Đề thi học kì 2 Văn 12 Cánh diều - Đề số 5>
Đọc văn bản sau: VÃN CẢNH/CẢNH CHIỀU HÔM (*) (Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh)
Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 12 tất cả các môn - Cánh diều
Toán - Văn - Anh - Hoá - Sinh - Sử - Địa
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (4đ)
Đọc văn bản sau:
VÃN CẢNH/CẢNH CHIỀU HÔM (*)
(Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh)
Phiên âm
Mai khôi hoa khai hoa hựu tạ,
Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình;
Hoa hương thấu nhập lung môn lý,
Hương tại lung nhân tố bất bình.
Dịch nghĩa
Hoa hồng nở hoa hồng lại tàn,
Hoa nở hoa tàn đều vô tình;
Hương thơm bay vào thấu trong ngục,
Tới kể với người trong ngục nỗi bất bình.
Dịch thơ (Nam Trân)
Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng,
Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình;
Hương hoa bay thấu vào trong ngục,
Kể với tù nhân nỗi bất bình
(Hồ Chí Minh toàn tập – tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, 2000)
(*) Bài thơ được sáng tác trong thời gian Bác bị giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch (thuộc tập Nhật kí trong tù), sau khi Bác đã: Quảng Tây giải khắp mười ba huyện, mười tám nhà giam đã trải qua. Đây là bài thơ thứ 114 trong tổng số 134 bài thơ trong tập Nhật kí trong tù. Vãn cảnh cũng là bài thơ hay nhất trong chùm các bài thơ viết về cảnh chiều hôm: Mộ, Bại, Hoàng hôn và Vãn cảnh.
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5
Câu 1. Xác định thể loại và luật (bằng trắc) của bài thơ Vãn cảnh chiều hôm. (0.5đ)
Câu 2. So sánh nhan đề ở nguyên tác với nhan đề ở bản dịch và cho biết chúng có khác biệt gì? (0.5đ)
Câu 3. Xác định hình tượng chính của bài thơ và ý nghĩa của hình tượng đó? Phân tích cảm xúc của nhà thơ trong câu thơ đầu? (1.0đ)
Câu 4. Mạch cảm xúc ở 2 câu cuối bài thơ vận động như thế nào? Bài thơ gợi tả như thế nào về một cuộc gặp gỡ, cảm xúc của nhân vật trữ tình? (1.0đ)
Câu 5. Đánh giá của em về giá trị nhận thức, giáo dục thẩm mĩ và triết lí nhân sinh thể hiện ở bài thơ? (1.0đ)
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1. Viết đoạn nghị luận về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong bài thơ Vãn cảnh chiều hôm.
Câu 2. Đọc văn bản sau và viết thư (600 chữ) trao đổi với bạn về những điều mình quan tâm (điều tâm đắc, điều mình chưa đồng tình) sau khi đọc Kiên nhẫn tạo nên sự xuất sắc của tác giả M.J.Ryan.
KIÊN NHẪN TẠO NÊN SỰ XUẤT SẮC
(M.J.Ryan)
Bạn chắc hẳn biết qua câu chuyện về nhà khoa học Thomas Edison, ông không
những phát minh ra bóng đèn mà còn sáng chế ra hàng loạt những máy móc khác như máy điện báo, máy điện tín tự động, đèn điện an toàn dùng trong hầm mỏ, đèn huỳnh quang, máy quay phim, máy chụp ảnh...Trong quá trình miệt mài thử nghiệm để tìm ra vật liệu làm dây tóc bóng đèn, ông đã đúc kết kinh nghiệm như sau: “Tôi đã trải qua 2000 lần thử nghiệm khác nhau mới tìm ra được kết quả cuối cùng, nhưng tôi không nghĩ rằng mình đã thất bại 2000 lần. Tôi không hề thất bại lần nào. Tôi đã thành công trong việc chứng minh rằng có gần 2000 chất liệu không thể dùng để chế tạo dây tóc bóng đèn. Và một khi đã loại bỏ dần những chất không phù hợp, tôi cuối cùng cũng tìm ra nó!”
Tôi đã bắt đầu nghiên cứu về lòng kiên nhẫn trong nhiều năm, nhưng cách đây vài tháng tôi mới bắt đầu xem xét đến mối liên hệ giữa lòng kiên nhẫn và sự trau dồi tài năng. Eric Hoffer phát biểu về mối quan hệ này: “Điều cốt lõi của một tài năng thật sự là người đó phải nhận thức được rằng bất kỳ thành tựu dù lớn hay bé cũng luôn gắn liền với những khó khăn nhất định. Và chính nhờ sự kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng mà họ vượt qua tất cả trở ngại và đạt được thành công cuối cùng. Do đó tài năng là một dạng của sự kiên trì”. George Louis Leclerc de Bulfen cũng nhận xét tương tự: “Bản thân thiên tài không là gì cả, thiên tài là người dồi dào khả năng kiên nhẫn”. Những nhà tư tưởng này nhắc cho chúng ta nhớ rằng tài năng phải được trau dồi thường xuyên. Cũng giống như viên ngọc muốn sáng đẹp cần qua quá trình mài giũa, tài năng thiên phú, “sơ khai” còn cách tài năng đích thực rất xa. Vì vậy chúng ta phải làm việc và làm việc không ngừng để có thể có được phần thưởng đó. Mọi tiềm năng của chúng ta đều đòi hỏi sự nỗ lực trong một thời gian dài trước khi trở thành tài năng thật sự. Điều này chỉ có thể đạt được khi chúng ta kiên trì thực hiện mục tiêu của mình, dù có mất bao lâu đi chăng nữa. Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh điều này. Một nhà nghiên cứu của trường Đại học Florida đã khám phá ra rằng phải mất khoảng mười năm để có thể đạt đến mức độ tinh thông của một chuyên gia. Điều này quả thật đòi hỏi lòng kiên nhẫn cao độ!
Cách đây vài năm, tổ chức Gallup đã tiến hành một nghiên cứu trên quy mô lớn về sự xuất sắc. Nghiên cứu trên hai triệu người tình nguyện, họ đã khám phá ra rằng những người nổi trội hơn người khác là những người biết rõ những thế mạnh của mình và tập trung phát triển thế mạnh đó. Không lo lắng về những điểm yếu của bản thân, thay vào đó, họ biết kết hợp những thế mạnh của mình lại với nhau theo một cách nào đó và tối ưu hóa chúng (Cũng theo kết quả nghiên cứu này, có đến 33 triệu khả năng kết hợp của những thế mạnh này, có nghĩa là kết hợp của bạn chỉ là một trong con số 33 triệu. Do đó với sức mạnh của tính kiên định, bạn có thể trở thành một thiên tài với sự kết hợp độc đáo của riêng bạn.)
Rượu ủ càng lâu càng thơm nồng. Cũng như vậy, bằng lòng kiên nhẫn, ta sẽ có đủ tự tin để phát huy hết tiềm năng của bản thân, để ta có thể tự hào là đang cống hiến những điều tốt đẹp nhất của mình cho thế giới.
(Trích Sức mạnh lòng kiên nhẫn, M.J.Ryan, NXB Trẻ, 2011, trang 38–40).
Tác giả: M.J.Ryan là một trong những tác giả của bộ sách nổi tiếng Random Acts of Kindness được phát hành hơn một triệu bản trên toàn thế giới. Bà cũng là tác giả của rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như Attitudes of Gratitude, A Grateful Heart, The Giving Heart.
Đáp án
Câu 1.
Phương pháp giải:
Chú ý số từ trong câu, số câu trong bài
Vận dụng kiến thức về luật bằng, trắc trong thơ để xác định luật của bài thơ
Lời giải chi tiết:
– Thơ: tứ tuyệt (Đường luật).
– Luật: bằng (Chữ thứ hai của câu thứ nhất thanh bằng thì bài thơ thuộc luật bằng và là luật trắc nếu mang thanh trắc).
Câu 2
Phương pháp giải:
Chú ý từ được thêm vào
Lời giải chi tiết:
– Bài thơ gốc (chữ Hán) có tiêu đề là “Vãn cảnh”, được dịch là “Cảnh chiều hôm”
– Khác biệt: thêm vào chữ “chiều hôm”.
Câu 3.
Phương pháp giải:
Chú ý hình ảnh được lặp đi lặp lại nhiều lần, phân tích câu thơ chứa hình ảnh ấy để suy ra ý nghĩa của hình tượng đó
Đọc phần dịch nghĩa và dịch thơ của câu thơ đầu, suy ra nội dung chính, chú ý các từ chỉ cảm xúc
Lời giải chi tiết:
- Hoa hồng: tượng trưng cho cái đẹp, sắc đẹp, hương thơm và là đối tượng của
cảm xúc thẩm mỹ.
- Phân tích 2 ý để thấy được cảm xúc của nhà thơ trong câu thơ đầu:
+ Câu thơ mở đầu: “Mai khôi hoa khai hoa hựu tạ”: chỉ nói về quy luật hoa nở rồi hoa tàn không một lời bộc lộ cảm xúc.
+ Cảm xúc ẩn kín trong câu chữ, bao nhiêu thương cảm, xót xa về quy luật bất biến, không ai cưỡng lại được của tạo hóa → ngắm nhìn cái đẹp và chứng kiến cái đẹp bị lụi tàn.
Câu 4
Phương pháp giải:
Đọc kĩ phần phiên âm, dịch thơ, dịch nghĩa của hai câu thơ cuối
Chú ý từ ngữ thể hiện cảm xúc (bất bình)
Lời giải chi tiết:
- Mạch cảm xúc ở 2 câu cuối bài thơ vận động theo một hướng khác hẳn: hương
hoa bay vào nhà giam, hướng đến tù nhân mà kể nỗi “bất bình”.
- Từ ngữ thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình: bất bình. Cái bất bình của hoa là sự bất bình đối với tạo hóa vô tình trước cái đẹp. Chỉ có một tâm hồn nghệ sĩ
nhạy cảm, tinh tế với cái đẹp mới có thể đồng cảm và sẻ chia với nỗi bất bình ấy. Chỉ có người Tù nhân – Chiến sĩ – Nhà thơ như Bác mới thấu hiểu được cái bất bình ấy, đó chính là cái mới mẻ, độc đáo của bài thơ.
– Bài thơ là sự gặp gỡ kỳ diệu giữa người nghệ sĩ và cái đẹp. Đồng cảm với bông hồng hương sắc, nhà thơ dường như cũng bất bình trước sự vô tình của tạo hoá trước số phận mong manh của cái đẹp. Nhà thơ đã rung động sâu sắc và đã đem nỗi niềm của bông hoa, của cái đẹp vào trong thơ để cho sự tồn tại của cái đẹp trên đời không trở nên vô nghĩa.
Câu 5.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung bài thơ, nhan đề và các hình ảnh nổi bật
Lời giải chi tiết:
- Giá trị nhận thức: quy luật nghiệt ngã của tạo hóa: tạo hóa vô tình.
- Giáo dục và thẩm mĩ: yêu cái đẹp, không vô tình trước cuộc đời (cái đẹp, sự lụi tàn của cái đẹp)
- Triết lí nhân sinh: chính tạo hóa tạo ra cái đẹp nhưng rồi tạo hóa cũng lại hủy
diệt cái đẹp, không ai cưỡng lại được quy luật đó.
II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1
Phương pháp giải:
Xác định yêu cầu về dung lượng và nội dung đoạn văn
Vận dụng kĩ năng viết đoạn văn phân tích vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trong bài thơ
Lời giải chi tiết:
Đoạn đủ dung lượng, nội dung hướng vào các ý sau:
- Tâm hồn thi sĩ:
+ Nhạy cảm trước dòng chảy, quy luật khắc nghiệt của thời gian.
+ Xót thương cho cái đẹp bị tàn phai.
- Trí tuệ sâu sắc: Qua một bông hoa lúc nở, lúc tàn mà gợi lên trong lòng người đọc bao nỗi niềm về lẽ sống, về tình yêu với cái đẹp trên trời.
- Bản lĩnh kiên cường: trong bất cứ hoàn cảnh nào người cũng mở rộng tâm hồn
giao hòa cùng thiên nhiên và cảm nhận cuộc sống như nó vốn có.
Câu 2
Phương pháp giải:
Xác định yêu cầu về hình thức và nội dung bài văn
Vận dụng kĩ năng viết thư về vấn đề đáng quan tâm
Lời giải chi tiết:
Phần chính |
Nội dung cụ thể |
Mở bài (0,5đ) |
- Địa điểm thời gian, tên người nhận thư; Lời chào/ lời hỏi thăm mở đầu. - Lí do của viết thư/cuộc trao đổi: những điều tâm đắc sau khi đọc văn bản Kiên nhẫn tạo nên sự xuất sắc của tác giả M.J.Ryan. |
Thân bài (2,75đ) |
* Trình bày ngắn gọn, mạch lạc nội dung trong văn bản Kiên nhẫn tạo nên sự xuất sắc của tác giả M.J.Ryan: - Kể chuyện về nhà khoa học Thomas Edison. – Tài năng phải được trau dồi thường xuyên. – Yếu tố tạo nên sự xuất sắc. – Yếu tố làm nên sự tự hào. * Thể hiện quan điểm cá nhân về vấn đề tâm đắc: – Nêu nội dung tâm đắc. – Phân tích lí làm rõ lí do tâm đắc (nhận thấy điều mới mẻ/hiểu sâu hơn điều còn mơ hồ). * Thể hiện quan điểm cá nhân về vấn đề chưa đồng tình: – Nêu nội dung chưa đồng tình. – Phân tích lí làm rõ lí do chưa đồng tình (Phân tích chưa sâu; chưa có sức thuyết phục; dẫn chứng chưa phù hợp lí lẽ...). *Nêu vấn đề cần trao đổi với bạn, cần có thêm ý kiến của bạn; chờ tin bạn (qua câu hỏi). → Kết hợp một số yếu tố bổ trợ hiệu quả: miêu tả, biểu cảm, hồ gọi để tăng tính đối thoại, tương tác song phương... |
Kết bài (0,25đ) |
– Lời chúc, cảm ơn/hẹn ngày trao đổi, nhận thông tin. – Lời tạm biệt/hẹn gặp; danh tính người viết thư. |
Yêu cầu khác (0,5đ) |
- Bố cục cân đối, hài hòa. – Trong thư chú ý: Xưng hô phù hợp, thân tình. – Thể hiện rõ mối quan tâm, sự chờ đợi của cá nhân về thông tin từ phía người nhận thư. |

