Đề thi học kì 1 Văn 11- Cánh diều

Đề thi học kì 1 Văn 11 Cánh diều - Đề số 6


I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm) Đọc văn bản: Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Cánh diều

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản:

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm

Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?

- Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn,

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc,

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...

 

Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả

Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn!

Trái cây rơi vào áo người ngắm quả,

Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn,

Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ

Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn...

          …

Không ai có thể ngủ yên trong đời chật

Buổi thuỷ triều vẫy gọi những vầng trăng,

Mỗi gié lúa (1) đều muốn thêm nhiều hạt,

Gỗ trăm cây đều muốn hoá nên trầm (2)

Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt,

Mỗi con sông đều muốn hoá Bạch Đằng... 

 (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?, Chế Lan Viên, NXB Văn học, 2002, tr.354, 355)

Chú thích:

- Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn, nhà nghiên cứu lý luận, nhà phê bình văn học nghệ thuật. Bài thơ “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” được sáng tác khi cả nước đang trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước.

(1) gié lúa: bông lúa.

(2) trầm: gỗ lâu năm, có mùi hương thoang thoảng dễ chịu.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên. (0,5đ)

Câu 2. Nêu những từ ngữ cảm thán thể hiện cảm xúc của tác giả khi viết về Tổ quốc trong hai dòng thơ đầu. (0,5đ)

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê đối với việc thể hiện nội dung chính trong đoạn thơ sau: (1đ)

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn,

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc,

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...

Câu 4. Nhận xét suy nghĩ, tình cảm của tác giả được thể hiện qua những hệ thống hình ảnh kết hợp động từ muốn, nằm mơ trong đoạn thơ sau: (1đ)

Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt

Gỗ trăm cây đều muốn hoá nên trầm

Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt

Mỗi con sông đều muốn hoá Bạch Đằng...

Câu 5. Theo anh/chị, tuổi trẻ cần làm gì để thể hiện lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh (trình bày khoảng 5-7 dòng)? (1đ)

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) cảm nhận về tình cảm của tác giả đối với đất nước được thể hiện trong khổ thơ đầu bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? Của tác giả Chế Lan Viên.

Câu 2. (4,0 điểm) Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) về vai trò của lí tưởng sống đối với tuổi trẻ.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

Câu 1 (0,5 điểm)

 Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.

Phương pháp giải:

Chú ý số dòng trong bài, số từ trong câu

Lời giải chi tiết:

Thể thơ tự do

Câu 2 (0,5 điểm)

Câu 2. Nêu những từ ngữ cảm thán thể hiện cảm xúc của tác giả khi viết về Tổ quốc trong hai dòng thơ đầu.

 Phương pháp giải:

Nhớ lại kiến thức về từ ngữ cảm thán

Lời giải chi tiết:

Những từ ngữ cảm thán thể hiện cảm xúc của tác giả khi viết về Tổ quốc trong hai dòng thơ đầu: Hỡi, thế này chăng.

Câu 3 (1 điểm)

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê đối với việc thể hiện nội dung chính trong đoạn thơ sau:

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn,

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc,

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...

 Phương pháp giải:

Nhớ lại kiến thức về phép tu từ liệt kê

Chỉ ra các từ ngữ biểu hiện của phép tu từ liệt kê trong đoạn thơ và nêu tác dụng

Lời giải chi tiết:

- Các từ ngữ biểu hiện của phép tu từ liệt kê trong đoạn thơ: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Hưng Đạo; (hoặc: làm thơ, đánh giặc, viết Kiều).

- Tác dụng: Thể hiện niềm tự hào về những danh nhân, anh hùng của đất nước; niềm vui sướng, yêu mến thiết tha đối với lịch sử, truyền thống, Tổ quốc; tạo giọng điệu hào hùng cho đoạn thơ.

Câu 4 (1 điểm)

Câu 4. Nhận xét suy nghĩ, tình cảm của tác giả được thể hiện qua những hệ thống hình ảnh kết hợp động từ muốn, nằm mơ trong đoạn thơ sau:

Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt

Gỗ trăm cây đều muốn hoá nên trầm

Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt

Mỗi con sông đều muốn hoá Bạch Đằng...

 Phương pháp giải

Phân tích tác dụng của điệp từ “muốn”, “mỗi”

Cho biết cụm từ “nằm mơ” gợi nhớ đến nhân vật lịch sử nào

Từ đó suy ra suy nghĩ, tình cảm của tác giả dành cho đất nước

Lời giải chi tiết:

Suy nghĩ, tình cảm của tác giả được thể hiện qua những hệ thống hình ảnh kết hợp động từ muốn, nằm mơ trong đoạn thơ: khát khao được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước; bộc lộ tình yêu đối với Tổ quốc.

Câu 5: (1đ)

Câu 5. Theo anh/chị, tuổi trẻ cần làm gì để thể hiện lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh (trình bày khoảng 5-7 dòng)?

Phương pháp giải:

Xác định yêu cầu về hình thức và nội dung đoạn văn

Dựa vào kiến thức và kĩ năng viết đoạn văn

Lời giải chi tiết:

HS trình bày suy nghĩ của bản thân về những việc tuổi trẻ cần làm để thể hiện lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh. Có thể theo hướng: tham gia các hoạt động tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, tri ân các thương bệnh binh, người có công với đất nước; học tập và lao động chăm chỉ góp phần dựng xây đất nước giàu đẹp; rèn luyện sức khoẻ, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc;...

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) cảm nhận về tình cảm của tác giả đối với đất nước được thể hiện trong khổ thơ đầu bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? Của tác giả Chế Lan Viên.

 Phương pháp giải:

Xác định yêu cầu về hình thức, nội dung của đoạn văn

Dựa vào kiến thức và kĩ năng viết đoạn văn phân tích một bài thơ

 Lời giải chi tiết:

a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Bảo đảm đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 150 chữ) của đoạn văn. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

 Phân tích, đánh giá về nội dung và nghệ thuật văn bản phần Đọc hiểu.

c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu

Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng trên cơ sở đảm bảo các nội dung sau:

 * Nội dung:

+ Tự hào về lịch sử dân tộc, yêu quê hương đất nước.

+ Thể hiện niềm tự hào về những danh nhân, anh hùng của đất nước (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Hưng Đạo); niềm vui sướng, yêu mến thiết tha đối với lịch sử, truyền thống, Tổ quốc (Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm/Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?).

+ Bài thơ là khúc ca đẹp về lí tưởng sống, lí tưởng cách mạng, về khao khát được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước.

 * Nghệ thuật: 

+ Thể thơ tự do.

+ Giọng thơ hào hùng, âm hưởng ngợi ca.

+ Sử dụng nhiều biện pháp tu từ.

d. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

đ. Sáng tạo

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm:

- HS huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về vấn đề cần nghị luận; có cách nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề nghị luận; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh.

Câu 2.

Câu 2. (4,0 điểm) Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) về vai trò của lí tưởng sống đối với tuổi trẻ.

Phương pháp giải:

Xác định yêu cầu về hình thức, nội dung của bài văn

Dựa vào kiến thức và kĩ năng viết bài văn về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ

Lời giải chi tiết:

a. Bảo đảm bố cục và dung lượng của bài văn nghị luận

 Bảo đảm yêu cầu về bố cục và dung lượng (khoảng 400 chữ) của bài văn.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Vai trò của lí tưởng sống đối với tuổi trẻ.

c. Viết được bài văn nghị luận đảm bảo các yêu cầu

Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và dẫn chứng; trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận. Có thể triển khai theo hướng:

* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.

* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận

- Giải thích: Lý tưởng sống hay lẽ sống là cái đích cuộc sống mà mỗi người khát khao muốn đạt được.

- Bàn luận:

+ Người sống có lí tưởng không bị dao động về lập trường, tư tưởng, không bỏ cuộc, lầm đường dù có khó khăn gian khổ, kiên định con đường mình đã chọn.

+ Lí tưởng giúp con người không ngừng hoàn thiện mình mỗi ngày, hoàn thiện nhân cách, nhận ra giá trị của chính mình, sống tích cực, lạc quan; có mục đích để phấn đấu vươn lên, nỗ lực hành động, vượt qua những giới hạn của bản thân và kiến tạo những giá trị tốt đẹp, lan tỏa lối sống cống hiến trong cộng đồng.

- Mở rộng vấn đề, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác

* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.

Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

d. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

đ. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm:

- HS huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về vấn đề cần nghị luận; có cách nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề nghị luận; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 11 - Cánh diều - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí