Tuần 1
Hiểu được tâm trạng, cảm xúc của nhân vật “tôi” trong buổi tựu trường đầu tiên qua ngòi bút giàu chất trữ tình của Thanh Tịnh. Phân biệt các cấp độ của nghĩa từ ngữ. Biết viết một văn bản bảo đảm tính thống nhất về chủ đề.
Tuần 2
Hiểu nỗi đau của chú bé mồ côi cha phải sống xa mẹ và tình yêu vô bờ của chú đối với người mẹ bất hạnh trong hồi kí Những ngày thơ ấu - Nguyên Hồng. Nhận biết và vận dụng được trường từ vựng. Biết cách sắp xếp các nội dung trong phần Thân bài của văn bản.
Tuần 3
Đây là nội dung quan trọng xuất hiện trong bài kiểm tra Tập làm văn số 1. Ở chủ đề này, học sinh thấy được sự tàn ác, bất nhân của xã hội thực dân phong kiến, nỗi cực khổ của người nông dân bị áp bức và những phẩm chất cao đẹp của họ trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ; tài năng nghệ thuật của Ngô Tất Tố. Biết cách triển khai ý trong một đoạn văn.
Một số lỗi mà học sinh thường mắc phải là: không nắm được hình thức của một đoạn văn, sai thông tin tác giả, tác phẩm
Tuần 4
Thấy được tình cảnh khốn cùng và nhân cách cao quý của nhân vật lão Hạc; hiểu được tình cảm và tài năng của nhà văn Nam Cao; hiểu được từ tượng hình, từ tượng thanh; biết cách liên kết các đoạn văn trong văn bản.
Tuần 5
Hiểu rõ thế nào là từ ngữ địa phương, thế nào là biệt ngữ xã hội. Sử dụng từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội phù hợp với tình huống giao tiếp. Nắm được mục đích, cách thức và có kĩ năng tóm tắt văn bản tự sự.
Tuần 6
Hiểu giá trị nội dung, nghệ thuật kể chuyện của tác phẩm Cô bé bán diêm; biết cách dùng trợ từ, thán từ. Thấy được sự kết hợp và tác động ta lại giữa các yếu tố kể, tả và biểu lộ tình cảm của người viết trong văn bản tự sự.
Tuần 7
Nhận biết và hiểu được sự tương phản giữa hai nhân vật trong văn bản Đánh nhau với cối xay gió. Nhận biết và sử dụng tình thái từ phù hợp trong tình huống giao tiếp. Biết cách viết đoạn văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm.
Tuần 8
Hiểu nghệ thuật kể chuyện và giá trị nhân đạo của văn bản Chiếc lá cuối cùng. Tìm hiểu và lập được bảng kê các danh từ chỉ quan hệ ruột thịt, thân thích được dùng ở địa phương. Biết cách tìm, lựa chọn và sắp xếp các ý trong một bài văn tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm.
Tuần 9
Hiểu rõ hình tượng hai cây phong trong văn bản Hai cây phong dưới ngồi bút nghệ thuật của người kể chuyện; hiểu khái niệm và tác dụng biện pháp nói quá; vận dụng kiến thức đã học viết một bài văn tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm.
Tuần 10
Củng cố, hệ thống hóa kiến thức văn bản truyện kí Việt Nam hiện đại đã học. Thấy được thông điệp bảo vệ môi trường ý nghĩa của văn bản Thông tin về ngày Trái Đất năm 2000. Hiểu và biết sử dụng biện pháp nói giảm, nói tránh. Biết kể một câu chuyện kết hợp miêu tả, biểu cảm. Ôn tập về ngôi kể.
Tuần 11
Củng cố kiến thức về đặc điểm của câu ghép và cách nối các câu ghép. Xác định được vai trò, vị trí của văn bản thuyết minh trong đời sống của con người.
Tuần 12
Xác định được thông điệp ý nghĩa của văn bản Ôn dịch, thuốc lá. Nắm được quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu ghép; các phương pháp thuyết minh.
Tuần 13
Xác định giá trị nội dung của văn bản Bài toán dân số. Hiểu công dụng và biết sử dụng dấu ngoặc đơn, dấu hai chấm. Nhận dạng và biết cách làm bài văn thuyết minh.
Ở chủ đề này, nội dung văn thuyết minh xuất hiện ở bài kiểm Tập làm văn số 3. Một số lỗi thường gặp là: lạc đề thành văn miêu tả, biểu cảm.
Tuần 14
Tìm hiểu các tác giả văn học ở địa phương và các tác phẩm văn học viết về địa phương. Hiểu công dụng và biết cách sử dụng dấu ngoặc kép. Luyện kĩ năng nói.
Tuần 15
Cảm nhận được khí phách kiên cường của các chí sĩ yêu nước đầu thế kỉ XX qua hai bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác và Đập đá ở Côn Lôn. Hệ thống hóa kiến thức về dấu câu; nhận biết và biết cách chữa các lỗi thường gặp về dấu câu. Biết cách quan sát, thuyết minh đặc điểm của thơ.
Tuần 16
Cảm nhận được hồn thơ lãng mạn của Tản Đà và sức hấp dẫn nghệ thuật mới mẻ trong hình thức thể loại truyền thống của bài thơ Muốn làm thằng Cuội. Hiểu và biết vận dụng kiến thức đã học về Tiếng Việt vào hoạt động giao tiếp. Tự đánh giá được ưu, nhược điểm của bài làm theo yêu cầu của bài văn thuyết minh.
Tuần 17
Cảm nhận được tâm sự yêu nước của Trần Tuấn Khải và giọng điệu trữ tình thống thiết của đoạn trích bài thơ Hai chữ nước nhà. Biết nhận dạng và làm được câu thơ bảy chữ. Vận dụng các kiến thức đã học để làm bài kiểm tra tổng hợp cuối học kì I.
Tuần 18
Cảm nhận niềm khao khát tự do, tâm sự yêu nước, bút pháp lãng mạn đầy truyền cảm của tác giả Thế Lữ trong bài thơ Nhớ rừng. Cảm nhận được tình cảnh tàn tạ “ông đồ”, đồng thời thấy được lòng thương cảm và niềm hoài cổ của nhà thơ Vũ Đình Liên qua bài thơ Ông đồ. Củng cố kiến thức về câu nghi vấn (đặc điểm hình thức, chức năng chính). Biết cách viết đoạn văn thuyết minh.
Tuần 19
Cảm nhận được vẻ đẹp tươi sáng của bức tranh làng quê vùng biển trong bài thơ Quê hương và tình yêu quê hương đằm thắm, bút pháp bình dị, giàu cảm xúc của nhà thơ Tế Hanh. Cảm nhận lòng yêu cuộc sống và niềm khao khát tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trong ngục tù qua bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu. Hiểu và biết sử dụng câu nghi vấn; biết cách làm bài văn thuyết minh một phương pháp/
Tuần 20
Cảm nhận được niềm vui của Bác Hồ trong cuộc sống cách mạng đầy gian khổ ở Pác Bó được diễn tả bằng những vần thớ tứ tuyệt bình dị. Củng cố và nâng cao kiến thức về câu cầu khiến. Biết cách quan sát, tìm hiểu, nghiên cứu và viết bài giới thiệu một danh lam thắng cảnh.
Tuần 21
Cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, phong ung dung trong bất kì hoàn cảnh nào của Hồ Chí Minh và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Ngắm trăng. Cảm nhận được ý nghĩa tư tưởng sâu sắc của bài Đi đường và hiểu được cách dùng biểu tượng có hiệu quả nghệ thuật cao. Củng cố và nâng cao kiến thức về câu cảm thán, câu trần thuật (đặc điểm hình thức, chức năng). Vận dụng kiến thức về văn bản thuyết minh, nội dung này xuất hiện trong bài kiểm tra Tập làm văn số 5
Tuần 22
Thấy được kết cấu chặt chẽ, cách lập luận giàu sức thuyết phục; khát vọng về một đất nước độc lập, thống nhất và khí phách của dân tộc Việt Nam qua văn bản Chiếu dời đô. Nắm được đặc điểm hình thức và chức năng của thể chiếu; câu phủ định. Biết vận dụng kĩ năng làm văn thuyết minh giới thiệu một di tích hoặc thắng cảnh quê hương.
Tuần 23
Cảm nhận được tinh thần yêu nước của tác giả Trần Quốc Tuấn và đặc sắc nghệ thuật văn chính luận của bài Hịch tướng sĩ. Nắm được khái niệm hành động và một số kiểu hành động nói thường gặp.
Tuần 24
Thấy được ý thức dân tộc đã phát triển tới trình độ cao; hiểu được nét đặc sắc của áng thiên cổ hùng văn Bình ngô đại cáo qua đoạn trích Nước Đại Việt ta. Nắm được cách dùng các kiểu câu để thực hiện hành động nói; khái niệm luận điểm, quan hệ giữa luận điểm với vấn đề cần giải quyết và quan hệ giữa các luận điểm trong một bài văn nghị luận.
Tuần 25
Thấy được quan niệm của Nguyễn Thiếp về mục đích và tác dụng của việc học; học tập cách lập luận của tác giả. Biết cách trình bày luận điểm trong đoạn văn diễn dịch và quy nạp, biết sắp xếp và có kĩ năng trình bày luận điểm trong bài văn nghị luận.
Tuần 26
Thấy được bộ mặt giả nhân giả nghĩa, thủ đoạn tàn bạo của chính quyền thực dân Pháp trong việc sử dụng người dân thuộc địa làm bia đỡ đạn trong các cuộc chiến phi nghĩa; tinh thần chiến đấu và nghệ thuật trào phúng sắc sảo của văn chính luận Nguyễn Ái Quốc. Biết phân biệt giai cấp xã hội trong hội thoại, xác định thái độ đúng đắn trong quan hệ giao tiếp. Nắm được vai trò của yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận và cách đưa các yếu tố đó vào trong bài văn nghị luận.
Tuần 27
Hiểu cách lập luận chặt chẽ, sinh động, mang đậm sắc thái cá nhân của nhà văn Pháp Ru-xô trong bài Đi bộ ngao du. Hiểu biết về lượt lời và cách dùng.
Tuần 28
Nắm vững nội dung chủ yếu và đặc điểm nghệ thuật của các văn bản đã học để làm tốt bài kiểm tra Văn; tác dụng và cách lựa chọn trật tự từ trong câu phù hợp.
Tuần 29
Hiểu rõ tài năng của Mô-li-e trong việc xây dựng một lớp kịch sinh động và khắc họa một tính cách nực cười trong Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục. Phân tích tác dụng của một số cách sắp xếp trật tự từ; viết được một đoạn văn với trật tự từ hợp lí. Nắm chắc cách đưa yếu tố tự sự và miêu tả vào bài văn nghị luận.
Tuần 30
Biết vận dụng kiến thức về các chủ đề của văn bản nhật dụng để khảo sát, phân tích những vấn đề ở địa phương. Biết nhận diện và sửa lỗi diễn đạt liên quan đến lô-gic. Vận dụng đưa các yếu tố biểu cảm, tự sự và miêu tả vào bài văn nghị luận.
Tuần 31
Nắm được nội dung cơ bản và đặc trưng thể loại của từng văn bản đã học. Hiểu rõ giá trị tư tưởng và nghệ thuật của một số văn bản. Củng cố những kiến thức tiếng Việt đã học: các kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán, trần thuật, phủ định; hành động nói; lựa chọn trật tự từ trong câu. Nắm được đặc điểm của văn bản tường trình và biết cách ứng dụng.
Tuần 32
Củng cố kiến thức về các văn bản văn học; các kiểu câu, các kiểu hành động nói và lựa chọn trật tự từ trong câu. Nắm được đặc điểm của văn bản thông báo (mục đích, yêu cầu, nội dung, cách làm).