Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 4 - Đề số 3


Ông tổ nghề thêu Hồi còn nhỏ, cậu bé Trần Quốc Khái rất ham học. Cậu học khi đi đốn củi, lúc kéo vó tôm. Tối đến, nhà không có đèn, cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, lấy ánh sáng đọc sách. Chẳng bao lâu, Trần Quốc Khái đỗ tiến sĩ, rồi làm quan to trong triều đình nhà Lê.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm văn bản sau:

Ông tổ nghề thêu

          Hồi còn nhỏ, cậu bé Trần Quốc Khái rất ham học. Cậu học khi đi đốn củi, lúc kéo vó tôm. Tối đến, nhà không có đèn, cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, lấy ánh sáng đọc sách. Chẳng bao lâu, Trần Quốc Khái đỗ tiến sĩ, rồi làm quan to trong triều đình nhà Lê.

            Một lần, Trần Quốc Khái được triều đình cử đi sứ bên Trung Quốc. Vua Trung Quốc muốn thử tài sứ thần, sai dựng một cái lầu cao, mời ông lên chơi rồi cất thang đi. Không còn lối xuống, ông đành ở lại trên lầu. Lầu chỉ có chỉ có hai pho tượng Phật, hai cái lọng, một bức trướng thêu ba chữ “Phật trong lòng” và một vò nước.

            Bụng đói mà không có cơm ăn, Trần Quốc Khái lẩm nhẩm đọc ba chữ trên bức trướng, rồi mỉm cười. Ông bẻ tay pho tượng nếm thử. Thì ra hai pho tượng ấy nặn bằng chè lam. Từ đó, ngày hai bữa, ông cứ ung dung bẻ dần tượng mà ăn. Nhân được nhàn rỗi, ông mày mò quan sát, nhớ nhập tâm cách thêu và làm lọng.

            Học được cách thêu và làm lọng rồi, ông tìm đường xuống. Thấy những con dơi xòe cánh chao đi chao lại như chiếc lá bay, ông liền ôm lọng nhảy xuống đất bình an vô sự. Vua Trung Quốc khen ông là người tài, đặt tiệc to tiễn về nước.

            Về đến nước nhà, Trần Quốc Khái truyền dạy cho dân nghề thêu và nghề làm lọng. Dần dần, nghề thêu lan rộng ra khắp nơi. Nhân dân vùng Thường Tín, quê ông, lập đền thờ và tôn ông là ông tổ nghề thêu.

(Theo Ngọc Vũ)

 

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1. Hồi nhỏ, Trần Quốc Khái ham học như thế nào?

A. Cậu học cả khi đi đốn củi, lúc kéo vó tôm. Tối đến, cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn để đọc sách.

B. Cậu chăm chỉ đến trường, không nghỉ học một ngày nào.

C. Cậu chăm chú nghe thầy giảng bài.

D. Cậu chăm chỉ khi được ở nhà.

Câu 2. Vua Trung Quốc nghĩ ra cách gì để thử tài sứ thần Việt Nam?

A. Vua sai dựng một cái lầu cao, mời ông lên để làm một chiếc lọng.

B. Vua sai dựng một cái lầu cao, mời ông lên để tạc một pho tượng Phật.

C. Vua sai dựng một cái lầu cao, mời ông lên chơi, rồi cất thang đi.

D. Vua sai dựng một cái lầu cao, thách ông lên lầu rồi bay xuống đất.

Câu 3. Trần Quốc Khái đã làm gì để không bị đói?

A. Ông nhờ cung nữ đem thức ăn đến cho ông.

B. Ông hái trái cây gần đó để ăn.

C. Ông ăn thức ăn trên bàn cúng Phật.

D. Ông bẻ tay pho tượng nếm thử và ung dung bẻ dần tượng mà ăn.

Câu 4. Trong câu “Vua Trung Quốc khen ông là người tài, đặt tiệc to tiễn về nước.” Đâu là tính từ?

A. vua

B. khen

C. tài

D. tiễn

Câu 5. Vì sao Trần Quốc Khái được tôn là ông tổ nghề thêu?

Câu 6. Đặt một câu có sử dụng tính từ nêu cảm nghĩ về nhân vật trong bài đọc trên.

Câu 7. Xác định sự vật được nhân hoá và từ ngữ dùng để nhân hoá trong câu sau:

Chiếc huân chương nhắc nhở dân làng phấn đấu nhiều hơn nữa.

- Sự vật được nhân hoá: ....................................................................................................

- Từ ngữ dùng để nhân hoá: ..............................................................................................

B. Kiểm tra viết

Đề bài: Em hãy viết bài văn tả một con vật mà em yêu quý.

-------- Hết --------

Lời giải

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM

1. A

2. C

3. D

4. C

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

II. Đọc thầm văn bản sau:

Câu 1. Hồi nhỏ, Trần Quốc Khái ham học như thế nào?

A. Cậu học cả khi đi đốn củi, lúc kéo vó tôm. Tối đến, cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn để đọc sách.

B. Cậu chăm chỉ đến trường, không nghỉ học một ngày nào.

C. Cậu chăm chú nghe thầy giảng bài.

D. Cậu chăm chỉ khi được ở nhà.

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Hồi nhỏ, Trần Quốc Khái học cả khi đi đốn củi, lúc kéo vó tôm. Tối đến, cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn để đọc sách.

Đáp án A.

Câu 2. Vua Trung Quốc nghĩ ra cách gì để thử tài sứ thần Việt Nam?

A. Vua sai dựng một cái lầu cao, mời ông lên để làm một chiếc lọng.

B. Vua sai dựng một cái lầu cao, mời ông lên để tạc một pho tượng Phật.

C. Vua sai dựng một cái lầu cao, mời ông lên chơi, rồi cất thang đi.

D. Vua sai dựng một cái lầu cao, thách ông lên lầu rồi bay xuống đất.

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Vua Trung Quốc thử tài sứ thần Việt Nam bằng cách sai dựng một cái lầu cao, mời ông lên chơi, rồi cất thang đi.

Đáp án C.

Câu 3. Trần Quốc Khái đã làm gì để không bị đói?

A. Ông nhờ cung nữ đem thức ăn đến cho ông.

B. Ông hái trái cây gần đó để ăn.

C. Ông ăn thức ăn trên bàn cúng Phật.

D. Ông bẻ tay pho tượng nếm thử và ung dung bẻ dần tượng mà ăn.

Phương pháp giải:

Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Trần Quốc Khái đã bẻ tay pho tượng nếm thử và ung dung bẻ dần tượng mà ăn để không bị đói.

Đáp án D.

Câu 4. Trong câu “Vua Trung Quốc khen ông là người tài, đặt tiệc to tiễn về nước.” Đâu là tính từ?

A. vua

B. khen

C. tài

D. tiễn

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài Tính từ.

Lời giải chi tiết:

Trong câu “Vua Trung Quốc khen ông là người tài, đặt tiệc to tiễn về nước.”, tính từ là “tài”.

Đáp án B.

Câu 5. Vì sao Trần Quốc Khái được tôn là ông tổ nghề thêu?

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, suy nghĩ và trả lời.

Lời giải chi tiết:

Trần Quốc Khái được tôn là ông tổ nghề thêu vì ông truyền cho dân nghề thêu và làm lọng, nghề thêu lan truyền khắp nơi..

Câu 6. Đặt một câu có sử dụng tính từ nêu cảm nghĩ về nhân vật trong bài đọc trên.

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài Tính từ.

Lời giải chi tiết:

Qua câu chuyện trên, em thấy Trần Quốc Khái là một người thông minh, tài giỏi của đất nước ta.

Câu 7. Xác định sự vật được nhân hoá và từ ngữ dùng để nhân hoá trong câu sau:

Chiếc huân chương nhắc nhở dân làng phấn đấu nhiều hơn nữa.

- Sự vật được nhân hoá:

- Từ ngữ dùng để nhân hoá:

 Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài Biện pháp nhân hóa.

Lời giải chi tiết:

- Sự vật được nhân hoá: Chiếc huân chương

- Từ ngữ dùng để nhân hoá: nhắc nhở

B. Kiểm tra viết

Phương pháp giải:

Phân tích, tổng hợp.

Lời giải chi tiết:

- Bài viết đúng thể loại văn miêu tả con vật, viết đúng chính tả, câu văn đúng ngữ pháp.Trong bài viết biết sử dụng những từ ngữ gợi tả, gợi cảm, giàu cảm xúc, biết sử dụng các biện pháp nghệ thuật đã học.

 Gợi ý:

- Mở bài: (trực tiếp hay gián tiếp)

+ Giới thiệu con vật định tả.

+ Con vật đang ở đâu? Em thấy con vật này vào lúc nào?

- Thân bài:

a. Tả đặc điểm hình dáng bên ngoài của con vật.

+ Tả bao quát: vóc dáng, bộ lông hoặc màu da.

+ Tả từng bộ phận: đầu (tai, mắt...), thân hình, chân, đuôi.

b. Tả thói quen sinh hoạt và một vài hoạt động chính của con vật.

+ Tả một vài biểu hiện về tính nết, thói quen của con vật.

+ Tả một số hoạt động chính của con vật: bắt mồi, ăn, kêu (gáy, sủa...).

+ Chú ý kết hợp tả một vài nét về cảnh hoặc người liên quan đến môi trường sống của con vật.

- Kết bài: Nêu ích lợi của con vật và tình cảm của người tả đối với con vật.

Bài tham khảo 1:

            Năm em học lớp 3 được học sinh giỏi mẹ tặng cho em món quà mà em thích đó là một chú mèo tam thể xinh xắn để em chơi cùng nó và học cách yêu thương động vật.

            Chú mèo tam thể của em được đặt tên là Bốp bởi nó là mèo đực nên tên cũng phải mạnh mẽ như em. Khi được mẹ đưa Bốp cho, em đã ngồi quan sát nó thật kĩ tất cả các bộ phận. Trước hết, cái đầu của nó tròn tròn, to bằng khoảng hai nắm đấm của em gộp lại. Ở đó đôi tai của nó vểnh lên như tai thỏ, đôi mắt tròn xoe long lanh như hai hòn bi ve mà em hay chơi. Em thấy màu mắt của nó là màu xanh ngọc, ban đêm nhìn rất sáng. Cái miệng của chú mèo hồng hồng với những ria mép đen dài, bên trong đó là hàm răng nhọn hoắt, sắc bén. Nếu thấy con chuột nào bén mảng chạy qua là lập tức bị mèo ta săn đuổi làm mồi. Đôi chân có móng vuốt sắc nhọn để tấn công kẻ thù, kìm giữ con mồi nhưng đối với em nó lại dùng chân để bày tỏ thiện cảm yêu mến khi cào nhẹ vào tay hoặc chân em. Cái đuôi của nó nhỏ nhắn, cử động ngoe nguẩy suốt ngày, lúc nào nó cũng cong vút lên phía trên lưng. Cả con mèo em thích nhất ở bộ lông. Một bộ lông ba màu trắng, đen, vàng xen kẽ tạo thành chiếc áo khoác tuyệt đẹp làm nổi bật lên vóc dáng cân đối, chắc chắn của Bốp. Lông của nó rất mềm mượt em thường hay vuốt ve, mỗi lần như vậy Bốp đều nằm ngoan ngoãn trên đùi em.

            Bốp là một chú mèo ngoan và thông minh. Nó không hay ăn vụng và rất biết nghe lời. Cứ hai ngày một lần em lại tắm cho nó bằng xà bông thơm lừng rồi cho ra phơi nắng. Chú ta vui sướng khi được sưởi ấm, hong khô bộ lông của mình dưới ánh nắng mặt trời. Em rất yêu thích Bốp, nó giống như một người bạn chơi đùa cùng em mỗi ngày.

Bài tham khảo 2:

            Em rất thích con rùa và đặc biệt là một con rùa núi với những màu sắc thật đẹp. Nhân dịp sinh nhật thì bố em đã mua cho em một con rùa núi nhỏ bé, xinh xinh. Con rùa thật đẹp và nó thuộc giống rùa hộp ba vạch.

            Con rùa núi này rất đẹp và hay nữa khi mà bò ra thì cái đầu rùa thò ra bằng đầu ngón tay út. Và đó còn chính là cặp mắt óng ánh như đeo kính. Mai của con rùa bố em mua cho thì lại hơi dẹp, chỉ nhỉnh hơn 10cm mà thôi. Em cũng như thấy được trên mai có ba gờ nổi rõ, một gờ ở chính giữa, và nó còn có hai gờ ở hai bên. Lưng của chú rùa con đẹp đẽ này lại có màu nâu, yếm kép lại như đã gồm hai mảnh cử động được. Đặc biệt hơn khi em nhìn thấy được ở chính giữa yếm màu đen lốm đốm, xung quanh màu đỏ nhạt. Có lẽ điểm hay nhất em như thấy được chính là cái đuôi màu hồng như một búp măng non, dài độ 2cm. Và ấn tượng nhất có lẽ chính là bốn cái chân cậu ta rất mẫn cảm biết bao nhiêu có lúc co xếp lại, xòe ra thật là dễ thương. Để ý thì sẽ nhận thấy được hai chân trước mỗi chân có 5 ngón, ngón nào cũng có vuốt dài và nhọn như lưỡi câu. Còn thú vị hơn nữa đó chính là hai bàn chân sau như mái chèo xòe thật độc đáo, đó chính là 5 ngón ngắn và hơi dẹt.

            Ngày này em cứ thả chú rùa như tự do đi lại trên nền nhà, cậu rùa lúc này đây dường như cũng đã chọn góc nhà cạnh cái tủ để nằm nghỉ. Nó cứ như bò đi bò lại tha thẩn trên nền nhà, bắt ruồi, muỗi. Cứ mỗi lần mà được em cho một con giun hay con tôm nhỏ, cậu ta ngốn một cách ngon lành nhìn thật là đáng yêu biết bao nhiêu.

            Cậu rùa ba vạch này đúng như là một thành viên thứ năm của gia đình em. Em rất yêu quý chú rùa và sẽ cố gắng học thật tốt.

Bài tham khảo 3:

            Kì nghỉ hè vừa qua, em được bố mẹ cho đi chơi ở sở thú. Thú vật và chim muông ở đây đa dạng, phong phú, rất đẹp. Dễ thương và gây cho em nhiều ấn tượng nhất là chú voi con.

            Chú voi còn nhỏ được ở chung một chuồng cùng với mẹ. Chú voi cao độ một mét, da chú màu xám nhạt. Lớp lông tơ mịn và thưa không che được làn da còn non của chú so với làn da dày xám xịt của mẹ voi. Đầu chú voi to gấp đôi đầu con trâu lớn, hai tai giống hai cái quạt dài, thòng hai bên má voi. Đôi mắt chú to, tròn và dài, hình chiếc lá, đen láy. Cái vòi của chú ngộ nghĩnh uốn cong thật xinh xắn. Cặp ngà mới nhú bé xíu trông thật dễ thương. Bốn chân chú voi to, mỗi chân to bằng bắp đùi của em. Khi chú voi quỳ xuống, chân trước cong lại, bụ bẫm rất dễ thương. Đuôi chú voi dài, cuối đuôi có một nhúm lông hết ve vẩy bên phải lại sang bên trái. Trên cái lưng bè bè, bằng phẳng của chú, lớp lông tơ dày lúc chú chào đời còn chưa rụng hết. Lông tơ chổ ấy mọc thành hàng theo sống lưng đến tận đuôi voi. Chú voi con sinh tại sở thú chẳng nhớ biết gì về rừng xanh? Hay người ta đem mẹ con chú từ rừng về sở thú? Em chỉ thấy chú voi con đi lại trông cái chuồng chật hẹp, thỉnh thoảng ăn một vài mẩu mía do khách tham quan đưa ra, dù biển cấm du khách cho thú vật ăn treo ngay tại chuồng. Tại sở thú, voi được nhân viên tắm rửa và cho ăn theo khẩu phần quy định. Sở thú cũng rất cần cho con người, nhất là các cháu thiếu niên nhi đồng để các cháu biết về các chủng loài vật trên thế giới. Nhưng theo em, tự do của thú là được sống ở rừng xanh mới thực sự đem lại cho thú sự sinh sôi nảy nở, tự nhiên và đầy đủ hơn. Qua chương trình "Thế giới động vật”, em được biết ở những nước phát triển, người ta nuôi thú trong khu rừng bảo tồn. Em mơ ước Việt Nam mình sẽ có nhiều khu rừng bảo tồn như thế.

            Em rất yêu chú voi con. Đi chơi sở thú về, em chợt mơ ước lớn lên em sẽ học ngành sinh học, nghiên cứu về đời sống của thú vật. Em sẽ cố gắng học giỏi để biến ước mơ của mình thành hiện thực.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
  • Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 4 - Đề số 2

    Tấm lòng thầm lặng Ngày nọ, bố tôi lái xe đưa ông chủ đi tham dự một buổi họp quan trọng tại một thành phố khác. Trong lúc nghỉ ở giữa đường, mấy cậu bé đang chơi quanh đấy hiếu kì kéo đến vây quanh, ngắm nghía và sờ mó chiếc xe sang trọng.

  • Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 4 - Đề số 1

    Bàn tay người nghệ sĩ Ngay từ nhỏ, Trương Bạch đã rất yêu thích thiên nhiên. Lúc nhàn rỗi, cậu nặn những con giống bằng đất sét trông y như thật. Lớn lên, Trương Bạch xin đi làm ở một cửa hàng đồ ngọc.

Tham Gia Group Dành Cho 2K15 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí