Viết bài văn thuật lại một sự việc thể hiện truyền thống Uống nước nhớ nguồn và chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của em về sự việc đó lớp 4


1. Mở bài: Giới thiệu về sự việc thể hiện truyền thống Uống nước nhớ nguồn mà em muốn kể lại: - Hoạt động diễn ra ở đâu? Vào thời gian nào? - Những người tham gia hoạt động là ai?

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài: Giới thiệu về sự việc thể hiện truyền thống Uống nước nhớ nguồn mà em muốn kể lại:

- Hoạt động diễn ra ở đâu? Vào thời gian nào?

- Những người tham gia hoạt động là ai?

2. Thân bài: Kể lại diễn biến của sự việc thể hiện truyền thống Uống nước nhớ nguồn:

- Bắt đầu:

+ Sự việc đó bắt đầu vào lúc nào?

+ Không khí lúc đó ra sao?

+ Không gian được trang trí ra sao?

+ Thái độ của người tham gia như nào?

- Tiếp theo:

+ Các hoạt động chính của sự việc đó là gì? Đâu là hoạt động quan trọng nhất?

+ Mỗi hoạt động diễn ra trong bao lâu? Có những ai tham gia?

+ Hoạt động nào được yêu thích nhất?

- Kết thúc: Sau khi diễn ra, sự việc thể hiện truyền thống Uống nước nhớ nguồn đem lại kết quả gì?

3. Kết bài:

- Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về sự việc em vừa kể.

- Ý nghĩa của sự việc đó.

- Nêu việc mình muốn làm tiếp theo để thể hiện truyền thống Uống nước nhớ nguồn.

Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 1

Vào ngày lễ Quốc khánh mùng 2 tháng 9 vừa rồi, em được bố mẹ đưa đi viếng lăng Bác. Đó là một chuyến đi vô cùng thú vị đối với em.

Chuyến xe xuất phát từ lúc bảy giờ ba mươi phút sáng. Khoảng ba mươi phút sau thì đến nơi. Sau khi xuống xe, theo sự sắp xếp của cô giáo, cả lớp xếp thành hai hàng, di chuyển vào khu vực lăng Bác. Ngay từ phía xa, tôi đã nhìn thấy lăng Bác Hồ to lớn nằm đấy. Hai bên đường vào trong lăng là hàng tre xanh tốt. Cả lớp trật tự, đi theo hàng tiến vào lăng. Các chú bộ đội canh gác lăng đều đứng rất nghiêm trang. Tiến vào trong lăng, tôi cảm thấy khá lạnh. Theo lời của cô giáo thì trong lăng luôn phải duy trì nhiệt độ thấp để có thể bảo quản thi hài của Bác Hồ tốt nhất.

Không khí trong lăng thật yên lặng, nghiêm trang. Bác Hồ nằm đó giống như đang ngủ vậy. Khuôn mặt Bác hiền từ giống như trong những bức tranh tôi được xem. Khi được nhìn thấy Bác, em cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Thật tiếc, rất nhanh sau đó, chúng em đã phải di chuyển ra ngoài. Sau khi tham quan lăng Bác, cô giáo còn đưa chúng em đến tham quan nhà sàn, ao cá của Bác, bảo tàng Hồ Chí Minh. Cô đã kể cho cả lớp nghe rất nhiều câu chuyện hay về Bác Hồ.

Sau chuyến viếng thăm lăng Bác, em đã học thêm được nhiều kiến thức bổ ích hơn. Em cảm thấy thật tự hào khi đất nước mình có một con người vĩ đại như Bác Hồ.

Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 2

Hè năm ngoái, em cùng gia đình đã có chuyến đi thăm lăng Bác rất vui và lí thú. Trải nghiệm đi thăm lăng Bác không chỉ thú vị mà còn giúp em có thêm những hiểu biết về chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc ta.

Trên đường đi em đã rất háo hức, chỉ mong nhanh chóng đến nơi. Khi đứng trước Quảng trường Ba Đình rộng lớn, nơi mà Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào, tuyên bố nền độc lập của dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, em xúc động và tự hào vô cùng. Cả gia đình em cùng các du khách đến thăm quan đều xếp hàng trật tự để vào lăng viếng Bác. Trong lăng rộng và sáng, em có cảm giác thứ ánh sáng ấy không phải là những ánh điện mà do chính vầng hào quang tỏa ra từ Bác, đến gần nơi Bác yên nghỉ, em có thể nhìn rõ chân dung của Bác. Khuôn mặt hiền từ, phúc hậu của Bác cũng giống như những bức tranh, những tư liệu về Bác mà em từng nhìn thấy nhưng cảm giác đến gần Bác thì cảm xúc chân thực và tình cảm cũng tha thiết hơn rất nhiều.

Đây là một chuyến đi mang đến cho em những trải nghiệm lạ lẫm, nhưng vô cùng lí thú. Qua đó, khơi gợi trong em niềm tự hào về lịch sử dân tộc, giúp em hiểu thêm cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ - một trong những con người vĩ đại nhất thế kỉ XX.

Bài tham khảo Bài mẫu 1

Mỗi năm một lần, vào sáng ngày 19 tháng 11, trường em sẽ tổ chức Hội thi văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam với sự tham gia của toàn thể học sinh và giáo viên trong nhà trường.

Cũng như mọi năm, Hội thi văn nghệ diễn ra gồm các phần khai mạc, tuyên bố lý do tổ chức Hội thi, các sân khấu dự thi và bế mạc. Tuy nhiên, Hội thi năm nay của trường em đã có một sự việc rất đặc biệt, khiến mọi người vô cùng xúc động. Đó chính là sự xuất hiện của các cựu học sinh của trường em. Các anh chị ấy, có người hiện đã là học sinh cấp 3, có người đã đi làm. Nhưng ai cũng mặc bộ đồng phục của trường và xuất hiện ở dưới sân khấu với nụ cười rạng rỡ. Trên tay các anh chị ấy là những bó hoa tươi thắm, các túi quà nhỏ xinh chứa chan những tình cảm sâu đậm. Nhìn thấy các cựu học sinh xuất hiện, các thầy cô đang ngồi cạnh khán đài rất xúc động. Sau vài giây phút ngỡ ngàng, thầy cô liền đứng dậy, dang rộng vòng tay chào đón những đứa con bé bỏng của mình trở về. Các anh chị cựu học sinh cũng nhanh chóng sà vào lòng thầy cô, trao những cái ôm nồng ấm, tựa như nhiều năm về trước họ đã từng làm. Các thầy cô, các anh chị ấy và cả chúng em, ai ai cũng rơm rớm nước mắt bởi giây phút xúc động này. Tuy đã tốt nghiệp và rời khỏi trường, nhưng các anh chị ấy vẫn nhớ tới người thầy, người cô đã dìu dắt, quan tâm mình khi còn nhỏ. Những cánh chim dã cứng cáp sau bao ngày tháng đương đầu với sóng gió ngoài kia, nay lại trở về và nép vào vòng tay của những người cha, người mẹ của mình. Bầu không khí cứ thế bịn rịn, thiết tha trong những cái ôm như thế. Mãi hơn mười phút sau, theo sự ra hiệu của MC, mọi người mới tạm buông tay nhau để ổn định chỗ ngồi. Nhưng em vẫn để ý và nhận ra rằng, các anh chị ấy không lùi về khán đài, mà đứng cạnh thầy cô của mình. Họ vừa nắm tay nhau, vỗ vai nhau vừa xem các sân khấu văn nghệ. Hành động ấy khiến em xúc động và ngưỡng mộ vô cùng.

Sự xuất hiện của các anh chị cựu học sinh, đã giúp em cảm nhận sâu sắc được tình thầy trò. Chính các anh chị ấy đã dạy cho em một bài học về truyền thống Uống nước nhớ nguồn mà thầy cô vẫn nói. Chắc chắn, sau này dù bay xa đến phương trời nao, em cũng sẽ luôn nhớ về thầy cô giáo của mình.

Bài tham khảo Bài mẫu 2

Sáng hôm nay, em đã vinh dự được tham gia hoạt động viếng thăm, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trên địa bàn cùng các anh chị Đoàn viên thanh niên.

Khi biết mình được tham gia hoạt động này, em đã rất xúc động và phấn khởi, chỉ mong sao nhanh nhanh đến ngày được thực hiện nhiệm vụ này. Vì thế mà sáng nay, mới 5h30 em đã thức dậy và sửa soạn để đến nơi tập trung. Đúng 7h, tất cả mọi người với quần áo lịch sự đã có mặt ở nghĩa trang liệt sĩ. Chúng em xếp thành từng hàng dọc, lần lượt bước vào thắp nén hương thơm gửi đến các liệt sĩ đã hi sinh vì tổ quốc. Đứng giữa nghĩa trang gió thổi lồng lộng, xung quanh chỉ có tiếng lá thông xì xào, lòng em bỗng trở nên trầm lắng đến lạ. Em nhìn ra xa, rất nhiều những ngôi mộ xếp thẳng hàng. Họ đều hi sinh từ khi còn rất trẻ, để cho chúng em được hưởng nền hòa bình như ngày hôm nay. Em rất biết ơn và kính trọng những người anh hùng dân tộc ấy. Bởi vậy, em đã rất mong chờ được tham gia chăm sóc cho nghĩa trang này. Khi nhận dụng cụ quét dọn, em đã được phân công nhổ cỏ dại mọc dưới chân các tấm bia mộ ghi tên các liệt sĩ. Em ngồi xổm xuống, cẩn thận dùng tay nhổ cổ. Em còn phủi đi những bụi, lá khô rơi trên bia mộ nữa. Suốt cả gần một giờ đòng hồ làm việc, em không hề thấy mệt hay nhức mỏi như khi lao động ở trường. Em cũng không hề thấy tẻ nhạt, dù im lặng suốt cả thời gian dài. Bởi em muốn bày tỏ sự kính trọng của mình đến các liệt sĩ ở đây, sợ mình sẽ làm ồn, ảnh hưởng đến giấc ngủ ngàn thu của các anh. Vừa làm, em vừa nghĩ về những khắc nghiệt của bom đạn thuở đó, nghĩ về sự dũng cảm của các chiến sĩ, nghĩ về sự hi sinh lớn lao của họ. Càng suy nghĩ, em lại càng thêm biết ơn sâu sắc các liệt sĩ đã đem tuổi xuân của mình góp cho mùa xuân của đất nước.

Trở về nhà, lòng em chộn rộn những nghĩ suy. Em muốn mình làm được nhiều điều hơn nữa, để tỏ bày sự biết ơn của mình đến các liệt sĩ. Điều đó, không chỉ dừng lại ở việc thăm và chăm sóc nghĩa trang. Mà em còn cần phải cố gắng học tập, rèn luyện tốt hơn nữa, để tiếp tục thực hiện ước mơ còn dang dở của các anh.

Bài tham khảo Bài mẫu 3

Nhờ đạt được thành tích học tập tốt ở học kì 1, em đã được vinh dự tham gia đội tình nguyện của thôn với hoạt động thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ.

Theo sự phân công, em cùng một nhóm năm anh chị khác lớn hơn, sẽ đến thăm hỏi gia đình của các bác thương binh ở Tiểu khu 11. Em đã chọn mặc bộ đồng phục học sinh thật lịch sự, tập trước các câu chào thật lễ phép trước gương để có thể tạo ấn tượng tốt với các bác thương binh. Dù đã được đọc nhiều trong sách vở, hay xem trên tivi, nhưng khi thật sự gặp các bác thương binh ở ngoài đời, em vẫn không khỏi bất ngờ. Bởi các bác ấy có người phải dùng chi giả để di chuyển, có người phải ngồi xe lăn. Nhưng ai cũng rạng ngời một nụ cười lạc quan và hạnh phúc. Khi được ngồi trò chuyện với các bác ấy, em cảm giác như không phải em đang đến thăm và tặng quà cho các bác. Mà chính các bác đang tặng quà cho em. Đó là một món quà tinh thần vô giá mà chẳng thể tìm thấy ở bất kì nơi nào khác. Các bác kể cho em nghe những câu chuyện trên chiến trường với bao bom đạn ác liệt. Kể về những đêm vượt núi băng rừng, về những lần tập kích kẻ thù hay những lần suýt bị giặc bắt. Chao ôi, nghe bác kể, mà em hồi hộp đến không dám chớp mắt một lần nào. Các bác đã phải đối diện với nguy hiểm, đau đớn và tổn thương đến mất đi một phần cơ thể, nhưng ai cũng vẫn rất vui vẻ và yêu đời. Các bác khiến em rất kính trọng và tự hào. Em biết ơn lắm những người bộ đội cụ Hồ ấy, dù gian nan, khó khăn đến thế nào cũng không bao giờ bỏ cuộc. Nhờ có những người lính dũng cảm, hiên ngang như các bác, mà em mới được lớn lên trong đất nước hòa bình như hôm nay.

Rời khỏi nhà của các bác liệt sĩ, lòng em rộn ràng những mục tiêu và dự định trong tương lai. Em sẽ học tập chăm chỉ hơn, không cần một phần thưởng hay món quà nào thúc đẩy nữa cả. Và chắc chắn, em sẽ tự cho mình cơ hội để được đến thăm các bác thương binh thêm nhiều lần hơn nữa.

Bài tham khảo Bài mẫu 4

Cuối tháng Chạp, trong làn mưa xuân lất phất bay, nhà nhà lại bắt đầu rộn ràng chuẩn bị cho mùa Tết sắp đến. Năm nào cũng vậy, vào thời điểm này, thôn của em sẽ tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn. Mọi năm, em chỉ nhìn các anh chị quanh xóm tham gia hoạt động. Nhưng năm nay, em cũng được tham gia hoạt động ý nghĩa này rồi.

Sáng hôm đó, em có mặt ở nhà văn hóa vào lúc 7h để nhận nhiệm vụ. Sau khi được chia nhóm, em cùng nhóm với ba anh chị khác đến thăm nhà mẹ Năm ở tổ 6. Trên đường đến nhà mẹ Năm, em được các anh chị kể về hoàn cảnh của mẹ. Thì ra, chồng và các con của mẹ đều đã hi sinh trên chiến trường, chỉ còn một mình mẹ ở nhà. Lúc còn trẻ, mẹ đã tham gia đội Thanh niên xung phong và bị mảnh bom văng vào chân, nên giờ đây khi đến mùa đông thì chân mẹ đau nhức, đi lại khó khăn. Nghe anh chị kể, mà em xúc động vô cùng. Mẹ Năm cùng bao người mẹ Việt Nam khác đã để chồng, con của mình ra chiến trường nhưng rồi không thể đón họ trở về. Giờ đây, tuổi già của bà trải qua trong cô đơn, buồn bã. Càng nghĩ, em càng thương bà nhiều hơn. Vì thế, khi đến nhà bà Năm, em đã xin phép được ôm bà một lần, để gửi đến bà tình yêu thương và kính trọng của mình. Sau đó, em cùng các anh chị trong nhóm gửi tặng đến bà các phần quà đã được chuẩn bị từ trước. Thấy bà rưng rưng hai mắt xúc động nhận quà, mà em cũng nghẹn ngào theo. Khi ngồi uống nước, em nhận thấy nhà bà có khá nhiều bụi, vườn cũng nhiều cỏ dại. Có lẽ do tuổi già, trời mùa đông lạnh lẽo nên bà không dọn dẹp được. Thế là, chúng em đã xin phép được giúp bà dọn dẹp nhà cửa để đón Tết. Đây là lần đầu tiên em hăng hái với việc lau nhà, nhổ cỏ đến thế. Em làm một cách hăng hái, nhanh nhẹn không hề biết mệt. Mỗi lần quay lại nhìn bà Năm tươi cười ở cạnh bậc cửa, em lại như được tiếp thêm sức mạnh, làm việc càng thêm nhanh hơn.

Sau khi tạm biệt bà Năm, em trở về nhà văn hóa báo cáo nhiệm vụ, rồi mới trở về nhà. Tối đó, trong giấc ngủ, em đã mơ mình trở lại thăm nhà bà Năm vào dịp Tết và đươc bà vui vẻ đón vào nhà. Khi tỉnh dậy, em quyết tâm sẽ biến giấc mơ đó thành sự thật, thêm nhiều lần nữa.

Bài tham khảo Bài mẫu 5

Hằng năm, vào ngày 20 tháng 11, các trường học đều tổ chức nhiều hoạt động nhằm tri ân các thầy cô giáo. Chúng tôi đều tích cực tham gia.

Trước đó, trường tôi đã phát động cuộc thi như làm báo tường với chủ đề “Thầy cô của em”. Cuộc thi diễn ra trong vòng một tuần. Hoc sinh toàn trường đều tham gia. Các bài dự thi được gửi về rất nhiều. Giải thưởng sẽ được trao trong buổi lễ mít tinh kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Đến sáng ngày 20 tháng 11, trường học đã tổ chức lễ mít tinh. Buổi lễ bắt đầu vào bảy giờ ba mươi vào bảy giờ. Mở đầu là một số tiết mục văn nghệ. Các bài hát được trình bày như Bụi phấn, Người thầy, Nhớ ơn thầy cô. Tôi vừa lắng nghe, vừa cảm thấy xúc động. Tiếp đến, toàn trường tiến hành nghi thức chào cờ. Sau đó, thầy hiệu trưởng đã phát biểu để tri ân các thầy cô giáo. Từng lời của thầy khiến tôi vô cùng bồi hồi. Sau đó, một chị học sinh lớp năm đại diện cho khối năm lên phát biểu cảm nghĩ, nói lời cảm ơn tới thầy cô. Kết thúc buổi lễ là phần trao giải cuộc thi “Thầy cô của em”. Bạn Lan Anh (học sinh lớp 4A) đã giành giải nhất. Bạn đã sáng tác một bài thơ rất hay. Chúng tôi đều xúc động khi lắng nghe bài thơ.

Buổi lễ kết thúc trong niềm hân hoan, phấn khởi của thầy cô và học sinh. Sau đó, chúng tôi còn đến tìm gặp và tặng cho thầy cô những bó hoa, món quà. Nhưng tôi nghĩ rằng món quá ý nghĩa nhất với thầy cô chính là sự trưởng thành của học sinh.

Thầy cô chính là những người lái đò thầm lặng. Và tôi cảm thấy vô cùng yêu mến và biết ơn. Tôi cũng tự hứa sẽ cố gắng học tập để xứng đáng với công ơn dạy dỗ của thầy cô.

Bài tham khảo Bài mẫu 6

Để chào mừng kỉ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, trường em phát động phong trào thi đua tháng 12 với chủ đề "Uống nước nhớ nguồn": mỗi thầy cô, học sinh sẽ thực hiện việc tốt có ý nghĩa để thể hiện thể hiện lòng biết ơn với các chiến sĩ bộ đội, các thương binh, liệt sĩ.

Các hoạt động ý nghĩa như: viết thư gửi các chú bộ đội đang công tác ở hải đảo, ở các chốt biên phòng xa xôi; về các xóm để giúp các gia đình thương binh liệt sĩ... được các khối lớp thực hiện rất tích cực và hăng hái. Riêng lớp 5E của chúng em lại đi chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ.

Sáng chủ nhật, chúng em theo cô giáo Thư và bạn Nga, bạn Thành trong Ban chỉ huy Chi đội kéo đến Đồi Ây. Mỗi tổ được phân công mang theo một dụng cụ như cuốc, dao, liềm, chổi. Tổ em được chỉ định mang liềm. Đúng 7 giờ rưỡi, 39 bạn và cô giáo đã hành quân tới Đồi Ây. Nắng mùa đông vàng nhạt. Gió thổi nhẹ nhưng khá lạnh. Hàng thông, hàng bạch đàn và những khóm liễu xung quanh nghĩa trang lao xao, thì thầm. Mộ 49 liệt sĩ được xây theo 7 hàng thẳng tắp. Đó là các chiến sĩ, cán bộ đơn vị pháo binh đã anh dũng hi sinh trong những trận chiến đấu bảo vệ cầu Thôn năm 1972, năm 1973. Ngôi mộ nào cũng có quốc huy với ngôi sao vàng năm cánh. Em và bạn Lộ, bạn Lan cắt cỏ, nhổ những cây hoang dại quanh từng nấm mồ. Bạn Hương, bạn Quỳnh, bạn Phương đi cắt tỉa các cành liễu bị gió làm gãy, bị sâu làm cho úa vàng. Bạn Trọng, Hùng, đi thay cát mới, cát vàng vào các bình hương trên các mộ chí. Cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong Ban chỉ huy Đội đi kiểm tra, đôn đốc. Khi cỏ, cành cây được vun thành đống lấp đầy các hố phía cuối nghĩa trang, cô giáo Thư và tất cả chúng em đi thắp hương lên các ngôi mộ liệt sĩ. Cô giáo Thư cho biết máy bay Mĩ đến ném bom cầu Thông 6 trận. Cầu bị đánh sập ta lại bắc, giặc lại phá, ta lại xây. Ba máy bay Mĩ bị quân ta bắn cháy. Dân quân, trai tráng, các mẹ trong vùng đều hăng hái, dũng cảm phục vụ chiến đấu viết nên bài ca anh hùng của quê hương.

49 liệt sĩ, mỗi người ở một miền quê xa xôi: Yên Bái, Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi... đã yên nghỉ vĩnh viễn tại quê hương chúng em. Cầu Thông năm xưa nay đã được bắc lại bốn nhịp, kiên cố, hiện đại. Quê em đã đổi mới. Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân của chúng em đã được xây dựng rất khang trang. Đến thăm Đồi Ây, đọc tên các liệt sĩ, trở về em cứ nao nao, bồi hồi mãi. Nén hương thơm mà chúng em thắp lên nghĩa trang Đồi Ây mang nặng bao nghĩa tình đối với các anh hùng liệt sĩ. Làng em cũng có 32 người con đi chiến đấu lại chiến trường miền Nam, đi mãi chưa về.

Bài tham khảo Bài mẫu 7

Nhằm phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn, vừa qua, trường em đã tổ chức một hoạt động đầy ý nghĩa: thăm và tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ trong địa phương. Đây là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ, giúp em hiểu thêm về những mất mát, hi sinh của thế hệ đi trước để đổi lấy nền độc lập hôm nay.

Chiều hôm đó, nhóm học sinh chúng em cùng với các thầy cô giáo tập trung tại sân trường, chuẩn bị những phần quà để đến thăm hỏi các gia đình có công với cách mạng. Những phần quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc của thầy trò nhà trường. Đoàn chúng em được chia thành từng nhóm nhỏ để đến từng nhà thăm hỏi, trò chuyện với các bác thương binh, thân nhân của các liệt sĩ.

Em cùng các bạn trong nhóm được phân công đến thăm nhà bác Hòa – một cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Khi chúng em đến, bác vui mừng đón tiếp với nụ cười hiền hậu. Trong câu chuyện, bác kể lại những ngày tháng chiến đấu gian khổ, những lần đồng đội hi sinh ngay trước mắt và cả niềm vui vỡ òa khi đất nước thống nhất. Lời kể của bác chậm rãi nhưng chứa đựng bao nhiêu cảm xúc, khiến chúng em vừa xúc động vừa tự hào. Bác bảo rằng: "Các cháu bây giờ được sống trong hòa bình là nhờ công sức của biết bao người đi trước. Thế hệ trẻ phải cố gắng học tập, rèn luyện để đất nước ngày càng phát triển." Nghe những lời ấy, em càng hiểu hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước.

Trước khi ra về, chúng em tặng bác một phần quà nhỏ cùng lời chúc sức khỏe. Bác Hòa mỉm cười cảm ơn, ánh mắt bác ánh lên niềm vui và niềm tin vào thế hệ trẻ hôm nay. Khi rời khỏi nhà bác, lòng em dâng tràn cảm xúc khó tả – vừa biết ơn, vừa trân trọng những giá trị lịch sử mà cha ông đã để lại.

Buổi thăm hỏi đã giúp em hiểu rõ hơn ý nghĩa của truyền thống Uống nước nhớ nguồn. Lòng biết ơn không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn bằng những hành động thiết thực, dù là một lời hỏi thăm, một món quà nhỏ hay đơn giản là sự trân trọng đối với quá khứ. Em thầm nhủ, mình phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với sự hi sinh của các thế hệ đi trước, góp phần xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Bài tham khảo Bài mẫu 8

Mỗi năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, nhân dân khắp cả nước lại nô nức hành hương về Đền Hùng (Phú Thọ) để dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng – những người đã có công dựng nước. Năm nay, em có cơ hội được cùng gia đình tham gia lễ hội đặc biệt này. Đây là một trải nghiệm ý nghĩa giúp em hiểu sâu sắc hơn về truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Từ sáng sớm, dòng người tấp nập đổ về Đền Hùng. Con đường dẫn lên núi Nghĩa Lĩnh đông kín người, ai cũng trang nghiêm, kính cẩn. Những lá cờ đỏ bay phấp phới trong không khí thiêng liêng. Khi đến nơi, em được chứng kiến lễ dâng hương của các đoàn đại biểu, đại diện cho nhân dân cả nước. Ai cũng thành kính, bày tỏ lòng biết ơn đối với các Vua Hùng – những người đã đặt nền móng cho nước Văn Lang, quốc gia đầu tiên của dân tộc ta.

Sau phần lễ trang nghiêm, lễ hội bắt đầu với nhiều hoạt động dân gian sôi nổi như rước kiệu, hát Xoan, đấu vật, kéo co, nấu bánh chưng – bánh dày. Những trò chơi truyền thống ấy không chỉ làm cho không khí lễ hội thêm vui tươi mà còn giúp thế hệ trẻ như em hiểu rõ hơn về nền văn hóa lâu đời của cha ông. Em thích nhất là phần thi gói bánh chưng – bánh dày, vì đây chính là biểu tượng của lòng biết ơn tổ tiên, được truyền lại từ thời Vua Hùng.

Khi đứng trước đền Thượng, nơi đặt bài vị các Vua Hùng, em lặng nhìn dòng chữ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước." Câu nói ấy như một lời nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam phải ghi nhớ công lao của tổ tiên và có trách nhiệm với đất nước.

Chuyến đi đến Đền Hùng đã để lại trong em nhiều cảm xúc và bài học sâu sắc. Em nhận ra rằng truyền thống Uống nước nhớ nguồn không chỉ thể hiện qua những lời tri ân mà còn qua hành động gìn giữ văn hóa, bảo vệ và phát triển đất nước. Từ đó, em tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật tốt để góp phần xây dựng quê hương, xứng đáng với công lao của cha ông.

Bài tham khảo Bài mẫu 9

Mỗi năm, cứ đến dịp Thanh minh, gia đình em lại cùng nhau đi tảo mộ ông bà, tổ tiên. Đây không chỉ là một phong tục truyền thống mà còn là dịp để con cháu bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với những người đã khuất.

Sáng hôm ấy, cả nhà em dậy sớm, chuẩn bị hương, hoa, trái cây và các lễ vật đơn giản để mang ra nghĩa trang. Khi đến nơi, em thấy không khí ở đây thật đặc biệt – trang nghiêm nhưng không u buồn. Nhiều gia đình khác cũng đang quét dọn, thắp hương trên phần mộ của người thân, tạo nên một khung cảnh ấm áp, đầy sự gắn kết giữa các thế hệ.

Gia đình em chia nhau công việc: bố và anh trai dọn cỏ xung quanh mộ, mẹ và em lau chùi bia đá, bày biện lễ vật. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, cả nhà cùng nhau thắp hương, đứng nghiêm trang trước phần mộ để tưởng nhớ ông bà. Em nghe mẹ kể về những kỷ niệm với ông bà khi còn sống, những câu chuyện giản dị nhưng đầy yêu thương. Lúc ấy, em cảm thấy tình cảm gia đình thật thiêng liêng, và dù ông bà không còn nữa, sự hiện diện của họ vẫn luôn trong trái tim mỗi người con cháu.

Sau khi thắp hương, cả nhà ngồi quây quần bên nhau, cùng trò chuyện về tổ tiên và nhắc nhở nhau về lòng hiếu thảo. Bố em bảo rằng: "Tảo mộ không chỉ là quét dọn phần mộ, mà quan trọng hơn là gìn giữ truyền thống, nhớ về cội nguồn và dạy con cháu đạo lý làm người." Nghe vậy, em càng hiểu hơn ý nghĩa của việc đi tảo mộ – đó không chỉ là một nghi lễ mà còn là cách để mỗi người thể hiện lòng biết ơn và gìn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Buổi tảo mộ kết thúc, nhưng trong lòng em vẫn còn vẹn nguyên cảm giác ấm áp và xúc động. Em hiểu rằng truyền thống Uống nước nhớ nguồn không chỉ nằm ở những lời nói mà còn phải thể hiện qua hành động, từ những việc nhỏ nhất như nhớ về tổ tiên, giữ gìn phong tục, và trân trọng những giá trị gia đình. Em tự nhủ, dù sau này có đi đâu, làm gì, em cũng sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng truyền thống ý nghĩa này.

Bài tham khảo Bài mẫu 10

Trong một chuyến tham quan Hà Nội cùng nhà trường, em có cơ hội được đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Đây không chỉ là một công trình mang giá trị lịch sử và văn hóa, mà còn là biểu tượng của tinh thần hiếu học, sự tôn vinh tri thức và truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Sáng hôm ấy, khi vừa bước qua cổng Văn Miếu, em đã cảm nhận được không khí cổ kính, trang nghiêm của nơi này. Những mái đình cong vút, những tấm bia đá rêu phong và khuôn viên xanh mát tạo nên một không gian vừa thanh tịnh vừa tràn đầy hơi thở của lịch sử. Đoàn chúng em được nghe thầy hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử của Văn Miếu – nơi thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết và các vị khoa bảng tài giỏi của nước ta.

Điều làm em ấn tượng nhất là Khuê Văn Các – biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, và khu bia Tiến sĩ, nơi khắc tên những người đã đỗ đạt trong các kỳ thi thời phong kiến. Những tấm bia đá trên lưng rùa như một lời nhắc nhở về truyền thống hiếu học của dân tộc và sự tri ân đối với những bậc hiền tài đã góp phần xây dựng đất nước. Nhìn thấy nhiều người xoa đầu rùa để cầu may mắn trong học tập, em cũng nhẹ nhàng chạm tay vào bia đá, thầm mong mình sẽ học hành chăm chỉ để không phụ công lao của cha mẹ và thầy cô.

Sau khi tham quan, chúng em dâng hương tại khu thờ Khổng Tử để tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã truyền dạy tri thức cho hậu thế. Khoảnh khắc đứng trước bàn thờ nghi ngút khói hương, em chợt nhận ra rằng truyền thống Uống nước nhớ nguồn không chỉ thể hiện qua sự tri ân với tổ tiên, anh hùng dân tộc, mà còn qua lòng biết ơn đối với những người thầy, những người đã góp phần gìn giữ và truyền bá tri thức.

Chuyến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã để lại trong em nhiều suy nghĩ sâu sắc. Em hiểu rằng, để xứng đáng với công lao của cha ông, em cần phải cố gắng học tập, rèn luyện bản thân để trở thành một người có ích cho xã hội. Lòng biết ơn không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà còn bằng hành động thiết thực – đó chính là cách tốt nhất để giữ gìn và phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Tiếng Việt 4 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K15 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí