

Đề thi học kì 2 Tiếng Việt 4 KNTT - Đề số 6>
Người xây cuộc sống Một người thợ xây nọ đã làm việc rất chuyên cần trong nhiều năm cho một hãng thầu xây dựng. Một ngày kia, ông ngỏ ý với hãng muốn xin nghỉ việc, về hưu để vui thú với gia đình và sống thanh nhàn trong suốt quãng đời còn lại. Người chủ thầu rất tiếc khi thấy người công nhân tận tụy của mình ra đi. Ông hỏi người thợ xem có thể xây một căn nhà trước khi thôi việc như một sự chiếu cố đặc biệt không.
Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 4 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Tiếng Việt - Tiếng Anh
Đề bài
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
- GV cho học sinh đọc văn bản bài “Ngôi nhà của yêu thương” (trang 117) Tiếng Việt 4 Tập 2 - (Kết nối tri thức với cuộc sống)
- Dựa vào nội dung bài đọc, HS trả lời câu hỏi: Người viết thư muốn làm những gì cho bạn nhỏ không nhà?
II. Đọc thầm văn bản sau:
Người xây cuộc sống
Một người thợ xây nọ đã làm việc rất chuyên cần trong nhiều năm cho một hãng thầu xây dựng. Một ngày kia, ông ngỏ ý với hãng muốn xin nghỉ việc, về hưu để vui thú với gia đình và sống thanh nhàn trong suốt quãng đời còn lại. Người chủ thầu rất tiếc khi thấy người công nhân tận tụy của mình ra đi. Ông hỏi người thợ xem có thể xây một căn nhà trước khi thôi việc như một sự chiếu cố đặc biệt không.
Người thợ đáp “vâng” nhưng ngay lúc đó ông đã không còn để tâm vào công việc. Vì biết mình sẽ giải nghệ, ông ta làm việc qua quýt, miễn cưỡng, xây dựng căn nhà một cách tắc trách với những vật liệu không được chọn lọc kỹ càng.
Mấy tháng sau, căn nhà hoàn thành. Người chủ thầu mời ông đến, trao cho ông chiếc chìa khóa của ngôi nhà và nói:
- Ông đã gắn bó và làm việc tận tụy với hãng trong nhiều năm. Để khen thưởng về sự đóng góp của ông cho sự thịnh vượng của hãng, chúng tôi xin tặng ông ngôi nhà vừa mới xây xong.
Thật là một cú sốc, một sự xấu hổ vô cùng! Cầm chiếc chìa khóa của căn nhà trên tay, người thợ xây không thể ngờ được rằng nó lại dành cho ông. Nếu người thợ xây biết được đang xây ngôi nhà cho chính mình thì ông đã xây dựng nó hoàn toàn khác rồi. Giờ đây người thợ xây đang phải sống trong ngôi nhà không ra làm sao cả do ông tự tay làm nên với sự cầu thả trước kia chưa từng có và ông thấy vô cùng ân hận.
(Theo bản dịch của Nhị Tường)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Khi người thợ xây xin nghỉ hưu, chủ thầu yêu cầu ông làm việc gì?
A. Mua vật liệu để xây dựng một công trình mới.
B. Xây dựng một căn nhà nữa như một sự chiếu cố đặc biệt.
C. Kéo dài thời gian làm việc thêm một năm.
D. Kéo dài thời gian làm việc và tăng lương cho ông.
Câu 2. Người thợ xây đã xây dựng ngôi nhà cuối cùng trong sự nghiệp của mình như thế nào?
A. Xây rất nhanh và hoàn thành sớm.
B. Rất cẩn thận và tỉ mỉ như trước kia ông vẫn làm.
C. Xây một cách hời hợt qua quýt và sử dụng những nguyên liệu không được chọn lọc kỹ.
D. Xây cẩn thận, cố gắng để hoàn thành trước thời hạn.
Câu 3. Điều gì bất ngờ xảy ra đối với người thợ xây?
A. Người chủ thầu đã tặng cho người thợ xây chính ngôi nhà mà ông vừa mới xây xong.
B. Ngôi nhà cuối cùng ông xây được bán với giá rất cao.
C. Ông được thưởng vì những thành tích lao động của mình.
D. Ông rất vui vì đã được nghỉ làm.
Câu 4. Vì sao người thợ xây lại cảm thấy xấu hổ, ân hận?
Câu 5. Câu chuyện muốn nói với chúng ta điều gì?
A. Hãy làm việc chăm chỉ để được thưởng.
B. Hãy luôn làm việc tận tâm, có trách nhiệm với mình và mọi người xung quanh.
C. Xây nhà là một công việc khó khăn, vất vả.
D. Hãy làm việc cẩn thận khi xây nhà cho chính mình.
Câu 6. Từ “giải nghệ” trong văn bản trên có thể thay thế bằng từ nào?
A. Nghỉ phép
B. Nghỉ giải lao
C. Nghỉ dưỡng
D. Nghỉ hưu
Câu 7. Xác định trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ trong câu sau:
Để khen thưởng, người chủ tặng ông ngôi nhà vừa mới xây xong.
Câu 8. Trạng ngữ có trong câu: “Để khen thưởng về sự đóng góp của ông cho sự thịnh vượng của hãng, chúng tôi xin tặng ông ngôi nhà vừa mới xây xong.”?
A. Trạng ngữ chỉ thời gian
B. Trạng ngữ chỉ nơi chốn
C. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân
D. Trạng ngữ chỉ mục đích
Câu 9. Điền dấu ngoặc kép vào vị trí thích hợp trong câu sau:
Nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ thành bài hát Lời ru trên nương.
Câu 10. Đặt 1 câu có sử dụng trạng ngữ chỉ nơi chốn.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Hãy tưởng tượng em tham gia đoàn thám hiểm của Ma-gien-lăng và vừa trở về đất liền, có rất nhiều người ra đón em. Kể lại cuộc gặp gỡ đó.
-------- Hết --------
Lời giải
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM
1. B |
2. C |
3. A |
5. B |
6. D |
8. D |
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
II. Đọc thầm văn bản sau:
Câu 1. Khi người thợ xây xin nghỉ hưu, chủ thầu yêu cầu ông làm việc gì?
A. Mua vật liệu để xây dựng một công trình mới.
B. Xây dựng một căn nhà nữa như một sự chiếu cố đặc biệt.
C. Kéo dài thời gian làm việc thêm một năm.
D. Kéo dài thời gian làm việc và tăng lương cho ông .
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn thứ nhất để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Khi người thợ xây xin nghỉ hưu, chủ thầu yêu cầu ông xây dựng một căn nhà nữa như một sự chiếu cố đặc biệt.
Đáp án B.
Câu 2. Người thợ xây đã xây dựng ngôi nhà cuối cùng trong sự nghiệp của mình như thế nào?
A. Xây rất nhanh và hoàn thành sớm.
B. Rất cẩn thận và tỉ mỉ như trước kia ông vẫn làm.
C. Xây một cách hời hợt qua quýt và sử dụng những nguyên liệu không được chọn lọc kỹ.
D. Xây cẩn thận, cố gắng để hoàn thành trước thời hạn.
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn thứ hai để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Người thợ xây đã xây dựng ngôi nhà cuối cùng trong sự nghiệp của mình một cách hời hợt qua quýt và sử dụng những nguyên liệu không được chọn lọc kỹ.
Đáp án C.
Câu 3. Điều gì bất ngờ xảy ra đối với người thợ xây?
A. Người chủ thầu đã tặng cho người thợ xây chính ngôi nhà mà ông vừa mới xây xong.
B. Ngôi nhà cuối cùng ông xây được bán với giá rất cao.
C. Ông được thưởng vì những thành tích lao động của mình.
D. Ông rất vui vì đã được nghỉ làm.
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn thứ ba để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Điều bất ngờ xảy ra là người chủ thầu đã tặng cho người thợ xây chính ngôi nhà mà ông vừa mới xây xong.
Đáp án A.
Câu 4. Vì sao người thợ xây lại cảm thấy xấu hổ, ân hận?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn cuối để chọn trả lời.
Lời giải chi tiết:
Vì biết mình sẽ giải nghệ, ông ta làm việc qua quýt, miễn cưỡng, xây dựng căn nhà một cách tắc trách với những vật liệu không được chọn lọc kỹ càng. Nhưng ông chủ đã tặng lại món quà cho ông, ông thấy mình thiếu trách nhiệm, không xứng đáng nhận được ngôi nhà này.
Câu 5. Câu chuyện muốn nói với chúng ta điều gì?
A. Hãy làm việc chăm chỉ để được thưởng.
B. Hãy luôn làm việc tận tâm, có trách nhiệm với mình và mọi người xung quanh.
C. Xây nhà là một công việc khó khăn, vất vả.
D. Hãy làm việc cẩn thận khi xây nhà cho chính mình.
Phương pháp giải:
Qua hành động và kết quả việc làm của người thợ xây em hãy rút ra bài học.
Lời giải chi tiết:
Câu chuyện muốn nói với chúng ta rằng hãy luôn làm việc tận tâm, có trách nhiệm với mình và mọi người xung quanh.
Đáp án B.
Câu 6. Từ “giải nghệ” trong văn bản trên có thể thay thế bằng từ nào?
A. Nghỉ phép
B. Nghỉ giải lao
C. Nghỉ dưỡng
D. Nghỉ hưu
Phương pháp giải:
Em giải nghĩa từ “giải nghệ” và tìm từ đồng nghĩa với từ đó.
Lời giải chi tiết:
Từ “giải nghệ” trong văn bản trên có thể thay thế bằng từ “nghỉ hưu”.
Đáp án D.
Câu 7. Xác định trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ trong câu sau:
Để khen thưởng, người chủ tặng ông ngôi nhà vừa mới xây xong.
Phương pháp giải:
Em nhớ lại cách xác định thành phần câu.
Lời giải chi tiết:
Để khen thưởng (TN), người chủ (CN) / tặng ông ngôi nhà vừa mới xây xong (VN).
Câu 8. Trạng ngữ có trong câu: “Để khen thưởng về sự đóng góp của ông cho sự thịnh vượng của hãng, chúng tôi xin tặng ông ngôi nhà vừa mới xây xong.”?
A. Trạng ngữ chỉ thời gian
B. Trạng ngữ chỉ nơi chốn
C. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân
D. Trạng ngữ chỉ mục đích
Phương pháp giải:
Em xác định nội dung của trạng ngữ.
Lời giải chi tiết:
Trạng ngữ trong câu là “Để khen thưởng về sự đóng góp của ông cho sự thịnh vượng của hãng” chỉ mục đích.
Đáp án D.
Câu 9. Điền dấu ngoặc kép vào vị trí thích hợp trong câu sau:
Nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ thành bài hát Lời ru trên nương.
Phương pháp giải:
Em nhớ lại về dấu ngoặc kép.
Lời giải chi tiết:
Nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” thành bài hát “Lời ru trên nương”.
Câu 10. Đặt 1 câu có sử dụng trạng ngữ chỉ nơi chốn.
Phương pháp giải:
Em đặt câu có trạng ngữ chỉ nơi chốn phù hợp.
Lời giải chi tiết:
- Ở giữa sân trường, hai bạn nam vui vẻ đá cầu.
- Ở góc vườn, bà tôi trồng một cây cam.
B. Kiểm tra viết
Phương pháp giải:
Em xác định đối tượng của đề bài rồi lập dàn ý.
Dựa vào dàn ý để viết đoạn văn hoàn chỉnh.
Lời giải chi tiết:
Dàn ý:
- Mở đầu: Giới thiệu tên câu chuyện đã gợi cho em những liên tưởng, tưởng tượng.
- Triển khai: Kể, tả lại những gì em đã tưởng tượng về câu chuyện theo phương án đã lựa chọn.
- Kết thúc: Nêu cảm nghĩ hoặc gợi ra những điều tưởng tượng tiếp theo.
Bài tham khảo 1:
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển với bao khó khăn, thiếu thốn cùng chỉ huy Ma-gien-lăng, cuối cùng tôi cũng được trở về đất liền. Giây phút nhìn thấy rất nhiều người dân đang đứng chờ ở bến cảng, tay mang theo cờ hoa chào đón hân hoan, lòng tôi vô cùng vui sướng và tự hào. Bởi tôi đã vượt qua được những ngày tháng vất vả cùng cực, phải dành giật lại sự sống từ tay của thần chết để có được cuộc gặp gỡ hôm nay. Bước xuống tàu, tôi nhanh chóng nhìn thấy gia đình của mình. Họ ôm chầm lấy tôi, cái ôm ấm áp và tràn đầy tình yêu thương. Những người xa lạ xung quanh cũng nhìn tôi hiền lành và bắt tay thân thiết, gần gũi. Trong bầu không khí ấy, tôi nhận thức sâu sắc hơn bao giờ hết, bản thân thực sự là một người hùng, vì đã cùng đồng đội của mình hoàn thành sứ mạng - khẳng định Trái Đất hình cầu và phát hiện Thái Bình Dương cùng nhiều vùng đất mới. Nhưng cùng với đó, là sự đau xót, buồn khổ và không dám đối diện với ánh mắt của những người thân của các đồng đội xấu số. Họ đã nằm lại trên đường đi để có được vinh quanh cho toàn đoàn như bây giờ. Vậy là, một hành trình dài đã thực sự kết thúc.
Bài tham khảo 2:
Sau những ngày vật lộn với tử thần với những thiếu thốn về đồ ăn nước uống và sự tra tấn về tinh thần, tôi cuối cùng cũng trở về với quê hương yêu dấu. Trên bến tàu, trong ánh nắng ấm áp và tiếng reo hò của người dân, tôi và các đồng đội chầm chậm bước xuống. Nhìn ánh mắt tràn ngập sự ngưỡng mộ và tự hào của người dân, tôi xúc động đến mức muốn bật khóc. Vậy là tôi thực sự đã sóng sót và hoàn thành nhiệm vụ của mình để trở về với quê nhà. Vòng tay ấm áp của gia đình tôi khiến tôi thực sự cảm nhận được rằng đây không phải là một giấc mơ. Bởi trong những ngày lênh đênh vô định trên biển, tôi đã nhiều lần mơ thấy cảnh tượng này. Sự thỏa mãn và hạnh phúc như một dòng nước ấm chảy qua toàn bộ cơ thể tôi. Nhưng rồi, tôi nhận ra ở phía xa, những gia đình đang ôm nhau khóc nức nở. Tôi biết, đó là người thân của những thủy thủ đã mất trên đường về. Tôi cố gắng tiến lại gần họ để nói lời xin lỗi và chia buồn. Ngoài điều đó, tôi không thể làm được gì cả. Ngoài kia, tiếng cười nói ồn ã của những gia đình được đoàn tụ vui vẻ bao nhiêu, thì ở đây lại buồn bã bấy nhiêu. Vậy là một hành trình vĩ đại với nhiều mất mát đã chính thức kết thúc rồi.


- Đề thi học kì 2 Tiếng Việt 4 KNTT - Đề số 5
- Đề thi học kì 2 Tiếng Việt 4 - Đề số 4
- Đề thi học kì 2 Tiếng Việt 4 - Đề số 3
- Đề thi học kì 2 Tiếng Việt 4 - Đề số 2
- Đề thi học kì 2 Tiếng Việt 4 - Đề số 1
>> Xem thêm