Đề thi học kì 2 Văn 11 - Đề số 8>
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi: (1) Cuộc sống quanh ta có biết bao nhiêu điều tốt đẹp đáng quý và cần trân trọng. Chỉ cần ta biết khéo léo nhận ra và chọn lọc, chúng ta không hề thiếu thốn những hạt giống tốt đẹp để gieo trồng. Mặt khác, trong cuộc sống cũng đầy rẫy những cỏ dại xấu xa.
Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 11 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
(1) Cuộc sống quanh ta có biết bao nhiêu điều tốt đẹp đáng quý và cần trân trọng. Chỉ cần ta biết khéo léo nhận ra và chọn lọc, chúng ta không hề thiếu thốn những hạt giống tốt đẹp để gieo trồng. Mặt khác, trong cuộc sống cũng đầy rẫy những cỏ dại xấu xa. Chỉ cần ta sống buông trôi, thiếu hiểu biết, cuộc đời ta sẽ phải trả giá bằng những u ám, tối tăm kéo dài.
(2) Một tâm hồn tươi đẹp đầy hoa thơm trái quý, hay tiêu điều hoang vắng với cỏ dại lan tràn… Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức và nỗ lực của chính chúng ta, không phụ thuộc vào bất kỳ ai khác.
(3) Nuôi dưỡng tâm hồn cũng quan trọng, cần thiết không kém gì việc nuôi dưỡng thể xác, nhưng chúng ta rất thường lãng quên không chú ý đến việc này. Chúng ta đôi khi bỏ mặc tâm hồn mình khô cằn hoặc mọc đầy cỏ dại. Nếu ý thức được điều này và bắt đầu chăm sóc gieo trồng những hạt giống tốt lành, chắc chắn bạn sẽ có được một cuộc sống tươi vui và hạnh phúc hơn nhiều.
(http://www.kynang.edu.vn/ky-nang-mem/nuoi-duong-tam-hon-noi-chinh-ban.html)
Câu 1 (0.5 điểm). Xác định nội dung chính của đoạn trích trên.
Câu 2 (0.5 điểm). Chỉ ra một biện pháp tu từ trong đoạn (1)
Câu 3 (1.0 điểm). Anh/ chị hiểu như thế nào về đoạn (2): Một tâm hồn tươi đẹp đầy hoa thơm trái quý, hay tiêu điều hoang vắng với cỏ dại lan tràn… Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức và nỗ lực của chính chúng ta, không phụ thuộc vào bất kỳ ai khác?
Câu 4 (1.0 điểm). Việc nuôi dưỡng tâm hồn có ý nghĩa như thế nào đối với con người?
Câu 5 (1.0 điểm). Thông điệp mà anh/ chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Nêu rõ lí do chọn thông điệp đó.
II. VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Hãy viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hậu quả của việc “bỏ mặc tâm hồn mình khô cằn hoặc mọc đầy cỏ dại” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay được gợi ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4.0 điểm)
Em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích tác phẩm Mẹ Tơm của Tố Hữu
Con đã về đây, ơi mẹ Tơm
Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm
Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy
Không sợ tù gông, chấp súng gươm
Nhà ai mới nhỉ, tường vôi trắng
Thơm nức mùi tôm nặng mấy nong
Ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng
Giếng vườn ai vậy, nước khơi trong?
Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi
Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi
Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời
Đốt nén hương thơm, mát dạ Người
Hãy về vui chút, mẹ Tơm ơi!
Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới
Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi...”
(Trích bài thơ “Mẹ Tơm”- Tố Hữu, Thơ Việt Nam 1945 - 1985)
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản, xác định nội dung chính
Lời giải chi tiết:
Tâm hồn con người giống như một mảnh đất, nếu biết nhận thức và nỗ lực gieo trồng những điều tốt đẹp, cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa và hạnh phúc; ngược lại, nếu buông thả, tâm hồn sẽ bị phủ đầy cỏ dại và dẫn đến cuộc sống tiêu cực.
Câu 2
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức đã học về biện pháp ẩn dụ
Lời giải chi tiết:
Đoạn văn sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ: hạt giống tốt đẹp, cỏ dại xấu xa
Câu 3
Phương pháp giải:
Nêu suy nghĩ của em
Lời giải chi tiết:
"Một tâm hồn tươi đẹp đầy hoa thơm trái quý, hay tiêu điều hoang vắng với cỏ dại lan tràn… Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức và nỗ lực của chính chúng ta, không phụ thuộc vào bất kỳ ai khác" có thể hiểu rằng:
– Chính chúng ta được lựa chọn và quyết định để làm nên một tâm hồn tốt đẹp hay u ám.
– Mỗi người phải tự chú động, nỗ lực làm đẹp cuộc sống, tâm hồn của mình; đừng nên trông chờ vào người khác.
Câu 4
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Việc nuôi dưỡng tâm hồn sẽ hướng con người tới những giá trị tốt đẹp, tránh xa những điều xấu xa. Tâm hồn đẹp cũng sẽ giúp chúng ta tự tin, yêu đời, nhận ra những điều giản đơn nhưng vô cùng ý nghĩa.
Câu 5
Phương pháp giải:
Từ nội dung rút ra thông điệp phù hợp
Lời giải chi tiết:
Thông điệp em tâm đắc nhất là: nuôi dưỡng tâm hồn tinh tế. Bởi:
- Nhiều người vẫn đang loay hoay đi tìm hạnh phúc ở nơi xa xôi mà quên mất đáp án tồn tại ngay trong họ.
- Cuộc sống và lòng người đang có nhiều biến đổi và chịu tác động nhiều từ ngoại cảnh, nếu mỗi người biết tự ý thức, chọn lọc những điều tốt thì cuộc sống của ta sẽ tốt đẹp hơn.
PHẦN II. VIẾT
Câu 1
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức của mình về vấn đề để triển khai bàn luận
Vận dụng thao tác lập luận, kĩ năng viết bài
Lời giải chi tiết:
1. Mở đoạn
- Dẫn dắt vấn đề: Trong cuộc sống hiện đại, tuổi trẻ có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng dễ bị cuốn vào lối sống buông thả, thực dụng.
- Nêu vấn đề: Việc “bỏ mặc tâm hồn mình khô cằn hoặc mọc đầy cỏ dại” để lại nhiều hậu quả tiêu cực cho thế hệ trẻ ngày nay.
2. Thân đoạn
- Giải thích:
+ “Tâm hồn khô cằn” là tâm hồn thiếu cảm xúc, tình thương, lý tưởng sống.
+ “Cỏ dại” tượng trưng cho những suy nghĩ, thói quen, hành động tiêu cực như ích kỷ, vô cảm, lười biếng, thực dụng, vướng vào tệ nạn,...
- Hậu quả:
+ Dễ mất phương hướng, không có mục tiêu sống rõ ràng.
+ Trở nên vô cảm, xa rời giá trị đạo đức, thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
+ Gây tổn thương cho chính mình và những người xung quanh, khó hòa nhập xã hội.
+ Lãng phí tuổi trẻ, đánh mất cơ hội phát triển toàn diện.
- Biện pháp khắc phục:
+ Thường xuyên tự nhìn lại bản thân, nhận diện “cỏ dại” trong tâm hồn để kịp thời loại bỏ.
+ Chủ động tiếp thu cái hay, cái đẹp từ sách vở, nghệ thuật, con người tử tế.
+ Tham gia các hoạt động tích cực: tình nguyện, thể thao, kỹ năng sống,… để nuôi dưỡng tâm hồn phong phú.
+ Xây dựng lý tưởng sống rõ ràng, rèn luyện đạo đức và bản lĩnh vững vàng.
- Dẫn chứng: HS đưa dẫn chứng phù hợp
3. Kết đoạn
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tâm hồn bằng những giá trị sống tích cực.
- Tuổi trẻ cần tỉnh táo, biết chọn lọc, học hỏi, rèn luyện bản thân để không đánh mất mình giữa dòng đời.
Câu 2
Phương pháp giải:
Đọc kĩ nội dung bài thơ
Dựa vào đặc trưng thể loại để phân tích
Lời giải chi tiết:
Dàn ý
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát tác giả Tố Hữu và bài thơ mẹ Tơm
- Tố Hữu- người được mệnh danh là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam
- Bài thơ là lời ngợi ca của nhà thơ đối với mẹ Tơm – với những phẩm chất tốt đẹp và cao quý.
2. Thân bài
- Bài thơ được Tố Hữu sáng tác khi về thăm quê hương nơi Mẹ Tơm ở sau 9 năm
- Giới thiệu mẹ Tơm
+Mẹ cũng giống như bào người phụ nữ chân yếu tay mềm khác, nhưng ở mẹ có một lòng dũng cảm
+ Mẹ đã nuôi dưỡng tác giả trong những ngày nhà thơ vượt ngục
+ Mẹ dành những phần cơm cho cán bộ, mẹ yêu thương, quan tâm, coi những chiến sĩ cách mạng như chính con ruột của mình, căm thù bọn Tây Nhật
+ Là người mẹ anh hùng bất khuất kiên trung, giàu lòng yêu thương và lí tưởng cao quý. Chính mẹ với lòng dũng cảm kiên cường, không sợ những đe dọa cùng cực hình tàn bạo của quân thù
+ Không chỉ khéo léo mẹ còn rất gan dạ và thông minh khi để lẫn những lá thư mật tuyên truyền cách mạng trong những mớ rau.
→ Bài thơ ngợi ca mẹ Tơm với những phẩm chất tốt đẹp và cao quý. Tác giả bày tỏ tình cảm đặc biệt dành cho người mẹ anh hùng
3. Kết bài
- Nêu cảm nghĩ chung về bài thơ.
Bài tham khảo
Tố Hữu có cả một dòng thơ viết về người mẹ. Trong tập thơ “Từ ấy” có bài “Bà má Hậu Giang”, trong tập thơ “Việt Bắc” có “Bầm ơi!”, “Bà Bủ”, “Bà mẹ Việt Bắc”, trong tập thơ “Gió lộng” có “Quê mẹ”, “Mẹ Tơm”, trong tập thơ “Ra trận” có “Mẹ Suốt”… Ông viết về người mẹ với tấm lòng thương yêu, kính trọng, ngợi ca.
Bài thơ “Mẹ Tơm” cũng được tác giả viết với dòng cảm xúc cao quý ấy và gửi gắm lòng biết ơn người mẹ đã nuôi dưỡng nhà thơ trong những ngày vượt ngục. Từ xúc cảm cụ thể, bài thơ vươn lên triết lí, để cao đạo lí ân nghĩa của dân tộc. Tác giả đã chọn thể loại thơ trữ tình kết hợp với tự sự thích hợp với giọng điệu tâm tình. Kết cấu của bài thơ theo diễn biến của cuộc hành trình và theo sự vận động nội tâm của tác giả.
Cái tôi trữ tình hiện diện ngay ở đầu bài thơ với cảm xúc dào dạt khi nhà thơ trở về miền biển Hậu Lộc, quê hương của mẹ Tơm, sau mười chín năm xa cách:
“Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa
Một buổi trưa, nắng dài bãi cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát…”
Nhà thơ đi trong không gian thoáng đãng, dưới trưa nắng sáng, trong âm vang của sóng biển (hay sóng lòng?). Những từ láy phụ âm đầu như “xôn xao”, “đu đưa”, “ngân nga” đã cộng hưởng thành một hòa âm xao động mà êm ái du dương.
Nhà thơ trở nên hồn nhiên, trò chuyện với những cái không thể trò chuyện được, chào hỏi những vật vô tri như chào hỏi cố nhân:
“Hòn Nẹ ta ơi! Mảng về chưa đó
Có nhiều không con nục, con thu?
Cho những buồm nâu thuyền câu Diêm Phố!
Nhớ nhau chăng, hỡi Hanh Cát, Hanh Cù?”
Màu sắc cũng được gợi lên thật đẹp. Màu xanh của “dừa xanh” đầy sức sống, nổi bật trên màu trắng của “cát trắng” tinh anh và điểm xuyết nét đỏ của “dưa đỏ ngọt lành”. Nhưng hay nhất của khúc tâm tình này là âm nhạc. Những từ láy và những vần lưng cộng hưởng thành những hòa âm phong phú”
“Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát”
“Chào những buồm nâu thuyền câu Diêm Phố”
“Hỡi đồi cát trắng rung rinh nắng”
Trong điệu nhạc ân tình, nhà thơ tưởng nhớ đến người mẹ nuôi xưa.
“Con đã về đây, ơi mẹ Tơm
Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm
Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy
Không sợ tù gông, chấp súng gươm”
Tố Hữu nhớ đến mẹ Tơm là nhớ đến một người mẹ giàu lòng thương yêu, có lí tưởng cao quý. Chính mẹ Tơm mười chín năm về trước đã nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ cho Tố Hữu trong những ngày vượt ngục đầy gian nan, bất chấp bạo lực của kẻ thù. Mẹ Tơm tình nghĩa mà anh hùng!
Nhà thơ ngạc nhiên, vui mừng trước sự đổi thay của quê hương Hậu Lộc:
“Nhà ai mới nhỉ, tường vôi trắng
Thơm phức mùi tôm nặng mấy nong
Ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng
Giếng vườn ai vậy, nước khơi trong?”
Màu sắc mới mẻ (tường vôi trắng), hương vị miền biển (thơm phức mùi tôm, hình ảnh “ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng" đã nói lên sự thay da đổi thịt của miền quê Hậu Lộc – một miền quê biển thanh bình, sung túc.
Nhà thơ ngơ ngác trước cuộc sống lạ lùng hôm nay. “Cô gái má bồ quân”, “Mái đầu tóc xoã xanh bên giếng”, mười chín năm trước đã quen thâ, vậy mà giờ đây cả hai đều bỡ ngỡ. Lời thoại giữa cô gái và nhà thơ tạo ra không khí sôi nổi, trẻ trung cho thơ:
“Nhiều đấy ư em, mấy tuổi rồi?
- Hai mươi.
- Ờ nhỉ, tháng năm trôi
Sóng bồi thêm bãi, thiền thêm bến
Gió lộng đường khơi, rộng đất trời!”
Rồi giọng thơ lại bùi ngùi trước hai tin buồn:
“Ông mất năm nao ngày độc lập
Bà về năm đói, làng treo lưới
Biển động: Hòn Mê, giặc bắn vào …”
Nhà thơ lại “bâng khuâng” nhớ lại chuyện cũ. Mười chín năm trước, Tố Hữu và một số bạn tù đã vượt ngục Đắc Lay về Thanh Hoá và “Duyên may dây nối, đất Hanh Cù”. Nhà thơ và các bạn tù đã tìm đến bà mẹ nghèo ở đất Hanh Cù:
“Đầu thôn, cồn vắng, túp lều rơm:
Tổ ấm chim về. Có mẹ Tơm
Hai đứa trai ngày đi cúp dạo
Nồi khoai sớm tôi lót thay cơm”
Mẹ Tơm nghèo nhưng tình nghĩa “thương người cộng sản, căm Tây, Nhật”, trung thành, thuỷ chung với cách mạng:
“Buồng Mẹ – buồng tim – giấu chúng con”
Thật không còn hình ảnh nào xác thực hơn để ngợi ca lòng trung thành của mẹ Tơm đối với Đảng, với cách mạng! Hình tượng người Mẹ cứ lớn dần lên hoà lẫn với non nước thật là cao đẹp.
… “Bóng Mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn”
… “Bóng Mẹ ngồi trông, vọng nước non!”
Mẹ Tơm từ người mẹ nuôi dưỡng, đã trở thành người mẹ tranh đấu. Từ những việc làm âm thầm như nuôi giấu cán bộ, ngồi canh cho những hoạt động của chiến sĩ cách mạng, dần dần Mẹ đã tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh:
“Chợ xa, Mẹ gánh mớ rau xanh
Thêm bó truyền đơn gọi đấu tranh
Bãi cát vàng thau in bóng mẹ
Chiều về…Hòn Nẹ…biển reo quanh!”
Mẹ Tơm gợi nhớ đến nhân vật Nhilopna trong tiểu thuyết “Người mẹ” của Macxim Go-rơ-ki. Hai người Mẹ đều bắt đầu từ tự phát đến tự giác đấu tranh. Và đều có những hành động anh hùng, bất khuất.
Nhà thơ tưởng niệm mẹ Tơm bằng một “nén hương thơm” và triết lí sâu sắc ngợi ca người Mẹ tình nghĩa mà anh hùng:
“Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi
Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi
Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời!
Đốt nén hương thơm mát dạ Người
Hãy về vui chút, mẹ Tơm ơi!
Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới
Phấp phới buồm giong, nắng biển khơi”
Thành công lớn nhất của bài thơ là đã tái hiện được hình ảnh mẹ Tơm. Người mẹ nghèo khổ sống lặng lẽ âm thầm nhưng giàu lòng thương yêu và son sắt thuỷ chung với cách mạng. Từ người mẹ thật ngoài đời đã bước vào trong thơ thành nhân vật lí tưởng của thi nhân. Tượng đài người mẹ anh hùng mà tình nghĩa dược hiện lên trong âm nhạc hoài niệm và ngợi ca nên có sức ngân vang mãi trong lòng người đọc.


- Đề thi học kì 2 Văn 11 - Đề số 7
- Đề thi học kì 2 Văn 11 - Đề số 6
- Đề thi học kì 2 Văn 11 Kết nối tri thức - Đề số 5
- Đề thi học kì 2 Văn 11 Kết nối tri thức - Đề số 4
- Đề thi học kì 2 Văn 11 Kết nối tri thức - Đề số 3
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 11 - Kết nối tri thức - Xem ngay