Bình giảng 9 câu thơ đầu trong đoạn trích Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm


Bình giảng 9 câu thơ đầu trong đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm: “Khi ta…ngày đó”

Tổng hợp đề thi giữa kì 2 lớp 12 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa - GDCD


    Đất nước, đã từ lâu, là điểm hẹn tâm hồn của biết bao văn nghệ sĩ. Được khơi nguồn từ đề tài quen thuộc ấy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có cho mình một lối đi riêng. Đoạn trích “Đất Nước là sự kết tinh của những sáng tạo dộc đáo, mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm. Với 9 câu thơ mở đầu, nhà thơ đã đưa người đọc trở về với lịch sử của dân tộc để trả lời cho câu hỏi đất nước có từ bao giờ:

                       Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

                       Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.

                       Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

                      Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

                      Tóc mẹ thì bới sau đầu

                      Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

                      Cái kèo, cái cột thành tên

                      Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

                     Đất Nước có từ ngày đó…

    Muốn hiểu về Đất Nước nhưng “khi ta lớn lên đất nước đã có rồi”: lời thơ khẳng định đất nước ra đời từ rất lâu như ta thường bảo 4000 năm lịch sử. Câu thơ cũng khẳng định sự trường tồn của đất nước sau bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu lần đánh giặc ngoại xâm, chống lại nội thù để bảo vệ đất nước. Nhưng câu thơ cũng nói lên nỗi lòng băn khoăn của nhà thơ vì làm sao hiểu được đất nước khi đất nước đã có từ lâu, đã cách ta quá xa, đã ” có từ ngày xửa ngày xưa…”: một cụm từ vô cùng quen thuộc, thân thương vì ai trong chúng ta không từng được đắm mình trong những câu chuyện cổ tích thần tiên” mẹ thường hay kể”. Những câu chuyện kể, những lời ru của mẹ đưa con về với đất nước yêu dấu.

   “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”, câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm khiến con nhớ đến câu chuyện cảm động “Sự tích trầu cau” mẹ kể con nghe về tình nghĩa gia đình thắm thiết, ven tròn, hoà quyện nhau như màu đỏ huyết thống thiêng liêng. Đấy chính là nền tảng để xây dựng gia đình, để khởi đầu đất nước hay đây cũng chính là bài học đầu tiên về đất nước. Miếng trầu bình thường bà vẫn ăn hàng ngày sao bỗng dưng trở thành thiêng liêng, thấp thoáng đâu đó dáng hình đất nước qua tập tục ăn trầu thân quen.

    Hình ảnh cây tre trong câu thơ” Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” con đã từng gặp trong “Sự tích Thánh Gióng” khi cậu bé chỉ mới 3 tuổi đã vươn vai thành người chiến sĩ nhổ tre, đánh giặc thù, bảo vệ bờ cõi. Cây tre hiền hoà hằng ngày ta vẫn thấy trong xóm làng cho ta những vật dụng và bóng mát, thế nhưng cây tre đã từng là vũ khí theo suốt con đường cha ông ta đánh giặc để giữ cho con cháu hôm nay đất nước này. Truyền thống đấu tranh bất khuất của người xưa dẫu ko có vũ khí tương xứng nhưng đã để lại cho con cháu một bài học: muốn đất nước lớn lên vững vàng thì dân mình phải biết trồng tre để chuẩn bị thành vũ khí đánh giặc. Bài học lịch sử quý giá này cháu con luôn ghi nhớ và đang vận dụng trong những ngày đánh Mỹ ác liệt để bảo vệ đất nước với “gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín” (Thép mới)

     Mỗi một đất nước đều có riêng những phong tục tập quán và dân tộc ta cũng thế. Hình ảnh” tóc mẹ thì bới sau đầu” đã nói lên một nét đẹp của phong tục Việt Nam ta từ xưa còn lưu lại đến bây giờ dù đất nước đã phải trải qua bao năm bị ngoại bang đô hộ và đồng hoá nhưng dân tộc này vẫn giữ được tập quán riêng của đất nước mình.

    Có được lớn lên từ mái ấm gia đình, từ tình nghĩa thuỷ chung của cha mẹ ta mới thấy câu ca dao “gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau” là lời nhắn nhủ, dặn dò quý giá biết bao. Với Nguyễn Khoa Điềm “cha mẹ thương nhau bằng gừng ay muối mặn” để con được hưởng hạnh phúc đầy đủ, cho con hiểu thêm một nét đẹp đạo lí dân tộc là tình nghĩa luôn thuỷ chung, son sắc.

     Từ cái nhà con ở khi “cái kèo, cái cột thành tên” đến hạt gạo con ăn”phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàn” ta hiểu được bao thế hệ mẹc ha đã lao động vất vả, chắt chiu, dành dụm để tạo dựng cuộc sống cho những đứa con nên người và góp phần dựng xây đất nước. Tất cả chính là đất nước. Thế thì đất nước ko phải đâu xa lạ, vô hình mà là những vật dụng, những hình ảnh hàng ngày ta vẫn thấy quanh đây rất đỗi thân quen đã từng gắn bó với ta từ thời thơ bé khi bên ta có bà, có mẹ , có cha. Nhưng chính những câu chuyện cổ tích mẹ kể con nghe, chính những lời ru ca dao đã đưa con vào thế giới sâu nặng nghĩa tình của đất nước thiêng liêng với bao truyền thống, tập quán tốt đẹp.

    Từ những hình ảnh thân quen nhưng ẩn chứa chiều sâu kiến thức văn học dân gian cùng với giọng thơ ngọt ngào đoạn thơ như lời kể chuyện tâm tình, Nguyễn Khoa Điềm đã bình dị hoá đất nước, đất nước hoá thân vào cổ tích, ca dao, vào cuộc sống hàng ngày. Tác giả đã có một cách cảm nhận mới vừa quen vừa lạ, vùa cụ thể vừa trừu tượng, vừa gần gũi vừa rất đỗi thiêng liêng…tạo nên sự xúc động sâu sắc. Điều đó nói lên thành công của tác phẩm cũng như những đóng góp của Nguyễn Khoa Điềm đối vơi nền Văn học Việt Nam.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.3 trên 9 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.