Đọc – hiểu văn bản văn học trung đại Việt Nam


I – KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Văn bản văn học trung đại Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Khi đọc – hiểu cần chú ý đối chiếu giữa văn bản phiên âm, bản dịch nghĩa với văn bản dịch thơ văn. Chú ý đọc kĩ những nội dung chú thích về nghĩa hay điển tích, điển cố.


I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Văn bản văn học trung đại Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Khi đọc – hiểu cần chú ý đối chiếu giữa văn bản phiên âm, bản dịch nghĩa với văn bản dịch thơ văn. Chú ý đọc kĩ những nội dung chú thích về nghĩa hay điển tích, điển cố.

2. Văn học trung đại thiên về biểu hiện tâm, chí mà ít tả thực các hiện tượng đời sống. Khi đọc – hiểu, cần lưu ý đến tính ước lệ, tượng trưng của các hình ảnh; khai thác những hàm ý ẩn chứa.

3. Văn học trung đại thiên về xây dựng những kết cấu ngôn từ cân đối, hài hoà. Cần khai thác đặc điểm độc đáo về biểu hiện này khi đọc – hiểu văn bản.

II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Luyện đọc – hiểu văn tự, điển cố, từ cổ

a) So sánh bản dịch nghĩa và bản dịch thơ bài Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão; từ đó cho biết việc so sánh có tác dụng như thế nào?

   Gợi ý:

Câu 1 (Cầm ngang ngọn giáo trấn giữ đất n­ước vừa chẵn mấy thu / Múa giáo non sông trải mấy thu): Hai chữ “Múa giáo” không hay bằng “cầm ngang ngọn giáo”, làm mất đi cái hiên ngang, vững chãi, lẫm liệt.

- Câu 2 (Ba quân dũng mãnh như hổ báo khí thế nuốt trâu / Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu): Bản dịch thơ lược bỏ mất “tì hổ” (hổ báo).

- Câu 3 (Nam nhi mà chư­a trả được nợ công danh / Công danh nam tử còn vương nợ): Câu này dịch khá sát.

- Câu 4 (Xấu hổ khi nghe người ta nói chuyện Vũ hầu / Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu): Câu này dịch khá sát.

à Nhờ đối chiếu, ta hiểu đúng hơn, sâu sắc hơn vẻ đẹp của bài thơ.

b) Câu thơ “Hồng liên trì đã tiễn mùi hương” (Nguyễn Trãi – Cảnh ngày hè) – hiểu “tiễn” là “ngát”; có bản phiên âm là “Hồng liên trì đã tịn mùi hương” – hiểu “tịn” là “hết”. Theo anh (chị), hiểu theo nghĩa nào thích hợp hơn?

   Gợi ý: Theo SGK Ngữ văn 10 Nâng cao, tập một thì “Tiễn: từ Hán Việt có nghĩa đầy, có thừa, trong câu này có thể hiểu là ngát hoặc nức. Hai câu: “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ – Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”, ý nói trong khi thạch lựu ở hiên còn đang tiếp tục phun màu đỏ, thì sen hồng trong ao đã ngát mùi hương.” (Sđd, Tr. 160).

c) Giải thích ý nghĩa và biểu tượng (được in đậm) trong các câu sau:

- Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

- Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

Lấy chí nhân để thay cường bạo.

Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật,

Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.

- Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới;

Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào.

(Đại cáo bình Ngô)

   Gợi ý:

Nhân nghĩanhân là yêu thương, trọng người; nghĩa là theo lẽ phải. Yên dân: làm cho dân yên.

Điếu phạt: điếu là thương xót, phạt là trừng phạt kẻ có tội; hai chữ điếu phạt là rút gọn từ điếu dân phạt tội: thương dân, đánh kẻ có tội.

Đại nghĩa: nghĩa lớn, nghĩa cao cả.

Chí nhân: vô cùng nhân (nghĩa); lòng nhân (nghĩa) ở mức cao nhất.

Trúc chẻ tro bay: khí thế chiến thắng mạnh mẽ, không sức nào cản nổi, như chẻ tre, như gió cuốn tro bay.

Sấm vang chớp giật: sức mạnh chiến thắng mãnh liệt.

Dựng cần trúc ngọn cờ phất phới: lấy ở sách cổ, ý nói vì quá gấp gáp chưa kịp may cờ, phải lấy cành trúc làm cờ để tập hợp lực lượng.

Hoà nước sông chén rượu ngọt ngào: lấy ý từ một truyện cổ, kể chuyện Tấn – Sở đánh nhau, có người dâng vua sở vò rượu ngon, vua Sở cho hoà vò rượu vào nước sông để đủ cho vua tôi cùng uống. Quân sĩ cảm động, đồng lòng đánh bại nước Tấn. ở đây ý nói người chỉ huy và quân lính cùng nhau chia ngọt sẻ bùi.

d) Giải thích điển tích văn học và từ cổ trong các câu sau:

- Rượu đến cội cây ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

                       (Nhàn)

- Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

                    (Cảnh ngày hè)

   Gợi ý:

Phú quý tựa chiêm bao: có thể hiểu theo tích xưa, một người nằm ngủ dưới gốc cây hòe chiêm bao thấy mình được làm quan, giàu có, tỉnh dậy thấy mình vẫn nằm dưới gốc cây hòe, mới biết đó chỉ là chiêm bao.

Ngu cầm: đàn của vua Ngu Thuấn. Ngu là tên một triều đại huyền thoại do vua Thuấn lập nên, đất nước thanh bình, nhân dân no đủ. Tương truyền vua Nghiêu có ban cho vua Thuấn một cây đàn. Những lúc rỗi rãi, vua Thuấn thường gảy đàn ca khúc Nam phong:

Gió nam mát mẻ,

Làm cho dân ta bớt ưu phiền.

Gió nam thổi đúng lúc,

Làm cho dân ta ngày thêm nhiều của cải.

2. Luyện đọc – hiểu tâm sự, chí hướng, tư tưởng trong văn bản văn học trung đại

a) Giải thích ý nghĩa các câu sau:

- Đến bên sông chừ hổ mặt,

Nhớ người xưa chừ lệ chan.

- Giặc tan muôn thủa thăng bình,

Phải đâu đất hiểm cốt mình đức cao.

(Phú sông Bạch Đằng)

   Gợi ý:

- Đến bên sông chừ hổ mặt – Nhớ người xưa chừ lệ chan: nghĩ tới thời oanh liệt của các vua Trần xưa, thấy xấu hổ và xót xa cho hiện trạng của đất nước đương thời.

Giặc tan muôn thủa thăng bình – Phải đâu đất hiểm cốt mình đức cao: Nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo đất nước.

b) Phân tích tâm sự của Nguyễn Du trong bài Đọc “Tiểu Thanh kí”.

   Gợi ý:

- Xem lại nội dung đọc – hiểu bài Đọc “Tiểu Thanh kí”

- Tham khảo:

   Mối đồng cảm, thương xót và tự nghiệm thấm thía mà Nguyễn Du gửi gắm trong Đọc Tiểu Thanh kí có cơ sở từ sự thực cuộc đời, thân phận ông. Nguyễn Du xuất thân trong gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan dưới triều vua Lê, chúa Trịnh. Từng thi đỗ tam trường và làm quan. Năm 1789 nhà Lê suy sụp, gia cảnh tan tác, Nguyễn Du phải lánh về quê vợ. Sau đó ra làm quan dưới triều Nguyễn. Có thể nói Nguyễn Du đã sống và chứng kiến một thời đại biến động dữ dội nhất của lịch sử Việt Nam, ông cũng được chứng kiến những đổi thay, bạc bẽo của cuộc đời và thân phận con người. Là một văn nhân, tuy làm quan nhưng vốn sẵn mối thương đời, thương người, cuộc đời đã lại trải qua nhiều sóng gió, sự đồng cảm giữa Nguyễn Du và Tiểu Thanh là hết sức tự nhiên, cũng giống như mối đồng cảm, đau đớn cho thân phận Thuý Kiều trong Truyện Kiều vậy.

   Tác giả nói về Tiểu Thanh, nói về mình và cũng là nói về số phận của những kẻ tài hoa mệnh bạc nói chung. Từ sự thương xót cho Tiểu Thanh tài hoa mệnh bạc, tác giả đi đến khái quát về nhân sinh: Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được”. Câu thơ chất chứa nỗi tuyệt vọng tr­ước những nghịch lí, trớ trêu của tạo hoá, cho thấy cảm thức đầy bi kịch của tri kỉ tài hoa. Tác giả tự vận những điều đã thương cảm cùng Tiểu Thanh vào chính mình ở câu 6: “Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã”. Từ xót người đến xót đời và xót mình, câu thơ thể hiện nỗi đau chung từ trải nghiệm, “lời chung” cho kẻ bạc mệnh được phát hiện cũng còn từ chính riêng phận của thi nhân. Đến hai câu cuối bài, Nguyễn Du trực tiếp nói lên tâm sự của riêng mình, tiên cảm và dự cảm, tự vấn về mình. Câu hỏi vừa mang vẻ băn khoăn, trăn trở, nghi hoặc lại vừa như tiếng lòng thi nhân tha thiết mong đợi tri kỉ, tri ngộ. Hai câu này, thực ra là sự tiếp tục, cụ thể hoá của “ngã tự c­ư” ở câu 6. Câu hỏi không còn chỉ là đặt ra cho Tiểu Thanh hay Nguyễn Du mà đã trở thành niềm day dứt phổ quát, đặt ra cho bao đời, bao người kim cổ tr­ước nghịch lí tài hoa mệnh bạc.

c) Chỉ ra tư tưởng, tình cảm của tác giả Nguyễn Dữ trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên.

   Gợi ý:

   Chuyện chức phán sự đền Tản Viên thể hiện nổi bật g­ương người cương trực, can đảm, mạnh mẽ đấu tranh chống lại gian tà, loại trừ cái ác, đòi công lí, công bằng. Truyện thể hiện thái độ phê phán đối với cái ác, cái xấu đồng thời cho thấy tinh thần can đảm đứng về phía chính nghĩa, bênh vực lẽ phải.

   Ý nghĩa giáo dục của truyện được thể hiện ở đoạn bình cuối truyện. Lời bình đã nói lên lời răn về nhân cách của kẻ sĩ, con người chân chính không nên uốn mình, phải sống cương trực, ngay thẳng. Sự cứng cỏi, lòng can đảm tr­ước những cái xấu, cái ác là thái độ ứng xử tích cực cần được coi trọng.

   Ý nghĩa về sự ca ngợi, tôn vinh người cương trực, quyết đoán, dám đương đầu với cái ác, cái xấu được thể hiện ở phần kết câu chuyện, khi Tử Văn chết lại được sống lại và trở thành đức Thánh ở đền Tản Viên.

3. Luyện đọc – hiểu giá trị nghệ thuật ngôn từ

a) Phân tích cấu trúc cân đối của các câu thơ sau, bình luận về ý nghĩa và vẻ đẹp của chúng:

- Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn người đến chốn lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

(Nhàn)

- Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

                             (Cảnh ngày hè)

   Gợi ý:

- Đối về bằng – trắc:

+ Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,

 

Người khôn người đến chốn lao xao.

 

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

B – T – B – B – B – T – T

 

B – B – B – T – T – B – B

 

B – B – B – T – B – B – T

B – T – B – B – T – T – B

 

 

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

 

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

 

 

 

T – T – B – B – B – T – T

B – B – B – T – T – B – B

B – B – T – T – B – B – T

T – T – B – B – B – T – B

 

- Đối ý:

+ dại/ khôn; ăn/ tắm

+ thạch lựu đỏ hoa/ sen hồng ngát hương; âm thanh chợ cá làng chài/ tiếng ve lầu chiều

- Đối từ loại:

+ tính từ/ tính từ (dại/ khôn); động từ/ động từ (ăn/ tắm),…

+ danh từ/ danh từ (lựu/ liên); động từ/ động từ (phun / tiễn),…

- Tham khảo lời bình luận:

+ Sự đối lập giữa “ta dại” và “người khôn” trong câu 3 – 4 mang nhiều hàm ý: vừa để khẳng định sự lựa chọn phương châm sống, cách ứng xử của tác giả, vừa thể hiện sắc thái trào lộng, thái độ mỉa mai đối với cách sống ham hố danh vọng, phú quý. Theo đó, cái dại của “ta” là cái “ngu dại” của bậc đại trí, với trí tuệ lớn, thấu triệt lẽ thịnh suy, vong tồn của cuộc đời, sống thanh thản, nhàn dật, thuận lẽ tự nhiên. Cho nên, nơi “ta” chọn là “nơi vắng vẻ”, nghĩa là nơi có thể tĩnh tại, sống an nhàn, không có tranh giành “t­ư lợi” theo sở thích của “ta”. Còn “người khôn” mà chọn “đến chốn lao xao”, nghĩa là nơi ồn ã, ở đó con người chen chúc, xô đẩy nhau để giành giật lợi danh, thì lại hoá ra “dại” vậy. “khôn” – “dại”, “nơi vắng vẻ” – “chốn lao xao” là những quan niệm sống, cách lựa chọn rất khác nhau.

+ Bức tranh ngày hè được miêu tả trong những cặp câu cân đối, hài hoà; cũng là sự cân đối, hài hoà của màu sắc, âm thanh. Vẻ đẹp của cảnh đầy sức sống cũng hé mở cho thấy cái nhìn thấm đẫm tình yêu cuộc sống của nhà thơ.

b) Phân tích tính chất hàm súc của hình ảnh trong các câu thơ:

- Bóng buồm đã khuất bầu không,

Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.

(Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng)

- Quốc thù chưa trả già sao vội,

Dưới nguyệt mài gươm đã bấy chầy.

(Nỗi lòng)

   Gợi ý:

- Hai câu thơ tựa như một bức tranh với bút pháp miêu tả tài hoa, nhưng cảnh ấy là để ngụ tình, tả trạng thái tình cảm của người đ­ưa tiễn. Cái nhìn đầy nhớ nhung, quyến luyến toát lên từ những hình ảnh bóng cánh buồm lẻ loi xa xa, từ sự vận động “mất hút” trong khoảng không gian xanh biếc mênh mang, chữ “Duy kiến” được nhấn mạnh gợi tả cái đang mất đi, hút xa dần, tuột khỏi mình, cho thấy trạng thái cô đơn, trơ vơ còn lại đang rợn ngợp tâm tưởng người đư­a tiễn. Bút pháp gợi tả tinh tế còn cho thấy sự vận động chuyển dịch ngày càng xa và sự dõi theo quá trình chuyển dịch ấy. Không nói gì về tình mà tình đã lan toả, vời vợi trong hình ảnh thơ. Đến khi dòng sông choán ngợp cái nhìn (dòng sông ngang trời) thì cảm xúc luyến tiếc, nhớ nhung cùng trạng thái đơn côi, chia lìa đã được đẩy đến đỉnh điểm.

- Tác giả đã thể hiện chí khí quật c­ường và tinh thần kiên trì chiến đấu. Hình ảnh vị tướng đầu bạc với mối thù n­ước đau đáu trong lòng, nung nấu mài kiếm dưới trăng bao phen là hình ảnh mang vẻ đẹp bi hùng, giàu tính biểu tượng. Vẫn không ra ngoài cảm giác bi kịch, trong khi mối thù n­ước ch­ưa trả đang thôi thúc thì tuổi đã cao, sức lực không còn sung mãn, tâm ấy với lực ấy trong một con người sinh ra bi kịch, nhưng cũng tâm ấy lực ấy mà toát lên vẻ đẹp của chí khí, sự bền bỉ, nhiệt huyết anh hùng, vẻ sáng láng của kẻ lỡ vận, âm thầm mà tâm tráng.

loigiaihay.com

 


Bình chọn:
4 trên 3 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 10 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí