Đề thi giữa kì 2 Văn 11 Kết nối tri thức - Đề số 6>
Đề thi giữa kì 2 Văn 11 bộ sách kết nối tri thức đề số 6 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU:
Đọc kĩ văn bản sau và trả lời câu hỏi:
NHỮNG NỖI LÒNG TÊ TÁI *
(Trích Truyện Kiều)
Lầu xanh mới rủ trướng đào,
Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người.
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh. (1)
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân?
Mặc người mưa Sở, mây Tần, (2)
Riêng mình nào biết có xuân là gì?
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!
Đòi phen nét vẽ câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.
Thờ ơ gió trúc mưa mai,
Ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân.
Ôm lòng đòi đoạn xa gần,
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau!
Dặm nghìn nước thẳm non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này.
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Mối tình đòi đoạn vò tơ,
Giấc hương quan luống lần mơ canh dài.
Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.
Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân.
Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!
Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng
Chú thích:
* Tên đoạn trích: Do GS.TS Trần Đình Sử đặt
- Đoạn trích: Đây là đoạn thơ miêu tả tâm trạng đau đớn, ê chề của Thúy Kiều sau khi buộc phải tiếp khách ở lầu xanh.
Khi biết rơi vào lầu xanh, Kiều đã tự tử, nhưng không chết. Định liều chạy trốn theo Sở Khanh nhưng lại bị lừa, bị đánh đập tàn nhẫn, cuối cùng phải tiếp khách.
(1) Tống Ngọc, Trường Khanh: Tống Ngọc, người nước Sở đời Xuân Thu; Tràng Khanh tức Tư Mã Tương Như, người đời nhà Hán. Tống Ngọc và Trường Khanh, cả hai đều có tài văn học và cũng đều đẹp trai, lãng mạn, đa tình. Tác giả mượn hai nhân vật này, chủ yếu nói lên sự tiếp khách của Kiều đối với đối tượng nào. Vì sớm tối, Kiều phải tiếp khách nhưng toàn là khách phong lưu tài tử (như Tống Ngọc, Tràng Khanh), chớ không phải khách tầm thường. Và cũng do đó, nhờ Kiều mà thanh lâu của mụ Tú Bà càng nổi tiếng, càng đắt khách
(2) Mây Sở mưa Tần: tác giả Truyện Kiều mượn cái tính chất của bọn đầu cơ chính trị để nói đến cái tính chất của khách làng chơi từ xa đâu đâu đến, ý nói về khách làng chơi ở khắp nơi đến để thỏa mãn thú vui và thanh toán sòng phẳng cho Tú Bà.
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1. Không gian mở đầu đoạn trích là không gian như thế nào? Không gian ấy có gì đối lập với tâm trạng của Thúy Kiều?
Câu 2. Từ nội dung chính của đoạn trích trong phần chú thích và câu trả lời ở câu hỏi 1, em hãy cho biết đoạn trích trên có thể chia bố cục như thế nào?
Câu 3. Em hiểu thế nào về câu thơ:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!
Câu thơ này đã thể hiện rõ một bút pháp miêu tả tâm lí đặc sắc của Nguyễn Du, đó là bút pháp nào? Hãy trình bày cách hiểu của em về bút pháp nghệ thuật đó
Câu 4. Lựa chọn một đoạn miêu tả tâm trạng của Kiều trong đoạn trích và phân tích
Câu 5. Viết đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu, phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo được Nguyễn Du thể hiện trong đoạn trích trên
II. VIẾT
Viết bài văn khoảng 2/3 trang giấy phân tích, đánh giá đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Những nỗi lòng tê tái trên.
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Đáp án
Câu 1. Không gian mở đầu đoạn trích là không gian như thế nào? Không gian ấy có gì đối lập với tâm trạng của Thúy Kiều? |
Phương pháp:
Đọc tác phẩm, tổng hợp nội dung.
Lời giải chi tiết:
- Không gian được miêu tả:
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.
→ Một không khí thật là náo nhiệt, ồn ào, bận rộn, đúng như một cảnh làm ăn rất thịnh vượng nơi thị thành.
- Tâm trạng của Kiều: Tâm trạng triền miên trong chuỗi ngày tiếp khách. Ngày tháng chỉ là một sự chồng chất và kéo dài. Nỗi lòng Kiều hiện lên những lúc vắng vẻ, khi xong việc tự đối diện với chính mình. Đó là nỗi đau thầm kín đằng sau các hoạt động tiếp khách.
Câu 2. Từ nội dung chính của đoạn trích trong phần chú thích và câu trả lời ở câu hỏi 1, em hãy cho biết đoạn trích trên có thể chia bố cục như thế nào? |
Phương pháp:
Đọc, phân tích, tổng hợp.
Lời giải chi tiết:
Có thể chia bố cục theo tâm trạng của Kiều:
- Đoạn 1 (Từ đầu đến “Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh”): Giới thiệu không gian chung và hoàn cảnh của Kiều.
- Đoạn 2 (Tiếp theo đến “Riêng mình nào biết có xuân là gì?”): Nỗi thương thân, xót thân, tiếc thân.
- Đoạn 3 (Tiếp theo đến “Ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân.”): Nỗi buồn và bẽ bàng, cô đơn một mình
- Đoạn 4 (Tiếp theo đến “Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”): Nỗi nhớ cha mẹ, người yêu và mối tình của Vân và Trọng.
- Đoạn cuối (Còn lại): Tình cảm đay nghiến số phận, oán trách số phận, lên án sự bất công của tạo hóa
Câu 3. Em hiểu thế nào về câu thơ: Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ! Câu thơ này đã thể hiện rõ một bút pháp miêu tả tâm lí đặc sắc của Nguyễn Du, đó là bút pháp nào? Hãy trình bày cách hiểu của em về bút pháp nghệ thuật đó |
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Lời giải chi tiết:
- Cách hiểu về câu thơ: Cảnh vật bị chi phối bởi tâm trạng, nếu tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc nhìn đâu cũng thấy cảnh đẹp, ngược lại nếu tâm trạng chán chường, mệt mỏi thì chỉ thấy cảnh vật ủ dột, đau thương. Kiều đang trải qua những tháng ngày tồi tệ, đau đớn vậy nên cảnh đẹp hay không khí có náo nhiệt thế nào đối với nàng cũng chỉ là sầu thảm
- Bút pháp: Tả cảnh ngụ tình, cảnh là công cụ nhưng mục đích là miêu tả tâm trạng, nội tâm bên trong
Câu 4. Lựa chọn một đoạn miêu tả tâm trạng của Kiều trong đoạn trích và phân tích |
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Lời giải chi tiết:
(Tham khảo đoạn phân tích của GS. TS Trần Đình Sử)
Kiều không chỉ đau cho mình. Nàng đau đớn thương xót người thân. Nàng là người con có hiếu, có nghĩa, có tình, cho nên:
Ôm lòng đòi đoạn xa gần,
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau!
Trước hết là nàng nhớ cha mẹ ngày một già, thương cha mẹ không có người chăm nom. Nhưng thương nhất là câu này:
Dặm nghìn nước thẳm non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này.
Cha mẹ bao giờ cũng mong con hạnh phúc, gửi gắm hy vọng vào con, thế mà thân phận con đã thay đổi ô nhục, cha mẹ xa xôi không biết mà đau lòng!
Thứ hai là thương người tình và mong em gái thay mình lấy chàng:
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Cuối cùng là nỗi lòng nhớ về quê hương của người con lưu lạc:
Mối tình đòi đoạn vò tơ,
Giấc hương quan luống lần mơ canh dài.
Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.
Nhà thơ đã hai lần nhắc đến từ “đòi đoạn” – nỗi đau tan nát. Có lẽ nói những nỗi lòng tan nát hợp hơn là những nỗi lòng tê tái chăng ? Trong nỗi lòng Kiều, nổi lên tình cảm đau đớn vì tha hương lưu lạc và cảm giác thời gian kéo dài nặng nề vô nghĩa.
Câu 5. Viết đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu, phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo được Nguyễn Du thể hiện trong đoạn trích trên |
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Lời giải chi tiết:
- Hình thức: Đoạn văn khoảng 12 câu, theo đúng cấu trúc đoạn (diễn dịch hoặc quy nạp hoặc tổng phân hợp)
- Nội dung:
Giá trị hiện thực:
+ Số phận đầy nghiệt ngã của người phụ nữ khi bị bán vào lầu xanh, không thể quyết định được số phận của mình.
+ Xã hội trọng nam khinh nữ, người phụ nữ bị bán rẻ, coi khinh và chỉ là thú vui cho những tay làng chơi chà đạp
Giá trị nhân đạo:
+ Thương cảm, xót xa cho số phận của Thúy Kiều.
+ Trân trọng vẻ đẹp đức hạnh của nàng (vẫn luôn hiếu thảo, chung tình và hướng về gia đình).
PHẦN II – LÀM VĂN (4 điểm)
Viết bài văn khoảng 2/3 trang giấy phân tích, đánh giá đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Những nỗi lòng tê tái trên.
Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập văn bản.
Lời giải chi tiết:
a. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Những nỗi lòng tê tái
b. Phân tích:
1. Hoàn cảnh, không khí nơi Kiều bị bán gả vào lầu xanh:
Kiều là một cô gái đẹp, cho nên ngày tiếp khách của nàng trở thành ngày hội của lầu xanh đối với mọi khách làng chơi :
Lầu xanh mới rủ trướng đào,
Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người.
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.
Một không khí thật là náo nhiệt, ồn ào, bận rộn, đúng như một cảnh làm ăn rất thịnh vượng nơi thị thành.
Nhưng đó chỉ là bề ngoài, nó hoàn toàn tương phản với những nỗi lòng tê tái của nhân vật. Nguyễn Du rất biết khai thác các tương phản để miêu tả nỗi lòng, biết phân tích sự khác biệt bề ngoài và bề trong. Phải hiểu cái bề trong tâm hồn mới hiểu được phẩm giá của Kiều.
Cả đoạn thơ này tác giả không miêu tả cảm xúc của Thúy Kiều trong một thời điểm nào, một buổi nào, một ngày nào, mà miêu tả một tâm trạng triền miên trong chuỗi ngày tiếp khách. Ngày tháng chỉ là một sự chồng chất và kéo dài. Nỗi lòng Kiều hiện lên những lúc vắng vẻ, khi xong việc tự đối diện với chính mình. Đó là nỗi đau thầm kín đằng sau các hoạt động tiếp khách. Ở đây sự miêu tả kết hợp với thuật theo bút pháp tự (kể) tình. Tác giả lần lượt kể và tả những nỗi lòng tê tái.
2. Diễn biến tâm trạng của Kiều
* Thứ nhất là nỗi thương thân, xót thân, tiếc thân
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân?
Mặc người mưa Sở, mây Tần,
Riêng mình nào biết có xuân là gì?
Hai tiếng “giật mình” rất hay, nó nói lên cái thần của con người những lúc ngẫm lại những thay đổi quá lớn.
Ba chữ “mình” trong một câu nói lên sự cùng cực cô đơn: mụ chủ chỉ biết tiền, khách chơi chỉ biết sắc, ai biết
cho một con người tan nát ?! Nổi lên trên hết là sự nuối tiếc một phẩm giá bị giày xéo. Hình ảnh “phong gấm rủ là” nói lên hình ảnh của tấm thân vàng ngọc, được khoác áo gấm, rủ bức là, tức tấm thân bọc trong nhung lụa, quý báu, thế mà nay như hoa giữa đường, ai qua lại cũng xéo lên tàn nhẫn!
* Thứ hai là ghê tởm chính bản thân mình: con người khuê các vốn kín đáo, e thẹn, nay đã thành “dày gió dạn sương”, “bướm chán ong chường”. “Bướm chán ong chường” không phải là nói khách chơi chán chường Kiều, mà nói chính Kiều chán chường bản thân mình, sao lại trở thành con người tiếp khách trơ trẽn, vô liêm sỉ như thế được ? Từ đây Kiều chỉ sống như một món hàng, một thứ đồ chơi, không sống như một con người nữa. Nhiều sách chép câu “Riêng mình nào biết có xuân là gì” thành “Những mình nào biết có xuân là gì”.
Chữ “những” có lẽ đúng hơn, hợp hơn. Đó là “những như mình”, như loại mình... bao hàm cái ý chán mình ở trong ấy.
* Thứ ba là nỗi buồn và bẽ bàng:
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.
Cảnh quả là rất nên thơ, mà lòng nàng ủ dột:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!
Đòi phen nét vẽ câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.
Cảnh quả là vui thú, tao nhã, phong lưu, nhưng đối với Kiều chỉ là vui gượng: “Ai tri âm đó, mặn mà với ai” ? Đó chẳng qua là các trò chơi để giết thì giờ, không mảy may ý nghĩa.
* Thứ tư là sự cô đơn, đau đớn một mình:
Thờ ơ gió trúc mưa mai,
Ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân.
Những nỗi lòng thương thân, xót thân, chán mình, buồn khổ cô đơn, vui gượng gạo như thế đã chứng tỏ mạnh mẽ Kiều là một con người có phẩm giá, không phải người tà dâm, lấy việc tiếp khách làm vui.
Nhưng Kiều không chỉ đau cho mình. Nàng đau đớn thương xót người thân. Nàng là người con có hiếu, có nghĩa, có tình, cho nên:
Ôm lòng đòi đoạn xa gần,
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau!
Trước hết là nàng nhớ cha mẹ ngày một già, thương cha mẹ không có người chăm nom. Nhưng thương nhất là câu này :
Dặm nghìn nước thẳm non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này.
Cha mẹ bao giờ cũng mong con hạnh phúc, gửi gắm hy vọng vào con, thế mà thân phận con đã thay đổi ô nhục, cha mẹ xa xôi không biết mà đau lòng! Thứ hai là thương người tình và mong em gái thay mình lấy chàng:
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Cuối cùng là nỗi lòng nhớ về quê hương của người con lưu lạc:
Mối tình đòi đoạn vò tơ,
Giấc hương quan luống lần mơ canh dài.
Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.
Nhà thơ đã hai lần nhắc đến từ “đòi đoạn” – nỗi đau tan nát. Có lẽ nói những nỗi lòng tan nát hợp hơn là những nỗi lòng tê tái chăng ? Trong nỗi lòng Kiều, nổi lên tình cảm đau đớn vì tha hương lưu lạc và cảm giác thời gian kéo dài nặng nề vô nghĩa.
Cuối cùng , kết thúc đoạn thơ này là một tình cảm đay nghiến số phận, oán trách số phận, bề ngoài có vẻ cam chịu, mà bên trong là một sự lên án bất công của tạo hóa :
Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân.
Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!
Sao lại có cái thứ cân bằng lạ lùng như vậy
Sao lại phải chịu sỉ nhục một lần như vậy? Đó chẳng phải là sự bất công vô lý của tạo hóa, của số phận hay sao?
Đoạn thơ này độc đáo nhất là việc sử dụng ngôn ngữ trong miêu tả. Nhà thơ đã dùng nhiều phép sóng đôi, nhiều tiểu đối để miêu tả thời gian kéo dài và sự việc lặp lại: cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm, sớm đưa, tối tìm, khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, khi sao, giờ sao, đòi phen, đòi phen... Hay nhất là câu :
Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng
hết hoàng hôn này lại tiếp đến hoàng hôn khác. Chữ “đã” nói lên rằng ngày tháng của Kiều chỉ là hoàng hôn nối tiếp hoàng hôn, cơ hồ không có ban ngày. Một sự thay đổi nhỏ, “hoàng hôn” thành “hôn hoàng”, có vẻ như là khác, nhưng thực ra là giống hệt nhau ! Một chuỗi dài của những ban đêm !
3. Nghệ thuật đặc sắc
- Sử dụng từ ngữ:
+ Để miêu tả những cảnh tầm thường, dung tục, tác giả chỉ gợi qua các cụm từ được cấu tạo đặc biệt:
– bướm lả ong lơi
– lá gió cành chim
– bướm chán, ong chường
– mưa Sở, mây Tần
– gió tựa, hoa kề.
Nếu nói ong bướm lả lơi thì có thể chỉ việc xảy ra một lần. Đảo lại thành ra nhiều lần. Bướm chán, ong chường cũng thế. Lá gió cành chim, gió tựa hoa kề đều chỉ các sự trăng gió, nhưng cách nói mới lạ và đa dạng, lại tao nhã.
+ Để thể hiện cảm thức lưu lạc nhà thơ cực tả sự xa xôi:
– Dặm nghìn, nước thẳm, non xa...
– Xa xôi ai có thấu tình chăng ai.
– Song sa vò võ phương trời...
→ Nguyễn Du không chỉ kể, tả mà còn gợi, tạo cảm giác cho người đọc. Đây là đoạn văn tài hoa, tiêu biểu cho nghệ thuật tả tâm trạng của Truyện Kiều.
Loigiaihay.com
- Đề thi giữa kì 2 Văn 11 Kết nối tri thức - Đề số 7
- Đề thi giữa kì 2 Văn 11 Kết nối tri thức - Đề số 8
- Đề thi giữa kì 2 Văn 11 Kết nối tri thức - Đề số 5
- Đề thi giữa kì 2 Văn 11 Kết nối tri thức - Đề số 4
- Đề thi giữa kì 2 Văn 11 Kết nối tri thức - Đề số 3
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 11 - Kết nối tri thức - Xem ngay