Bài 30. Thực hành: Tìm hiểu địa lí địa phương - SGK Địa lí 12 Cánh diều>
Viết báo cáo giới thiệu địa lí địa phương về chủ đề: Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ và sự phân chia hành chính.
? Chủ đề 1
Chủ đề 1 trang 167 SGK Địa lí 12, Cánh diều
Viết báo cáo giới thiệu địa lí địa phương về chủ đề:
Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ và sự phân chia hành chính.
Phương pháp giải:
Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 166 – 167 và liên hệ thực tiễn.
Lời giải chi tiết:
VD: Tỉnh Thanh Hóa
Thanh Hóa thuộc Bắc Trung Bộ, có toạ độ địa lí như sau: Điểm cực Bắc: 20°40’B (tại xã Tam Chung – huyện Quan Hoá); Điểm cực Nam: 19°18’B (tại xã Hải Thượng – Tĩnh Gia); Điểm cực Đông: 106°04’Đ (tại xã Nga Điền – Nga Sơn); Điểm cực Tây: 104°22’Đ (tại chân núi Pu Lang – huyện Quan Hóa).
Thanh Hoá có lãnh thổ rộng lớn khoảng 11.129,48 km2, là tỉnh có diện tích lớn thứ 5 trong cả nước. Phía Bắc giáp 3 tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Ninh Bình với đường ranh giới dài 175km. Phía Nam giáp Nghệ An với đường ranh giới dài 160 km. Phía Đông giáp biển Đông với chiều dài đường bờ biển 102 km. Phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào với đường biên giới dài 192km.
Hiện nay, Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 24 huyện, cụ thể:Thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn và các huyện Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Yên Định, Tĩnh Gia, Nông Cống, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát.
Bản đồ hành chính tỉnh Thanh Hóa
? Chủ đề 2
Chủ đề 2 trang 167 SGK Địa lí 12, Cánh diều
Viết báo cáo giới thiệu địa lí địa phương về chủ đề:
Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.
Phương pháp giải:
Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 166 – 167 và liên hệ thực tiễn.
Lời giải chi tiết:
VD: Tỉnh Thanh Hóa
Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tỉnh Thanh Hóa có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Địa hình và đất: Thanh Hóa có diện tích khoảng hơn 11000 km². Địa hình của Thanh Hóa rất phong phú, đa dạng, từ dãy núi đá vôi hoang sơ ở phía tây, đến các đồng bằng ven biển ở phía đông. Phía tây và tây bắc của Thanh Hóa là các dãy núi cao, đỉnh cao nhất ở Thanh Hóa là Pù Luông. Phía đông và đông bắc của Thanh Hóa có các đồng bằng ven biển, có độ cao trung bình chỉ từ 2-10m so với mực nước biển. Địa hình đa dạng là điều kiện để Thanh Hoá phát triển các ngành nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện và cho phép chuyển dịch cơ cấu dễ dàng trong nội bộ từng ngành. Nhiều cảnh quan đẹp kết hợp giữa rừng - biển - đồng bằng là điều kiện để phát triển du lịch, dịch vụ. Độ cao chênh lệch giữa các vùng miền núi, trung du, đồng bằng với nhiều hệ thống sông suối, tạo ra tiềm năng thuỷ điện khá phong phú…
Khí hậu: Vị trí địa lí quy định Thanh Hóa thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình khoảng 23-25°C trong năm, thấp nhất vào tháng 12 và cao nhất vào tháng 7. Trên các vùng núi cao, nhiệt độ trung bình chỉ vào khoảng 17-19°C, trong khi đó, vùng đồng bằng và các địa phương ven biển có nhiệt độ cao hơn, đạt khoảng 26-27°C. Khí hậu Thanh Hóa có hai mùa chính là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 của năm sau, trong khi mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Lượng mưa lớn, nhiệt độ cao, ánh sáng dồi dào là các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông lâm ngư nghiệp. Với chế độ nhiệt ẩm như vậy, đồng thời do sự phân dị phức tạp về địa hình mà Thanh Hoá có nhiều vùng có chế độ vi khí hậu khác nhau, tạo điều kiện phát triển các cây trồng nhiệt đới và cả các cây trồng á nhiệt đới, tạo nên sự đa dạng của hệ thống cây trồng. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh vùng núi phía Bắc có mùa đông lạnh, khí hậu vùng núi Thanh Hoá cũng thường xuất hiện các hiện tượng thời tiết đặc biệt như sương muối, sương giá vào mùa đông, bão, lụt, áp thấp nhiệt đới về mùa mưa và hạn hán về mùa khô, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp và đời sống con người. Các khu vực ven biển thường xuyên bị ảnh hưởng bởi gió mùa và gió bão.
Nguồn nước: Thanh Hoá có 5 hệ thống sông chính là sông Hoạt, sông Mã, sông Yên, sông Lạch Bạng và sông Chàng. Trong đó, sông Mã là con sông dài nhất và là đại lưu của tỉnh Thanh Hóa, chảy từ vùng núi phía Tây qua các huyện Bá Thước, Thạch Thành, Quan Hóa và đổ ra biển ở Vĩnh Lộc. Sông Mã mang lại nhiều lợi ích cho khu vực này, đó là một nguồn nước quý giá để tưới tiêu cho các cây trồng, cung cấp nước cho sản xuất điện, cũng như là nơi du lịch thu hút du khách đến với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngoài các sông tự nhiên, Thanh Hoá còn có một hệ thống các sông và kênh, mương nhân tạo. Thời phong kiến có hệ thống kênh đào nhà Lê. Thời hiện đại có hệ thống kênh của công trình thuỷ lợi đập Bái Thượng, các công trình thuỷ lợi Bắc sông Mã, Nam sông Mã, sông Quảng Châu,…Tuy nhiên, hệ thống sông ngòi của Thanh Hóa đang gặp một số vấn đề môi trường như lũ lụt, sạt lở đất và ô nhiễm nước do chất thải công nghiệp và dân dụng. Việc bảo vệ và quản lý tài nguyên sông ngòi đang là vấn đề được chú trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững cho Thanh Hóa.
Rừng: Thanh Hoá có tài nguyên rừng phong phú. Diện tích đất có rừng là 532.460 ha, trữ lượng khoảng 16,64 triệu m3 gỗ, hàng năm có thể khai thác 50000 - 60000 m3. Rừng Thanh Hoá chủ yếu là rừng cây lá rộng, có hệ thực vật phong phú đa dạng về họ, loài; có các loại gỗ quý hiếm như: lát, pơ mu, sa mu, lim xanh, táu, sến, vàng tâm, dổi, de, chò chỉ. Các loại thuộc họ tre nứa gồm có: luồng, nứa, vầu, giang, tre. Ngoài ra, còn có mây, song, dược liệu, quế, cánh kiến đỏ … Các loại rừng trồng có luồng, thông nhựa, mỡ, bạch đàn, phi lao, quế, cao su. Trong rừng có nhiều loài động vật như: hươu, nai, hoẵng, vượn, khỉ, lợn rừng, các loài bò sát và các loài chim … Đặc biệt ở vùng Tây Nam của tỉnh có rừng quốc gia Bến En, vùng Tây Bắc có các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, là những khu rừng đặc dụng, nơi tồn trữ và bảo vệ các nguồn gien động, thực vật quí hiếm.
Khoáng sản: Khoáng sản ở Thanh Hóa chủ yếu là sắt (mỏ sắt Dinh Xá có trữ lượng lớn), các mỏ vật liệu xây dựng về cát (trữ lượng lớn trên sông Chu, sông Mã), đá vôi, đá xây dựng, đá ốp lát... trữ lượng khoảng 44.179.000m3, sét gạch ngói. Ngoài ra còn sét xi măng, đá phiến sét, bột két, vật liệu chịu lửa, các mỏ nước khoáng…
Tài nguyên biển: Đường bờ biển dài 102km, Thanh Hóa có nhiều vịnh và bãi biển đẹp như Vịnh Sầm Sơn, Biển Hải Tiến Thanh Hóa, Biển Tiên Trang Quảng Xương, Bãi biển Quảng Nham. Các vịnh, bãi biển tạo điều kiện để Thanh Hóa trở thành một địa điểm du lịch biển hấp dẫn. Thanh Hóa vùng lãnh hải rộng 17.000 km2, với những bãi cá, bãi tôm có trữ lượng lớn. Dọc bờ biển có 5 cửa lạch lớn, thuận lợi cho tàu thuyền đánh cá ra vào. Đây cũng là những trung tâm nghề cá của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ. Ở vùng cửa lạch là những bãi bồi bùn cát rộng hàng ngàn ha, thuận lợi cho nuôi trồng hải sản, trồng cói, trồng cây chắn sóng và sản xuất muối. Vùng biển, ven biển đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh cũng như của đất nước, với sự ra đời của Khu kinh tế Nghi Sơn có nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng như: dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn/năm, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn công suất 1200MW.... Các hoạt động này đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP của địa phương cũng như của quốc gia. Tuy nhiên, ngoài ra việc phát triển kinh tế biển, Thanh Hóa còn phải đối mặt với nhiều rủi ro và hiểm họa như: sự xâm nhập nước biển sâu vào đất liền, xói mòn, sạt lở và bồi tụ bờ biển, bão lũ, ô nhiễm môi trường.....
? Chủ đề 3
Chủ đề 3 trang 167 SGK Địa lí 12, Cánh diều
Viết báo cáo giới thiệu địa lí địa phương về chủ đề: Dân cư và xã hội.
Phương pháp giải:
Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 166 – 167 và liên hệ thực tiễn.
Lời giải chi tiết:
VD: Thành phố Hà Nội
Thành phố Hà Nội có dân số đông dân thứ hai của cả nước, sau thành phố Hồ Chí Minh và tăng liên tục qua các năm. Năm 2021, dân số của Thành phố Hà Nội khoảng 8330,83 nghìn người (chiếm 8,46% dân số cả nước). Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 1,02%, tỉ lệ dân thành thị chiếm 49,16% dân số toàn thành phố.
Về cơ cấu dân số theo độ tuổi, theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, số người dưới 15 tuổi chiếm 23,0%, số người thuộc nhóm tuối từ 15 – 59 là 66,6%, còn số người từ 60 tuối trở lên là 10,4%.
Hà Nội là địa bàn cư trú của người Kinh (chiếm khoảng 99%), ngoài ra còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em khác, chủ yếu là người Mường (tập trung tại các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai...), người Tày, người Nùng, người Dao và một số dân tộc ít người. Mỗi dân tộc đều có những bản sắc riêng về phong tục tập quán, tín ngưỡng và kinh nghiệm sản xuất.
Thành phố Hà Nội có mật độ dân số ở Hà Nội khá cao, nhưng phân bố dân số không đồng đều; khoảng cách về dân số giữa quận và huyện, giữa thành thị và nông thôn và ngay cả giữa các huyện ngoại thành còn khá lớn với xu hướng tiếp tục gia tăng. Năm 2021, mật độ dân số của Thành phố Hà Nội là 2480 người/km2, các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng và Cầu Giấy vẫn là những nơi có mật độ dân số cao nhất Thành phố, tương ứng là 37347 người/km2; 32291 người/km2; 29589 người/km2và 23745 người/km2. Những quận mới thành lập như Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hà Đông do dân số tăng nhanh đã trở thành những địa bàn có mật độ dân cư đông đúc không thua kém các quận trung tâm.
Hà Nội có nguồn lao động dồi dào và trình độ khá cao.Hà Nội hiện đang có 4,29 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó 97,6% biết đọc biết viết, 22,1% tốt nghiệp phổ thông cơ sở, 46,7% tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Những tỷ lệ này đều cao hơn bình quân của cả nước với thứ tự là 93,5%, 21,9% và 26,4%. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, có 26,9% số người 15 tuổi trở lên đã được đào tạo; trong đó có 3,6% số người có bằng sơ cấp, 7,5% có bằng trung cấp, 2,5% có bằng cao đẳng và 13,3% có bằng đại học trở lên. Đặc biệt, trong 4,29 triệu người 15 tuổi trở lên, đã có 3,2 triệu người (chiếm 75%) đang tham gia hoạt động ở các ngành kinh tế, số người còn lại là học sinh, sinh viên, những người nội trợ, những người không có khả năng lao động và không có nhu cầu làm việc.
Như vậy, Hà Nội có nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn.Dân số trẻ nên có nguồn lao động dồi dào, có khả năng tiếp thu nhanh các kĩ thuật và công nghệ tiên tiến, là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dân cư đông và tăng nhanh đã tạo nên sức ép rất lớn đối với phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và việc nâng cao chất lượng cuộc sống của từng thành viên trong xã hội. Ngoài ra, mật độ dân số ở Hà Nội khá cao, nhưng phân bố dân số không đồng đều; khoảng cách về dân số giữa quận và huyện, giữa thành thị và nông thôn và ngay cả giữa các huyện ngoại thành còn khá lớn với xu hướng tiếp tục gia tăng.
? Chủ đề 4
Chủ đề 4 trang 167 SGK Địa lí 12, Cánh diều
Viết báo cáo giới thiệu địa lí địa phương về chủ đề: Kinh tế.
Phương pháp giải:
Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 166 – 167 và liên hệ thực tiễn.
Lời giải chi tiết:
VD: Thành phố Hà Nội
Thành phố Hà Nội có quy mô kinh tế lớn thứ hai cả nước, chiếm khoảng 12,5-12,6% tổng GDP cả nước. Quy mô GRDP năm 2022 đạt 772,2 nghìn tỷ đồng. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (giá hiện hành) - khoảng 5.950 USD, gấp 1,45 lần cả nước.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố ước đạt 400,4 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, năm 2023. Chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực, ước thực hiện 102,1 nghìn tỷ đồng, đạt 97,2% dự toán năm và tăng 9,9%. Thu hút đầu tư đạt kết quả nổi bật, dự kiến năm 2023, thu hút FDI của Thành phố đạt gần 2,9 tỷ đô la Mỹ, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 6,3% so với năm trước. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 58 tỷ USD.
Cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch tích cực. Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, lĩnh vực nông nghiệp giảm. Nếu như năm 2011, dịch vụ chiếm 63%; công nghiệp - xây dựng chiếm 20%; nông nghiệp chiếm 3,6%; thuế sản phẩm chiếm 13,4% thì đến năm 2022, ngành dịch vụ vẫn chiếm ưu thế với 63,22%; công nghiệp - xây dựng tăng lên 24,04%; nông nghiệp và thuế sản phẩm giảm còn 2,08% và 10,66%.Tương ứng với cơ cấu này, cơ cấu lao động cũng thay đổi, so với năm 2015, lao động trong ngành dịch vụ và công nghiệp - xây dựng hiện nay đã tăng khoảng 6,5%; tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp giảm từ 19,7% xuống chỉ còn 6,9%. Năng suất lao động cũng được nâng cao.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá. Giai đoạn 2011-2022, công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước (6,67%). Cơ cấu các ngành được điều chỉnh, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao ở một số lĩnh vực: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học...Doanh thu các sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt hơn 250.000 tỷ đồng.
Trong phát triển kinh tế, du lịch được thành phố Hà Nội chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. TP Hà Nội ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có trình độ chất lượng cao tập trung vào 8 lĩnh vực: Du lịch, thương mại, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ, y tế, tài chính - ngân hàng, giáo dục và đào tạo, vận tải công cộng. Năm 2019, Thủ đô Hà Nội đón 21,92 triệu lượt khách nội địa (gấp 1,9 lần năm 2011), 7,02 triệu lượt khách quốc tế (gấp 3,7 lần năm 2011), chiếm hơn 37% lượng khách quốc tế của cả nước, xứng đáng vai trò trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc.
- Bài 29. Thực hành: Viết và trình bày báo cáo tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam - SGK Địa lí 12 Cánh diều
- Bài 28. Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo - SGK Địa lí 12 Cánh diều
- Bài 27. Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm - SGK Địa lí 12 Cánh diều
- Bài 26. Thực hành: Viết báo cáo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đồng bằng sông Cửu Long và các giải pháp ứng phó - SGK Địa lí 12 Cánh diều
- Bài 25. Sử dụng hợp lí tự nhiên để phát triển kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long - SGK Địa lí 12 Cánh diều
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục
- Bài 30. Thực hành: Tìm hiểu địa lí địa phương - SGK Địa lí 12 Cánh diều
- Bài 29. Thực hành: Viết và trình bày báo cáo tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam - SGK Địa lí 12 Cánh diều
- Bài 28. Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo - SGK Địa lí 12 Cánh diều
- Bài 27. Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm - SGK Địa lí 12 Cánh diều
- Bài 26. Thực hành: Viết báo cáo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đồng bằng sông Cửu Long và các giải pháp ứng phó - SGK Địa lí 12 Cánh diều
- Bài 30. Thực hành: Tìm hiểu địa lí địa phương - SGK Địa lí 12 Cánh diều
- Bài 29. Thực hành: Viết và trình bày báo cáo tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam - SGK Địa lí 12 Cánh diều
- Bài 28. Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo - SGK Địa lí 12 Cánh diều
- Bài 27. Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm - SGK Địa lí 12 Cánh diều
- Bài 26. Thực hành: Viết báo cáo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đồng bằng sông Cửu Long và các giải pháp ứng phó - SGK Địa lí 12 Cánh diều