Đề thi học kì 1 Văn 8 - Cánh diều

Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 8 - Cánh diều

Tải về

Gồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 8 tất cả các môn - Cánh diều

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên

A. NỘI DUNG ÔN TẬP

1. Phần đọc hiểu

a. Truyện ngắn

- Là thể loại cỡ nhỏ của tác phẩm văn xuôi hư cấu, thường phản ánh một “khoảnh khắc”, một tình huống độc đáo, một sự kiện gây ấn tượng mạnh, có ý nghĩa nhất trong cuộc đời nhân vật

- Kết cấu truyện ngắn không chia thành nhiều tuyến nhân vật; sử dụng chi tiết cô đúc và lối hành văn mang nhiều ẩn ý

- Có truyện ngắn khai thác cốt truyện kì lạ, lại có truyện ngắn viết về câu chuyện giản dị, đời thường; có truyện ngắn giàu tính triết lí, trào phúng, châm biếm, hài hước, lại có truyện ngắn rất giàu chất thơ,…

b. Thơ sáu chữ, bảy chữ

- Thơ sáu chữ là thể thơ mỗi dòng có sáu chữ (sáu tiếng). Các dòng thơ trong bài thường ngắt nhịp 2/2/2 hoặc 4/2, có khi ngắt nhịp 3/3

- Thơ bảy chữ là thể thơ mỗi dòng có bảy chữ. Các dòng trong bài thơ thường ngắt nhịp 4/3, cũng có khi ngắt nhịp 3/4. Cách ngắt nhịp còn phụ thuộc vào nghĩa của câu thơ, dòng thơ

- Bài thơ sáu chữ hoặc bảy chữ thường có nhiều vần. Vần thường và vần chân, có thể gieo vần liền hoặc vần cách

c. Văn bản thông tin

- Là một hình thức viết nhằm truyền đạt thông tin và kiến thức một cách chính xác và trung thực. Loại văn bản này rất phổ biến và hữu ích trong đời sống hàng ngày. Nó bao gồm nhiều thể loại khác nhau, như thông báo, chỉ dẫn, mô tả công việc, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, lịch biểu, cơ sở dữ liệu, hợp đồng quảng cáo, các văn bản hành chính, từ điển và bản tin.

- Mục đích chính của văn bản thông tin là truyền đạt thông tin một cách khách quan và trung thực. Người đọc hoặc người nghe có thể hiểu chính xác những gì được mô tả và giới thiệu trong văn bản này. Điều này đòi hỏi người viết phải sử dụng ngôn từ rõ ràng, logic và tránh sử dụng yếu tố hư cấu hay tưởng tượng.

- Thông tin trong văn bản có thể được tổ chức theo nhiều cách khác nhau. Một số cách tổ chức thông tin phổ biến bao gồm: theo nguyên nhân-kết quả, theo trật tự thời gian, theo so sánh và phân loại, và theo vấn đề và giải pháp. Cách tổ chức thông tin phụ thuộc vào mục đích và đối tượng của văn bản.

d. Hài kịch và truyện cười

Hài kịch

Hài kịch là một thể loại của kịch, hướng vào sự cười nhạo cái xấu xa, là bịch, lạc

hậu,... đối lập với các chuẩn mực về cái tốt đẹp, tiến bộ. Trong hài kịch có nhiều hình

thức xung đột, nhưng phổ biến nhất là sự không tương xứng giữa cái bên trong với cái

bên ngoài. Xung đột kịch biểu hiện qua hành động kịch với các sự việc, tình huống

gây cười. Nhân vật chính trong hài kịch là những kiểu người có tính cách tiêu biểu cho

các thói xấu đáng phê phán: hà tiện, tham lam, kiêu căng, khoe mẽ,... Lời đối thoại

trong hài kịch mang đậm tính khẩu ngữ; cấu trúc đối thoại dựa trên những nội dung đối

nghịch. Hài kịch thường sử dụng các thủ pháp trào phúng như: tạo tình huống kịch tính

cải trang; dùng điệu bộ gây cười; dùng thủ pháp phóng đại, chơi chữ, gây hiểu lầm, thoại

bỏ lửng, nhại,...

Truyện cười

- Truyện cười là một thể loại tự sự có dung lượng nhỏ, dùng tiếng cười vừa để chế

giễu những thói hư tật xấu, những điều trái tự nhiên, trái thuần phong mĩ tục của con

người vừa nhằm mục đích giải trí. Truyện cười thường ngắn, cốt truyện tập trung vào

sự việc có yếu tố gây cười, tình huống trớ trêu, những nghịch lí trong đời sống,...

Bối cảnh được xây dựng trong truyện cười thường bị cường điệu so với thực tế, có yếu tố

bất ngờ. Nhân vật chính trong truyện cười thường là đối tượng bị chế giễu. Ngôn ngữ

truyện cười dân dã, nhiều ẩn ý.

- Truyện cười thường là truyện dân gian, tuy nhiên cũng có cả ở hình thức truyện kể

của văn học viết.

e. Nghị luận xã hội

- Một văn bản nghị luận bao gồm nhiều thành tố: luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng… Các thành tố đó được tổ chức thành một chỉnh thể, có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhằm đạt hiệu quả thuyết phục cao nhất

- Là thành tố có tính chất bao trùm, luận đề có chức năng định hướng việc triển khai các luận điểm. Các luận điểm trong văn bản nghị luận, với sự thống nhất của lí lẽ và bằng chứng, có nhiệm vụ làm rõ từng khía cạnh và thể hiện tính nhất quán của luận đề. Mối quan hệ có tính bản chất giữa các thành tố như vậy tạo nên cấu trúc đặc thù của văn bản nghị luận

2. Phần tiếng Việt

a. Trợ từ thán từ

b. Sắc thái nghĩa của từ ngữ

c. Các đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp

d. Nghĩa tường minhnghĩa hàm ẩn

e. Từ Hán Việt, thành ngữ, tục ngữ

3. Phần làm văn

a. Viết bài văn kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội

b. Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ sáu chữ, bảy chữ

c. Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên

d. Viết văn bản kiến nghị về một vấn đề đời sống

e. Viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học

B. BÀI TẬP

1. Phần đọc hiểu

*Đề bài

Văn bản Tôi đi học

Câu 1: Điều gì đã khiến nhân vật “tôi” nhớ về ngày đầu tiên đi học của mình?

A.  Âm thanh tiếng trống vang lên từ ngôi trường làng

B. Không khí náo nhiệt trên đường phố của những ngày đầu năm học

C. Hình ảnh thiên nhiên giao mùa và những em bé ngày đầu đến trường

D. Tất cả đáp án trên

Câu 2: Câu văn “Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi” sử dụng phép tu từ gì?

A. Nhân hóa

B.  Ẩn dụ

C. Hoán dụ

D. So sánh

Câu 3: Hai câu văn sau trong tác phẩm đã thể hiện những đức tính gì của ông đốc và thầy giáo trẻ?

“Ông đốc tươi cười nhẫn nại chờ chúng tôi… Một thầy giáo trẻ tuổi gương mặt tươi cười, đang đón chúng tôi trước cửa lớp”

A. Rất vui vẻ

B. Hết lòng săn sóc và thương yêu học sinh

C. Rất hiền hậu

D. Tất cả đáp án trên

Văn bản Gió lạnh đầu mùa

Câu 4: Đâu là sự việc trung tâm của truyện Gió lạnh đầu mùa?

A. Chị em Sơn chơi đùa cùng bạn

B. Cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con Sơn

C. Mẹ Sơn và mẹ Hiên nói chuyện với nhau

D. Sơn tặng Hiên chiếc áo ấm

Câu 5: Ý nghĩa của biểu tượng Gió lạnh đầu mùa là gì?

A. Sự lạnh lẽo của cơn gió đầu mùa

B. Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt

C. Sự ấm áp của tình người

D. A và C đún

Câu 6: Thông điệp được gửi gắm trong văn bản Gió lạnh đầu mùa là?

A. Yêu thương con người là món quà quý giá của cuộc sống

B. Bảo vệ thiên nhiên giúp cuộc sống chất lượng hơn

C. Chất lượng cuộc sống nằm trong ý thức của mỗi người

D. Tất cả đáp án trên

Văn bản Nắng mới

Câu 7: Nhân vật “tôi” đã thể hiện tình cảm, cảm xúc gì trong bài thơ?

A. Lo lắng cho người mẹ

B. Thương nhớ người mẹ

C. Yêu quý người mẹ

D. Tất cả đáp án trên

Câu 8: Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

A. Thơ thất ngôn

B. Thơ bảy chữ

C. Thơ tự do

D. Thơ bốn chữ

Câu 9: Kí ức về mẹ trong tâm tưởng của nhân vật “tôi” gắn liền với hình ảnh nào?

A. Mẹ đi ra ngoài đồng làm việc trong buổi nắng sớm

B. Nắng chiếu qua song cửa

C. Gà trưa gáy não nùng

D. Mẹ đưa áo ra giậu phơi mỗi khi có nắng mới về

Văn bản Nếu mai em về Chiêm hóa

Câu 10: Ý nào không đúng khi nói về mạch cảm xúc của bài thơ?

A. Kết cấu đơn giản, bình dị

B. Đi từ khung cảnh thiên nhiên đến con người và những rung cảm

C. Nỗi nhớ tha thiết cảnh sắc và con người vùng núi phía Nam

D. Nét đặc sắc riêng về cảnh sắc khi bước sang xuân tại quê hương

Câu 11: Cách nhắc đến các địa danh ở Chiêm Hóa thể hiện rõ tình cảm gì của tác giả?

A. Am hiểu cảnh sắc quê hương

B. Sự yêu mến, tự hào

C. Lợi dụng để quảng bá

D. Tất cả đáp án trên

Văn bản Sao băng

Câu 12: Câu nào sau đây không đúng về sao băng?

A. Là một trong những hiện tượng đẹp và kì thú của thiên nhiên

B. Là đường nhìn thấy của các thiên thạch khi chúng đi vào khí quyển của Trái Đất

C. Là một ngôi sao đang bị rơi khỏi bầu trời

D. Là một thiên thạch, mảnh vỡ của các sao chổi cũ hoặc mảnh kim loại từ các tiểu hành tinh khi va chạm với nhau

Câu 13: Vì sao con người thường ước khi nhìn thấy sao băng?

A. Vì từ cổ chí kim, luật pháp của mọi thời đại đều quy định khi nhìn thấy sao băng thì con người phải ước nguyện

B. Vì từ xưa tới nay, con người ta luôn tin rằng nếu bạn thành tâm ước một điều gì đó khi nhìn thấy sao băng thì điều ước đó sẽ trở thành sự thật

C. Vì người ta sợ họa sẽ ập đến nếu không tôn kính thần linh

D. Tất cả đáp án trên

Văn bản Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI

Câu 14: Sự thay đổi mực nước bởi tác động của khí hậu:

A. Tương đối khó nhận biết

B. Dễ quan sát được bằng mắt thường vì có biên độ lớn

C. Tương tự như sự thay đổi mực nước bởi thủy triều

D. Không bao giờ xảy ra vì biển không có mối quan hệ mật thiết với khí hậu

Câu 15: Các số liệu có vai trò gì trong văn bản?

A. Hỗ trợ việc trình bày thông tin được khách quan, chân thực

B. Giúp người đọc dễ dàng hình dung vấn đề

C. Làm tăng tính chất toán học trong văn

D. A và B đúng

Văn bản Đổi tên cho xã

Câu 16: Nội dung chính của văn bản là gì?

A. Buổi lễ đổi tên cho xã cùng với tên của các bộ phận khác, thay đổi cách thức làm việc,… nhằm hướng tới một xã giàu đẹp, văn minh

B. Cuộc nói chuyện giữa Chủ tịch xã và những người đã có nghề trong xã để đổi mới cơ chế làm việc, phương thức kinh doanh

C. Buổi lễ giả tạo về công cuộc đổi mới cho một xã nghèo bất chấp những chính sách, chủ trương của Nhà nước

D. Tất cả đáp án trên

Câu 17: Từ ngữ nào sau đây cho thấy sự ảo tưởng của chủ tịch xã?

A. Lịch sử xã ta mở sang một trang mới

B. Thay đổi trời đất, sắp đặt giang sơn…

C. Những trang chữ vàng chói lọi

D. Tất cả đáp án trên

Văn bản Cái kính

Câu 18: Cái kính làm theo lời ông đốc tờ gây ra vấn đề gì cho nhân vật “tôi”?

A. Cứ đeo vào là sa sầm, buồn nôn

B. Mắt đóng băng lại

C. Mắt lồi ra, đau xót

D. Tất cả đáp án trên

Câu 19: Câu nào tóm tắt đúng nội dung của văn bản?

A. Văn bản là câu chuyện về quá trình đi chữa bệnh của một người nghèo khổ, gặp nhiều tình huống éo le, thông qua những tình huống đó, người đọc cảm thấy buồn cười

B. Một người đàn ông thấy rằng mắt mình có vấn đề nên đi khám khắp nơi, tuy nhiên ông lại chỉ toàn gặp lang băm nên không chữa được bệnh, cuối cùng ông may mắn gặp được một vị danh y nên chữa được khỏi

C. Một người đàn ông tưởng rằng mắt mình có vấn đề nên đi khám khắp nơi, mỗi nơi ông lại được xác định là mắc một bệnh khác, mỗi lần như thế ông lại thay kính. Rồi cuối cùng nhận ra là mắt mình không làm sao cả và cũng không cần kính

D. Tất cả đáp án trên

Văn bản Hịch tướng sĩ

Câu 20: Lí do nào khiến tác giả nêu gương đời trước và đương thời?

A. Để tăng sức thuyết phục đối với các tì tướng

B. Để cho dẫn chứng nêu ra được đầy đủ

C. Để buộc các tì tướng phải xem xét lại mình

D. Để chứng tỏ mình là người thông hiểu văn chương, sử sách

Câu 21: Dụng ý của tác giả thể hiện qua câu: “Huống chi ta cùng các ngươi sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buổi gian nan”?

A. Thể hiện sự thông cảm với các tướng sĩ

B. Kêu gọi tinh thần đấu tranh của các tướng sĩ

C. Miêu tả hoàn cảnh sinh sống của mình cũng như của các tướng sĩ

D. Khẳng định mình và các tướng sĩ là những người cùng cảnh ngộ

Văn bản Nước Đại Việt ta

Câu 22: Mục đích của việc nhân nghĩa thể hiện trong Nước Đại Việt ta là?

A. Nhân nghĩa là lối sống có đạo đức và giàu tình thương

B. Nhân nghĩa là để yên dân, làm cho dân được sống ấm no

C. Nhân nghĩa là trung quân, hết lòng phục vụ vua

D. Nhân nghĩa là duy trì mọi lễ giáo phong kiến

Câu 23: Ý nào dưới đây thể hiện trình tự mà Nguyễn Trãi đưa ra để khẳng định tư cách độc lập của dân tộc?

A. Cương vực, lãnh thổ, nền văn minh, truyền thống lịch sử, chủ quyền, phong tục

B. Nền văn hiến, cương vực lãnh thổ, phong tục, truyền thống lịch sử, chủ quyền

C. Truyền thống lịch sử, nền văn hiến, chủ quyền, cương vực lãnh thổm phong tục

D. Chủ quyền, truyền thống lịch sử, phong tục, nền văn hiến, cương vực lãnh thổ

Câu 24: Tác giả Nguyễn Trãi so sánh các triều đại của ta với các triều đại phương Bắc trong Nước Đại Việt ta nhằm khẳng định điều gì?

A. Khẳng định đất nước ta cũng ngang hàng với họ

B. Khẳng định nước ta có nhiều hào kiệt

C. Khiêu chiến với người phương Bắc

D. Xem thường người phương Bắc

2. Phần tiếng Việt

a. Trợ từ và thán từ

Câu 1: Đâu là đáp án chứa thán từ gọi đáp?

A. a, ái, ơ, ô hay, than ôi

B. này, ơi, vâng, dạ, ừ

C. đích, chính, những, có

D. a, ái, ơ, đích, chính

Câu 2: Trong những từ in đậm ở các câu sau, từ nào không phải là trợ từ?

A. Trời ơi! Chỉ còn có 5 phút

B. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học

C. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp

D. Lần này em được những 2 điểm 10

b. Sắc thái nghĩa của từ ngữ

Câu 3: Sắc nghĩa của từ có tác dụng gì?

A. Thể hiện thái độ, cảm xúc, đánh giá của người dùng đối với đối tượng được nói đến

B. Biểu thị hoạt động hoặc trạng thái

C. Dùng để miêu tả và làm rõ ngữ nghĩa của danh từ đi kèm

D. Tất cả đáp án trên

Câu 4: Xác định các từ thuộc sắc thái miêu tả trong các trường hợp sau:

A. trắng tinh, trắng xóa, thân phụ, thân mẫu

B. cha, mẹ, vợ, thân phụ, thân mẫu, phu nhân

C. trắng tinh, trắng xóa, trắng hếu

D. cha, mẹ, vợ

c. Các đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp

Câu 5: Diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp là các kiểu đoạn văn gì?

A. Là những yếu tố có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong văn bản nghị luận

B. Là vấn đề được bàn luận trong văn bản nghị luận

C. Là các kiểu đoạn văn được phân biệt dựa vào cách thức tổ chức, triển khai nội dung

D. Là các kiểu đoạn văn triển khai những khía cạnh khác nhau của một luận đề trong văn bản nghị luậ

Câu 6: Đoạn văn sau được triển khai theo hình thức nào?

Thế đấy, biển luôn luôn thay đổi màu tùy theo sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển cũng xanh thẳm, như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt, nặng nề. Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu giận dữ…Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lung, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng.

A. Diễn dịch

B. Quy nạp

C. Song song

D. Phối hợp

d. Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn

Câu 7: Câu nào dưới đây chứa hàm ý?

A. Lão trông tẩm ngẩm thế nhưng cũng ra phết chứ chẳng vừa đâu, lão vừa cho tôi xin một ít bả chó

B. Lão làm khổ lão chứ ai làm khổ lão

C. Cuộc đời quả thực cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn

D. Chẳng hiểu lão chết vì gì mà bất thình linh như vậy

Câu 8: Hãy tìm nghĩa tường mình, nghĩa hàm ẩn của câu in đậm trong đoạn văn sau:

Bác sĩ cầm mạch, sẽ cắn môi, nhìn ông già giọng phàn nàn:

- Chậm quá. Đến bây giờ mới tới.

A. Nghĩa tường minh: Bệnh nhân tới muộn, làm cho bác sĩ đợi lâu

Nghĩa hàm ẩn: Không quan tâm đến bệnh tình của bệnh nhân

B. Nghĩa tường minh: Bệnh nhân tới muộn, làm cho bệnh tình nguy kịch hơn

Nghĩa hàm ẩn: Không hài lòng và tiếc nuối vì việc bệnh nhân tới muộn

C. A và B đúng

D. A và B sai

e. Từ Hán Việt, thành ngữ, tục ngữ

Câu 9: Từ nào trong các câu dưới đây có sử dụng từ Hán Việt?

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng

A. Xã tắc

B. Ngựa đá

C.  Âu vàng

D. A và C

Câu 10: Câu nào dưới đây không phải thành ngữ?

A. Vắt cổ chày ra nước

B. Chó ăn đá, gà ăn sỏi

C. Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang,

Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu

D. Lanh chanh như hành không muối

3. Phần làm văn

a. Viết bài văn kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội

Đề 1: Viết bài văn kể lại chuyến đi tham quan một di tích lịch sử văn hóa

Đề 2: Kể lại một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà em đã tham gia

b. Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ sáu chữ, bảy chữ

Đề 1: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Nắng mới

Đề 2: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Nếu mai em về Chiêm Hóa

Đề 3: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Đường về quê mẹ

c. Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên

Đề 1: Viết văn bản giải thích hiện tượng núi lửa phun trào

d. Viết văn bản kiến nghị về một vấn đề đời sống

Đề 1: Có một bộ phim hay, liên quan tới tác phẩm văn học. Em thay mặt tập thể lớp viết một văn bản đề nghị cô giáo (thầy giáo) chủ nhiệm hoặc nhà trường tổ chức cho lớp (hoặc các lớp cùng khối 8) đi xem phim đó

Đề 2: Trong khu vực gia đình em ở, có một địa điểm kinh doanh karaoke không đảm bải tiêu chuẩn kĩ thuật, gây ồn ào, thậm chí nhiều lần để xảy ra xô xát,… ảnh hướng rất lớn đến sinh hoạt của cả khu vực. Em hãy giúp các gia đình trong khu vực viết một văn bản kiến nghị gửi công an hoặc Ủy ban nhân dân địa phương để nêu ý kiến và kiến nghị giải quyết tình trạng đó

Đề 3: Giả sử em được tập thể lớp giao nhiệm vụ kiến nghị với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức một hoạt động ngoại khóa để nâng cao kĩ năng sống cho học sinh hoặc có giải pháp xây dựng môi trường học tập tốt hơn. Hãy thay mặt lớp viết bản kiến nghị đó

e. Viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học

Đề 1: Từ các tác phẩm đã học, hãy phát biểu suy nghĩ của em về những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc

C. LỜI GIẢI CHI TIẾT

1. Phần đọc hiểu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

C

D

D

D

D

A

D

B

D

C

B

C

A

A

D

C

D

A

C

A

D

B

B

A

 

2. Phần tiếng Việt

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

B

A

A

C

C

D

A

B

A

C

 

3. Phần làm văn

a. Viết bài văn kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội

Đề 1: Viết bài văn kể lại chuyến đi tham quan một di tích lịch sử văn hóa

Thông thường, sau những ngày tháng học tập và lao động mệt mỏi, con người thường tìm đến những chuyến du lịch để tìm lại sự cân bằng, thư thái. Đối với em, chuyến du lịch với bạn bè lớp 6A là những kỷ niệm và hành trang đáng nhớ. Đến tận bây giờ, em vẫn không thể nào quên được chuyến du lịch vui vẻ và bổ ích ấy.

    Nhân ngày nghỉ Tết dương lịch, lớp em đã tổ chức một chuyến đi du lịch ở khu K9 và Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội. Cả lớp và cô giáo chủ nhiệm ai cũng vui bởi vì sau kỳ thi căng thẳng chúng em sẽ có những giây phút vui chơi và nô đùa cùng nhau. Tất cả lịch trình và địa điểm em chúng em đều đã nắm rõ, chắc hẳn chuyến du lịch sẽ rất vui và bổ ích.

    Buổi tối hôm ấy, em đã rất hồi hộp và chờ đợi chuyến du lịch ngày hôm sau. Những thực phẩm và dụng cụ cần thiết em đã chuẩn bị rất kĩ. Hôm sau, em thức dậy vào lúc 5 giờ để vệ sinh cá nhân, mọi thứ đã sẵn sàng. Đúng 5:30, chúng em bắt đầu đến trường tập trung, chiếc xe du lịch đã đến đón chúng em, cuộc hành trình đã bắt đầu.

    Ngồi trên xe, chúng em trò chuyện với nhau rất vui và dự đoán về chuyến du lịch sắp tới. Hướng dẫn viên du lịch của chúng em là chú Minh – một người rất vui tính và thân thiện. Chú đang nói cho chúng em nghe rất nhiều câu chuyện về địa điểm du lịch của lớp, bên cạnh đó, chúng em còn được thư giãn bằng một trò chơi mà chú Minh đã đưa ra, đó chính là “Lắng nghe và ghi nhớ” . Khi nghe chú thuyết trình về địa điểm du lịch, chúng em phải ghi nhớ, những ý chính, rồi khi được chú hỏi lại, bạn nào trả lời đúng sẽ được nhận quà. Em thấy đây là một trò chơi rất bổ ích, giúp chúng em ghi nhớ và có thêm nhiều hiểu biết về những địa điểm du lịch mà chú đã hướng dẫn.

    Cuối cùng cũng đến nơi, khung cảnh ở đây thật tuyệt làm sao! Những đồi núi hùng vĩ, cây cối trên núi thì xanh tươi mượt mà, những làn gió lướt nhẹ làm cho chúng đung đưa như đang rì rầm trò chuyện. Chúng em được ghé thăm khu di tích lịch sử K9, ở đó có rất nhiều binh sĩ, các chú trông rất oai phong và trang trọng. Cô giáo chủ nhiệm lớp và chú Minh đã dẫn chúng em đến tham quan ngôi nhà xưa của Bác Hồ, ngôi nhà thật đẹp và đã được sửa sang lại. Sau khi tham quan các khu di tích lịch sử, tất cả các bạn trong lớp đều cảm thấy đói nên chúng em được đi ăn trưa và nghỉ ngơi. Chúng em được dẫn đến nhà hàng “Quê Hương” để ăn trưa, đồ ăn ở đây rất ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng. Sau khi ăn trưa, cả lớp được chú Minh dẫn đến một địa điểm để mua quà lưu niệm và các món đồ ăn vặt, em đã mua một vài món quà xinh xinh để mang về tặng cho gia đình. Sau khi ăn nhẹ và mua quà, chúng em trở về khách sạn đã được thuê để nghỉ trưa kết thúc một buổi sáng thật vui và ý nghĩa.

    Một buổi chiều đẹp trời lại đến, lớp chúng em lại được tham quan một địa điểm nữa đó chính là “ Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Vừa đến nơi, chúng em đã được chụp một bức ảnh kỉ niệm. Vào tham quan tháp Chăm, Đền Cổ và một số ngôi nhà của người dân tộc khác. Đi một vòng quanh khu di tích, chúng em đã dừng chân ở một bãi cỏ trống rất xanh và rộng, trên bãi cỏ đó có những đồ dùng cần thiết để cho chúng em chơi – thì ra là cô giáo và chú Minh đã chuẩn bị. Mỗi tổ sẽ tham gia một trò chơi, đội nào thắng cuộc sẽ giành được những món quà. Mọi người ai cũng chơi thật hào hứng và vui vẻ.

    Chẳng mấy mà đã kết thúc một ngày, chúng em phải trở về nhà. Trước khi lên xe, chú Minh đã chào tạm biệt chúng em và chúc lớp có thật nhiều thành tích cao trong học tập. Thế là một chuyến du lịch bổ ích đã khép lại, hôm ấy, phải rất muộn em mới về đến nhà. Em đã kể cho mọi người nghe về chuyến du lịch rất vui của mình cùng với các bạn, qua đây em cảm thấy mình trưởng thành và có thêm được nhiều những kiến thức bổ ích. Hi vọng rằng trong tương lai em sẽ có thêm nhiều chuyến du lịch như vậy cùng với các bạn trong lớp.

    Chuyến đi đó đã giúp chúng em của mở rộng tầm hiểu biết của mình, thêm nữa còn tăng thêm tình đoàn kết giữa các bạn trong lớp với nhau. Tất cả sẽ mãi là một kỉ niệm đẹp in dấu trong tâm trí của mỗi thành viên trong lớp. Đối với bản thân em, đây là một chuyến hành trình cũng như một lần trải nghiệm đáng nhớ mà không bao giờ em quên.

(Bài làm của học sinh)

Đề 2: Kể lại một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà em đã tham gia

Con người sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Sự chia sẻ, giúp đỡ giữa mọi người sẽ giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi vậy mà rất nhiều hoạt động xã hội giàu ý nghĩa được tổ chức.

Vừa qua, miền Trung đã phải hứng chịu một trận bão lớn. Cơn bão đi qua gây ra biết bao thiệt hại về con người, tài sản. Lúc này, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta lại được phát huy mạnh mẽ. Trường học của tôi cũng hưởng ứng và tổ chức một hoạt động có tên là “Hướng về miền Trung yêu thương”.

Cô tổng phụ trách đã có một buổi họp với cán bộ của các lớp. Cô đã phổ biến cụ thể về hoạt động. Sau đó, cán bộ lớp đã về phổ biến lại cho các thành viên trong lớp vào giờ sinh hoạt. Thời gian diễn ra hoạt động trong vòng một tuần. Chúng tôi có thể ủng hộ bằng tiền mặt, lương thực hay thực phẩm, quần áo,... Kết thúc một tuần, các lớp sẽ thống kê và sắp xếp để nộp lại cho nhà trường.

Chúng tôi đều cảm thấy hoạt động rất ý nghĩa. Vì vậy, ai cũng hưởng ứng nhiệt tình. Tối hôm đó, tôi về xin phép mẹ mang một số bộ trang phục không mặc nữa nhưng còn mới rồi sắp xếp gọn lại. Xong xuôi, tôi còn cùng mẹ đi siêu thị để mua một thùng mì tôm và một thùng sữa. Không chỉ vậy, mẹ còn cho tôi một trăm nghìn để mang đến ủng hộ. Sáng hôm sau, mẹ giúp tôi mang những món đồ đến để ủng hộ.

Cô giáo đã giao cho bạn lớp trưởng và lớp phó kiểm tra lại, thống kê các món đồ thu được. Sau một tuần, hoạt động kết thúc khá thành công. Lớp của tôi đã đóng góp được mười bộ sách giáo khoa, hai mươi thùng mì tôm, mười thùng sữa và hơn một triệu đồng tiền mặt. Chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Cuối buổi chiều thứ sáu, các bạn cán bộ lớp đã nhờ một số bạn nam phụ trách mang những món quà của lớp đem nộp cho cô tổng phụ trách. Sau khi hoạt động từ thiện kết thúc, lớp của tôi còn được tuyên dương trước toàn trường. Tôi cảm thấy đây là một hoạt động rất ý nghĩa, và vui vẻ khi làm được một việc tốt.

Những hoạt động xã hội có ý nghĩa lớn lao. Chính vì vậy, mỗi người hãy tích cực tham gia để góp một phần nhỏ giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

b. Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ sáu chữ, bảy chữ

Đề 1: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Nắng mới

Bài thơ Nắng mới là một tác phẩm thơ rất hay và giàu cảm xúc của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Ông đã chọn thể thơ tự do - một thể thơ không có bất kì ràng buộc nào về thể thức để giãi bày dòng tình cảm chứa chan của mình dành cho mẹ. Hình ảnh “nắng mới” là biểu tượng xuyên suốt trong bài thơ, nó đóng vai trò là tấm bản lề mở cánh cửa nối liền hiện tại và miền kí ức của nhà thơ. Miền kí ức ấy có người mẹ tảo tần với nụ cười đen nhánh - một nét đặc trưng của người phụ nữ Việt xưa. Người mẹ Việt Nam tảo tần, vất vả chăm lo cho gia đình hiện lên thật ấm áp, tựa những tia nắng mới. Tác giả đã tái hiện lại hình ảnh mẹ bằng những gam màu nóng ấm nhất, bằng những yêu thương, quý trọng da diết. Tuy mẹ đã đi xa, nhưng bà vẫn sẽ mãi sống trong kí ức nhà thơ, cùng ông đi hết cả cuộc đời. Em rất xúc động trước tình cảm thiêng liêng ấy của nhà văn.

Đề 2: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Nếu mai em về Chiêm Hóa

Bài thơ “Nếu mai em về Chiêm Hóa” của tác giả Mai Liễu để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Mở đầu bài thơ là lời bộc lộ về nỗi nhớ quê hương đầy da diết. Cách xưng hô độc đáo “em - ta” gợi cảm giác xa lạ mà cũng thân quen. Tiếp đến tác giả đã dành hẳn một khổ thơ để khắc họa vẻ đẹp của núi rừng Chiêm Hóa. Đầu tiên là hình ảnh Sông Gâm hiện lên với đôi bờ cát trắng, cùng với đó là “đá ngồi dưới bến trông nhau”. Nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa độc đáo gợi ra những tảng đá từ bờ này nhìn sang bờ kia như đang trông nhau. Những hòn núi được gọi là “Non Thần” khi xuân sang hình như cũng trẻ lại, khoác lên mình bộ quần áo một màu xanh ngút. Cảnh sắc độc đáo là vậy, con người hiện lên cũng mang vẻ đẹp riêng. Đó là những cô gái người Dao, người Tày. Những cô gái Dao duyên dáng, xúng xính trong những món trang sức bạc. Những cô gái Tày lại khiến người ta mê mẩn trong sắc chàm của bộ trang phục truyền thống với nụ cười chúm chím khiến người ngắm quên lối về. Những câu thơ đọc lên thật tình, thật đẹp làm sao. Khổ thơ cuối như một lời khép lại bộc lộ sự nhớ thương cũng như mong muốn trở về quê hương của tác giả rất thật mãnh liệt. Đó là mong muốn trở về quê để đi hội xuân, để chơi những trò chơi dân gian, để gặp mọi người, những người có duyên.

Đề 3: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Đường về quê mẹ

Bài thơ Đường về quê mẹ gợi cho người đọc nhiều cảm xúc. Qua sáu khổ thơ, tác giả đã gửi gắm tình yêu quê hương, cũng như nỗi niềm nhớ thương người mẹ. Mở đầu bài thơ là tiếng gọi “U tôi” vang lên sao mà thật thân thương, tình cảm. Sau đó, tác giả kể về những kỉ niệm thơ ấu. Vào mỗi mùa xuân, tôi được mẹ đưa về thăm quê. Con đường về quê hiện lên với những hình ảnh đầy quen thuộc, gần gũi. Đó là dặm liễu, rặng đề nơi ven đường. Cảnh sắc thiên nhiên lúc này thật tươi đẹp với áng mây trắng ngần, dòng sông trắng lượn ven đê. Cả những cồn xanh, bãi mía bạt ngàn, nhấp nhô bóng người đang xới cà, ngô rộn. Hình ảnh “u tôi” hiện lên dù đã đứng tuổi nhưng vẫn không khác gì thời con gái với thúng cắp bên hông, đầu đội nón lá, đeo khuyên vàng, mặc yếm thắm, áo the nâu. Dường như tuổi tác cũng không thể làm mất đi nét hồng hào ở u - mắt sáng, môi hồng, má đỏ au. Đến hai khổ thơ cuối, người đọc thấy được thấy những hoài niệm của nhân vật “tôi” về người mẹ. Tà áo nâu cùng chiếc nón lá, u “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Dưới gió chiều bụi mịt mù, bóng lưng chăm chỉ làm tác giả phân vân không biết là của mẹ hay của thiếu nữ nào. Trên con đường về quê, “tôi” gặp lại những người quen, được nghe lời khen về u mà lòng thấy hãnh diện vô cùng.

c. Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên

Đề 1: Viết văn bản giải thích hiện tượng núi lửa phun trào

Núi lửa phun trào vừa là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú vừa là một thảm họa vì gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho cuộc sống của con người. Vậy núi lửa là gì? Nguyên nhân gây ra núi lửa như thế nào?

Núi lửa là ngọn núi có miệng ở đỉnh, qua đó, từng thời kỳ, các chất khoáng được nóng chảy với nhiệt độ và áp suất cao bị phun ra ngoài. Núi lửa phun trào là một hiện tượng tự nhiên trên Trái Đất hay các hành tinh khác vẫn còn hoạt động địa chấn, với các vỏ thạch quyển dịch chuyển trên lõi khoáng chất nóng chảy. Khi núi lửa phun trào, một phần năng lượng đã ẩn sâu trong lòng hành tinh sẽ được giải phóng. Một ngọn núi lửa hoàn chỉnh sẽ có cấu tạo gồm các bộ phận như sau: nguồn dung nham, đường dẫn nhanh, ngưỡng, lỗ thoát, ống dẫn,  cổ họng núi lửa, miệng núi lửa. Các sản phẩm núi lửa phun trào ra bên ngoài bao gồm lớp tro bụi, dòng dung nham và khói.

Núi lửa được chia thành nhiều cách phân loại khác nhau, nhưng chủ yếu được chia thành hai cách đó là dựa theo hình dáng bao gồm núi lửa hình chóp và núi lửa hình khiên và dựa vào dạng thức hoạt động chứa ba loại: núi lửa thức, núi lửa ngủ và núi lửa chết.

Khi đá được đun nóng và tan chảy, chúng giãn nở ra, do đó cần nhiều không gian hơn. ở một số khu vực trên Trái Đất, các dãy núi liên tục được nâng cao hơn. Áp suất ở phía dưới nó không lớn nên dòng mắc ma được hình thành. Khi áp lực của các dòng chảy mắc ma cao hơn áp lực tạo bởi lớp đá bên trên, dòng mắc ma phun trào lên trên qua miệng núi và tạo thành núi lửa.

Việc hiểu rõ núi lửa là gì, cách thức hoạt động của núi lửa cho ta thấy được những tác hại nghiêm trọng của núi lửa cũng như hậu quả nguy hại khi núi lửa phun trào lớn đến mức nào. Đầu tiên, nó gây ảnh hưởng đến các hoạt động địa chất, rõ nhất là động đất: Trong quá trình phun trào, trước khi các vật liệu núi lửa phun lên trên mặt, chúng di chuyển theo họng núi lửa từ dưới sâu lên, cọ sát tạo nên các chấn động có khi kèm theo tiếng nổ tạo thành động đất yếu, cục bộ. Từ động đất, liên tiếp gây ra các hiện tượng trượt lở đất, nứt đất, sụt lún. Ngoài ra, núi lửa phun trào làm biến đổi bề mặt địa hình: dung nham núi lửa quánh lại thường tạo thành các dạng địa hình thoải như vòm thoải cao nguyên hoặc lớp phủ dung nham. Không những vậy, nó còn làm ảnh hưởng tới môi trường sống của con người, gây cháy rừng, làm biến đổi môi trường sinh thái và gây nên thảm họa sóng thần:

Bên cạnh đó, núi lửa cũng mang lại những lợi ích đáng kể. Bởi các ngọn núi lửa cũng là nơi đem đến cho con người nhiều tài nguyên khoáng sản, năng lượng địa nhiệt, đất đai canh tác màu mỡ và cả tiềm năng du lịch. Dung nham mắc-ma phun trào từ trong lòng quả đất có chứa rất nhiều thành phần khoáng sản. Các khoáng sản này bao gồm thiếc, bạc, vàng, đồng và thậm chí kim cương cũng hiện diện trong đá núi lửa. Đây được coi là nơi lý tưởng cho sự phát triển của ngành công nghiệp khai mỏ quy mô lớn và các hoạt động khai mỏ nhỏ lẻ mang tính cá nhân hoặc do một nhóm nhỏ dân địa phương chung tay khai thác.

Hàng năm vào các mùa khác nhau, các ngọn núi lửa cũng là nơi thu hút hàng triệu du khách tham quan. Đa phần du khách chờ đến thời khắc được tận mắt ngắm nhìn những khối tro bụi nóng màu đỏ lửa bắn tung lên bầu trời. Những ngọn núi lửa ít hoạt động thì lại cuốn hút du khách bởi việc chiêm ngưỡng những màn hơi và khói thoát ra từ các lỗ thông khí thiên nhiên trên mặt đất.

Tóm lại, ta thấy được sức ảnh hưởng lớn lao của núi lửa đến đời sống con người, đặc biệt là những người đang sống trong vùng gần núi lửa phun trào. Các tác động tự nhiên này vừa mang tới những hiểm nguy những vẫn tồn tại các mặt lợi ích đáng kể để mang lại nền kinh tế cho con người.

d. Viết văn bản kiến nghị về một vấn đề đời sống

Đề 1: Có một bộ phim hay, liên quan tới tác phẩm văn học. Em thay mặt tập thể lớp viết một văn bản đề nghị cô giáo (thầy giáo) chủ nhiệm hoặc nhà trường tổ chức cho lớp (hoặc các lớp cùng khối 8) đi xem phim đó

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2023

ĐƠN KIẾN NGHỊ

Về việc: Tổ chức buổi đi xem phim liên quan đến tác phẩm văn học Gió lạnh đầu mùa của lớp 8A

Kính gửi: - Cô giáo chủ nhiệm: Lê Minh A

                - Thầy hiệu trưởng: Đoàn Văn B

Em tên là: Nguyễn Thu H

Học sinh lớp: 8A

Chức vụ: lớp trưởng lớp 8A

Trường: THCS Lí Thái Tổ

Em viết đơn này đề nghị cô giáo chủ nhiệm và nhà trường giải quyết vấn đề: Tổ chức buổi đi xem phim liên quan đến tác phẩm văn học Gió lạnh đầu mùa.

Nội dung sự việc: Tuần vừa qua, vào buổi học ngày thứ Tư (28/01/2023), lớp chúng em học môn Ngữ Văn về tác phẩm Gió lạnh đầu mùa của tác giả Thạch Lam.

Lí do viết đơn kiến nghị này: Cùng thời điểm đó, rạp chiếu phim có chiếu bộ phim kể về những đứa trẻ nghèo khổ thời xưa. Em nhận thấy nội dung phim có cùng chủ đề và nội dung gần với tác phẩm văn học đang học, có thể giúp chúng em củng cố thêm kiến thức và hiểu sâu được những nội dung mà tác phẩm truyền tải.

Yêu cầu cụ thể: Em thay mặt cả lớp viết đơn kiến nghị này mong muốn thầy, cô xét duyệt ý nguyện tổ chức buổi đi xem phim cho cả lớp chúng em.

Kính mong thầy, cô xem xét đơn kiến nghị và giải quyết sớm cho chúng em. Em xin cam đoan những thông tin trên hoàn toàn đúng sự thật, nếu có gì sai sót, em xin chịu trách nhiệm trước kỉ luật của nhà trường.

Em xin cảm ơn!

Người làm đơn

(Chữ kí)

Nguyễn Thu H

Đề 2: Trong khu vực gia đình em ở, có một địa điểm kinh doanh karaoke không đảm bải tiêu chuẩn kĩ thuật, gây ồn ào, thậm chí nhiều lần để xảy ra xô xát,… ảnh hướng rất lớn đến sinh hoạt của cả khu vực. Em hãy giúp các gia đình trong khu vực viết một văn bản kiến nghị gửi công an hoặc Ủy ban nhân dân địa phương để nêu ý kiến và kiến nghị giải quyết tình trạng đó

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2023

ĐƠN KIẾN NGHỊ

Về việc: Quán karaoke SM gây ảnh hưởng lớn tới toàn khu vực dân cư PK

Kính gửi: Ủy bản nhân dân phường Trung Văn, thuộc quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Tôi tên là: Hoàng Văn C

Sinh năm: 30/05/1990

Số căn cước: 1707085689

Ngày cấp: 12/5/2021

Nơi cấp: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Hộ khẩu thường trú: Phố Phùng Khoang, Phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Nơi ở: số nhà 135 ngách 26 ngõ 67 Phùng Khoang, Phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Tôi viết đơn này đề nghị quý cơ quan hành chính giải quyết vấn đề: Sự việc xảy ra liên tục gần đây của quán karaoke SM không đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của cả khu vực.

Nội dung sự việc: Trong khoảng thời gian gần đây (từ ngày 05/1 đến 31/1/2023), vào mỗi buổi tối muộn (21h00 – 24h00), khu vực dân cư chúng tôi thường xuyên có những tiếng động lớn, thậm chí có những vụ xô xát, cãi nhau to. Theo như tìm hiểu, được biết những sự việc đó từ quán karaoke SM.

Lí do viết đơn kiến nghị này: Sự việc khiến khu dân cư trở nên ồn ào, gây ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống sinh hoạt của các hộ gia đình liền kề.

Yêu cầu cụ thể: Tôi thay mặt các hộ gia đình viết đơn kiến nghị này mong muốn Ủy bản sẽ đưa hướng giải pháp hợp lí đối với địa điểm kinh doanh đó.

Kính mong cơ quan có thẩm quyền xem xét đơn kiến nghị và giải quyết sớm cho tôi. Tôi xin cam đoan những thông tin trên hoàn toàn đúng sự thật. Nếu có gì sai sót, tôi xin chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trước pháp luật.

Tôi xin cảm ơn!

Người làm đơn

(Chữ kí)

Hoàng Văn C

Đề 3: Giả sử em được tập thể lớp giao nhiệm vụ kiến nghị với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức một hoạt động ngoại khóa để nâng cao kĩ năng sống cho học sinh hoặc có giải pháp xây dựng môi trường học tập tốt hơn. Hãy thay mặt lớp viết bản kiến nghị đó

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                                              …, ngày… tháng… năm…

BẢN KIẾN NGHỊ

Về việc tổ chức một hoạt động ngoại khóa để nâng cao kĩ năng sống cho học sinh

Kính gửi: Ban Giám hiệu trường………………………………………………

Em tên là:………………………………………Sinh ngày… tháng…năm………

Lớp:..........................................

Em viết bản kiến nghị này với lý do cụ thể như sau:

- Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, tạo cơ hội cho học sinh học tập nâng cao kiến thức

- Nhằm hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh

- Nâng cao tinh thần đoàn kết và truyền thông nhà trường

- Rèn các kỹ năng cho học sinh

Bởi những mong muốn trên, chúng em xin kiến nghị Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức một hoạt động ngoại khóa để nâng cao kĩ năng sống cho học sinh

Kính mong Ban Giám hiệu xem xét về những kiến nghị trên và tạo điện thuận lợi cho việc học tập của chúng em.

Em xin trân trọng cảm ơn!

Kí tên

e. Viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học

Đề 1: Từ các tác phẩm đã học, hãy phát biểu suy nghĩ của em về những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc

Nhắc đến các vẻ đẹp truyền thống của những người con đất Việt, ta không thể không kể đến lòng yêu nước nồng nàn. Yêu nước không phải một khái niệm xa xôi, trừu tượng. Đó là tình cảm giản dị, gần gũi nhưng vô cùng thiêng liêng bắt nguồn từ sự trân trọng, nâng niu mà ta dành cho những sự vật quanh mình, cho những con người ta yêu thương, gắn bó.

Biểu hiện của lòng yêu nước cũng nằm ngay trong ý thức, hành động hàng ngày của mỗi chúng ta. Trong thời chiến, nó sục sôi và cuộn trào cùng các cuộc khởi nghĩa, cùng lớp lớp thanh niên sẵn sàng hi sinh tính mạng khi lên đường nhập ngũ. Trong thời bình, mỗi người thể hiện tình yêu nước bằng cách chăm chỉ trau dồi tri thức, cần cù lao động và rèn luyện đạo đức với ước mong đem đến cuộc sống tươi đẹp hơn cho bản thân, gia đình và dân tộc mình. Cứ như vậy, lòng yêu nước đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành nguồn sức mạnh vô giá, thành sợi dây nối kết trái tim của những “con Lạc cháu Hồng”, giúp ta có thể lập nên những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sống có lòng yêu nước sẽ làm giàu đẹp thêm cho tâm hồn của mỗi người. Người có lòng yêu nước sẽ được mọi người xung quanh trân trọng, nể phục. Chính tình yêu nước là yếu tố khơi bừng lý tưởng sống, khát vọng sống và cống hiến của con người. Bảo vệ đất nước, làm cho đất nước giàu đẹp trở thành niềm tự hào của con người, nhất là đối với tuổi trẻ, những con người giàu nhiệt huyết, năng động, sáng tạo. người sống vì đất nước, vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội luôn được người khác yêu quý, ca ngợi và tôn vinh.

Mỗi người đều yêu nước, góp một phần dù nhỏ bé để xây dựng đất nước, đem lại lợi ích cho đất nước, cho cộng đồng, làm quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, lớn mạnh. Đất nước là một ngôi nhà chung. Đất nước có bình yên và lớn mạnh hay không chính là do mỗi cá nhân biết xây dựng.

Nếu cá nhân không có lòng yêu nước, nghĩa là không tiếp nối truyền thống của dân tộc, sống ngoài dòng chảy chung của muôn người, tâm hồn người đó sẽ trở nên khô khan. Người không có lòng yêu nước sẽ trở nên lạc lõng với những người xung quanh. Đó là những người ích kỷ, không muốn góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Những người như thế thật đáng lên án.

Chính tình yêu nước của thế hệ đi trước đã tạo dựng niềm tin cho thế hệ mai sau. Dù thế hệ trẻ có lập nghiệp nơi đâu trên địa cầu rộng lớn, những con người Việt Nam ta vẫn luôn giữ trong trái tim mình tình yêu nước nồng nàn, để nhớ, để ngưỡng vọng và cũng để khao khát được làm điều gì đó cho mảnh đất hình chữ S thân thương Việt Nam.

 


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
Tải về

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Cánh diều - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí