Phân tích bài thơ Vội vàng trong tập Thơ thơ (1938) của Xuân Diệu - Lớp 11


Quan niệm sống mới mẻ của tác giả là yêu cuộc sống trần thế xung quanh và tìm thấy trong đó biết bao điều hấp dẫn, đáng sống, biết tận hưởng những gì mà cuộc sống ban tặng


1. Bố cục của bài thơ

Bài thơ có thể chia làm ba đoạn:

- Đoạn 1 (13 câu đầu): Tình yêu cuộc sống thiết tha và say đắm của tác giả.

- Đoạn 2 (câu 14 đến câu 30): Tâm trạng băn khoăn của tác giả về tuổi trẻ của đời người trước sự qua đi nhanh chóng của thời gian.

- Đoạn 3 (9 câu cuối): Tâm trạng vội vàng, thái độ sống gấp gáp của tác giả, đồng thời là tuyên ngôn về lẽ sống của Xuân Diệu.

Bố cục của bài thơ khá rõ ràng, thể hiện mạch lí luận sâu sắc và chặt chẽ. Đó là mạch cảm xúc hối hả, vội vàng trước sự qua đi nhanh chóng của thời gian.

2. Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu trong bài thơ

       Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu gắn liền với mùa xuân của thiên nhiên và tuổi trẻ của con người. Đó là cảm nhận của một con người yêu cuộc sống say đắm, thiết tha đến mức phải vội vàng

       Thời gian và mùa xuân.

       Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu hết sức tinh tế và đầy triết lí nhân sinh. Xuân Diệu viết bài thơ này khi còn rất trẻ, đó là cái tuổi của sự sống mơn mởn, của việc hưởng thụ sự sống, ít ai có thế nghĩ đến một triết lí sâu xa như Xuân Diệu. Đối với Xuân Diệu, mỗi khắc thời gian trôi qua chính là niềm sợ hãi, lo canh cánh trong lòng. Tác giả sử dụng cú pháp đối lập để diễn tả sự trôi đi của thời gian và tuổi trẻ: đương tới / đương qua; còn non / sẽ già. Sự cảm nhận về thời gian đó đã giúp tác giả rút ra kết luận về sự đồng nhất giữ mùa xuân và tuổi trẻ của chính mình cũng như của tất cả mọi người:

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

       Mùa xuân trôi đi thì tuổi trẻ cũng phai tàn, và khi xuân không còn thì đời người cũng hết. Cảm nhận về sự tàn phai của thời gian đã được Xuân Diệu khái quát thành một triết lí nhân sinh. Chắc hẳn phải là người có ham muốn sống tột bậc mới có thể cảm nhận về .thời gian một cách cao sâu như vậy. Hẳn là trong Xuân Diệu đã chứa chất bi kịch của nhà thơ lãng mạn trong thân phận một thi nhân mất nước lúc bấy giờ, cũng có thể Xuân Diệu quá yêu cuộc sống nồng nhiệt đến mức sợ thời gian cướp mất tuổi xuân của mình. Có thế giải thích bằng nhiều cách khác nhau, tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu bắt nguồn từ chính lòng yêu đời, yêu cuộc sống của ông.

Thời gian và tuổi trẻ

       Mùa xuân chính là tuổi trẻ của đời người, của tác giả. Thời gian làm mùa xuân trôi qua cũng chính là cướp đi tuổi trẻ của tác giả. Đó chính là sự lo lắng va xót xa của con người vốn rất yêu cuộc sống, yêu cái tuổi trẻ đầy sức sống của mình Tâm  trạng lo lắng đó đã được tác giả bộc bạch trong những câu thơ đầy triết lí.

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian,

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!

       Câu thơ tưởng chừng là lời than vãn nhưng hiện lên trong dó là một quan niệm sâu sắc: cuộc đời làm sao có hai lần tuổi trẻ, và khi thời gian trôi qua thi tuổi trẻ có còn? Một sự so sánh không hề khập khiễng để thấy rằng cuộc đời con người luôn có giới hạn và nhất là cái tuổi trẻ thật đẹp nếu so với mùa xuân của trời đất. Với Xuân Diệu, tuổi trẻ là cái quý nhất của cuộc đời con người, đó là khoảng thời gian đẹp nhất và hạnh phúc nhất. Chính vì vậy tuổi trẻ trôi qua là điều nhà thơ lo lắng nhất và tiếc nuối nhất: Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.

       Cảm nhận về thời gian của tác giả làm hiện lên niềm khát sống, khát khao hạnh phúc của một con người vốn có nhiều khát khao. Niềm khát khao ấy thể hiện qua ước muốn níu kéo thời gian để giữ mãi tuổi thanh xuân, giữ mãi mùa xuân của đời người, để con người mãi sống trong tuổi trẻ, trong mùa xuân của cuộc đời.

3. Cảm nhận của tác giả về thiên nhiên và sự sống trong bài thơ

       Nhà thơ giãi bày cái ước muốn tưởng như ngông cuồng của mình bằng một bức tranh tràn đầy sức sống, ngồn ngộn sắc xuân, hương xuân và tình xuân.

       Bức tranh thiên nhiên có đủ ong, bướm, hoa lá, yến anh và cả ánh bình minh rực rỡ. Tất cả đang ở thời kì sung mãn nhất, sức sống căng đầy nhất. Tuần tháng mật của ong bướm; hoa của đồng nội xanh rì; lá của cành lơ phơ phất; khúc tinh si của yến anh; hàng mi chớp ánh bình minh của mặt trời... tất cá hiện hữu có đôi lứa có tình như mời, như gọi, như xoắn xuýt.

       Thi sĩ lãng mạn đã đón chào và chiêm ngưỡng cuộc sống, thiên nhiên băng cặp mắt xanh non của tuổi trẻ. Cái nhìn vừa ngỡ ngàng, vừa đắm say ngây ngất. Điệp khúc này đây cùng với các liệt kê theo chiều tăng tiến, cách dùng từ láy, từ ghép và những cụm từ tuần tháng mật, khúc tình si hòa vào nhịp thơ gấp gáp, khẩn trương vừa diễn tả cảm giác sung sướng, ngây ngất, vừa có nhịp thơ gấp gáp, khẩn trương vừa diễn tả cảm giác sung sướng, ngây ngất, vừa có gì như là sự hối thúc, giục giã, khiến cho ai đó dù vô tình cũng không thể làm thơ, không thể quay lưng. Cuộc sống là thiên đường trên mặt đất, hãy tận hưởng và tận hưởng. Đó là lời tác giả muốn nhấn mạnh khi khắc họa bức tranh thiên nhiên trong bài thơ.

       Nhà thơ như say khi thốt lên:

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

       Câu thơ có ý nghĩa bao quát cả đoạn và lối diễn độc đáo mới lạ. Với Xuân Diệu, cuộc đời đẹp nhất, là tuổi trẻ, cũng như một năm đẹp nhất là mùa xuân và mùa xuân đẹp nhất là tháng giêng. Cái đẹp nằm ở sự bắt đầu, tinh khôi, mới mẻ, hồng hào, mơn mởn... Xuân Diệu đã vật chất hóa một khái niệm thời gian bằng cặp môi gần. Xuân Diệu còn truyền cảm giác cho người đọc bằng các từ ngon, gần. Câu thơ của Xuân Diệu không chỉ gợi hình thể mà còn gợi cả hương thơm và vị ngọt khiến người ta đắm say, ngây ngất.

4. Hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu trong đoạn cuối bài thơ

Đoạn cuối trong bài thơ gồm có 9 câu đã diễn tả dược khát vọng sống, khát vọng yêu cuồng nhiệt, hối hả của Xuân Diệu. Khát vọng ấy được thể hiện qua những hình ảnh, ngôn từ và nhịp điệu hết sức vội vàng, gấp gáp.

- Hình ảnh tươi mới, đầy sức sống như sự sống mơn mởn; mây đưa và gió lượn; cánh bướm với tình yêu, cái hôn nhiều; non, nước, cỏ cây; mùi thơm, ánh sáng, hương sắc: xuân nồng.

- Ngôn từ với những động từ mạnh và tăng tiến như ôm, riết, say, thâu, chếnh choáng, đã đầy, no nê, cắn.

- Nhịp điệu dồn dập, hôi hả, sôi nổi và cuồng nhiệt được tạo nên bởi những câu thơ dài ngắn xen kẽ.

5. Giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ

       Giá trị nội dung: Quan niệm sống mới mẻ của tác giả là yêu cuộc sống trần thế xung quanh và tìm thấy trong đó biết bao điều hấp dẫn, đáng sống, biết tận hưởng những gì mà cuộc sống ban tặng. Từ đó, càng thêm yêu mùa xuân và tuổi trẻ, những gì đẹp nhất của cuộc sống con người. Đó là quan niệm sông rất người mang ý nghĩa tích cực và có giá trị nhân văn sâu sắc.

       Giá trị nghệ thuật: Những cách tan của thơ mới được thể hiện một cách sáng tạo và táo bạo qua ngòi bút của Xuân Diệu: từ cảm hứng, ý tưởng thơ cho đến hình ảnh, nhịp điệu, ngôn từ... tất cả đều in dấu ấn phong cách Xuân Diệu.

Loigiaihay.com

 


Bình chọn:
4.2 trên 5 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 11 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí