Giải Bài tập đọc hiểu: Thạch Sanh trang 12 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều>
Tải vềGiải Bài tập đọc hiểu: Thạch Sanh trang 12 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 6 tất cả các môn - Cánh diều
Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên...
Câu 1
Trả lời câu hỏi 1 Bài đọc hiểu: Thạch Sanh, SBT trang 12 Ngữ văn 6 Cánh diều
Nội dung nào không phải là nội dung khái niệm truyện cổ tích?
A. Là loại truyện dân gian có yếu tố hoang đường, kì ảo, kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc
B. Truyện dân gian, kể về cuộc đời của nhân vật bất hạnh, nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh, nhân vật ngốc nghếch
C. Truyện dân gian thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu,...
D. Là truyện cổ dân gian; kể về các sự việc và nhân vật liên quan đến lịch sử; giải thích nguồn gốc phong tục, cảnh vật địa phương
Phương pháp giải:
Dựa vào khái niệm truyện cổ tích
Lời giải chi tiết:
Đáp án D
Câu 2
Trả lời câu hỏi 2 Bài đọc hiểu: Thạch Sanh, SBT trang 12 Ngữ văn 6 Cánh diều
Đọc đoạn văn sau và tìm ra từ đơn, từ phức (từ ghép, từ láy), ít nhất mỗi loại một từ.
Hồn chằn tinh và đại bàng lang thang, một hôm gặp nhau bàn cách báo thù Thạch Sanh. Chúng vào kho của nhà vua ăn trộm của cải mang tới giấu vào gốc đa để vu vạ cho Thạch Sanh. Thạch Sanh bị bắt hạ ngục.
Phương pháp giải:
Đọc đoạn văn và tìm các từ theo yêu cầu
Lời giải chi tiết:
- Từ đơn: hồn, bàn, kho, lỗi, bắt.
- Từ phức: lang thang, của cải, vu vạ (từ láy); chằn tinh, đại bàng, báo thù, nhà vua, ăn trộm (từ ghép).
Câu 3
Trả lời câu hỏi 3 Bài đọc hiểu: Thạch Sanh, SBT trang 12 Ngữ văn 6 Cánh diều
(Câu hỏi 3, SGK) Theo em, Thạch Sanh là người có tính cách gì? Tìm một số chi tiết trong truyện để khẳng định nhận xét ấy của em.
Phương pháp giải:
Đọc văn bản Thạch Sanh trong SGK
Lời giải chi tiết:
Thạch Sanh là người thật thà, chất phác; dũng cảm, thông minh, tài trí; nhân hậu, độ lượng…
+ Thật thà, chất phác (tin lời Lí Thông nhiều lần), coi trọng tình nghĩa (bị lừa thế mạng nhưng vẫn giúp Lí Thông cứu công chúa).
+ Dũng cảm, thông minh, tài trí (diệt chằn tinh, đại bàng, những yêu quái có nhiều phép biến hóa; xả thân cứu người bị hại).
+ Lòng nhân đạo, khoan dung (tha cho mẹ con Lí Thông; hòa hiếu và còn thết đãi quân xâm lược thua trận).
Câu 4
Trả lời câu hỏi 4 Bài đọc hiểu: Thạch Sanh, SBT trang 12 Ngữ văn 6 Cánh diều
(Câu hỏi 4, SGK) Hãy chỉ ra các chi tiết hoang đường, kì ảo trong truyện. Những chi tiết này có tác dụng gì trong việc khắc hoạ nhân vật Thạch Sanh?
Phương pháp giải:
Đọc văn bản Thạch Sanh trong SGK
Lời giải chi tiết:
Tác dụng của các chi tiết hoang đường, kì ảo trong truyện Thạch Sanh:
- Thạch Sanh là thái tử do Ngọc Hoàng phái xuống đầu thai làm con vợ chồng nhà nọ → Khẳng định nguồn gốc cao quý của Thạch Sanh.
- Thạch Sanh giết chằn tinh và đại bàng (hai con vật có nhiều phép lạ) → khẳng định tài năng phi thường của Thạch Sanh
- Thạch Sanh cứu con trai vua Thủy Tề và được mời xuống chơi Thủy Cung → ước mơ của nhân dân: ở hiền sẽ gặp lành
- Hồn chằn tinh và đại bàng tìm cách vu oan cho Thạch Sanh → Sức sống dai dẳng của cái ác.
- Niêu cơm thần ăn mãi không hết → ước mơ về cuộc sống no đủ của nhân dân.
- Cây đàn thần giúp Thạch Sanh giải oan, làm cho đất nước hòa bình → tượng trưng cho công lí, cho sức mạnh của chính nghĩa
=> Những chi tiết này nhằm tăng sức hấp dẫn cho truyện thể hiện quan niệm của người dân lao động về công lí và mơ ước ở đời.
Câu 5
Trả lời câu hỏi 5 Bài đọc hiểu: Thạch Sanh, SBT trang 12 Ngữ văn 6 Cánh diều
(Câu hỏi 5, SGK) Các chi tiết kết thúc truyện: “Nhà vua gả công chúa cho Thạch Sanh. Lễ cưới của họ tưng bừng nhất kinh kỳ, chưa bao giờ và chưa đâu có lễ cưới tưng bừng như thế." và "Về sau, vua không có con trai, đã nhường ngôi cho Thạch Sanh" cho thấy nhân dân ta muốn thể hiện ước mơ gì?
Phương pháp giải:
Đọc văn bản Thạch Sanh trong SGK
Lời giải chi tiết:
Các chi tiết kết thúc truyện: “Nhà vua gả công chúa cho Thạch Sanh. Lễ cưới của họ tưng bừng nhất kinh kì, chưa bao giờ và chưa đâu có lễ cưới tưng bừng như thế." và "Về sau, vua không có con trai, đã nhường ngôi cho Thạch Sanh" thể hiện ước mơ công lý xã hội (ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác) và ước mơ của nhân dân về sự đổi đời.
Câu 6
Trả lời câu hỏi 6 Bài đọc hiểu: Thạch Sanh, SBT trang 12 Ngữ văn 6 Cánh diều
Truyện cổ tích thường kết thúc có hậu. Em hiểu thế nào là “kết thúc có hậu? Hãy nêu ví dụ về "kết thúc có hậu" của một vài truyện cổ tích mà em đã đọc.
Phương pháp giải:
Dựa vào khái niệm, đặc điểm của truyện cổ tích
Lời giải chi tiết:
Truyện cổ tích thường kết thúc có hậu. “Kết thúc có hậu” là những kết thúc tốt đẹp; thiện thắng ác, ngay thẳng thắng gian tà, ở hiền gặp lành,... Ví dụ, kết thúc truyện Thạch Sanh là Thạch Sanh được vua nhường lại ngôi, mẹ con Lí Thông bị sét đánh. Kết thúc truyện Tấm Cám là Tấm được làm hoàng hậu và Cám bị chết,…
Câu 7
Trả lời câu hỏi 7 Bài đọc hiểu: Thạch Sanh, SBT trang 12 Ngữ văn 6 Cánh diều
Hãy tìm và giới thiệu một bài viết phân tích giá trị của truyện Thạch Sanh.
Phương pháp giải:
Tham khảo sách báo, internet
Lời giải chi tiết:
Dưới đây là bài phân tích của tác giả Hoàng Tiến Tựu, một chuyên gia văn học dân gian nổi tiếng:
PHÂN TÍCH NHÂN VẬT THẠCH SANH
Thật khó có thể tìm thấy trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam một tác phẩm vừa lớn về đề tài và nội dung, vừa phong phú về loại hình nhân vật và chặt chẽ, hoàn chỉnh về kết cấu nghệ thuật như truyện Thạch Sanh.
Ở đây vừa có đấu tranh thiên nhiên chống các loài ác thú, vừa có đấu tranh giai cấp trong xã hội; lại có cả đấu tranh dân tộc chống ngoại xâm và đấu tranh cho tình yêu đôi lứa.
Xét về nguồn gốc nhân vật, theo truyện kể, Thạch Sanh vốn là Thái tử con Ngọc Hoàng được đầu thai vào nhà họ Thạch (ở Cao Bằng) để đền ơn đáp nghĩa cho ông bà Thạch Nghĩa ăn ở có đức, có nhân. Nhưng sau khi đầu thai vào nhà họ Thạch, Thạch Sanh đã sinh ra và lớn lên thành một con người ở cõi trần, trong xã hội phong kiến Việt Nam, có cha mẹ, họ tên, quê hương, nghề nghiệp và vị trí trong gia đình, xã hội rất rõ ràng, cụ thể. Điều này làm cho hình tượng nhân vật Thạch Sanh vừa có tính khái quát hoá, vừa giàu tính cụ thể, sống động.
Thạch Sanh mất cha từ khi còn ở trong bụng mẹ, rồi mất luôn cả mẹ, sống mồ côi một thân một mình từ tấm bé. Ngoài đặc điểm cổ tích, nhân vật này còn có cả những tính chất của nhân vật thần thoại và truyền thuyết anh hùng. Việc Thạch Sanh diệt Trăn Tinh, Đại Bàng, Hồ Tinh rất gần gũi, tương đồng với việc đánh Mộc tinh, Ngư tinh và Cửu vĩ hồ tinh của Lạc Long Quân; niêu cơm thần của Thạch Sanh cũng là một mô típ đã có trong truyện Khổng Minh Không, việc chống quân xâm lược “mười tám nước chư hầu” lại làm cho Thạch Sanh gần với những nhân vật anh hùng trong truyền thuyết chống ngoại xâm.
Chiến công, sự nghiệp to lớn của Thạch Sanh gắn liền với tài năng và phẩm chất khá toàn diện của chàng.
Ngoại hình của Thạch Sanh được phác hoạ đơn sơ nhưng rõ nét. Đó là một chàng trai khoẻ mạnh, khôi ngô, “mặt đỏ mày xanh”, mình trần, đóng khố. Gia tài vốn liếng của chàng chỉ có hai thứ: “cây rìu” và “gốc đa”.
Tuy rằng nghèo nàn, ít ỏi, nhưng như thế là Thạch Sanh đã có ba điều kiện cơ bản ban đầu – con người với sức khỏe, tài năng, nghị lực; công cụ lao động và mảnh đất quê hương để từ đó mà làm nên tất cả.
Nhờ cây rìu của cha để lại, Thạch Sanh đã chém được đầu Trăn Tinh. Sau khi đốt xác con quái vật, chàng đã có thêm chiếc “cung vàng” kì diệu – chiến lợi phẩm quan trọng đầu tiên của chàng. Nhờ có “cung vàng”, Thạch Sanh đã diệt được Đại Bàng, cứu được nàng công chúa và Thái tử con vua Thuỷ Tề. Được thêm “cây đàn thần”, Thạch Sanh tiếp tục giải quyết khó khăn và lập nên những kì tích mới.
Cây đàn thần trong tay Thạch Sanh vô cùng kì diệu, nó đã giúp chàng vạch tội Lý Thông, giải câm cho công chúa và làm mềm lòng, nhụt chí đội quân xâm lược của “mười tám nước chư hầu”. Nhưng nghĩ cho kĩ thì sẽ thấy tiếng “đàn thần” cũng thực hiện những chức năng, phát huy những tác dụng tích cực như tiếng đàn người”. Đó là tiếng đàn hòa bình, nhân đạo, tiếng nói của tình yêu và công lí.
Với rìu sắt và cung vàng, Thạch Sanh là một dũng sĩ trong diệt trừ ác thú, với cây đàn thần, Thạch Sanh lại được tác giả dân gian xây dựng như một nghệ sĩ anh hùng trong đấu tranh xã hội cho cuộc sống yên vui, cho tình yêu và lẽ phải.
Sẽ là phiến diện và thiếu sót nếu không chú ý đến quan hệ giữa Thạch Sanh với Lý Thông. Tuy Thạch Sanh có nhiều loại kẻ thù khác nhau, nhưng kẻ thù chủ yếu, nguy hiểm và lâu dài nhất của chàng chỉ có một, đó là Lý Thông. Có thể nói: Thạch Sanh với Lý Thông, đó là sự đối lập giữa thiện và ác, lao động và bóc lột, thật thà và xảo trá, vị tha và vị kỉ, anh hùng và bạc nhược, cao thượng và thấp hèn.
Vì thế, trời đã không dung và cuối cùng mẹ con Lý Thông đã bị sét đánh chết, hoá thành con bọ hung, đời đời chui rúc nơi nhơ bẩn. Việc để Thạch Sanh tha bổng cho mẹ con Lý Thông là ý đồ nghệ thuật rất độc đáo và cao tay của tác giả dân gian, nhằm làm cho tính cách nhân vật Thạch Sanh phát triển nhất quán và hoàn hảo Thạch Sanh không ưa khóc than, yếu đuối, cũng không thích giận hờn và không có nhu cầu trả thù như cô Tấm.
Mối quan hệ giữa Thạch Sanh với công chúa Quỳnh Nga là một mạch rẽ, một chủ đề phụ của truyện cổ tích có nội dung phong phú và quy mô rộng lớn này.
Việc Thạch Sanh bắn con Đại Bàng đang cắp nàng công chúa bay qua gốc đa của chàng diễn ra rất tự nhiên như là một sự tình cờ. Chính sự “tình cờ” sáng tạo đó đã mở đầu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Thạch Sanh và công chúa Quỳnh Nga.
Sau khi nhà vua mở hội kén chồng cho công chúa và chọn người làm phò mã để nối ngôi, công chúa thơ thẩn ra chơi vườn đào và bị Đại Bàng sà xuống cắp bay đi. Những chi tiết ấy rất quan trọng và giàu ý nghĩa. Đại Bàng là kẻ thù của công chúa và Thạch Sanh, nhưng xét về ý nghĩa khách quan nó lại có tác dụng như là một ông mai, bà mối phản diện của đôi trai tài gái sắc này.
Về sau, vai trò của công chúa Quỳnh Nga trong cuộc đời và sự nghiệp của Thạch Sanh được tác giả dân gian xây dựng khác rất nhiều so với vai trò của Nguyệt Nga đối với Lục Vân Tiên trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu. Công chúa lại vừa là bạn đời, vừa là “ân nhân” và “bạn chiến đấu” của Thạch Sanh trong đấu tranh xã hội. Trong trường hợp vạch tội và trừng trị Lý Thông thì ngoài Thạch Sanh phải có thêm công chúa thì tiếng nói công lí của đàn thần mới hiệu nghiệm, vì thế, tác giả dân gian đã bố trí để cho Thạch Sanh dùng tiếng đàn nói với công chúa một cách tinh tế. Từ đó, dẫn đến việc nhà vua hạ lệnh giải phóng cho Thạch Sanh, cho phép Thach Sanh kết duyên cùng công chúa và giao toàn quyền xử tội Lý Thông cho chàng. Sự sắp xếp tình tiết và giải quyết các mối quan hệ ở đây của tác giả dân gian thật là thấu tình đạt lí và khéo léo tuyệt vời. Đây là một trong những màn “chung kết” độc đáo và hấp dẫn đặc biệt trong truyện cổ tích Việt Nam.
Quy mô và tầm vóc của truyện Thạch Sanh còn được thể hiện ở đội hình nhân vật của nó. Không một truyện cổ tích nào của nước ta có một đội hình nhân vật phong phú về chủng loại, đa dạng về nội dung tính cách và được bố trí, sắp xếp hợp lí, hoàn chỉnh ở một trình độ như thế.
Thạch Sanh là nhân vật chính của phe thiện, đồng thời là nhân vật trung tâm của truyện, có quan hệ với tất cả các tuyến, các loại nhân vật khác nhau, tạo nên sự thống nhất và hoàn chỉnh của toàn bộ tác phẩm. Vì vậy mà tên của nhân vật Thạch Sanh đã trở thành tên của tác phẩm một cách rất tự nhiên và hợp lí. [...]
(Theo Hoàng Tiến Tựu, Bình giảng truyện dân gian, NXB Giáo dục, 2002)
Loigiaihay.com
- Giải Bài tập đọc hiểu: Sự tích Hồ Gươm trang 13 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
- Giải Bài tập tiếng Việt trang 15 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
- Giải Bài tập viết trang 17 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
- Giải Bài tập đọc hiểu: Thánh Gióng trang 11 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
Các bài khác cùng chuyên mục
- Giải Bài Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì II trang 37 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
- Giải Bài tập viết trang 36 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
- Giải Bài tập tiếng Việt trang 35 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
- Giải Bài tập đọc hiểu: Những phát minh "tình cờ và bất ngờ" trang 30 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
- Giải Bài tập đọc hiểu: Điều gì giúp bóng đá Việt Nam chiến thắng trang 30 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
- Giải Bài Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì II trang 37 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
- Giải Bài tập viết trang 36 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
- Giải Bài tập tiếng Việt trang 35 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
- Giải Bài tập đọc hiểu: Những phát minh "tình cờ và bất ngờ" trang 30 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
- Giải Bài tập đọc hiểu: Điều gì giúp bóng đá Việt Nam chiến thắng trang 30 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều