TUẦN 13

TUẦN 15

TUẦN 17

TUẦN 21

TUẦN 26

TUẦN 29

Tuần 1:

            Bài này giúp học sinh nắm được một cách đại cương hai bộ phận lớn của văn học Việt Nam: văn học dân gian và văn học viết; nắm được một cách khái quát quá trình phát triển của văn học viết Việt Nam, hiểu được những nội dung thể hiện con người Việt Nam trong văn học. Nắm được kiến thức cơ bản về hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, nâng cao kĩ năng phân tích lĩnh hội tạo lập văn bản trong giao tiếp.

Tuần 2:

            Bài này giúp học sinh nắm được các đặc trưng cơ bản của văn học dân gian và khái niệm về các thể loại của văn học dân gian Việt Nam; hiểu rõ vị trí, vai trò và những giá trị to lớn của văn học dân gian trong mối quan hệ với văn học viết và đời sống văn hóa dân tộc. Nắm được khái niệm, đặc điểm cơ bản của văn bản và các loại văn bản, nâng cao năng lực phân tích và thực hành tạo lập văn bản. Viết được bài văn bộc lộ những cảm nghĩ chân thực của bản thân về một đề tài gần gũi, quen thuộc trong đời sống.

Tuần 3:

            Bài này giúp học sinh nhận thức được lẽ sống, niềm vui của người anh hùng sử thi chỉ có được trong cuộc chiến đấu vì danh dự, hạnh phúc và sự thịnh vượng trong cộng đồng. Nắm được đặc điểm nghệ thuật của sử thi anh hùng về cách xây dựng nhân vật, nghệ thuật miêu tả và sử dụng ngôn từ.

Tuần 4:

            Bài này giúp học sinh nắm được đặc trưng cơ bản của truyền thuyết qua việc tìm hiểu một tác phẩm cụ thể kể về thành Cổ Loa, mối tình Mị Châu – Trọng Thủy và nguyên nhân mất nước Âu Lạc, nhận thức được bài học giữ nước ngụ trong một câu chuyện tình yêu. Biết cách lập dàn ý bài văn tự sự (kể lại một câu chuyện) tương tự một truyện ngắn.

Tuần 5:

            Bài này giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của người Hi Lạp qua cảnh đoàn tụ gia đình của Uy-lít-xơ. Phân tích, lí giải được các đối thoại và diễn biến tâm lí của nhân vật. Hiểu được đặc điểm nghệ thuật của sử thi Ô-đi-xê.

Tuần 6:

            Bài này giúp học sinh qua hai nhân vật Ra-ma và Xi-ta, hiểu được quan niệm của người Ấn Độ cổ đại về mẫu người anh hùng, đức vua mẫu mực và người phụ nữ lí tưởng; thấy được nghệ thuật thể hiện nhân vật của sử thi Ra-ma-ya-na. Biết chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu để viết bài văn tự sự.

Tuần 7:

            Bài này giúp học sinh hiểu được ý nghĩa của những mâu thuẫn, xung đột và sự biến hóa của Tấm Trong truyện Tấm Cám; nắm được giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Hiểu được vai trò, tác dụng của các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự, Biết kết hợp sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự.

Tuần 8:

            Bài này giúp học sinh hiểu được mâu thuẫn trái tự nhiên trong cách ứng phó của nhân vật “thầy” trong truyện, thấy được cái hay của nghệ thuật “nhân vật tự bộc lộ”. Thấy được thái độ của nhân dân đối với bản chất tham nhũng của quan lại địa phương và tình cảnh bi hài của người lao động lâm vào việc kiện tụng trong xã hội nông thôn Việt Nam xưa, nắm được nghệ thuật gây cười của truyện. Viết được bài văn nghị luận sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm.

Tuần 9:

            Bài này giúp học sinh cảm nhận được tiếng hát than thân và lời ca yêu thương tình nghĩa của người bình dân trong xã hội phong kiến qua nghệ thuật đậm màu sắc dân gian của ca dao. Trân trọng vẻ đẹp tâm hồn người lao động và yêu quý những sáng tác của họ. Nhận rõ đặc điểm, các mặt thuận lợi, hạn chế của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết để diễn đạt tốt khi giao tiếp; có kĩ năng trình bày lời nói hoặc viết văn bản phù hợp với đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.

Tuần 10:

            Bài này giúp học sinh cảm nhận được tiếng cười lạc quan trong ca dao qua nghệ thuật trào lộng thông minh, hóm hỉnh của người bình dân cho dù cuộc sống của họ còn nhiều vất vả, lo toan. Hiểu khái niệm, nội dung và nhiệm vụ của đoạn văn trong văn bản tự sự, từ đó viết được các đoạn văn tự sự.

Tuần 11:

            Bài này giúp học sinh củng cố, hệ thống hóa các tri thức đã học về văn học dân gian Việt Nam: đặc trưng của văn học dân gian, các thể loại, giá trị nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm; biết vận dụng đặc trưng các thể loại của văn học dân gian để phân tích các tác phẩm cụ thể.

Tuần 12:

            Bài này giúp học sinh nắm được các thành phần chủ yếu và các giai đoạn phát triển của văn học viết Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX; nắm vững một số đặc điểm lớn về nội dung và hình thức của văn học trung đại Việt Nam trong quá trình phát triển; yêu mến, trân trọng và giữ gìn phát huy di sản văn học dân tộc. Nắm được các khái niệm ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách ngôn ngữ sinh hoạt với những đặc trưng cơ bản của nó. Nâng cao kĩ năng phân tích và sử dụng ngôn ngữ theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

Tuần 13:

            Bài này giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng vệ quốc hiên ngang, lẫm liệt với lí tưởng và nhân cách lớn lao, vẻ đẹp của thời đại với sức mạnh và khí thế hào hùng; thấy được nghệ thuật của bài thơ: ngắn gọn, đạt tới độ súc tích cao. Bồi dưỡng nhân cách sống có lí tưởng, có ý chí, quyết tâm thực hiện lí tưởng. Cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của bức tranh ngày hè và tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, đất nước của Nguyễn Trãi. Thấy được đặc sắc nghệ thuật của thơ Nôm Nguyễn Trãi: bình dị, tự nhiên, đan xen câu lục vào bài thơ thất ngôn. Nắm được cách tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính, biết tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính.

Tuần 14:

            Bài này giúp học sinh hiểu đúng quan niệm sống nhàn và cảm nhận được vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ; biết cách đọc một bài thơ kết hợp giữa trữ tình và triết lí có cách nói ẩn ý, thâm trầm và sâu sắc. Hiểu được Tiểu Thanh thuộc kiểu những người phụ nữ tài sắc, bất hạnh mà Nguyễn Du đặc biệt quan tâm trong sáng tác của mình. Hiểu sự đồng cảm của Nguyễn Du với số phận nàng Tiểu Thanh có tài năng văn chương mà bất hạnh.

Tuần 15:

            Bài này giúp học sinh nâng cao hiểu biết về phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ, có kĩ năng phân tích giá trị biểu đạt và sử dụng hai phép tu từ nói trên. Hiểu được tình bạn chân thành, trong sáng của tác giả; nắm được đặc trưng phong cách thơ tuyệt cú của Lí Bạch: ngôn ngữ giản dị, hình ảnh tươi sáng và gợi cảm.

Tuần 16:

            Bài này giúp học sinh hiểu được bức tranh mùa thu hiu hắt cũng là bức tranh tâm trạng buồn lo của nhà thơ trong cảnh loạn li: nỗi lo âu cho đất nước, nỗi buồn nhớ quê hương và nỗi ngậm ngùi, xót xa cho thân phận mình, hiểu thêm đặc điểm của thơ Đường luật. Nắm được yêu cầu và cách thức trình bày một vấn đề, trình bày được trước tập thể.

Tuần 17:

            Bài này giúp học sinh nắm được cách lập kế hoạch cá nhân; có thói quen và có kĩ năng lập kế hoạch cá nhân.

Tuần 18:

            Bài này giúp học sinh nắm được các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh; xây dựng được kết cấu cho văn bản phù hợp với đối tượng thuyết minh. Vận dụng những kiến thức đã học về văn thuyết minh và kĩ năng lập dàn ý để lập được dàn ý cho một bài văn thuyết minh có đề tài gần gũi quen thuộc.

Tuần 19:

            Bài này giúp học sinh thấy được niềm tự hào về truyền thống của dân tộc và tư tưởng nhân văn của tác giả với việc đề cao vai trò, vị trí của con người trong lịch sử qua những hoài niệm về quá khứ. Nắm được đặc trưng cơ bản của thể phú về các mặt kết cấu, hình tượng nghệ thuật, lời văn, đồng thời thấy được những nét đặc sắc nghệ thuật của Phú sông Bạch Đằng. Nắm được nét chính về tác giả Nguyễn Trãi – một nhân vật lịch sử, một danh nhân văn hóa thế giới, thấy được vị trí to lớn của Nguyễn Trãi trong lịch sử văn học dân tộc, nhà văn chính luận kiệt xuất, nhà thơ khai sáng văn học tiếng Việt.

Tuần 20:

            Bài này giúp học sinh hiểu rõ Đại cáo bình Ngô có ý nghĩa trọng đại của một bản tuyên ngôn độc lập, khẳng định sức mạnh của lòng yêu nước và tư tưởng nhân nghĩa, là kiệt tác văn học, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố chính luận và chất văn chương; nắm vững những đặc trưng cơ bản của thể cáo và thấy được những sáng tạo của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo. Hiểu và bước đầu viết được văn bẩn thuyết minh chuẩn xác, hấp dẫn.

Tuần 21:

            Bài này giúp học sinh hiểu được niềm tự hào sâu sắc và ý thức trách nhiệm của Hoàng Đức Lương trong việc bảo tồn di sản văn học của tiền nhân, từ đó có thái độ trân trọng và yêu quý di sản văn học dân tộc; nắm được nghệ thuật lập luận của tác giả. Nắm được một cách khái quát nguồn gốc, các mối quan hệ họ hàng, quan hệ tiếp xúc, tiến trình phát triển của tiếng Việt và hệ thống chữ Viết của tiếng Việt. Thấy rõ lịch sử phát triển của tiếng Việt gắn bó với lịch sử phát triển của đất nước, dân tộc. Bồi dưỡng tình cảm quý trọng tiếng Việt – tài sản lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc.

Tuần 22:

            Bài này giúp học sinh thấy được cái hay, sức hấp dẫn của một tác phẩm lịch sử nhưng đậm chất văn học qua nghệ thuật kể chuyện và khắc họa chân dung nhân vật lịch sử.

Tuần 23:

            Bài này giúp học sinh thấy được, cảm phục và tự hào về tài năng, đức độ của người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, đồng thời hiểu được những bài học đạo lí quý báu mà ông để lại cho đời sau. Hiểu rõ tầm quan trọng của phương pháp thuyết minh và những yêu cầu đối với việc vận dụng phương pháp thuyết minh; nắm được một số phương pháp thuyết minh cụ thể. Biết vận dụng những kiến thức và kĩ năng đã học về văn bản thuyết minh để viết được một bài văn nhằm trình bày một cách cụ thể, chuẩn xác, hấp dẫn, sinh động về một sự vật hay hiện tượng.

Tuần 24:

            Bài này giúp học sinh thấy được tính cách dũng cảm, kiên cường của nhân vật Ngô Tử Văn – đại diện cho chính nghĩa chống lại những thế lực gian tà, qua đó bồi dưỡng thêm lòng yêu chính nghĩa và niềm tự hào về người trí thức nước Việt. Thấy được nghệ thuật kể chuyện sinh động, hấp dẫn, giàu kịch tính của tác giả Truyền kì mạn lục.

Tuần 25:

            Bài này giúp học sinh nắm được những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt, đồng thời có ý thức rèn luyện thói quen và năng lực sử dụng tiếng Việt theo các yêu cầu đó. Hiểu mục đích, yêu cầu, từ đó biết cách tóm tắt một văn bản thuyết minh có nội dung đơn giản.

Tuần 26:

            Bài này giúp học sinh hiểu được tính cách cương trực đến nóng nảy – một biểu hiện của lòng trung nghĩa của Trương Phi cũng như tình cảm keo sơn giữa ba anh em kết nghĩa vườn đào. Qua đoạn trích, cảm nhận được không khí chiến trận vốn là đặc điểm của Tam quốc diễn nghĩa. Viết được bài thuyết minh văn học chuẩn xác, hấp dẫn, sát đúng với yêu cầu.

Tuần 27:

            Bài này giúp học sinh cảm nhận được nỗi đau khổ của người chinh phụ phải sống trong cảnh cô đơn, chia lìa đôi lứa và hiểu được ý nghĩa đề cao hạnh phúc lứa đôi qua đoạn trích; nắm được nghệ thuật miêu tả nội tâm qua đoạn trích. Nắm và lập được dàn ý bài văn nghị luận.

Tuần 28:

            Bài này giúp học sinh hiểu được ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội và các nhân tố cuộc đời riêng đối với sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du; nắm vững những điểm chính trong sự nghiệp sáng tác và những đặc trưng cơ bản về nội dung và nghệ thuật của văn thơ ông. Nắm được khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật với các đặc trưng cơ bản của nó. Có kĩ năng phân tích và sử dụng ngôn ngữ theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

Tuần 29:

            Bài này giúp học sinh nắm được một số đặc điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều qua các đoạn trích. Củng cố và nâng cao hiểu biết về yêu cầu và cách thức xây dựng lập luận đã học ở THCS. Xây dựng được lập luận trong bài văn nghị luận.

Tuần 30:

            Bài này giúp học sinh nắm được một số đặc điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều qua các đoạn trích.

Tuần 31:

            Bài này giúp học sinh nắm được các tiêu chí chủ yếu của một văn bản văn học theo quan niệm ngày nay. Nắm được cấu trúc của văn bản văn học với các tầng: ngôn từ, hình tượng, hàm nghĩa; vận dụng những hiểu biết nói trên để tìm hiểu tác phẩm văn học. Nâng cao kiến thức về phép điệp và phép đối; luyện kĩ năng phân tích và kĩ năng sử dụng phép điệp và phép đối.

Tuần 32:

            Bài này giúp học sinh hiểu và bước đầu biết vận dụng các khái niệm thuộc nội dung và hình thức để tìm hiểu văn bản văn học. Hiểu được khái niệm thao tác nghị luận; nắm được một số thao tác nghị luận thường gặp và yêu cầu đối với việc vận dụng các thao tác đó.

Tuần 33

            Bài này giúp học sinh củng cố, hệ thống hóa những kiến thức cơ bản và các kĩ năng chủ yếu về tiếng Việt đã học trong năm học để nắm vững và sử dụng tốt hơn. Viết được các đoạn văn ngắn phù hợp với vị trí và chức năng của chúng trong bài văn nghị luận. Hiểu yêu cầu và cách viết quảng cáo cho một sản phẩm hoặc một dịch vụ và viết được văn bản quảng cáo.

Tuần 34:

            Bài này giúp học sinh nắm lại một cách hệ thống những kiến thức cơ bản đã học trong chương trình Ngữ Văn lớp 10 như các bộ phận chủ yếu của văn học Việt Nam, những thời kì phát triển của văn học Việt Nam, những đặc điểm lớn về nội dung và nghệ thuật của văn học Việt Nam trong cả quá trình phát triển và trong từng giai đoạn; những tác gia, tác phẩm tiêu biểu; mối quan hệ giữa văn học Việt Nam với văn học khu vực và thế giới; thành tựu nghệ thuật tiêu biểu của văn học nước ngoài; những khái niệm cơ bản về văn bản văn học. Có năng lực phân tích văn học theo từng cấp độ: ngôn ngữ, hình tượng văn học, sự kiện, tác gia, tác phẩm.

Tuần 35:

            Bài này giúp học sinh ôn lại tri thức và kĩ năng viết các kiểu văn bản đã học ở THCS và nâng cao ở lớp 10; ôn tập các kiểu văn bản mới đã học ở lớp 10 và chuẩn bị tốt cho bài kiểm tra cuối năm.