Đề cương ôn tập học kì 1 Tiếng Việt 5 - Cánh diều>
Gồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 5 tất cả các môn - Cánh diều
Toán - Tiếng Việt - Tiếng Anh
A. Kiến thức
1. Đọc
- Đọc thành tiếng:
Các bài tập đọc từ Bài 1 – Bài 9 (Đọc và trả lời câu hỏi)
+ Đọc trôi chảy, lưu loát
+ Biết đọc diễn cảm một đoạn văn, đoạn thơ khoảng 95 tiếng hoặc đọc thuộc lòng một đoạn thơ (bài thơ) đã học.
+ Hiểu nội dung chính, ý nghĩa cơ bản của bài
- Đọc hiểu:
Đọc thầm và tìm hiểu nghĩa các từ, các chi tiết, nhân vật, nội dung, ý nghĩa của câu chuyện, bước đầu biết liên hệ, vận dụng vào thực tế.
2. Luyện từ và câu
Ôn tập các nội dung sau:
- Đại từ (SGK tr.94)
- Kết từ (SGK tr.116)
- Từ đồng nghĩa (SGK tr.11)
- Dấu gạch ngang (SGK tr.26)
- Từ đa nghĩa (SGK tr.57)
3. Tập làm văn
- Viết đoạn văn giới thiệu một nhân vật văn học
- Viết bài văn tả người
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc
- Viết đoạn văn nêu ý kiến về một hiện tượng xã hội
B. Đề minh họa
Đề số 1
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Đất Cà Mau
Cà Mau là đất mưa dông. Vào tháng ba, tháng tư, sớm nắng chiều mưa. Đang nắng đó, mưa đổ ngay xuống đó. Mưa hối hả, không kịp chạy vào nhà. Mưa rất phũ, một hồi rồi tạnh hẳn. Trong mưa thường nổi cơn dông.
Cà Mau đất xốp. Mùa nắng, đất nẻ chân chim, nền nhà cũng rạn nứt. Trên cái đất phập phều và lắm gió, dông như thế, cây đứng lẻ khó mà chống nổi với những cơn thịnh nộ của trời. Cây bình bát, cây bần cũng phải quây quần thành chòm, thành rặng; rễ phải dài, phải cắm sâu vào trong lòng đất. Nhiều nhất là đước. Đước mọc san sát đến tận mũi đất cuối cùng, thẳng đuột như hằng hà sa số cây dù xanh cắm trên bãi. Nhà cửa dựng dọc theo những bờ kênh, dưới những hàng đước xanh rì. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cầu bằng thân cây đước...
Sống trên cái đất mà ngày xưa, dưới sông "sấu cản mũi thuyền", trên cạn "hổ rình xem hát" này, con người phải thông minh và giàu nghị lực. Họ thích kể, thích nghe những huyền thoại về người vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây. Tinh thần thượng võ của cha ông được nung đúc và lưu truyền để khai phá giữ gìn mũi đất tận cùng này của Tổ quốc.
Theo Mai Văn Tạo
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1: Cà Mau sớm nắng chiều mưa vào thời gian nào ?
A. Tháng hai, tháng ba.
B. Tháng ba, tháng tư.
C. Tháng tư, tháng năm.
D. Tháng năm, tháng sáu.
Câu 2: Cây cối trên đất Cà Mau mọc ra sao?
A. Cây cối mọc lơ thơ.
B. Cây cối mọc san sát, chen chúc nhau.
C. Cây cối mọc thành chòm, thành rặng, rễ dài cắm sâu vào lòng đất để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
D. Cây cối mọc thành chòm, thành rặng, san sát nhau.
Câu 3: Người Cà Mau dựng nhà cửa như thế nào?
A. Dựng nhà cửa sát với bìa rừng.
B. Nhà cửa dựng dọc theo những bờ lênh dưới những hàng đước xanh rì. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cây cầu bằng thân cây đước.
C. Nhà cửa dựng dọc theo bờ kênh. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cây cầu bằng thân cây đước.
D. Nhà cửa dựng trước dòng kênh cạnh những dòng đước xanh rì.
Câu 4: Chi tiết: “Họ thích kể, thích nghe những huyền thoại về người vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây.” nói lên điều gì về tính cách của người Cà Mau?
A. Người Cà Mau thích vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây.
B. Người Cà Mau dũng cảm, gan dạ.
C. Người Cà Mau thích nghe những chuyện về người có trí thông minh và sức khỏe phi thường.
D. Người Cà Mau thông minh và giàu nghị lực.
Câu 5: Nội dung của bài đọc nói về điều gì?
Câu 6: Từ “ăn” trong câu nào được dùng theo nghĩa gốc?
A. Gia đình Lan đang ăn cơm.
B. Cô ấy rất ăn ảnh.
C. Tuấn chơi cờ rất hay ăn gian.
D. Bạn ấy cảm thấy rất ăn năn.
Câu 7: Em hãy tìm đại từ thích hợp để điền vào chỗ trống:
a) Dòng sông vào mùa thu nước chảy chậm rãi, nhiều lúc tưởng như ………………. đang ngủ quên trong tiết trời mát mẻ.
b) Nam là học sinh giỏi toán nhất lớp và ……………………… cũng là người có khả năng nhảy rất giỏi.
c) Có ………………………… ngôi sao trên trời mà đêm hôm nay sáng thế nhỉ?
Câu 8: Tìm 2 – 3 từ đồng nghĩa với nhóm từ dưới đây và đặt câu 2 câu với các từ vừa tìm được.
a) Cắt:
Đặt câu:
b) Chăm:
Đặt câu:
Câu 9: Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì?
- Em không thể nhận được! Em không có tiền trả đâu thưa cô!
A. Nối các từ ngữ trong một liên danh.
B. Đánh dấu các ý liệt kê.
C. Đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích.
D. Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.
Câu 10: Gạch chân dưới các kết từ trong những câu sau:
a, Hoa thiên lí không những thơm mà còn dùng làm thức ăn rất bổ dưỡng.
b, Tuy làng mạc bị tàn phá nhưng mảnh đất quê hương vẫn đủ sức nuôi sống tôi như ngày xưa nếu tôi có ngày trở về.
c, Nếu nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì cây cối sẽ khô héo.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Viết đoạn văn giới thiệu một nhân vật mà em thích trong những câu chuyện em đã đọc.
Hướng dẫn giải chi tiết
A. Kiểm tra đọc
1. B |
2. C |
3. B |
4. D |
6. A |
9. D |
Câu 5: Nội dung của bài đọc nói về điều gì?
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài đọc.
Lời giải chi tiết:
Bài đọc nói về sự khắc nghiệt của thiên nhiên Cà Mau góp phần hun đúc nên tính cách kiên cường của người dân Cà Mau.
Câu 7: Em hãy tìm đại từ thích hợp để điền vào chỗ trống:
a) Dòng sông vào mùa thu nước chảy chậm rãi, nhiều lúc tưởng như ………………. đang ngủ quên trong tiết trời mát mẻ.
b) Nam là học sinh giỏi toán nhất lớp và ……………………… cũng là người có khả năng nhảy rất giỏi.
c) Có ………………………… ngôi sao trên trời mà đêm hôm nay sáng thế nhỉ?
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Đại từ.
Lời giải chi tiết:
a) nó
b) cậu ấy
c) bao nhiêu
Câu 8: Tìm 2 – 3 từ đồng nghĩa với nhóm từ dưới đây và đặt câu 2 câu với các từ vừa tìm được.
a) Cắt
b) Chăm
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Từ đồng nghĩa.
Lời giải chi tiết:
a) Cắt: thái, xắt, xẻo, chặt, băm, xén,…
Đặt câu: Mẹ em đang thái thịt bò để chuẩn bị bữa tối.
b) Chăm: chăm chỉ, siêng năng, cần cù, chịu khó, chuyên cần,…
Đặt câu: Anh ấy siêng năng tập luyện mỗi ngày để nâng cao kỹ năng bóng đá.
Câu 10: Gạch chân dưới các kết từ trong những câu sau:
a, Hoa thiên lí không những thơm mà còn dùng làm thức ăn rất bổ dưỡng.
b, Tuy làng mạc bị tàn phá nhưng mảnh đất quê hương vẫn đủ sức nuôi sống tôi như ngày xưa nếu tôi có ngày trở về.
c, Nếu nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì cây cối sẽ khô héo.
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Kết từ.
Lời giải chi tiết:
a, Hoa thiên lí không những thơm mà còn dùng làm thức ăn rất bổ dưỡng.
b, Tuy làng mạc bị tàn phá nhưng mảnh đất quê hương vẫn đủ sức nuôi sống tôi như ngày xưa nếu tôi có ngày trở về.
c, Nếu nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì cây cối sẽ khô héo.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Viết đoạn văn giới thiệu một nhân vật mà em thích trong những câu chuyện em đã đọc.
Bài tham khảo 1:
Trong câu chuyện Sự tích bông hoa cúc trắng, em rất yêu mến người bạn nhỏ hiếu thảo. Tuy chỉ mới là một đứa trẻ có vóc dáng nhỏ bé, nhưng bạn ấy lại có một sự dũng cảm vô cùng to lớn. Để cứu mẹ, bạn nhỏ đã băng rừng lội suối, vượt qua mọi hiểm nguy để tìm ra cây hoa màu trắng được chỉ dẫn. Không chỉ dũng cảm, kiên trì, bạn nhỏ còn rất thông minh, khi nghĩa ra cách kéo dài tuổi thọ cho mẹ. Bạn ấy đã khéo léo tách các cánh hoa thành nhiều sợi nhỏ để mẹ có thể sống lâu bên cạnh mình hơn. Có thể thấy được, bạn nhỏ đã toàn tâm toàn ý nghĩ cho mẹ của mình, bởi bạn ấy vô cùng yêu thương mẹ. Chính tình mẫu tử thiêng liêng và cảm động ấy đã khiến em ấn tượng, quý mến với bạn nhỏ ấy vô cùng.
Bài tham khảo 2:
Em rất thích nhân vật Cóc trong câu chuyện Cóc kiện Trời. Cóc là một con vật nhỏ bé nhưng mang trong mình sự dũng cảm, tình yêu thương đồng loại lớn lao. Khi chứng kiến muôn loài sống trong cảnh hạn hán khổ sở, Cóc đã cổ vũ nhiều loài vật cùng mình lên trời cầu cho mưa xuống. Khi lên đến thiên đình, Cóc ta cũng chẳng sợ hãi mà dám đứng trước mặt ông trời cầu mưa bằng những lý lẽ thuyết phục. Vì thế, ông trời đã cho mưa xuống hạ giới, cứu sống muôn loài. Qua nhân vật này, em học được bài học quý giá về sự dũng cảm, dám đường đầu với những khó khăn thử thách để thành công và đạt được điều mình mong muốn.
Bài tham khảo 3:
Nhân vật Người em trong truyện cổ tích “Cây khế” là một người thanh niên cao gầy, sau khi bố mẹ mất chỉ còn hai anh em nương tựa vào nhau, nhưng người anh bản tính tham lam nên đã lấy hết của cải bố mẹ để lại cho hai anh em, chỉ cho người em một túp lều lụp xụp. Trái với tính cách của người anh, người em là một người hiền lành và biết nhường nhịn, mặc dù chỉ được anh để lại cho một túp lều lụp xụp và một cây khế người em vẫn rất vui vẻ với cuộc sống của mình. Khi có chim lạ đến ăn khế, mặc dù cả gia tài chỉ có duy nhất cây khế đó người em cũng không đánh đuổi con chim lạ. Được chim nói rằng ăn một quả khế sẽ trả lại một cục vàng tuy vậy người em không hề tham lam mà chỉ may đúng túi ba gang như lời chim nói. Sau khi được chim đưa đến nơi có vô số vàng bạc châu báu người em chỉ lấy đủ chứ không tham lam lấy thêm, khi quay trở về người em còn sử dụng số vàng bạc đó để giúp đỡ những người nghèo khổ. Em rất thích và quý trọng những đức tính của người em Em mong muốn bản thân mình cũng sẽ học tập, rèn luyện tốt để có những đức tính tốt đẹp như vậy.
Đề số 2
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Nói lời cổ vũ
Một cậu bé người Ba Lan muốn học đàn dương cầm, nhưng cha bảo mấy ngón tay của cậu múp míp và ngắn quá, không thể chơi đàn hay được. Ông khuyên cậu thử học chơi kèn, sau đó một nhạc công chuyên nghiệp lại nói rằng cậu không có được đôi môi thích hợp.
Ngày kia, cậu gặp gỡ nhạc sĩ dương cầm lừng danh An-tôn Ru-bin-xtên. Ông cho cậu một lời khích lệ mà cậu chưa từng được nghe: “Này chú bé, chú có thể chơi pi-a-nô đấy! Ta nghĩ là chú có thể chơi được… nếu như chú chịu khó luyện tập 7 tiếng mỗi ngày.”
Ôi chao, đó thực sự là nguồn cổ vũ lớn lao mà cậu cần đến. Cậu sẽ phải bỏ nhiều thời gian để luyện tập nếu muốn chơi đàn, nhưng mà cậu có thể chơi được! Thậm chí có thể chơi giỏi!
Cậu bé về bỏ ra nhiều giờ mỗi ngày miệt mài tập luyện. Công lao khó nhọc của cậu đã được tặng thưởng: Gian Pa-đơ-riêu-xki trở thành nghệ sĩ dương cầm lừng danh nhất bấy giờ. Một lời động viên đơn giản đã mang đến nội lực làm bừng lên ngọn lửa đam mê trong lòng một cậu bé, ngọn lửa ấy vẫn cháy sáng mãi trong nhiều năm trời.
Hãy nhớ rằng những lời động viên mà bạn đang trao gởi hôm nay, đôi khi làm thay đổi được một cuộc đời của người đã đón nhận nó.
Thu Hà
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1: Cậu bé người Ba Lan muốn học gì?
A. Đàn dương cầm.
B. Đàn pi-a-nô.
C. Đàn ghi-ta.
D. Thổi kèn.
Câu 2: Vì sao cậu không học thổi kèn?
A. Vì những ngón tay cậu múp míp và ngắn quá.
B. Vì cậu không có năng khiếu.
C. Vì cậu không có được đôi môi thích hợp.
D. Vì thính giác của cậu không chịu được âm thanh của tiếng kèn.
Câu 3: Nhạc sĩ dương cầm lừng danh An-tôn Ru-bin-xtên đã nói gì với cậu bé?
A. Sau này chú sẽ trở thành một nhạc sĩ dương cầm lừng danh.
B. Ta sẽ nhờ một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng dạy cho chú mỗi ngày 7 tiếng.
C. Chú có thể chơi pi-a-nô đấy! Ta có thể dạy cho chú, cho tới khi chú thành tài.
D. Chú có thể chơi pi-a-nô đấy, nếu như chú chịu khó luyện tập 7 tiếng mỗi ngày.
Câu 4: Điều gì khiến cho chú bé trở thành một nhạc sĩ dương cầm lừng danh?
A. Cậu bé có năng khiếu thiên bẩm.
B. Lời cổ vũ của An-tôn Ru-bin-xtên giúp cậu tự tin và luyện tập miệt mài.
C. Lời động viên, an ủi lớn lao của nghệ sĩ pi-a-nô An-tôn Ru-bin-xtên.
D. Cậu bé tìm được một thầy giáo giỏi.
Câu 5: Qua bài đọc, em nên làm gì để giúp đỡ mọi người xung quanh mình?
Câu 6: Từ nào là từ trái nghĩa với từ in đậm trong câu sau:
Cha bảo mấy ngón tay của cậu múp míp và ngắn quá.
A. mũm mĩm.
B. rộng lớn.
C. tong teo.
D. to tướng.
Câu 7: Từ “môi” trong các từ “đôi môi, môi trường” có quan hệ với nhau như thế nào?
A. Đó là những từ nhiều nghĩa.
B. Đó là những từ đồng âm.
C. Đó là một từ đồng nghĩa.
D. Đó là những từ trái nghĩa.
Câu 8: Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì?
Bởi vì ngay giờ đây tôi vẫn có thể sống lại cái cảm giác hạnh phúc tuyệt vời khi buổi sáng nào đó tỉnh dậy đã thấy mẹ đặt sẵn phần một đĩa bánh khúc – thứ bánh mà giờ đây đối với tôi thực sự chỉ còn lại trong nỗi hoài niệm.
Câu 9: Trong câu dưới đây có mấy đại từ?
“Chúng tôi đi thi học sinh giỏi thành phố, ai cũng được giải.”
A. 1 đại từ
B. 2 đại từ
C. 3 đại từ
D. 4 đại từ
Câu 10: Đặt câu với mỗi cặp kết từ sau:
a, Tuy …… nhưng
b, Vì ……. nên
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Viết bài văn tả bác bảo vệ (hoặc cô chú lao công, cô thủ thư, ...) của trường em
Hướng dẫn giải chi tiết
A. Kiểm tra đọc
1. A |
2. C |
3. D |
4. B |
6. C |
7. B |
9. B |
Câu 5: Qua bài đọc, em nên làm gì để giúp đỡ mọi người xung quanh mình?
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài đọc.
Lời giải chi tiết:
Để giúp đỡ mọi người xung quanh mình hãy nói những lời động viên vì có thể những lời động viên đó có thể làm thay đổi cuộc đời của một con người.
Câu 8: Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì?
Bởi vì ngay giờ đây tôi vẫn có thể sống lại cái cảm giác hạnh phúc tuyệt vời khi buổi sáng nào đó tỉnh dậy đã thấy mẹ đặt sẵn phần một đĩa bánh khúc – thứ bánh mà giờ đây đối với tôi thực sự chỉ còn lại trong nỗi hoài niệm.
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Dấu gạch ngang.
Lời giải chi tiết:
Dấu gạch ngang có tác dụng đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích
Câu 10: Đặt câu với mỗi cặp kết từ sau:
a, Tuy …… nhưng
b, Vì ……. nên
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Kết từ.
Lời giải chi tiết:
a, Tuy trời mưa to nhưng em vẫn đi học đúng giờ.
b, Vì em học tập chăm chỉ nên em đã đạt điểm cao trong bài kiểm tra.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Viết bài văn tả bác bảo vệ (hoặc cô chú lao công, cô thủ thư, ...) của trường em
Bài tham khảo 1:
Trường tiểu học của tôi rộng lắm với rất nhiều phòng học nhưng lúc nào chúng cũng sạch sẽ, mát mẻ. Đó là nhờ bàn tay chăm chỉ của bác lao công trường tôi.
"Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác
Hàng me…"
Khi đọc bài thơ "Tiếng chổi tre" của nhà thơ Tố Hữu, tôi nhắm mắt lại tưởng tượng bác lao công cần mẫn, vất vả nhưng khi nhìn thấy bác lao công trường tôi làm việc, hình ảnh ấy rõ nét hơn, cụ thể và sinh động hơn.
Bác lao công năm nay đã ngoài 45 tuổi tuy vậy bác vẫn là người phụ nữ khỏe mạnh và chăm chỉ làm việc. Lúc nào tôi cũng thấy bóng bác đi qua đi lại. Có khi bác ở khu sân trường nhưng có khi lại thấy bác ở vườn cây nhanh nhẹn lạ lùng. Một hôm về học muộn, tôi thấy bác đang đang dọn dẹp các phòng học. Nhìn từ xa trông bác như một "vệ sĩ "của môi trường. Bác bịt kín mặt chỉ nhìn thấy đôi mắt. Tay cầm cây chổi, tay đẩy thùng rác bác đến từng lớp một sau giờ học. Lớp nào cũng như 1 chiến trường. Bác cúi xuống nhặt từng mẩu giấy vụn và những giấy rác trong ngăn bàn bỏ vào thùng rác rồi bác lại cặm cụi quét hết lớp này đến lớp khác. Chổi bác đưa đến đâu dường như bao nhiêu bụi bẩn bị quét sạch đến đấy. chúng sợ chạy loạn như một đàn kiến vỡ tổ. Sàn nhà đã sạch bóng bác lại vội vàng kê lại những dãy bàn cho chúng tôi. Cuối buổi thấy anh bảng đen mặt lem luốc bác liền lau cho anh, nhìn anh thật kiêu hãnh. Khắp cả gian phòng đã được dọn dẹp sạch sẽ. Bác đưa cặp mắt liếc qua liếc lại như đang ngắm nhìn lại những thành quả của mình. Bàn ghế, bảng đen, cũng nhìn bác lao công như thầm cảm ơn. Cứ thế, hết phòng này đến phòng khác. Bóng bác cứ âm thầm lặng lẽ một mình trên những phòng học dài. Bác như một anh hùng lăn xả vào các chiến trường mà mỗi lúc bước vào là chiến trận hỗn độn mà khi bước ra là cả một thế giới bình yên.
Không có công việc nào là thấp kém, mọi việc dù nhỏ đến đâu thì những đóng góp của nó cũng mang lại lợi ích cho con người và xã hội. Như bác lao công trường tôi, chăm chỉ cần mẫn với công việc của mình dù không ai biết đến nhưng nó đã mang đến cho chúng tôi cả một không gian thoáng mát.
Bài tham khảo 2:
Có khi nào bạn dừng lại và chú ý đến những cô lao công trong trường học chưa? Họ là những người âm thầm giữ cho môi trường học tập của chúng ta luôn sạch sẽ. Cô Thu, người lao công của trường tôi, là một ví dụ điển hình cho sự tận tụy ấy.
Cô Thu năm nay gần 40 tuổi, với dáng người cân đối và làn da ngăm đen do công việc ngoài trời. Mái tóc đen dài ngang lưng của cô luôn được buộc gọn gàng phía sau. Khuôn mặt trái xoan và nụ cười hiền hậu của cô luôn tạo cảm giác gần gũi và thân thiện. Cô mặc bộ đồng phục màu xanh lá của công nhân vệ sinh, đội chiếc nón lá và đi đôi giày vải mềm. Chiếc khẩu trang nâu và đôi găng tay giúp cô tránh bụi bẩn và xước xát trong quá trình làm việc. Cô thường làm việc từ sáng sớm đến chiều tối. Buổi sáng, khi trời còn tờ mờ, tiếng chổi của cô đã vang lên đều đặn, và khi mặt trời lên, sân trường đã sạch sẽ tinh tươm. Buổi chiều, cô cần mẫn thu gom rác thải vào chiếc xe đẩy và đưa đến nơi xử lý. Dù nắng hay mưa, cô Thu luôn chăm chỉ hoàn thành công việc với tình yêu nghề. Những ngày mưa bão, ai cũng nghĩ rằng sân trường sẽ đầy rác, nhưng sáng hôm sau, sân trường lại sạch sẽ nhờ bàn tay khéo léo của cô.
Sự cống hiến thầm lặng của cô Thu đã góp phần làm cho môi trường học tập của chúng ta trở nên sạch đẹp hơn. Mỗi buổi sáng khi đến trường, tôi thường nhìn thấy hình ảnh cô lao công chăm chỉ làm việc, điều đó khiến tôi trân trọng hơn những nghề nghiệp chân chính. Cô Thu và những người lao công khác xứng đáng được kính trọng và biết ơn vì những gì họ đã làm cho cộng đồng học sinh.
Bài tham khảo 3:
Bác Quý, người bảo vệ tận tụy của trường em, đã bước qua tuổi bốn mươi nhưng vẫn luôn khỏe mạnh và tinh thần lạc quan. Với bộ đồng phục xanh lam, bác đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với tất cả học sinh và thầy cô.
Bác có dáng người dong dỏng cao, mái tóc đã điểm bạc theo năm tháng. Những nếp nhăn trên trán bác là minh chứng cho những lo toan và nỗ lực trong suốt cuộc đời làm việc. Đôi mắt bác khi thì nghiêm nghị của người bảo vệ, khi lại ấm áp và dịu dàng như người thân. Công việc hàng ngày của bác, từ đánh trống báo giờ, mở và khóa cổng, đến kiểm tra lớp học, tuy lặp đi lặp lại nhưng đòi hỏi sự chính xác và kiên nhẫn. Bác đã gắn bó với công việc này hơn chục năm trời, không hề cảm thấy nhàm chán mà luôn tận tâm, nhiệt huyết. Mỗi khi chúng em đến thăm, bác thường kể những câu chuyện thú vị về những lứa học sinh cũ, về những kỷ niệm đẹp mà bác đã trải qua.
Em luôn quý mến và kính trọng bác, không chỉ vì bác là một người bảo vệ tận tụy mà còn vì tình cảm chân thành bác dành cho học sinh. Sau này dù đi đâu, em sẽ luôn nhớ về bác, về những kỷ niệm đẹp với bác Quý, người đã góp phần tạo nên một môi trường học tập an toàn và ấm áp.
Đề số 3
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Kì diệu rừng xanh
Loanh quanh trong rừng, chúng tôi đi vào một lối đầy nấm dại, một thành phố lúp xúp dưới bóng cây thưa. Những chiếc ấm to bằng cái ấm tích, màu sặc sỡ rực lên. Mỗi chiếc nấm là một lâu đài kiến trúc tân kì. Tôi có cảm giác mình là một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của vương quốc những người tí hon. Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ lúp xúp dưới chân.
Nắng trưa đã rọi xuống đỉnh đầu mà rừng sâu vẫn ẩm lạnh, ánh nắng lọt qua lá trong xanh. Chúng tôi đi đến đâu, rừng rào rào chuyển động đến đấy. Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyền nhanh như tia chớp. Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.
Sau một hồi len lách mải miết, rẽ bụi rậm, chúng tôi nhìn thấy một bãi cây khộp. Rừng khộp hiện ra trước mắt chúng tôi, lá úa vàng như cảnh mùa thu. Tôi dụi mắt. Những sắc vàng động đậy. Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp đang ăn cỏ non. Những chiếc chân vàng đang giẫm trên thảm lá vàng và sắc nắng cũng rực vàng trên lưng nó. Chỉ có mấy vạt cỏ xanh biếc là rực lên giữa cái giang sơn vàng rợi.
Tôi có cảm giác mình lạc vào một thế giới thần bí.
Theo Nguyễn Phan Hách
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1: Những cây nấm rừng đã khiến tác giả có những liên tưởng thú vị gì?
A. Mỗi chiếc nấm như một lâu đài kiến trúc tân kì.
B. Bản thân mình như một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của vương quốc những người tí hon.
C. Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ lúp xúp dưới chân.
D. Tất cả các ý trên.
Câu 2: Những muông thú trong rừng được miêu tả như thế nào?
A. Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyền nhanh như tia chớp.
B. Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.
C. Những con mang vàng đang ăn cỏ non, những chiếc chân vàng giẫm trên thảm lá vàng và sắc nắng cũng rực vàng trên lưng nó.
D. Tất cả các ý trên.
Câu 3: Sự có mặt của muông thú mang lại vẻ đẹp gì cho cảnh rừng?
A. Làm cho rừng thêm rực rỡ.
B. Làm cho rừng trở nên sống động, đầy những điều bất ngờ, kì thú.
C. Làm cho rừng thêm đẹp.
D. Làm cho rừng thêm vắng vẻ.
Câu 4: Từ đồng nghĩa với từ “rụt rè là:
A. nhút nhát.
B. siêng năng.
C. nhu nhược.
D. dũng cảm.
Câu 5: Tìm các tiếng chứa vần ưa hoặc ươc thích hợp với mỗi chỗ trống trong các thành ngữ, tục ngữ dưới đây.
- …………………. chảy đá mòn.
- ………………….. thử vàng, gian nan thử sức.
Câu 6: Tìm đại từ trong đoạn hội thoại sau, nói rõ từng đại từ thay thế cho từ ngữ nào:
Trong giờ ra chơi, Nam hỏi Bắc:
(1) – Bắc ơi, hôm qua bạn được mấy điểm môn Tiếng Anh?
(2) – Tớ được 10 điểm, còn cậu được mấy điểm? – Bắc nói.
(3) – Tớ cũng thế.
Câu 7: Tìm kết từ thích hợp điền vào chỗ trống trong các câu sau:
a, Hùng cố gắng học tập chăm chỉ …………………. đạt học sinh giỏi.
b, Trời mưa to ……………………. cả lớp vẫn đi học đúng giờ.
c, ……………… các bạn giúp đỡ và cô giáo động viên …………. Nam đã đạt thành tích tốt trong năm học vừa qua.
Câu 8: Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì?
Nếu các bạn có dịp đến nơi ấy trong khu rừng, xin hãy ngồi nghỉ trên thân cây đó – nó mềm mãi đến lạ kì!
A. Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.
B. Đánh dấu các ý liệt kê.
C. Đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích.
D. Nối các từ ngữ trong một liên danh.
Câu 9: Từ “miệng” trong câu Ngày qua, trong sương thu ẩm ướt và mưa rây bụi mùa đông, những chùm hoa khép miệng bắt đầu kết trái. được dùng theo nghĩa gì?
A. Nghĩa gốc
B. Nghĩa chuyển
C. Đồng nghĩa
D. Đồng âm
Câu 10: Sửa lại câu sau cho đúng bằng cách thay cặp kết từ phù hợp:
Tuy không biết bảo vệ rừng nhưng chúng ta sẽ phải hứng chịu những hậu quả không lường trước được.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Viết đoạn văn nêu ý kiến của em về việc học sinh cần kính trọng, biết ơn người lao động.
Hướng dẫn giải chi tiết
A. Kiểm tra đọc
1. D |
2. D |
3. B |
4. A |
8. C |
9. B |
Câu 5: Tìm các tiếng chứa vần ưa hoặc ươc thích hợp với mỗi chỗ trống trong các thành ngữ, tục ngữ dưới đây.
- …………………. chảy đá mòn.
- ………………….. thử vàng, gian nan thử sức.
Phương pháp:
Căn cứ vào kiến thức của bản thân, suy nghĩ và trả lời.
Lời giải chi tiết:
- Nước chảy đá mòn.
- Lửa thử vàng, gian nan thử sức.
Câu 6: Tìm đại từ trong đoạn hội thoại sau, nói rõ từng đại từ thay thế cho từ ngữ nào:
Trong giờ ra chơi, Nam hỏi Bắc:
(1) – Bắc ơi, hôm qua bạn được mấy điểm môn Tiếng Anh?
(2) – Tớ được 10 điểm, còn cậu được mấy điểm? – Bắc nói.
(3) – Tớ cũng thế.
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Đại từ.
Lời giải chi tiết:
– Câu 1: từ “bạn” thay thế cho từ “Bắc”.
– Câu 2: “tớ” thay thế cho “Bắc”, “cậu” thay thế cho “Nam”.
– Câu 3: “tớ” thay thế cho “Nam”, “thế” thay thế cụm từ “được 10 điểm”.
Câu 7: Tìm kết từ thích hợp điền vào chỗ trống trong các câu sau:
a, Hùng cố gắng học tập chăm chỉ …………………. đạt học sinh giỏi.
b, Trời mưa to ……………………. cả lớp vẫn đi học đúng giờ.
c, ……………… các bạn giúp đỡ và cô giáo động viên …………. Nam đã đạt thành tích tốt trong năm học vừa qua.
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Kết từ.
Lời giải chi tiết:
a, Hùng cố gắng học tập chăm chỉ để đạt học sinh giỏi.
b, Trời mưa to nhưng cả lớp vẫn đi học đúng giờ.
c, Nhờ các bạn giúp đỡ và cô giáo động viên nên Nam đã đạt thành tích tốt trong năm học vừa qua.
Câu 10: Sửa lại câu sau cho đúng bằng cách thay cặp kết từ phù hợp:
Tuy không biết bảo vệ rừng nhưng chúng ta sẽ phải hứng chịu những hậu quả không lường trước được.
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Kết từ.
Lời giải chi tiết:
Vì không biết bảo vệ rừng nên chúng ta sẽ phải hứng chịu những hậu quả không lường trước được.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Viết đoạn văn nêu ý kiến của em về việc học sinh cần kính trọng, biết ơn người lao động.
Bài tham khảo 1:
Mỗi học sinh trong chúng ta cần phải kính trọng và biết ơn những người lao động bởi họ chính là những người đã làm việc không mệt mỏi để xây dựng và duy trì một môi trường sống tốt đẹp cho mọi người. Từ những công việc nhỏ nhặt như quét dọn, thu gom rác thải, cho đến xây dựng các công trình lớn, tất cả đều xuất phát từ bàn tay lao động cần mẫn. Chính nhờ họ, chúng ta mới có những con đường sạch đẹp, những ngôi trường khang trang để học tập. Vì vậy, việc tôn trọng và ghi nhớ công lao của người lao động không chỉ là sự thể hiện lòng biết ơn mà còn là trách nhiệm và ý thức của mỗi học sinh.
Bài tham khảo 2:
Học sinh cần kính trọng và biết ơn những người lao động vì họ đã thầm lặng cống hiến để mang lại cho chúng ta cuộc sống tiện nghi và môi trường sạch đẹp. Từ việc quét dọn đường phố đến xây dựng những ngôi trường khang trang, mỗi đóng góp của họ đều đáng được trân trọng. Sự chăm chỉ và hy sinh của họ giúp chúng ta có điều kiện học tập và phát triển. Bởi vậy, lòng biết ơn và sự kính trọng dành cho người lao động là cách chúng ta thể hiện trách nhiệm và tình cảm chân thành của mình.
Bài tham khảo 3:
Những người lao động là những anh hùng thầm lặng, góp phần tạo nên cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Học sinh trong mỗi chúng ta cần hiểu rõ và trân trọng công sức của họ, vì mỗi ngày chúng ta được học tập và sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ, trong lành đều nhờ vào sự cống hiến của họ. Từ việc giữ gìn vệ sinh công cộng đến xây dựng hạ tầng, tất cả đều xuất phát từ lòng tận tụy và lao động miệt mài. Vì thế, việc tôn trọng và biết ơn những người lao động là điều mà mỗi học sinh nên ghi nhớ và thực hiện.
- Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 1
- Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 2
- Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 3
- Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 4
- Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 5
>> Xem thêm