Đề thi học kì 1 Văn 8 - Cánh diều

Đề thi học kì 1 Văn 8 Cánh diều - Đề số 4


Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 8 tất cả các môn - Cánh diều

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Mỗi sáng mẹ tôi gỡ tóc bằng cái lược thưa gỗ vàng vàng, thế nào rồi cũng có ít tóc rối. Mẹ vo vo giắt nó lên đòn tay chỗ mái hiên nhà. Rồi chị tôi cũng làm thế, bắt chước mẹ cũng gỡ tóc, vo vo giắt mớ tóc rối lên chỗ ấy.

Thỉnh thoảng trên đường làng có bà cụ rao to: “Ai tóc rối đổi kẹo không?”. Một bên thúng là mảnh chai vỡ, đồng nát, lông vịt, tóc rối,… còn bên kia chỉ có cái niêu đất, đúng hơn là một cái ang, cái liễn đựng một thứ kẹo mà bất cứ một đứa trẻ nào cũng phải mê.

Bà cụ lấy kẹo lên bằng chiếc đũa cả, quấn vào đầu que, thật khéo, kẹo cứ lồng khồng, trông rất nhiều, nhưng cho vào miệng nó xẹp lại chỉ còn tí tẹo. Bà cụ đưa kẹo cho chúng tôi, đổi lại nắm tóc rối của bà, của mẹ hay của chị.

Tóc rối bán bà cụ không mua, mua kẹo bà cụ không bán, chỉ đổi thôi. Thế là mỗi lần bà cụ qua ngõ, tôi lại kiễng chân, với tay lên chỗ mái hiên… Mẹ bảo đó là kẹo mầm làm bằng mầm cây mạ, mầm thóc, hoàn toàn không có đường mật gì cả. Nhưng sao nó ngọt thế, hơn cả kẹo bột, kẹo bi.

Mẹ tôi đã mất. Chị tôi đi lấy chồng xa…

Cứ mỗi lần có ai đi qua rao lên: “Ai đổi kẹo”, tôi lại tưởng như thấy mẹ tôi ngồi đầu hè gỡ tóc bằng cái lược gỗ màu vàng vàng, đầu mẹ nghiêng nghiêng, sóng tóc đổ dài một bên vai, và rồi mẹ vuốt cái lược, vo vo nắm tóc, giắt nó lên mái hiên nhà…

Que kẹo mầm tuổi thơ… Mẹ ơi…. Còn có bao giờ con được thấy mẹ ngồi gỡ tóc như thế nữa.

(Kẹo Mầm, Băng Sơn, Nxb Giáo Dục Việt Nam, Hà Nội, 2017, Tr. 138)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Các phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản trên là:

A. Biểu cảm và thuyết minh

B. Thuyết minh và nghị luận

C. Tự sự và nghị luận

D. Tự sự và biểu cảm

Câu 2. Đối tượng chính được nói tới trong văn bản là:

A. Tóc rối

B. Kẹo mầm

C. Bà cụ bán kẹo mầm

D. Hình ảnh người mẹ

Câu 3. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Một bên thúng là mảnh chai vỡ, đồng nát, lông vịt, tóc rối,…”?

A. So sánh

B. Ẩn dụ

C. Nhân hóa

D. Liệt kê

Câu 4. Dòng nào sau đây nói về đặc điểm của món kẹo mầm?

A. “Cái liễn đựng một thứ kẹo mà bất cứ một đứa trẻ nào cũng phải mê”

B. “Bà cụ lấy kẹo lên bằng chiếc đũa cả, quấn vào đầu que”

C. “Tóc rối bán bà cụ không mua, mua kẹo bà cụ không bán, chỉ đổi thôi”

D. “Kẹo mầm làm bằng mầm cây mạ, mầm thóc, hoàn toàn không có đường mật gì cả”

Câu 5. Phát biểu nào sau đây nói về nội dung khái quát của văn bản?

A. Hồi tưởng về tuổi thơ đã qua

B. Hồi tưởng về món kẹo mầm thuở nhỏ

C. Hồi tưởng về món kẹo mầm tuổi thơ và hình ảnh người mẹ, người chị

D. Hồi tưởng về hình ảnh mẹ và chị ngồi gỡ tóc rối dưới mái hiên nhà

Câu 6. Cảm xúc chủ đạo của văn bản là:

A. Nhớ tiếc quá khứ

B. Trân trọng tuổi thơ

C. Yêu thương mẹ và chị

D. Khát khao trở về quá khứ

Câu 7. Cái tôi của tác giả được thể hiện như thế nào qua văn bản?

A. Cái tôi đa cảm

B. Cái tôi tài hoa

C. Cái tôi uyên bác

D. Cái tôi sắc sảo

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Xác định đề tài của văn bản.

Câu 9. Anh/Chị rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc văn bản trên?

Câu 10. Từ nội dung văn bản, anh/chị có suy nghĩ gì về vẻ đẹp của thời thơ ấu? (Viết khoảng 5 – 7 câu).

II. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/Chị hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng vô cảm.

 

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

 Phần I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

(0.5đ)

Câu 2 (0.5đ)

Câu 3

(0.5đ)

Câu 4

(0.5đ)

Câu 5

(0.5đ)

Câu 6

(0.5đ)

Câu 7

(0.5đ)

D

B

D

D

C

A

A

 

Câu 1 (0.5 điểm)

Các phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản trên là:

A. Biểu cảm và thuyết minh

B. Thuyết minh và nghị luận

C. Tự sự và nghị luận

D. Tự sự và biểu cảm

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Xác định phương thức biểu đạt

Lời giải chi tiết:

Các phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản trên là: Tự sự và biểu cảm

→ Đáp án: D

Câu 2 (0.5 điểm)

Đối tượng chính được nói tới trong văn bản là:

A. Tóc rối

B. Kẹo mầm

C. Bà cụ bán kẹo mầm

D. Hình ảnh người mẹ

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Xác định đối tượng trữ tình

Lời giải chi tiết:

Đối tượng chính được nói tới trong văn bản là: Kẹo mầm

 → Đáp án: B

Câu 3 (0.5 điểm)

Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Một bên thúng là mảnh chai vỡ, đồng nát, lông vịt, tóc rối,…”?

A. So sánh

B. Ẩn dụ

C. Nhân hóa

D. Liệt kê

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Xác định biện pháp tu từ

Lời giải chi tiết:

Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Một bên thúng là mảnh chai vỡ, đồng nát, lông vịt, tóc rối,…”: Liệt kê

→ Đáp án: D

Câu 4 (0.5 điểm)

Dòng nào sau đây nói về đặc điểm của món kẹo mầm?

A. “Cái liễn đựng một thứ kẹo mà bất cứ một đứa trẻ nào cũng phải mê”

B. “Bà cụ lấy kẹo lên bằng chiếc đũa cả, quấn vào đầu que”

C. “Tóc rối bán bà cụ không mua, mua kẹo bà cụ không bán, chỉ đổi thôi”

D. “Kẹo mầm làm bằng mầm cây mạ, mầm thóc, hoàn toàn không có đường mật gì cả”

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Chú ý đặc điểm của kẹo mầm

Lời giải chi tiết:

Đặc điểm của kẹo mầm: “Kẹo mầm làm bằng mầm cây mạ, mầm thóc, hoàn toàn không có đường mật gì cả”

→ Đáp án: D

Câu 5 (0.5 điểm)

Phát biểu nào sau đây nói về nội dung khái quát của văn bản?

A. Hồi tưởng về tuổi thơ đã qua

B. Hồi tưởng về món kẹo mầm thuở nhỏ

C. Hồi tưởng về món kẹo mầm tuổi thơ và hình ảnh người mẹ, người chị

D. Hồi tưởng về hình ảnh mẹ và chị ngồi gỡ tóc rối dưới mái hiên nhà

Phương pháp:

Đọc kĩ bài thơ

Xác định nội dung chính

Lời giải chi tiết:

Nội dung chính: Hồi tưởng về món kẹo mầm tuổi thơ và hình ảnh người mẹ, người chị

→ Đáp án: C

Câu 6 (0.5 điểm)

Cảm xúc chủ đạo của văn bản là:

A. Nhớ tiếc quá khứ

B. Trân trọng tuổi thơ

C. Yêu thương mẹ và chị

D. Khát khao trở về quá khứ

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Xác định cảm xúc chủ đạo

Lời giải chi tiết:

Cảm xúc chủ đạo của văn bản là: Nhớ tiếc quá khứ

→ Đáp án: A

Câu 7 (0.5 điểm)

Cái tôi của tác giả được thể hiện như thế nào qua văn bản?

A. Cái tôi đa cảm

B. Cái tôi tài hoa

C. Cái tôi uyên bác

D. Cái tôi sắc sảo

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời

Lời giải chi tiết:

Cái tôi của tác giả: Cái tôi đa cảm

→ Đáp án: A

Câu 8 (0.5 điểm)

Xác định đề tài của văn bản.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Xác định đề tài

Lời giải chi tiết:

Đề tài của văn bản: Sự hồi tưởng lại món kẹo mầm tuổi thơ

Câu 9 (1.0 điểm)

Anh/Chị rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc văn bản trên?

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng cách hiểu của bản thân để trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Học sinh được tự do rút ra bài học, miễn là tích cực và có liên quan đến nội dung của văn bản.

Gợi ý:

- Phải biết yêu thương những người trong gia đình

- Hãy lưu giữ và trân trọng những kí ức tươi đẹp

Câu 10 (1.0 điểm)

Từ nội dung văn bản, anh/chị có suy nghĩ gì về vẻ đẹp của thời thơ ấu? (Viết khoảng 5 – 7 câu).

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

- HS nêu suy nghĩ của mình về vẻ đẹp thời thơ ấu.

- Yêu cầu hình thức: Viết thành đoạn văn, đủ số câu, không xuống dòng.

Gợi ý:

Suy nghĩ về vẻ đẹp của thời thơ ấu:

- Đó là một khoảng thời gian tươi đẹp, khi ta còn hồn nhiên, vô lo vô nghĩ

- Đó cũng là quãng thời gian mà ta được sống trong sự đùm bọc, yêu thương, trong sự ấm áp quây quần của gia đình

- Tuổi thơ còn là dưỡng chất để nuôi dưỡng tâm hồn ta, cho ta thêm sức mạnh để đối mặt với những khó khăn khi ta bước vào tuổi trưởng thành.

PHẦN II –LÀM VĂN (4 điểm)

Câu 1 (4 điểm):

Anh/Chị hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng vô cảm

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

 Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn

Lời giải chi tiết:

Anh/Chị hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng vô cảm

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,5

- Dẫn dắt và nêu vấn đề cần bàn luận

- Ý kiến cá nhân người viết với hiện tượng/vấn đề

Thân bài

2,5

 Giải thích vấn đề:

- “Vô cảm”: “Vô” (tức “không”), “cảm” (tình cảm, cảm xúc), “vô cảm” có thể hiểu là không có tình cảm, cảm xúc → Căn bệnh này có thể hiểu là sự thờ ơ, không quan tâm đến những sự vật, sự việc xung quanh mình.

Thực trạng, biểu hiện của căn bệnh vô cảm trong cuộc sống:

- Căn bệnh vô cảm ngày càng phổ biến, lan rộng trong xã hội (kết hợp lồng các dẫn chứng trong quá trình phân tích):

+ Thờ ơ, vô cảm với những hiện tượng trái đạo lí, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội: Hiện tượng livestream trên mạng xã hội (hiện tượng học sinh cấp 2 tại Hải Dương), bắt gặp hiện tượng trộm cắp thì im lặng, học sinh thấy các hiện tượng tiêu cực như quay cóp, bạo lực học đường thì coi như không biết …

+ Thờ ơ, vô cảm với những nỗi buồn, nỗi đau của chính những người đồng bào: Gặp người tai nạn bị tai nạn giao thông xúm vào bàn bạc, quay phim, chụp ảnh. Bỏ qua những lời kêu gọi giúp đỡ của đồng bào miền Trung bão lũ…

+ Thờ ơ, vô cảm với những vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước: Thờ ơ với những cảnh đẹp quê hương, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh tại các điểm du lịch…

+ Thờ ơ, vô cảm với chính cuộc sống của bản thân mình: Hiện tượng học sinh đi học muộn, không chú ý học tập. Hiện tượng sinh viên thức rất khuya sử dụng smartphone, thể hiện sự thờ ơ với chính sức khỏe của bản thân…

Nguyên nhân:

- Sự phát triển nhanh chóng của cuộc sống khiến con người phải sống nhanh hơn, không còn thời gian để ý tới những gì xung quanh.

- Sự bùng nổ mạnh mẽ của những thiết bị thông minh dẫn đến sự ra đời của các trang mạng xã hội ⇒ con người ngày càng ít giao tiếp trong đời thực

- Sự chiều chuộng, chăm sóc, bao bọc quá kĩ lưỡng cha mẹ đối với con cái ⇒ coi mình là trung tâm, không để ý đến điều gì khác nữa

- Sự ích kỉ của chính bản thân mỗi người.

Tác hại:

- Hậu quả vô cùng to lớn: con người mất đi những chỗ dựa mỗi lúc khó khăn, xã hội tràn đầy những điều xấu, điều ác.

- Xa hơn, con người đánh mất đi những giá trị người tốt đẹp của dân tộc, ảnh hưởng, làm lệch lạc những suy nghĩ của thế hệ tương lai.

Giải pháp:

- Lên án, phê phán những hành vi tiêu cực, thờ ơ vô cảm đối với đời sống xung quanh.

- Hạn chế phụ thuộc vào các thiết bị thông minh, thế giới ảo…

- Rèn luyện lối sống lành mạnh: Yêu thương, quan tâm, giúp đỡ mọi người…

- Tăng cường thực hành, trải nghiệm thực tiễn trong các môn học: Đạo đức, giáo dục công dân để học sinh học cách yêu thương, chia sẻ.

 Liên hệ bản thân: Cần lưu ý liên hệ những hành vi, biểu hiện của căn bệnh vô cảm trong chính môi trường học đường để hiểu và tránh.

Kết bài

0,5

- Khẳng định lại vấn đề

Yêu cầu khác

0,5

- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

- Diễn đạt rõ ràng, gãy gọn, có yếu tố biểu cảm. Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

- Sử dụng từ ngữ, câu văn có sự liên kết các luận điểm, giữa bằng chứng và lí lẽ đảm bảo sự mạch lạc.

 

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Cánh diều - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí