làm kẻ thù run sợ, lần lượt bại trận thảm hại. Tô Định thất thế phải bỏ chạy về nước trong nhục nhã. Nhờ Hai Bà Trưng, đất nước ta lần đầu tiên đánh thắng giặc xâm lược phương Bắc, dành được độc lập.
Đọc câu chuyện Hai Bà Trưng, em vô cùng xúc động và tự hào về hai bà. Dù là phận nữ nhi nhưng những điều mà hai bà làm được thì cả thế giới phải ngả nón thán phục. Thật tự hào và hạnh phúc khi dân tộc ta có hai nữ anh hùng lịch sử như Hai Bà Trưng.
Bài tham khảo 2 :
Bác Hồ là người hùng vĩ đại của đất nước ta. Có rất nhiều những câu chuyện kể về hành trình Bác dẫn dắt nhân dân ta chiến đấu dành độc lập. Nhưng em yêu thích nhất là câu chuyện Anh Ba - một câu chuyện kể về những ngày cuối cùng của Bác ở Việt Nam, trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Lúc này, Bác lấy tên là Ba và sinh sống, làm việc tại Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Một lần, anh Ba được một người bạn đưa đến tiệm cà phê của người Pháp mở ra. Ở đó, anh được thấy đèn điện, chiếu bóng, máy nước… Tất cả đều thật hiện đại và tiến bộ. Do đó, anh nảy sinh ra suy nghĩ về việc sang nước Pháp và các nước khác xem người ta sống và làm như thế nào, để về giúp dân mình. Anh Ba kể về dự định của mình với một trí thức yêu nước khác là anh Lê. Tuy nhiên, khi đối mặt với kinh phí để đi tìm đường cứu nước, anh Lê lại chùn chân bởi anh e ngại nhiều điều về chuyến phiêu lưu ấy. Do đó, anh Lê đã không giữ lời hứa đi cùng anh Ba ra nước ngoài. Còn anh Ba, đã một mình lên chuyến tàu đi sang Pháp vưới trái tim nhiệt huyết, sôi sục khát khao cứu nước cứu dân. Anh đã làm phụ bếp trên tàu và nhiều công việc vất vả khác để trang trải cho chuyến đi ấy. Chính nhờ sự quyết tâm ngày hôm đó của anh Ba mà đất nước chúng ta mới có thể tìm thấy một con đường đúng đắn để tiến bước dành độc lập.
Đọc câu chuyện Anh Ba, em hiểu hơn về sự dũng cảm, kiên định và tình yêu nước cao thượng của Bác Hồ. Thật tự hào biết bao khi đất nước ta được có một người anh hùng lịch sử như chủ tịch Hồ Chí Minh.

