Đề ôn hè Văn 6 lên 7 - Đề 7


Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi: ĂN TRỘM TÁO

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

ĂN TRỘM TÁO

  Ba con Xin là ông Xung hành nghề hốt thuốc Bắc. Nhà ông có dãy tủ gỗ mít đen bóng ốp sát tường, ngăn kéo san sát. Mỗi lần đến nhà con Xin, chạy nhảy ngoài sân chán tôi lại vào nhà xem ông hốt thuốc.

  Trước tiên ông nghiêm nghị bắt mạch người bệnh với ba ngón tay, sau đó hỏi han đủ thứ, rồi ông vạch mí mắt người bệnh ra xem, bắt người bệnh thè cả lưỡi ra nữa. Những lúc đó trông ông rất oai, như một ông vua, bảo làm gì là khách nghe theo răm rắp.

  Nhưng tôi vào nhà không phải để xem ông khám bệnh. Tôi hồi hộp đợi tiết mục tiếp theo. Đó là lúc ông hốt thuốc.

  Ông mở ngăn kéo này, hốt một nắm vỏ quýt, mở ngăn kéo kia hốt một nắm cam thảo. Có vô số ngăn như vậy, mỗi ngăn chứa một loại thảo dược khác nhau.

  Sau khi hốt đủ các vi thuốc cần thiết, cuối cùng bao giờ ông cũng bắc ghế trèo lên thò tay vào ngăn trên cùng, bốc vài quả táo Tàu cho vào thang thuốc.

  Qủa táo Tàu to bằng cái ngon tay cái, khô quắt queo và đen thùi lùi nhưng cắn vào nghe sừng sực và ngọt lịm, con nít đứa nào cũng mê tơi.

  Lần nào cũng vậy, thấy tôi đứng thập thò sau quầy ngăn giương cặp mắt thèm thuồng ra nhìn ông, thế nào ông Xung cũng lấy thêm một quả táo chìa ra trước mặt tôi, vui vẻ:

- Bác cho con nè.

  Trăm lần như một, hễ tôi có mặt lúc ba con Xin hốt thuốc bao giờ tôi cũng có phần.

  Nhưng không phải lúc nào ông Xung cũng có khách. Những lúc đó, thèm táo quá, tôi nhìn dáo dác không thấy ai liền đánh liều bắc ghế trèo lên các ngăn tủ. Ngăn đựng táo quá cao, tôi phải chồng một lúc ba cái ghế mới với tới.

  Ba lần ăn vụng táo đều trót lọt.

  Tới lần thứ tư, tôi kiễng chân mạnh quá, chồng ghế lộn nhào hất tôi lăn kềnh dưới nền nhà, ê ẩm cả người.

  Sợ ông Xung nghe tiếng động chạy ra, tôi nén đau tập tễnh chuồn ra trước sân, rồi chân thấp chân cao vù thẳng một mạch về nhà.

  Hôm sau gặp con Xin trên lớp, mặt tôi cứ lấm la lấm lét. Tôi chờ nó chửi tôi là đồ ăn vụng. Ghét tôi, nó quàng ba chữ “đồ trộm cắp” lên đầu tôi, tôi chỉ có khóc.

  Nhưng tôi rình nó suốt cả buổi sáng, chẳng thấy nó có thái độ gì khác lạ. Con Xin vẫn nói cười tỉnh bơ, cứ như thể nhà nó chưa từng có trộm đột nhập. Chắc là ông Xung không biết tôi đã vào nhà trộm táo. Nhìn thấy mấy chiếc nghế đồ chồng kềnh, chắc ông nghĩ do bọn chó mèo gây ra. Tôi thở phào nhẹ nhõm và vài ngày sau tôi lại lơn tơn mò sang nhà nó.

   Chơi u, chơi cướp cờ với tụi bạn chán, đến trò trốn tìm tôi nhìn quanh không thấy đứa nào đề ý lại chui tọt vào nhà.

   Phòng khám của ông Xung vắng hoe, ba chiếc ghế con xếp thành một hàng ngay ngắn trong góc.

   Tôi liếc lên dãy ngăn kéo im lìm, phân vân không biết có nên bắc ghế leo lên một lân nữa không.

   Đang lưỡng lự, ánh mắt tôi chợt chạm phải một ngăn kéo dưới thấp và lập tức mắc kẹt luôn ở đó.

   Đó là ngăn kéo duy nhất có dán nhãn bên ngoài, độc một chữ “TÁO”.

   Trong một phút, không khí chung quanh tôi như đông cứng lại, mọi âm thanh xôn xao vọng vào từ ngoài sân đột ngột tắt ngấm trong tai tôi.

   Tất cả những gì tôi nghe thấy trong lúc đó là tiếng trái tim tôi đang nện thình thịch trong lồng ngực, không, không phải lồng ngực, nó đang đập binh binh ở chỗ nào khác, thập hơn, có thể trái tim tôi vừa rơi xuống một chỗ nào đó gần dạ dày.

   Tay chân tôi tê liệt có đến một lúc. Đến khi cử động được, điều đuy nhất tôi có thể làm là vùng chạy ra khỏi nhà con Xin. Chạy tuốt ra đường. Xa thật xa. Tôi cảm thây xấu hỗ, cứ như thể tôi vừa bị bắt quả tang thò tay vào ngăn kéo, mặc dù tôi biết ba con Xin không trách cứ gì tôi. Thậm chí ông cố tình đổi ngăn kéo đựng táo xuống phía dưới và ghi rõ chữ “TÁO” bên ngoài để tôi có thể dễ dàng lấy trộm.

    Ông “vẽ đường cho hươu chạy” chẳng qua ông sợ tôi té ngã khi phải bắc ghế trẻo lên cao.

   Nhưng kể từ hôm đó tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện lây trộm táo của ông nữa, chẳng hiểu tại sao!

(Nguyễn Nhật Ánh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, NXB Trẻ, 2010)

Câu 1. Truyện có những nhân vật nào?

Câu 2. Nhân vật nào là nhân vật chính?

Câu 3. Tìm trong đoạn sau những chi tiết miêu tả ý nghĩ, cảm nhận của nhân vật “tôi”:

   Trong một phút, không khí chung quanh tôi như đồng cứng lại, mọi âm thanh xôn xao vọng vào từ ngoài sân đột ngột tắt ngấm trong tai tôi.

  Tất cả những gì tôi nghe thấy trong lúc đó là tiếng trái tim tôi đang nện thình thịch trong lồng ngực, không, không phải lồng ngực, nó đang đập binh binh ở chỗ nào khác, thập hơn, có thể trái tim tôi vừa rơi xuống một chỗ nào đó gần dạ dày.

   Tay chân tôi tê liệt có đến một lúc. Đến khi cử động được, điều đuy nhất tôi có thể làm là vùng chạy ra khỏi nhà con Xin. Chạy tuốt ra đường. Xa thật xa.  Tôi cảm thấy xấu hỗ, cứ như thể tôi vừa bị bắt quả tang thò tay vào ngăn kéo, mặc dù tôi biết ba con Xin không trách cứ gì tôi. Thậm chí ông cố tình đổi ngăn kéo đựng táo xuống phía dưới và ghi rõ chữ “TÁO” bên ngoài để tôi có thể dễ dàng lấy trộm.

Câu 4. Những chi tiết đó góp phần thể hiện nét tính cách gì của nhân vật?

Câu 5. Hành động viết chữ “TÁO” lên ô thuốc và để xuống vị trí thấp hơn chỗ cũ thể hiện phẩm chất gì của ông Xung?

II. VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nghệ thuật kể chuyện bằng ngôi kể thứ nhất trong văn bản “Ăn trộm táo” và hiệu quả của việc lựa chọn ngôi kể này đối với việc thể hiện nội dung và cảm xúc truyện.

Câu 2 (4.0 điểm)

Hãy viết một bài văn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ của em về vai trò của lòng yêu thương trong cuộc sống.

Lời giải chi tiết

Phần I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1

Phương pháp giải:

Đọc và xác định các nhân vật xuất hiện trong đoạn trích

Lời giải chi tiết:

Truyện có những nhân vật như: “tôi”, Xin, ông Xung

Câu 2

Phương pháp giải:

Xác định nhân vật chính, nhân vật trung tâm của truyện

Lời giải chi tiết:

Nhân vật chính là nhân vật “tôi”, vì các sự việc trong truyện đều xoay quanh nhân vật “tôi”

Câu 3

Phương pháp giải:

Đọc và xác định các chi tiết

Lời giải chi tiết:

Một số chi tiết miêu tả ý nghĩ và hành động của nhân vật “tôi”:

- Miêu tả ý nghĩ:

+ “Tiếng trái tim tôi đang nện thình thịch trong lồng ngực”

+ “Tay chân tôi tê liệt có đến một lúc”

+ “Cảm thấy xấu hổ”

- Miêu tả hành động:

+ “Vùng chạy ra khỏi nhà con Xin. Chạy tuốt ra đường”

+ “Bị bắt quả tang thò tay vào ngăn kéo”

Câu 4

Phương pháp giải:

Từ các chi tiết rút ra tính cách của nhân vật

Lời giải chi tiết:

Những chi tiết này cho thấy nhân vật “tôi” có nét tính cách của trẻ con: ngây thơ, hồn nhiên.

Câu 5

Phương pháp giải:

Từ các chi tiết rút ra tính cách của nhân vật

Lời giải chi tiết:

Những chi tiết đó thể hiện tính cách:

- Lòng nhân hậu, thương người của ông Xung.

- Sự thấu hiểu tâm lí nhân vật “tôi” của ông Xung nên có cách giáo dục nhân vật “tôi” nhận ra lỗi lầm một cách tế nhị.

- Niềm tin của ông Xung vào bản chất lương thiện của nhân vật “tôi”.

PHẦN II. VIẾT

Câu 1

Phương pháp giải:

Xác định ngôi kể và hiệu quả nó mang lại

Vận dụng thao tác lập luận, phân tích

Lời giải chi tiết:

1. Mở đoạn

- Giới thiệu văn bản “Ăn trộm táo” là một truyện ngắn nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về tâm lý trẻ thơ.

- Một trong những nghệ thuật nổi bật là cách kể chuyện bằng ngôi thứ nhất.

2. Thân đoạn

- Ngôi kể “tôi” giúp câu chuyện được kể từ góc nhìn trực tiếp của người trong cuộc – một đứa trẻ, khiến truyện trở nên tự nhiên, hồn nhiên và chân thực.

- Cách kể này thể hiện rõ diễn biến tâm lý: từ háo hức, hồi hộp, ăn trộm táo một cách vô tư, đến hối lỗi, xấu hổ và cuối cùng là tự thức tỉnh.

- Giọng kể ngây thơ, pha chút hài hước nhưng đầy xúc động, giúp người đọc đồng cảm và hồi tưởng về tuổi thơ.

- Qua đó, tác giả không cần lời giảng đạo vẫn truyền tải bài học nhẹ nhàng về lòng tự trọng và sự tử tế.

3. Kết đoạn

- Việc lựa chọn ngôi kể thứ nhất góp phần làm nên sức hấp dẫn, cảm xúc và chiều sâu nhân văn của truyện.

- Đây là một lựa chọn nghệ thuật tinh tế, phù hợp với nội dung truyện về thế giới trẻ thơ.

Câu 2

Phương pháp giải:

Xác định vấn đề cần bàn luận

Liên hệ thực tế

Vận dụng thao tác lập luận, kĩ năng viết bài

Lời giải chi tiết:

1. Mở bài

- Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần bàn luận: vai trò của lòng yêu thương trong cuộc sống.

2. Thân bài

a. Giải thích khái niệm:

- Lòng yêu thương là tình cảm chân thành, biết quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh khó khăn hoặc đau khổ.

- Lòng yêu thương có thể được thể hiện qua hành động nhỏ như giúp bạn nhặt sách, nhường ghế cho người già, hay nói lời tử tế.

b. Vai trò của lòng yêu thương:

- Giúp kết nối con người, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.

- Góp phần tạo nên một xã hội nhân ái, đoàn kết, tránh xung đột, thù hận.

- Giúp bản thân người thể hiện lòng yêu thương trở nên hạnh phúc, được yêu quý và tôn trọng.

- Là động lực để con người vượt qua khó khăn, bởi ai cũng cần sự quan tâm, động viên.

c. Dẫn chứng thực tế:

- Trong đại dịch, rất nhiều bác sĩ, tình nguyện viên đã giúp đỡ người khác không màng nguy hiểm – đó là biểu hiện cao đẹp của lòng yêu thương.

- Hằng ngày, học sinh giúp đỡ bạn bè, thầy cô tận tình dạy dỗ – cũng là những biểu hiện giản dị của tình yêu thương.

d. Mở rộng vấn đề/ Phản đề

- Phê phán những người sống vô cảm, ích kỷ, thờ ơ trước nỗi đau của người khác, khiến xã hội trở nên lạnh lẽo.

- Cần rèn luyện lòng yêu thương đi kèm với sự tỉnh táo và đúng lúc, tránh cả tin hay bị lợi dụng.

3. Kết bài

- Khẳng định lại vai trò quan trọng của lòng yêu thương trong cuộc sống.

- Nêu bài học: Là học sinh, em cần học cách sống yêu thương từ những việc nhỏ nhất – để bản thân tốt hơn và góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
  • Đề ôn hè Văn 6 lên 7 - Đề 8

    Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai nông thôn hiền lành, khỏe mạnh tên là Khoai đi cày thuê, cuốc mướn cho vợ chồng ông phú hộ. Hai người này vì muốn lợi dụng chàng trai, làm việc không phải trả tiền nên đã hứa: "Mày chịu khó làm lụng cho ta, ba năm nữa tao sẽ gả đứa con gái xinh đẹp của tao cho”.

  • Đề ôn hè Văn 6 lên 7 - Đề 9

    Thuở xưa có một ông vua cao tuổi mà không có con cái nên muốn tìm người nối ngôi. Vua ra lệnh phát cho mỗi người dân một thúng thóc về gieo và giao hẹn: Ai thu được nhiều thóc nhất sẽ được truyền ngôi và ai không có thóc sẽ bị trừng phạt.

  • Đề ôn hè Văn 6 lên 7 - Đề 10

    Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi: BỐ TÔI Tôi đi học dưới đồng bằng. Còn bố tôi, từ núi đồi hiểm trở, ông luôn dõi theo tôi.

  • Đề ôn hè Văn 6 lên 7 - Đề 6

    Tương truyền ở một làng Ba Na thượng nguồn sông Côn từ ngàn xưa đã có một thanh gươm lạ […]. Lưỡi gươm cắm sâu sừng sững trên một tảng đá lớn nằm ven đường dẫn đến làng. Trải bao mưa nắng, lưỡi gươm vẫn sáng chói, không hề hoen rỉ.

  • Đề ôn hè Văn 6 lên 7 - Đề 5

    […] (1) Ông đã đi tìm con nhỏ gần mười hai năm. Lúc Cải mười ba tuổi, một bữa mê chơi làm mất đôi trâu, sợ đòn, nó trốn nhà. Cả nhà tong tả đi tìm nhưng mãi con nhỏ không quay lại. Vợ ông ôm cái áo con Cải khóc, bảo chắc là ông để bụng chuyện nó là con của chồng trước nên ngược đãi, hà khắc, đuổi xua.

>> Xem thêm

Tham Gia Group Dành Cho Lớp 6 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí