

Đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt 5 CD - Đề số 1>
Nhân cách quý hơn tiền bạc Mạc Đĩnh Chi làm quan rất thanh liêm nên nhà ông thường nghèo túng.Sau khi lo đám tang cho mẹ, cuộc sống của ông vốn đã thanh bạch giờ càng đạm bạc hơn.Vua Trần Minh Tông biết chuyện, liền hỏi một viên quan tin cẩn:
Đề bài
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Nhân cách quý hơn tiền bạc
Mạc Đĩnh Chi làm quan rất thanh liêm nên nhà ông thường nghèo túng. Sau khi lo đám tang cho mẹ, cuộc sống của ông vốn đã thanh bạch giờ càng đạm bạc hơn.Vua Trần Minh Tông biết chuyện, liền hỏi một viên quan tin cẩn:
- Ta muốn trích ít tiền trong kho đem biếu Mạc Đĩnh Chi. Liệu có được không?
Viên quan tâu:
- Nếu Hoàng thượng cho người đem tiền biếu thì Mạc Đĩnh Chi sẽ không nhận. Chỉ có cách lén bỏ tiền vào nhà, ông ấy không biết phải trả cho ai thì mới nhận.
Nhà vua ưng thuận và sai người làm như vậy.
Sáng hôm sau thức dậy, Mạc Đĩnh Chi thấy gói tiền trong nhà, liền đem vào triều, trình lên vua Minh Tông:
- Tâu Hoàng thượng. Đêm qua ai đã bỏ vào nhà thần gói tiền này. Thần ngờ đây là tiền của người muốn đút lót thần. Vậy, xin Hoàng thượng cho thần nộp tiền này vào công quỹ.
Vua Minh Tông đáp:
- Khanh có khó nhọc thì người ta mới giúp cho. Cứ coi đó là tiền của mình cũng được chứ sao?
- Phàm của cải không do tay mình làm ra thì không được tơ hào đến. - Mạc Đĩnh Chi khảng khái đáp.
Vua rất cảm kích trước tấm lòng trung thực, liêm khiết, trọng nhân cách hơn tiền bạc của Mạc Đĩnh Chi. Vua đành giữ lại tiền rồi cho ông lui.
Theo Quỳnh Cư
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Cuộc sống của Mạc Đĩnh Chi như thế nào?
A. Thanh bạch, đạm bạc.
B. Sung sướng, nhàn hạ.
C. Hạnh phúc, giàu có.
D. Nhàn hạ, hạnh phúc.
Câu 2. Vì sao Mạc Đĩnh Chi làm quan nhưng nhà ông thường nghèo túng?
A. Vì lương làm quan của ông rất thấp.
B. Vì ông phải lo đám tang cho mẹ.
C. Vì ông làm quan rất thanh liêm.
D. Vì ông phải nuôi rất nhiêu người.
Câu 3. Vua Trần Minh Tông đã giúp đỡ Mạc Đĩnh Chi bằng cách nào?
A. Mời ông đên nhận thêm tiền trong kho.
B. Cho người lén bỏ tiền vào nhà của ông.
C. Trích tiền trong kho đem đến biếu ông.
D. Cho người đem tiền của vua đến biếu.
Câu 4. Vì sao Mạc Đĩnh Chi đem gói tiền vào triều, trình lên vua Trần Minh Tông?
A. Vì đó là tiền của một người đút lót ông.
B. Vì đó là tiền của ai đó để quên ở nhà ông.
C. Vì đó là tiền của ông góp vào công quỹ.
D. Vì đó là tiền của ai đó đã bỏ vào nhà ông.
Câu 5. Câu chuyện ca ngợi điều gì ở Mạc Đĩnh Chi?
Câu 6. Từ nào dưới đây đồng nghĩa với từ “liêm khiết”?
A. thanh lịch
B. thanh nhàn
C. thanh liêm
D. thanh thoát
Câu 7. Câu nào dưới đây không phải là câu ghép?
A. Khanh có khó nhọc thì người ta mới giúp cho.
B. Ông thông minh, giỏi thơ văn và có tài đối đáp rất sắc bén.
C. Mạc Đĩnh Chi làm quan rất thanh liêm nên nhà ông thường nghèo túng.
D. Nếu Hoàng thượng cho người đem tiền biếu thì Mạc Đĩnh Chi sẽ không nhận.
Câu 8. Hai câu “Nếu Hoàng thượng cho người đem tiền biếu thì Mạc Đĩnh Chi sẽ không nhận. Chỉ có cách lén bỏ tiền vào nhà, ông ấy không biết phải trả cho ai thì mới nhận.” đã liên kết với nhau bằng cách nào ?
A. Thay thế từ ngữ.
B. Lặp từ ngữ
C. Dùng từ ngữ nối
D. Lặp từ ngữ ; thay thế từ ngữ
Câu 9. Tìm điệp ngữ, điệp ngữ trong đoạn thơ dưới đây và cho biết tác dụng của điệp từ, điệp ngữ ấy:
Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ
“Cục … cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ
(Xuân Quỳnh)
Câu 10. Đặt một câu có sử dụng cặp kết từ nói về môi trường.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Em hãy viết bài văn tả một cảnh đẹp của quê hương em.
-------- Hết --------
Lời giải
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM
1. A |
2. C |
3. B |
4. D |
6. C |
7. B |
8. A |
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
II. Đọc thầm văn bản sau:
Câu 1. Cuộc sống của Mạc Đĩnh Chi như thế nào?
A. Thanh bạch, đạm bạc.
B. Sung sướng, nhàn hạ.
C. Hạnh phúc, giàu có.
D. Nhàn hạ, hạnh phúc.
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn văn đầu của bài đọc.
Lời giải chi tiết:
Cuộc sống của Mạc Đĩnh Chi thanh bạch, đạm bạc.
Đáp án A.
Câu 2. Vì sao Mạc Đĩnh Chi làm quan nhưng nhà ông thường nghèo túng?
A. Vì lương làm quan của ông rất thấp.
B. Vì ông phải lo đám tang cho mẹ.
C. Vì ông làm quan rất thanh liêm.
D. Vì ông phải nuôi rất nhiêu người.
Phương pháp giải:
Em đọc câu đầu của bài đọc.
Lời giải chi tiết:
Vì Mạc Đĩnh Chi làm quan rất thanh liêm nên nhà ông thường nghèo túng.
Đáp án C.
Câu 3. Vua Trần Minh Tông đã giúp đỡ Mạc Đĩnh Chi bằng cách nào?
A. Mời ông đên nhận thêm tiền trong kho.
B. Cho người lén bỏ tiền vào nhà của ông.
C. Trích tiền trong kho đem đến biếu ông.
D. Cho người đem tiền của vua đến biếu.
Phương pháp giải:
Em đọc phần hội thoại của vua và viên quan.
Lời giải chi tiết:
Vua Trần Minh Tông đã giúp đỡ Mạc Đĩnh Chi bằng cách cho người lén bỏ tiền vào nhà của ông.
Đáp án B.
Câu 4. Vì sao Mạc Đĩnh Chi đem gói tiền vào triều, trình lên vua Trần Minh Tông?
A. Vì đó là tiền của một người đút lót ông.
B. Vì đó là tiền của ai đó để quên ở nhà ông.
C. Vì đó là tiền của ông góp vào công quỹ.
D. Vì đó là tiền của ai đó đã bỏ vào nhà ông.
Phương pháp giải:
Em đọc từ “Sáng hôm sau thức dậy…” đến “…vào công quỹ”.
Lời giải chi tiết:
Mạc Đĩnh Chi đem gói tiền vào triều, trình lên vua Trần Minh Tông vì đó là tiền của ai đó đã bỏ vào nhà ông.
Đáp án D.
Câu 5. Câu chuyện ca ngợi điều gì ở Mạc Đĩnh Chi?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn cuối của bài đọc.
Lời giải chi tiết:
Câu chuyện ca ngợi tấm lòng trung thực, liêm khiết, trọng nhân cách của Mạc Đĩnh Chi.
Câu 6. Từ nào dưới đây đồng nghĩa với từ “liêm khiết”?
A. thanh lịch
B. thanh nhàn
C. thanh liêm
D. thanh thoát
Phương pháp giải:
Em giải nghĩa từ “liêm khiết” và các đáp án để chọn được từ đồng nghĩa.
Lời giải chi tiết:
- liêm khiết: có phẩm chất trong sạch, không tham ô, không nhận tiền của hối lộ
- thanh lịch: thanh nhã và lịch sự
- thanh nhàn: nhàn nhã, thảnh thơi, không vướng bận việc gì
- thanh liêm: trong sạch, liêm khiết
- thanh thoát: mềm mại, không gò bó, gợi cảm giác nhẹ nhàng, dễ ưa
Vậy từ đồng nghĩa với “liêm khiết” là từ “thanh liêm”.
Đáp án C.
Câu 7. Câu nào dưới đây không phải là câu ghép?
A. Khanh có khó nhọc thì người ta mới giúp cho.
B. Ông thông minh, giỏi thơ văn và có tài đối đáp rất sắc bén.
C. Mạc Đĩnh Chi làm quan rất thanh liêm nên nhà ông thường nghèo túng.
D. Nếu Hoàng thượng cho người đem tiền biếu thì Mạc Đĩnh Chi sẽ không nhận.
Phương pháp giải:
Em xác định các thành phần câu, vế câu.
Lời giải chi tiết:
- Khanh// có khó nhọc thì người ta// mới giúp cho.
- Ông// thông minh, giỏi thơ văn và có tài đối đáp rất sắc bén.
- Mạc Đĩnh Chi// làm quan rất thanh liêm nên nhà ông// thường nghèo túng.
- Nếu Hoàng thượng// cho người đem tiền biếu thì Mạc Đĩnh Chi// sẽ không nhận.
Câu không phải là câu ghép: Ông thông minh, giỏi thơ văn và có tài đối đáp rất sắc bén.
Đáp án B.
Câu 8. Hai câu “Nếu Hoàng thượng cho người đem tiền biếu thì Mạc Đĩnh Chi sẽ không nhận. Chỉ có cách lén bỏ tiền vào nhà, ông ấy không biết phải trả cho ai thì mới nhận.” đã liên kết với nhau bằng cách nào ?
A. Thay thế từ ngữ.
B. Lặp từ ngữ
C. Dùng từ ngữ nối
D. Lặp từ ngữ ; thay thế từ ngữ
Phương pháp giải:
Em nhớ lại các cách liên kết câu và chỉ ra phương tiện liên kết.
Lời giải chi tiết:
“Nếu Hoàng thượng cho người đem tiền biếu thì Mạc Đĩnh Chi sẽ không nhận. Chỉ có cách lén bỏ tiền vào nhà, ông ấy không biết phải trả cho ai thì mới nhận.” liên kết với nhau bằng hai cách thay từ “Mạc Đĩnh Chi” bằng từ “ông ấy”.
Đáp án A.
Câu 9. Tìm điệp ngữ, điệp ngữ trong đoạn thơ dưới đây và cho biết tác dụng của điệp từ, điệp ngữ ấy:
Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ
“Cục … cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ
(Xuân Quỳnh)
Phương pháp giải:
Em tìm từ ngữ được lặp lại nhiều lần và dựa vào nội dung đoạn thơ để nêu tác dụng của điệp từ, điệp ngữ ấy.
Lời giải chi tiết:
Điệp ngữ “nghe” được lặp đi lặp lại 3 lần với mục đích thể hiện sự âm vang của tiếng gà khiến người lính trở về miền kí ức của tuổi thơ.
Câu 10. Đặt một câu có sử dụng cặp kết từ nói về môi trường.
Phương pháp giải:
Em xác định hình thức của câu ghép cần đặt và chọn nội dung phù hợp.
Lời giải chi tiết:
Chúng ta phải biết bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên để trái đất luôn sạch đẹp và khỏe mạnh.
B. Kiểm tra viết
Phương pháp giải:
- Em xác định đối tượng miêu tả và lập dàn ý về đối tượng đó với bố cục 3 phần.
- Dựa trên dàn ý đã lập để viết bài văn hoàn chỉnh.
Lời giải chi tiết:
Dàn ý :
1. Mở bài: Giới thiệu cảnh đẹp mà em muốn miêu tả
- Cảnh đẹp đó là gì? Nằm ở đâu?
- Em đến thăm cảnh đẹp đó lúc nào? Cùng với ai?
2. Thân bài: Miêu tả cảnh đẹp đó:
- Tả bao quát:
+ Cảnh đẹp có diện tích rộng lớn không? Nằm trên mặt phẳng hay đồi núi, cạnh sông suối?
+ Cảnh đẹp là do tự nhiên hay con người tạo nên? Trong quá trình bao lâu?
+ Cảnh đẹp gồm các khu vực nào? Nơi nào là trung tâm, được mọi người yêu thích nhất?
- Tả chi tiết:
+ Cảnh đẹp có trồng cây cối, loài hoa nào không? Chúng được trồng như thế nào? Được chăm sóc ra sao? Có đặc điểm gì?
+ Các kiến trúc ở đó được xây dựng như thế nào, để làm gì?
+ Trong ngày, thời điểm nào ở đây là đẹp nhất và có đông người ghé thăm nhất?
+ Mọi người thường tổ chức hoạt động gì ở cảnh đẹp đó?
3. Kết bài: Suy nghĩ và tình cảm của em dành cho cảnh đẹp vừa tả.
Bài tham khảo 1:
Cảnh đẹp nhất ở quê hương em có lẽ chính là đầm sen xanh ngát ở dưới chân núi.
Đầm sen rộng lắm, phóng tầm mắt ra xa thật xa mới thấy được bờ bên kia. Nước đầm sen chỗ nông chỗ sâu. Sâu nhất cũng chỉ chừng ngực của người trưởng thành. Chỗ cạn nhất thì đến mắt cá chân. Tuy nhiên, dưới mực nước ấy, là một đoạn khá sâu bùn sình, có thể lún gần đến đầu gối. Vì vậy, con nít chúng em thường chỉ chơi ven bờ, hoặc ngồi trên cây cầu gỗ bắc ngang đầm sen. Hôm nào có người lớn, chèo thuyền ra hái sen thì chúng em mới được ra giữa đầm. Sen mọc mạnh mẽ lắm, lá xanh chen chúc nhau phủ kín mặt hồ. Những búp sen cứ thế đâm toạc từ dưới bùn, chen qua lớp lá đua nhau nở rộ. Mùa hè là mùa sen nở nhiều nhất. Những đóa hoa cánh hồng nhụy vàng tỏa hương thơm ngát, che hết toàn bộ mùi bùn. Đóa này nở thì đóa kia mới ngoi lên mặt nước. Đóa này tàn thì đóa kia khoe sắc. Cứ thế, cả đầm sen rực rỡ suốt mùa hè. Theo hương hoa, là những cơn gió mát rượi thơm ngát thoảng qua đầm. Trên cao là trời xanh mây trắng. Xa xa là những dãy núi trập trùng. Thật là thư giãn.
Đối với em, đầm sen quê hương là địa điểm tuyệt vời nhất để nghỉ ngơi và thư giãn. Em yêu lắm quê hương của mình.Bài tham khảo 2 :
Cuối năm, em lại được mẹ cho về quê thăm ông bà ngoại. Những ngày cuối đông đầu xuân ấy, thiên nhiên ở quê hương em đẹp lạ lùng. Nhưng đẹp nhất có lẽ là vườn hoa đầu làng.
Gọi một cách chính xác, thì phải nói là ruộng hoa. Bởi ở đó tập trung nhiều thửa ruộng trồng hoa của bà con trong làng. Nghề trồng hoa là nghề thu nhập chính của bà con nơi đây, xếp sau nghề trồng cây ăn trái. Những ruộng hoa chia thành các thửa ruộng không rõ hình dáng cụ thể. Nhưng trong mỗi thửa sẽ chia thành các luống hoa chạy đều tăm tắp. Lúc này đã là tuần đầu tháng Chạp, chuẩn bị đến lúc thu hoạch, nên hoa trên ruộng đã bắt đầu trổ bông, khoe sắc. Người nông dân đã bỏ ra hàng tháng trời dãi nắng dầm mưa, ăn ngủ ở ruộng để bảo vệ và chăm bẵm những luống hoa ở đây cho đến ngày thu hoạch. Chăm hoa vất vả hơn chăm lúa. Bởi phải bọc lưới cho từng bông, rồi cẩn thận giữ gìn, kẻo hoa gãy cành, thâm cánh đều không thể bán được. Loại hoa ở ruộng thì phong phú lắm. Nào hoa cúc, hoa thọ, rồi lay-ơn, thược dược, đồng tiền. Mỗi loại lại chia thành năm bảy màu, từ trắng, hồng, vàng đến tím, đỏ, cam. Mỗi thuở sẽ chỉ trồng một loại hoa và một màu cụ thể. Nên nhìn từ xa, cả ruộng hoa cứ như một tấm thảm khổng lồ được ghép từ các ô màu nhỏ.
Quả thực, phải nhìn tận mắt, mới thấy hết sự đồ sộ của ruộng hoa. Bởi nhìn hết tầm mắt vẫn chưa thấy biên giới của hoa đâu cả. Ngắm nhìn sắc xanh hòa lẫn muôn vàn sắc hoa tươi tắn dưới ánh nắng chan hòa của đầu xuân, mà em ngây ngất. Sắc hoa nối tiếp sắc hoa, hương hoa quyện hòa vào những cơn gió se lạnh, khiến người ngắm cảnh bịn rịn mãi không về. Chờ đến gần trưa. Lục tục các bác nông dân lên vườn thu hoạch. Họ chọn những bụi hoa to, đẹp để dời vào chậu, chờ thương lái đến chở đi. Đó sẽ là những mảnh ruộng thu hoạch sớm nhất. Còn các loại cắt cành thì sẽ chờ đến sát ngày ông Công ông Táo mới cắt. Lác đác các thửa ruộng dần thưa hoa đi, chỉ còn lốm đốm nền đất đỏ. Nhưng em vẫn thấy khung cảnh này thật đẹp. Bởi nó gợi lên niềm vui háo hức và say mê cho mùa Tết đã đến thật gần.
Cảnh cánh đồng hoa Tết ở quê ngoại em có lẽ là khung cảnh đẹp nhất ở nơi đây. Mỗi năm cảnh đẹp này chỉ tái hiện một lần, thu hút rất nhiều người đến chiêm ngưỡng. Không chỉ em, mà nhiều người làm tiktok, youtube cũng đến đây quay phim, chụp ảnh. Nhìn sự thích thú và say mê của họ, lòng em ngời ngời niềm hạnh phúc và tự hào về quê hương của mình.

