Viết bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ đối với em lớp 4>
1. Mở bài: Giới thiệu về giờ học đáng nhớ mà em muốn kể lại. - Đó là tiết học gì? Diễn ra ở đâu? Vào thời gian nào? - Thái độ của mọi người trong giờ học đó.
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài: Giới thiệu về giờ học đáng nhớ mà em muốn kể lại.
- Đó là tiết học gì? Diễn ra ở đâu? Vào thời gian nào?
- Thái độ của mọi người trong giờ học đó.
2. Thân bài: Kể lại diễn biến tiết học
- Trước khi tiết học bắt đầu:
+ Tiết học đó có nội dung gì đặc biệt? Em và các bạn có yêu thích nội dung đó không?
+ Tiết học đó diễn ra ở đâu? Có những ai tham gia?
+ Khi thầy (cô) bước vào, không khí trong lớp học như thế nào?
- Trong khi tiết học diễn ra:
+ Tiết học có những hoạt động gì? (chơi trò chơi, kể chuyện, tâm sự…)
+ Thầy (cô) đã làm những gì trong tiết học? Hành động nào của thầy (cô) khiến em nhớ nhất?
+ Em đã có những hoạt động gì trong tiết học đó? Cảm xúc của em khi làm điều đó là gì?
+ Không khí của cả lớp trong tiết học đó như thế nào?
- Kết thúc tiết học:
+ Khi tiết học kết thúc, thái độ của mọi người như thế nào?
+ Thầy (cô) dặn dò điều gì khi tiết học kết thúc?
3. Kết bài: Chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc về tiết học
- Suy nghĩ của em về tiết học vừa kể
- Tình cảm, cảm xúc của em dành cho tiết học và thầy (cô) giáo giảng dạy tiết học đó.
Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 1
Tiết học của ngày đầu tuần lại đến. Buổi học này để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc.
Hôm ấy là một buổi sáng mùa xuân, tiết trời ấm áp. Nắng ban mai rải nhẹ những tia nắng vàng óng á xuống cành cây, kẽ lá. Mọi vật như bừng tỉnh giấc. Em tung tăng cắp sách đến trường. Vẫn như thường ngày, chúng em nhanh chóng truy bài lẫn nhau. Đúng bảy giờ, tiếng trống trường quen thuộc lại vang lên. Chúng em xếp hàng ngay ngắn trước sân trường để làm lễ chào cờ.
Khi toàn trường đã ổn định, tiếng thầy tổng phụ trách vang lên: "Nghiêm! Chào cờ! Chào". Tất cả thầy cô và học sinh đặt tay lên góc trán, ánh mắt dồn về lá quốc kì đang tung bay trên cao. Không khí trở nên trang trọng và thiêng liêng hơn bao giờ hết. Khi chào cờ, toàn thể thầy cô giáo và học sinh trong trường cùng cất tiếng hát Quốc ca. Lời bài hát với giai điệu hào hùng vang lên to, dõng dạc khắp sân trường, gợi nhắc về quá khứ vàng son của dân tộc Việt Nam ta. Đồng thời cũng nhắc nhở mỗi học sinh chúng em khắc ghi công lao, biết ơn những người anh hùng đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương để hôm nay, chúng em được sống trong hòa bình, được học tập, vui chơi. Tiếp đến là khúc hát Đội ca rộn ràng, vui tươi, tiếp thêm năng lượng để chúng em phấn đấu học tập cho tuần mới. Kết thúc Đội ca, thầy tổng phụ trách lên khán đài và đọc nhận xét tình hình học tập, nền nếp của cả trường trong tuần vừa qua. Thầy khen ngợi các lớp thực hiện tốt và phê bình những cá nhân, tập thể còn mắc khuyết điểm.
Có lẽ không chỉ em mà tất cả các bạn học sinh đều cảm thấy chào cờ là tiết học bổ ích, dạy dỗ và nhắc nhở mỗi người phải biết tự có trách nhiệm với chính bản thân và tập thể của mình.
Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 2
Tiết học đầu tiên của lớp em sáng nay, là tiết Tập viết. Đây là tiết học mà em yêu thích nhất trong cả ngày.
Ngay khi tiếng chuông vào học vừa reo lên, cô giáo Thanh Nga đã xuất hiện ở cửa lớp. Nhìn thấy cô bước vào, cả lớp liền nghiêm túc đứng dậy để chào cô. Sau khi xác nhận sỉ số lớp, cô mới gật đầu ra hiệu cho chúng em ngồi xuống. Tiếp đó, cô nhắc chúng em mở sẵn vở Tập viết và chuẩn bị bút mực để bắt đầu giờ học. Đầu tiên, cô Nga đọc qua một lượt đoạn văn mà chúng em cần chép trong tiết học này. Vừa đọc, cô vừa cẩn thận nhấn nhá từng từ khó viết, đồng thời đứng dậy, viết từ đó lên bảng cho chúng em nhìn rõ hơn. Các từ dễ nhầm lần khi viết như d hoặc gi, s hoặc x, cô cũng viết ra góc bảng để chúng em quan sát. Sau đó, cô mới bắt đầu đọc bài cho chúng em chép vào vở. Mỗi lần, cô chỉ đọc từ hai đến ba tiếng, và lặp đi lặp lại nhiều lần. Vừa đọc, cô vừa đi lại trong lớp học để quan sát chúng em. Cô nhắc từng bạn phải ngồi thẳng lưng lên, không được cúi sát mặt bàn, phải viết đúng ô li, sửa lại từ bị sai chính tả… Cứ như thế, khi cô vừa đọc hết đoạn văn chính tả, thì cô cũng vừa kịp đi hết một vòng lớp. Sau đó, cô chọn ngẫu nhiên mười bạn mang vở lên nộp để cô nhận xét và chấm điểm. Những bạn nào có chữ chép đẹp, trình bày sạch sẽ thì sẽ được cô tặng cho một điểm hoa dán vào bảng học tập ở cuối lớp.
Một tiết Tập viết của lớp em đã diễn ra như vậy đó. Nhờ sự sâu sát và quan tâm của cô giáo, mà chữ của chúng em ngày càng đẹp hơn.
Bài tham khảo Bài mẫu 1
Thời gian như một bản nhạc không lời lặng lẽ. Nó đến rồi đi để lại trong ta những kí ức, những kỉ niệm mãi không nguôi. Nó cũng để lại trong tôi một khoảng trống, một nỗi niềm mà chẳng ai có thể lấp đầy. Tôi vẫn còn nhớ như in kỉ niệm đó - kỉ niệm về một tiết học văn. Tôi như đang trong một giấc mơ trở về năm ấy - về tiết học đáng nhớ ấy.
Cô giáo chầm chậm bước vào lớp với khuôn mặt tươi cười như hàng ngày, nhưng trong mắt cô thoáng một nỗi buồn “Cô sao vậy nhỉ?”. Tôi tự hỏi, trong lòng thoáng chút lo lắng. Nụ cười của cô hôm nay thật khác lạ, vẫn là nụ cười đấy nhưng chất chứa hàng ngàn nỗi niềm khó tả. Cô nhìn quanh lớp rồi cất giọng “Các em, cô có một chuyện rất muốn nói”. Tất cả lớp đều im lặng nhìn cô: “Đây sẽ là buổi học cuối cùng cô dạy các em. Cô sắp chuyển vào Miền Nam công tác. Cô mong giờ học này các em học thật tốt nhé!”
Rất nhanh sau đó cô vào bài giảng. Cả lớp tôi sững sờ, mọi người bất ngờ tới nỗi chẳng nói thành lời. - Tại sao cô lại chuyển đi? Chắc tại lớp tôi hư làm cô buồn? Bao câu hỏi quay cuồng trong tâm trí tôi. Lòng tự nhủ lòng “ Mình phải thật ngoan trong ngày hôm nay, vì biết đâu sẽ chẳng còn ngày nào được nghe lại giọng giảng, nét chữ thân quen này nữa”. Điều đó thật đáng sợ! Trên bảng, từng nét chữ thân quen của cô hiện lên: “Buổi học cuối cùng” của An- phông xơ Đô- đê. Lớp tôi, ai nấy đều im lặng. Giọng cô trầm trầm cất lên giữa khoảng không lặng thinh, đưa tất cả chúng tôi về với miền An – dát bình yên, tươi đẹp, về cậu bé Phrăng với những chiều đi chơi, thả diều, về người thầy đáng kính Ha – men với buổi học cuối cùng.
Chúng tôi cứ thế lắng nghe, tự hỏi câu chuyện đó sao giống câu chuyện của chúng tôi đến vậy. Khi phân tích tâm trạng của cậu bé Phrăng, giọng cô trầm bổng như từng cung bậc cảm xúc của cậu bé vùng An – Dát này khiến tôi và tất cả lớp như muốn trào nước mắt. Rồi khi giảng đến lời nói của thầy Ha- men về tiếng nói dân tộc, giọng cô lại xúc động đến nghẹn ngào khiến chúng tôi càng thêm thấm thía về giá trị của tiếng mẹ đẻ. Những dòng chữ thân thuộc cô viết lên bảng kết hợp với lời giảng, lời bình thật hay và thấm thía. Được cô động viên khích lệ, cả lớp càng thêm hào hứng, hăng hái phát biểu, thảo luận xây dựng bài cứ ngỡ như cô sẽ chẳng bao giờ rời đi, sẽ vẫn ngày ngày được gặp cô và nghe lời cô giảng... Tiếng trống vang lên hết tiết. Cả lớp như bừng tỉnh. Mọi người nhốn nháo và ai nấy bật lên tiếng khóc.
Cô gượng cười bảo: “Cô rất vui khi đã được dạy lớp mình, hãy nhớ về cô với những hồi ức đẹp nhé”. Chỉ nghe đến thế thôi, cả lớp tôi đã oà khóc. Cô cứ thế mà đi sao, hệt như trong văn bản ấy sao?. Chúng tôi nhìn theo dáng cô khuất dần, lòng tự hỏi: Cô ơi! Biết bao giờ chúng em lại được gặp cô, được nghe cô giảng bài. Chúng em biết tuy đi xa cô vẫn luôn nhớ đến chúng em, đến tiết học này - một kỉ niệm giữa thầy và chúng em. Đối với chúng em đó sẽ là một tiết học đáng nhớ suốt cuộc đời.
Bài tham khảo Bài mẫu 2
Tiết học đáng nhớ nhất với em, có lẽ là tiết học cuối cùng với cô giáo Ngân Hà - giáo viên dạy môn Tiếng Anh của lớp em, trước khi cô về nghỉ hưu.
Cô Ngân Hà đã dạy lớp em, từ khi chúng em học lớp 1 đến nay, vì vậy cả cô và trò đều rất gắn bó, yêu thương nhau. Khi biết tin cô sẽ không dạy lớp chúng em nữa, bạn nào cũng buồn lắm. Nhưng rồi chúng em đã xốc lại tinh thần, để chuẩn bị cho một tiết học cuối cùng thật ý nghĩa cùng với cô.
Ngày hôm đó, lớp em học rất ngoan và nghiêm túc. Từ trước đến nay, chưa tiết học nào mà lớp em yên ắng lắng nghe cô giảng bài đến vậy. Mấy bạn nam nghịch ngợm thường bày trò nói chuyện riêng, nay cũng ngoan ngoãn ngồi yên ở cuối lớp nghe cô giảng. Giọng giảng bài của cô vẫn dịu dàng và dễ hiểu như trước đây, chỉ là hôm nay nghe sao có chút buồn. Bây giờ, em mới nhận ra rằng, tóc của cô Hà đã lấm tấm bạc như bà của em. Đôi bàn tay cô cũng đã nhăn nheo sau biết bao chuyến đò đưa người học trò đến bến. Khóe mắt cô khi cười cũng đã hằn vết chân chim. Vậy là cô Hà yêu quý của chúng em đã đến lúc phải nghỉ hưu thật rồi đấy.
15 phút cuối cùng của tiết học, lớp trưởng mạnh dạn đứng dậy, đại diện cả lớp có đôi lời phát biểu để chia tay cô. Rõ là đã tập rất nhiều lần, thế mà bạn ấy cứ nghẹn ngào, nói mãi mới xong bài phát biểu. Cô Hà đứng trên bục giảng cũng đỏ hoe cả hai mắt. Sau đó, chúng em gửi tặng cô những tấm thiệp nhỏ viết những lời cảm ơn chân thành nhất tự đáy lòng mình. Tất cả được để vào một chiếc hộp giấy, để cô có thể mang về nhà sau tiết học. Những phút cuối cùng, chúng em đã ôm chầm lấy cô, như ôm người mẹ của mình. Giây phút chia xa thật bịn rịn và lưu luyến. Bởi sau hôm nay, cô Hà sẽ không còn đến trường giảng dạy nữa.
Tiết học kết thúc, chuông báo hiệu giờ ra chơi vang lên dồn dập. Nhưng lạ thay, chẳng bạn nào háo hức chạy ngay ra sân như mọi hôm. Bởi ai cũng đang rất buồn khi phải xa cô giáo. Chúng em chỉ mong tiết học ấy kéo dài thêm nữa, để được là học trò của cô thêm vài phút. Nhưng rồi tiết học cũng phải dừng lại trong sự tiếc nuối vô bờ. Em mong cô Hà sẽ bắt đầu một Hà sẽ bắt đầu một hành trình mới tràn đầy niềm vui. Em sẽ giữ lời hứa học tập chăm ngoan như những lời dạy của cô đã truyền đạt.
Bài tham khảo Bài mẫu 3
Trong những buổi học của tuần trước, em thấy buổi học ngày đầu tuần là thích thú hơn cả. Cho đến tận bây giờ, em vẫn còn nhớ rất rõ buổi học sôi động và hào hứng ấy.
Hôm ấy bầu trời trong xanh, khí trời se se lạnh. Cô giáo bước vào lớp với nụ cười thật tươi. Bài học đầu tiên cô dành cho chúng em là bài học đạo đức có chủ đề “Giúp đỡ các chú công an làm nhiệm vụ”. Em rất khâm phục chú bé Nguyễn trong câu chuyện “Khách không mời mà đến”. Qua câu chuyện này em thấy rằng: Nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong xã hội là nhiệm vụ của mọi công dân, đặc biệt là lứa tuổi thiếu nhi, học sinh cũng góp một phần không nhỏ.
Tiết học tiếp theo là giờ tập đọc với bài thơ “Hoa hồng Bun-ga-ri”. Một bạn được đứng lên đọc một đoạn thơ. Cô giáo lắng nghe và góp ý cho từng bạn về cách đọc sao cho thật trôi chảy. Phần trả lời câu hỏi mới là phần thú vị nhất. Bạn nào cũng hào hứng giơ tay muốn được cô ưu ái cho phần trả lời. Có những bạn đưa ra những câu trả lời thật ngây ngô và hồn nhiên, nhưng đã mang lại tiếng cười sảng khoái cho cả lớp. Qua bài thơ em đã biết thêm một điều: Hoa hồng tuy mỏng manh, yếu ớt, nhưng ở đất nước Bun-ga-ri nó rất kiên cường, không khuất phục trước quân giặc.
Sau giờ ra chơi vui nhộn, chúng em trở lại lớp học với tâm trạng chờ đợi tiết lịch sử. Bài ôn tập "Chín năm kháng chiến bảo vệ đất nước" đã cho chúng em thấy được tinh thần chiến đấu quật cường và sự hy sinh gian khổ của các chiến sĩ cách mạng. Qua đó chúng em càng thêm yêu và kính phục những chú bộ đội cụ Hồ - những người đã mang lại hòa bình, độc lập cho đất nước.
Tiếng chuông reo vang, buổi học kết thúc trong sự tiếc nuối của các thành viên trong lớp. Em mong sao có thật nhiều buổi học như ngày thứ hai này. Đó là buổi học sôi động, vui vẻ và mang lại cho chúng em nhiều bài học ý nghĩa.
Bài tham khảo Bài mẫu 4
Một buổi học của ngày đầu tuần lại đến. Buổi học này để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc.
Hôm ấy là một buổi sáng mùa xuân, tiết trời ấm áp. Nắng ban mai rải nhẹ những tia nắng vàng óng á xuống cành cây, kẽ lá. Mọi vật như bừng tỉnh giấc. Em tung tăng cắp sách đến trường. Vẫn như thường ngày, chúng em nhanh chóng truy bài lẫn nhau. Đúng bảy giờ, tiếng trống trường quen thuộc lại vang lên. Chúng em xếp hàng ngay ngắn trước sân trường để làm lễ chào cờ. Bạn Liên đội trưởng điều khiển nghi lễ. Lá quốc kì được từ từ kéo lên, phần phật trong gió sớm. Tiếng trống chào cờ vang lên cùng bài hát Quốc ca, Đội ca hùng tráng. Cảnh tượng lúc chào cờ đã khơi dậy trong lòng em một sự tưởng nhớ và lòng biết ơn sâu sắc. Ba mươi phút trôi qua, kết thúc nghi lễ và những nội dung của tiết chào cờ. Chúng em tuần tự vào lớp học.
Tiết học đầu tiên là môn Tập đọc với bài Người công dân số Một. Qua bài học, hình ảnh yêu nước, thương dân của người nông dân đất Việt đã in sâu vào tâm trí em. Đó là hình ảnh Bác Hồ thời trai trẻ. Bác đang chuẩn bị cho chuyến đi xa để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Vì hoài bão cứu nước nên Bác không làm việc ở Sài Gòn mà phải bôn ba ra nước ngoài, dù phải chịu nhiều gian khổ. Em cảm thấy thương Bác vô cùng.
Tiết học tiếp theo là môn Toán với bài Diện tích hình tròn. Chúng em hào hứng thảo luận, xây dựng bài học. Từng cánh tay đưa lên như những búp măng non, ai cũng mong được cô giáo gọi đến tên mình. Chúng em tiếp nối nhau trả lời rồi lên bảng giải bài tập. Những tia nắng ấm áp nghiêng mình qua cửa sổ xem chúng em làm bài. Làn gió mát rượi thổi đến như tiếp sức, cổ vũ cho chúng em. Nhờ hiểu bài, em làm bài tập rất nhanh. Cô giáo nhìn chúng em làm bài với vẻ hài lòng phấn khởi. Có lẽ hôm ấy chúng em đạt điểm mười nhiều nhất.
Môn Toán vừa kết thúc cũng là tiếng trống trường gióng giả vang lên báo hiệu giờ giải lao. Chúng em ùa ra sân, tung tăng chạy nhảy. Ai nấy đều vươn cao lồng ngực để hít thở không khí trong lành. Mười lăm phút giải lao lại hết, chúng em vào lớp, tiếp tục môn Địa lí. Bài học về châu Á đã giúp em hiểu được đặc điểm tự nhiên, dân cư và hoạt động kinh tế của các nước thuộc châu lục này. Chúng em đã hiểu được rằng, các nước châu Á đều thuộc chủng tộc da vàng, chúng ta phải cùng nhau đoàn kết, hợp tác và phát triển,
Tiết học cuối cùng là môn Đạo đức. Bài học Em yêu Tổ quốc Việt Nam đã giúp em thấy được Việt Nam là một đất nước có nền văn hiến lâu đời, ngày nay đang gìn giữ và phát triển. Em lại càng nhận rõ phần trách nhiệm của mình đang chờ ở phía trước. Em cảm thấy yêu quê hương, đất nước vô cùng.
Thế là buổi học đã hết. Chúng em ra về với niềm hân hoan, phấn chấn. Ai cũng rạng rỡ nụ cười tươi thắm trên môi. Em mong sao các buổi học sau đều như thế.
Bài tham khảo Bài mẫu 5
Chiều hôm nay, lớp em đã có một tiết Tiếng Anh rất đặc biệt. Bởi chúng em không học theo cách như thường lệ, mà được kết hợp giữa học và chơi rất thú vị.
Khi chuông vừa reo lên, cô giáo đã xuất hiện ở cửa lớp và chào chúng em bằng một nụ cười thật tươi. Sau khi chúng em ổn định chỗ ngồi, cô bắt đầu phổ biến về nội dung của tiết học ngày hôm nay. Theo đó, lớp em sẽ chia thành năm đội, rồi xếp thành năm hàng dọc. Cô sẽ chia bảng thàng năm cột để các đội lần lượt ghi lên đó đáp án của mình. Nội dung của buổi học sẽ là ôn tập lại kiến thức đã học ở học kì 2 với các câu hỏi dạng trắc nghiệm. Từng câu hỏi sẽ được chiếu lên màn hình tivi, còn chúng em thì lần lượt chạy lên bảng ghi đáp án, nếu đội nào qua 10s vẫn không ghi được đáp án thì sẽ được đổi người. Nhưng mỗi đội chỉ được đổi người ba lần, nên cần suy nghĩ kĩ trước khi sử dụng quyền này.
Ngay sau khi cô giáo nêu luật chơi, chúng em nhanh chóng đứng dậy xếp lại bàn ghế để lấy không gian xếp thành các hàng dọc. Khi trò chơi bắt đầu, không khí lớp học liền trở nên sôi động hơn. Những câu hỏi đầu tiên khá đơn giản, nên chúng em ghi đáp án lên bảng rất nhanh. Nhưng dần dần, các câu hỏi ngày càng khó hơn, nên chúng em cũng cần bàn bạc lại trước khi viết. Lúc bàn bạc, chúng em tụm lại, tự giải thích và thuyết phục lẫn nhau về đáp án của câu hỏi. Nhờ vậy mà chúng em được ôn lại bài thêm nhiều lần. Đồng thời, kĩ năng trao đổi và làm việc nhóm cũng được tăng cao. Khi các câu hỏi dần về đến cuối cùng, không khí cả lớp càng nóng hơn bao giờ hết. Cô giáo cũng nêu ra quy định với mười câu hỏi cuối sẽ tính thời gian là 15s để thảo luận. Điều đó khiến chúng em càng thêm hối hả và vội vàng. Khi trò chơi kết thúc, thì thắng thua cũng rõ ràng. Tuy có đội thắng, đội thua nhưng chúng em ai cũng rất vui và thích thú với phần thi của đội mình. Lúc tiếng chuông kết thúc tiết học vang lên, chúng em ai cũng tiếc nuối vì một giờ học hay và bổ ích đã kết thúc.
Cách kết hợp học và chơi của cô giáo đã giúp chúng em nắm vững kiến thức hơn và có những giây phút hoạt động nhóm vui vẻ. Em mong rằng sau này chúng em sẽ được trải nghiệm nhiều tiết học thú vị như thế nữa.
Bài tham khảo Bài mẫu 6
Tiết học của ngày đầu tuần lại đến. Buổi học này để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc.
Hôm ấy là một buổi sáng mùa xuân, tiết trời ấm áp. Nắng ban mai rải nhẹ những tia nắng vàng óng á xuống cành cây, kẽ lá. Mọi vật như bừng tỉnh giấc. Em tung tăng cắp sách đến trường. Vẫn như thường ngày, chúng em nhanh chóng truy bài lẫn nhau. Đúng bảy giờ, tiếng trống trường quen thuộc lại vang lên. Chúng em xếp hàng ngay ngắn trước sân trường để làm lễ chào cờ.
Khi toàn trường đã ổn định, tiếng thầy tổng phụ trách vang lên: "Nghiêm! Chào cờ! Chào". Tất cả thầy cô và học sinh đặt tay lên góc trán, ánh mắt dồn về lá quốc kì đang tung bay trên cao. Không khí trở nên trang trọng và thiêng liêng hơn bao giờ hết. Khi chào cờ, toàn thể thầy cô giáo và học sinh trong trường cùng cất tiếng hát Quốc ca. Lời bài hát với giai điệu hào hùng vang lên to, dõng dạc khắp sân trường, gợi nhắc về quá khứ vàng son của dân tộc Việt Nam ta. Đồng thời cũng nhắc nhở mỗi học sinh chúng em khắc ghi công lao, biết ơn những người anh hùng đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương để hôm nay, chúng em được sống trong hòa bình, được học tập, vui chơi. Tiếp đến là khúc hát Đội ca rộn ràng, vui tươi, tiếp thêm năng lượng để chúng em phấn đấu học tập cho tuần mới. Kết thúc Đội ca, thầy tổng phụ trách lên khán đài và đọc nhận xét tình hình học tập, nền nếp của cả trường trong tuần vừa qua. Thầy khen ngợi các lớp thực hiện tốt và phê bình những cá nhân, tập thể còn mắc khuyết điểm.
Có lẽ không chỉ em mà tất cả các bạn học sinh đều cảm thấy chào cờ là tiết học bổ ích, dạy dỗ và nhắc nhở mỗi người phải biết tự có trách nhiệm với chính bản thân và tập thể của mình.
Bài tham khảo Bài mẫu 7
Tiết Tiếng Việt sáng nay đã diễn ra trọng sự ngóng đợi của cả lớp em từ hơn một tuần nay. Bởi nội dung của tiết học hôm nay là Đóng vai nhân vật để kể lại một câu chuyện cổ tích. Các nhóm trong lớp đã đầu tư cả đạo cụ để diễn lại câu chuyện cho thật hay. Nên ai cũng mong đợi tiết học này đến.
Trước tiết học, các bạn trong lớp xếp lại bàn ghế theo từng nhóm, để lại khoảng rộng giữa lớp làm sân khấu để kể chuyện. Sau đó, mọi người tụm lại, tranh thủ ôn lại lời kịch để có thể trình diễn thật tốt. Mọi người tập trung đến mức, chẳng ai nhận ra cô giáo đã đứng ở cửa lớp từ lúc nào. Nhìn chúng em hăng say chuẩn bị cho tiết học, cô mỉm cười vui vẻ. Sau khi cô giáo chọn một chỗ ngồi cạnh chúng em, chứ không lên bục giảng như mọi khi, thì tiết học chính thức bắt đầu.
Thứ tự biểu diễn được bốc thăm từ lúc công bố nội dung tiết học ngày hôm nay. Theo đó, các nhóm sẽ lên kể lại câu chuyện lần lượt theo thứ tự: Nhóm kể chuyện Cô bé bán diêm, Thạch Sanh, Cô bé Lọ Lem và Ba lưỡi rìu. Mỗi khi một nhóm biểu diễn, cả lớp sẽ chăm chú quan sát. Khi có chi tiết hài hước, mọi cười sẽ cười phá lên. Lúc nhân vật gặp khó khăn, thì cả lớp lại im phăng phắc, căng thẳng dõi theo. Sau khi một nhóm biểu diễn xong, cô giáo sẽ đặt câu hỏi cho các thành viên xoay quanh câu chuyện vừa kể. Nào là nhân vật này có tính cách như thế nào, ý nghĩa của câu chuyện là gì, rồi vì sao em lại chọn kể lại câu chuyện này. Nhờ vậy mà cả lớp em hiểu thêm về câu chuyện cổ tích được kể lại. Đồng thời, chúng em cũng nhớ rõ hơn về các nhân vật, sự kiện và ý nghĩa của câu chuyện đó. Kết thúc tiết học, cả lớp em ai cũng vui vẻ và thích thú. Với kiến thức đã có sau tiết học này, chúng em tự tin có thể hoàn thành tốt bài văn kể lại một câu chuyện cổ tích đã nghe, đã đọc rồi.
Tiết học Tiếng Việt ngày hôm nay diễn ra vừa vui vẻ, hào hứng, vừa giúp chúng em thêm đoàn kết và làm việc nhóm tốt hơn. Cách cô giáo giúp chúng em tìm ý cho bài văn như thế này đã làm cho bạn nào cũng hiểu bài mà lại không nhàm chán. Đây thực sự là tiết học Tiếng Việt tuyệt vời nhất của em.
Bài tham khảo Bài mẫu 8
Sáng nay, cả lớp em đã có một tiết Luyện tập Toán rất hay và bổ ích. Khác với các tiết học bình thường, ngày hôm nay thầy Toàn đã tạo nên một “sân chơi Toán học” vui nhộn cho cả lớp em.
Trước khi vào tiết 10 phút, thầy Toàn đã vào lớp. Sự xuất hiện của thầy làm chúng em có chút khó hiểu. Nhưng khi thầy ra hiệu cho mọi người tiếp tục chơi, thì chúng em nhanh chóng quên đi sự xuất hiện của thầy trên bục giảng. Cho đến khi có tiếng chuông reo báo hiệu giờ vào học, chúng em mới nhận ra thầy Toàn đã bố trí xong máy chiếu và một hộp giấy nhỏ trên bàn. Theo tiếng hô của lớp trưởng, cả lớp em đứng dậy chào thầy đầu tiết học, sau đó mới ngồi xuống và mở sách vở ra.
Nhưng lạ thay, thầy lại bảo cả lớp cất hết sách vở vào cặp. Trong sự ngỡ ngàng của mọi người, thầy bắt đầu mở máy chiếu. Sau khi nghe thầy giải thích, chúng em mới hiểu được nội dung của tiết học ngày hôm nay. Theo đó, chúng em sẽ ôn luyện phần kiến thức về đơn vị đo khối lượng yến, tạ, tấn qua các trò chơi nhóm. Nghe nhắc đến từ “trò chơi”, lập tức mọi người vui vẻ reo lên. “Suỵt”, thầy giáo khẽ ra hiệu, ngay lập tức cả lớp lại trật tự như cũ. Lần lượt từng bạn lên bảng, bốc thăm trong hộp giấy để chia đội. Sau khi năm đội xếp thành năm cột dọc, trò chơi bắt đầu. Mỗi khi máy chiếu hiện ra câu hỏi, các thành viên đầu hàng của năm đội sẽ tranh nhau quyền trả lời. Theo đó, một câu hỏi sẽ có hai cơ hội trả lời để ghi điểm, nếu cả hai lượt đều sai thì thầy Toàn sẽ công bố đáp án và giải thích. Vui nhất là ở gói câu hỏi cuối cùng. Chúng em sẽ tự nghĩ ra câu toán đổi đơn vị rồi cho vào thùng giấy cho đội đối thủ bốc thăm. Ai cũng cố nghĩ ra câu thật khó để làm đội bạn thua cuộc.
Nhờ các trò chơi đó, mà tiết học Toán chẳng hề nhàm chán tí nào. Chúng em vẫn nhớ kĩ nội dung bài, thuần thục cách đổi đơn vị, thậm chí là còn làm bài nhanh hơn bình thường. Không khí sôi động, hào hứng đó khiến tiết Toán thật sự là một sân chơi bổ ích và lí thú. Em mong rằng chúng em sẽ được học nhiều tiết học vui vẻ như thế này nữa. Không chỉ ở môn Toán mà còn ở các môn học khác nữa.


Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết bài văn thuật lại một lần em cùng bố mẹ (hoặc người lớn trong gia đình) đi chơi (hoặc đi thăm ông bà, cô bác,…) lớp 4
- Viết bài văn thuật lại một cuộc thi thể thao hoặc buổi biểu diễn nghệ thuật mà em được xem lớp 4
- Viết bài văn thuật lại một ngày hội được tổ chức ở trường em lớp 4
- Viết bài văn thuật lại một hoạt động trải nghiệm thú vị của em ở trường lớp 4
- Viết bài văn thuật lại một sự việc để lại cho em nhiều ấn tượng trong lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 của trường hoặc lớp em lớp 4
- Viết bài văn thuật lại một lần em cùng bố mẹ (hoặc người lớn trong gia đình) đi chơi (hoặc đi thăm ông bà, cô bác,…) lớp 4
- Viết bài văn thuật lại một cuộc thi thể thao hoặc buổi biểu diễn nghệ thuật mà em được xem lớp 4
- Viết bài văn thuật lại một ngày hội được tổ chức ở trường em lớp 4
- Viết bài văn thuật lại một hoạt động trải nghiệm thú vị của em ở trường lớp 4
- Viết bài văn thuật lại một sự việc để lại cho em nhiều ấn tượng trong lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 của trường hoặc lớp em lớp 4