Văn học việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX cho đến 1945 thể hiện rõ nét tình cảm yêu nước của dân tộc ta thời kì này. Hãy chứng minh qua các tác phẩm đã học


Một nét nổi bật, rực rỡ của Việt Nam về mặt đạo đức là lòng yêu nước, đã thành một truyền thống quý báu, thể hiện trong các giai đoạn lịch sử. Đầu thế kỉ XX đến 1945 là thời kì nước ta có nhiều biến chuyển đặc biệt


      Một nét nổi bật, rực rỡ của Việt Nam về mặt đạo đức là lòng yêu nước, đã thành một truyền thống quý báu, thể hiện trong các giai đoạn lịch sử. Đầu thế kỉ XX đến 1945 là thời kì nước ta có nhiều biến chuyển đặc biệt. Đó là thời kì thực dân Pháp cai trị nước ta tàn khốc, khai thác nước ta kiệt cùng. Bọn vua quan phong kiến bóc lột tàn tệ nhân dân. Phong trào cách mạng nổi lên liên tục, đặt biệt từ năm 1930, Đảng Cộng sản ra đời và lãnh đạo cách mạng. Văn học Việt Nam giai đoạn này là tiếng nói yêu nước thương nòi, xót xa nòi giống và kêu gọi dân tộc đứng dậy cứu nước cứu nhà của các nhà nho, các chí sĩ yêu nước, các chiến sĩ cách mạng...

      Giai đoạn lịch sử đặc biệt này, các tác giả đã dùng ngòi bút của mình bộc lộ thật nồng nàn, mãnh liệt lòng yêu nước ấy. Nhiều tác phẩm, từ những câu ca dao truyền miệng đến những bài thơ bí mật viết trong nhà tù đế quốc, đã chứng tỏ điều này. Đó là những tiếng nói sục sôi tâm huyết, những hồi kèn vang dậy, cổ vũ toàn dân đứng lên cứu nước, cứu nòi.

      Bước đầu thế kỉ XX, mỗi người Việt Nam đều xúc động đón nghe những vần thơ hiên ngang khí phách của Phan Bội Châu:

 Dang tay ôm chặt bồ kình tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

(Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác)

     Phan Châu Trinh, giữa những ngày tháng khổ sai giữa Côn Đảo, vẫn khẳng khái một niềm:

 Tháng ngày bao quản thân sành

 Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.

              (Đập đá ở Côn Lôn)

      Với nhiệt huyết yêu nước, thù giặc, những chí sĩ đầu thế kỉ đã thực hiện được "Ba tấc lưỡi mà gươm nhà súng - Một ngòi lông vừa trắng vừa chiêng”. Và từ tận bên kia trời Âu, sang sảng lời tuyên dương “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đáng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lộ tôn sùng” mà Nguyễn Ái Quốc gửi đến vị lãnh tụ yêu nước trong truyện ngắn Những trò lố hay Varen Phan Bội Châu đăng trên một tờ báo ngay giữa Pa-ri. Không phải chỉ riêng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, mà vô số con Lạc cháu Hồng, mặc dù trong cảnh ngộ “Đã khách không nhà trong bốn bể - Lại người có tội giữa năm châu” (Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác) vẫn không hề nhụt ý chí. Họ chỉ coi việc ở tù như một dịp nghỉ ngơi khi đã “chạy mỏi chân” trong cuộc bôn ba đầy gian nan tìm đường cứu nước. Họ tự nhận thức tư cách “những kẻ vá trời” của mình với một giọng điệu đầy khí thế lạc quan, quật cường:

 Lừng lẫy cho lở núi non

Xách búa đánh tan năm, bảy đống

Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

              (Đập đá ở Cân Lôn - Phan Châu Trinh)

     Nhưng không phải ai cũng có khả năng và điều kiện trực tiếp chiến đấu, hi sinh cho sự nghiệp độc lập. Nhiều người, mặc dù bất lực không cầm được vũ khí, không đáng vỗ mặt kẻ thù bằng những bài thơ sôi nổi nhiệt huyết và dũng khí như hai cụ Phan hay Nguyễn Ái Quốc, nhưng họ vẫn có tiếng nói đóng góp của mình một cách kín đáo, xa xôi hơn mà không kém phần tha thiết. Khi Tản Đà ngán ngẩm thốt lên:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Trần thế em nay chán nửa rồi...

(Muốn làm thằng Cuội)

      Ta cảm nhận phảng phất một nỗi sầu vong quốc, đồng thời một tâm trạng xót xa về sự bất lực của mình trước bi kịch dân tộc.

     Đến thời Thơ mới, hình tượng con hổ trong Nhớ rừng của Thế Lữ đã thể hiện một cách đầy hi tráng mối hoài niệm về quá khứ oai hùng, vẻ vang của đất nước, xen lẫn nỗi nghẹn ngào đau khổ trong cảnh hiện tại “nay sa cơ bị nhục nhằn tù hãm”. Giọng thống thiết ấy, nuối tiếc quá khứ vàng son vang dội trong hình tượng những ông đồ 13 thời vẫn ngồi đấy:

 Qua đường không ai hay

 Lá vàng rơi trên giấy

 Ngoài trời mưa bụi bay.

 (Ông đồ, Vũ Đình Liên)

      Phải chăng là bộc lộ lòng thương cảm đối với lớp trí thức tài hoa của đất nước đang tàn tạ vì sự Âu hoá của bọn thực dân? Đau lòng trước thực trạng đó, có thể coi như một tâm tư yêu nước, xót xa vì nỗi đau của dân tộc.

      Ta có thể nhận định: hàng loạt tác phẩm văn học ra đời suốt nửa đầu thế kỉ, đều gặp nhau ở một điểm: nhiệt tình yêu nước, khát vọng cứu nước, buồn đau trước nạn mất nước. Dù cách thể hiện khác nhau, mức độ tích cực khác nhau đều cùng khẳng định một tấm lòng thiết tha, sâu đậm với đất nước, dân tộc.

     Ông cha ta xưa đã phất cao ngọn cờ yêu nước và giữ được giang sơn toàn vẹn ngày nay. Những tiếng nói đầy tâm huyết của các bậc tiền bối của biết bao liệt sĩ gửi lại ấy, lẽ nào chúng ta không tô đẹp hơn, làm rạng rỡ truyền thống dân tộc bằng sự giàu mạnh trong thời đại này.


Bình chọn:
4.2 trên 13 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí