Đề thi học kì 2 Ngữ Văn 12 - Cánh diều

Đề thi học kì 2 Văn 12 Cánh diều - Đề số 1


Học sinh đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi kế tiếp Ngôi nhà xưa đã dựng lại mấy lần Nơi tuổi thơ chập chững đôi chân

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (4đ)

Học sinh đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi kế tiếp

Ngôi nhà xưa đã dựng lại mấy lần

Nơi tuổi thơ chập chững đôi chân

Nơi buộc tao (1) nôi, nằm nghe mẹ hát

Trong lời mẹ có cánh cò cánh vạc

Có dòng sông, cánh bướm dập dờn

Cả một thời xuân sắc cho con

Từng chuyện cổ, ngọt bùi mẹ kể

Nỗi cơ cực đè cuộc đời của mẹ

Nón che nghiêng, vầng trăng khuyết tâm hồn

Để đón ngày nắng ấm cuộc đời con

 

(…) Một phần tư thế kỉ qua rồi

Tóc sắp bạc, lần đầu về giỗ mẹ

Con như uống ngọt ngào lời mẹ kể

Những câu ca cùng tuổi nhỏ đồng hành

Như bầu trời và cây cỏ tươi xanh

Vẫn bé bỏng con là con của mẹ

Vườn cổ tích con hái chia lớp trẻ…

 

… Vẳng qua rào ai cất tiếng à ơi

Giọng ru trẻ như một lời mẹ hát!

(Trích Vườn cổ tích – Xuân Tùng, Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945 – 1975 – Vũ Duy Thông, NXB Giáo dục, 2000, tr.609 – 610)

Câu 1. Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của đoạn trích (0,5đ)

Câu 2. Theo đoạn thơ dưới đây, trong lời ru của mẹ có những điều gì? (0,5đ)

Ngôi nhà xưa dựng lại mấy lần

Nơi tuổi thơ chập chững đôi chân

Nơi buộc tao nôi, nằm nghe mẹ hát

Trong lời mẹ có cánh cò cánh vạc

Có dòng sông, cánh bướm dập dờn

Câu 3. Anh/ Chị hiểu như thế nào về nội dung của những dòng thơ sau? (1đ)

Nỗi cơ cực đè cuộc đời của mẹ

Nón che nghiêng, vầng trăng khuyết tâm hồn

Để đón ngày nắng ấm cuộc đời con

Câu 4. Phân tích tác dụng của biện pháp so sánh trong việc thể hiện nội dung chính của đoạn thơ (1đ)

Những câu ca cùng tuổi nhỏ đồng hành

Như bầu trời và cây cỏ tươi xanh

Câu 5. Những lời ru, câu chuyện mẹ kể đã trở thành điểm tựa tinh thần của chủ thể trữ tình. Điều đó gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về những điểm tựa tinh thần của con người trong cuộc sống? (1đ)

II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều người trẻ có xu hướng tìm về với thiên nhiên. Song, không khó để nhận thấy rằng có vẻ như họ thích nhìn thiên nhiên, chụp ảnh thiên nhiên nhiều hơn là thực sự trải nghiệm, chăm sóc hay có những hành động thiết thực để thưởng thức và giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên

Thực trạng trên gợi cho em suy nghĩ gì về cách ứng xử của con người với thiên nhiên? Với góc nhìn của người trẻ, em hãy viết bài văn nghị luận về chủ đề: Người trẻ và cách ứng xử với thiên nhiên trong xã hội hiện đại

Đáp án

Câu 1.

Phương pháp giải:

Chú ý đến số tiếng trong các dòng

Lời giải chi tiết:

Số tiếng trong các dòng không bằng nhau là dấu hiệu để xác định thể thơ tự do của đoạn trích

Câu 2

Phương pháp giải:

Tìm kiếm thông tin trong hai câu thơ cuối đoạn

Lời giải chi tiết:

Lời ru của mẹ có: cánh cò cánh vạc, dòng sông và cánh bướm dập dờn

Câu 3.

Phương pháp giải:

Phân tích hình ảnh “nón che nghiêng, vầng trăng khuyết” để thấy được nỗi vất vả của mẹ

Lời giải chi tiết:

Những dòng thơ thể hiện sự hy sinh thầm lặng của người mẹ vì con. "Nỗi cơ cực" chỉ cuộc sống vất vả, gian khó của mẹ, "nón che nghiêng, vầng trăng khuyết tâm hồn" là hình ảnh ẩn dụ cho sự thiếu thốn, lam lũ, tâm hồn mẹ không trọn vẹn vì gánh nặng cuộc sống. Nhưng tất cả đều vì "đón ngày nắng ấm cuộc đời con", thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho con.

Câu 4 

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về nhận biết và phân tích tác dụng của biện pháp so sánh

Lời giải chi tiết:

Biện pháp so sánh "Như bầu trời và cây cỏ tươi xanh" đã làm nổi bật sự gắn bó, bền chặt, trong sáng của những câu ca với tuổi thơ. Câu ca là người bạn đồng hành, giống như bầu trời bao la và cây cỏ tươi xanh luôn hiện hữu, mang lại sự tươi mát, trong lành cho cuộc sống. So sánh đã giúp hình ảnh trở nên sinh động, gợi cảm, tăng sức biểu cảm cho đoạn thơ.

Câu 5.

Phương pháp giải:

Từ đoạn thơ, học sinh liên hệ với bản thân để suy ra vai trò của điểm tựa tinh thần trong cuộc sống

Lời giải chi tiết:

Những lời ru, câu chuyện mẹ kể là điểm tựa tinh thần quan trọng, giúp chủ thể trữ tình cảm thấy an toàn, yêu thương và mạnh mẽ. Điều này gợi suy nghĩ về tầm quan trọng của những điểm tựa tinh thần trong cuộc sống mỗi người.

Chúng ta cần có những điểm tựa đó để vượt qua khó khăn, tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống. Gia đình, bạn bè, niềm tin, đam mê… đều có thể là những điểm tựa tinh thần quý giá.

II. VIẾT 

Phương pháp giải:

Xác định yêu cầu về hình thức và nội dung bài văn

Vận dụng kĩ năng viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội

 Lời giải chi tiết:

1. Mở bài: Dẫn dắt vấn đề nghị luận

2. Thân bài:

- Thực trạng:

+ Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, việc bảo vệ môi trường và có ý thức bảo vệ thiên nhiên trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. + Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng "sống ảo" với thiên nhiên, thích chụp ảnh check-in hơn là thực sự trải nghiệm, chăm sóc và bảo vệ nó.

+ Họ chỉ quan tâm đến vẻ đẹp bề nổi, mà chưa thực sự thấu hiểu giá trị to lớn của thiên nhiên đối với cuộc sống con người.

- Nguyên nhân:

+ Thứ nhất, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã khiến nhiều bạn trẻ dành nhiều thời gian hơn cho thế giới ảo, bỏ quên vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh.

+ Thứ hai, việc giáo dục về bảo vệ môi trường chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người trẻ.

+ Cuối cùng, thiếu những hoạt động trải nghiệm thực tế, kết nối con người với thiên nhiên một cách sâu sắc.

- Giải pháp:

+ Để thay đổi thực trạng này, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó vai trò của người trẻ là vô cùng quan trọng.

+ Nhà trường cần tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh trải nghiệm, tìm hiểu và yêu thiên nhiên.

+ Gia đình cũng cần có trách nhiệm hướng dẫn con em mình có ý thức bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động tình nguyện bảo vệ thiên nhiên. Bên cạnh đó, mỗi người trẻ cần chủ động tìm hiểu, trải nghiệm và bảo vệ thiên nhiên, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, thân thiện với môi trường.

3. Kết bài

Tóm lại, người trẻ cần có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ thiên nhiên. Việc thay đổi nhận thức và hành động của người trẻ là chìa khóa để bảo vệ môi trường và hướng tới một tương lai bền vững. Hãy cùng chung tay hành động để bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 12 - Cánh diều - Xem ngay

Group 2K8 ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí