Đề thi vào 10 môn Văn Nam Định năm 2020>
Tải vềHãy chọn phương án trả lời đúng và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm.
Đề bài
Phần I. Trắc nghiệm
Hãy chọn phương án trả lời đúng và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm.
Câu 1. Câu tục ngữ sau liên quan đến phương châm hội thoại nào?
"Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"
A. Phương châm quan hệ.
B. Phương châm về chất.
C. Phương châm về lượng.
(D) Phương châm lịch sự.
Câu 2. Từ “Này” trong câu: "Này, bác có biết mấy hôm nay súng nó bắn ở đâu mà nghe rát thể không?" (Làng - Kim Lân) thuộc thành phần:
A. trạng ngữ.
B. gọi - đáp.
C. khởi ngữ.
D. phụ chú.
Câu 3. Yếu tố “đồng” có nghĩa là trẻ con trong từ:
A, đồng dao.
B. trống đồng.
C. đồng chí.
D. đồng sự.
Câu 4. Từ nào sau đây là từ ghép?.
A. Trăng trắng.
B. Cỏ cây.
C. Lấp lánh.
D. Nhấp nhô.
Câu 5. Chọn phương án đúng khi nói về hiệu quả của phép tu từ nói giảm, nói tránh được sử dụng trong hai câu thơ:
“Bác Dương thôi đã, thôi rồi
Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta."
(Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến).
A Giảm đi sự đau thương, mất mát.
B. Giảm đi sự đột ngột, bất ngờ.
C. Thể hiện thái độ nhã nhặn, lịch sự.
D. Thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng.
Câu 6. Thuật ngữ “số thập phân” thuộc lĩnh vực khoa học nào?
A. Văn học.
B. Lịch sử.
C. Vật lý.
D. Toán học.
Câu 7. Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong hai câu thơ sau?
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ."
(Ngắm trăng - Hồ Chí Minh)
A. So sánh.
B. Nhân hóa,
C. Nói quá.
D. Ẩn dụ.
Câu 8. Từ “Đầu” ở phương án nào sau đây dùng theo nghĩa gốc?
A Đầu bạc răng long.
B. Đầu non cuối bể.
C. Đầu súng trăng treo.
D. Đầu sóng ngọn gió.
Phần II: Đọc - hiểu văn bản
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới
MỘT LY SỮA
Có cậu bé nghèo bán hàng rong để kiếm tiền đi học. Một ngày nọ, cậu rất đói bụng nhưng chỉ còn mấy đồng tiền ít ỏi. Cậu quyết định xin một bữa ăn tại ngôi nhà gần đó. Cậu ngại ngùng khi thấy một cô bé dễ thương ra mở cửa. Thay vì xin ăn, cậu đành xin một ly nước nóng. Cô bé nghĩ cậu đang đói nên đem ra một ly sữa lớn. Cậu uống từ từ, rồi hỏi: “Tôi nợ bạn bao nhiêu?". Cô bé đáp: "Bạn không nợ tôi bao nhiêu cả. Mẹ dạy tôi không
bao giờ nhận tiền khi làm một điều tốt". Sau khi nói lời cảm ơn, cậu bé Howard Kelly rời ngôi nhà đó và cảm thấy trong người không những khỏe khoắn mà còn tràn đầy niềm tin vào con người và cuộc sống.
Bao năm sau, cô gái đó bị bệnh hiểm nghèo, Các bác sĩ trong vùng đều bất lực và chuyển cô lên bệnh viện trung tâm thành phố. Tiến sĩ Howard Kelly được mời làm chuyên gia. Khi nghe về nơi ở của bệnh nhân, tia sáng lóe lên trong mắt anh. Anh đến phòng bệnh và nhận ra cô chính là bé gái năm xưa. Anh đã gắng hết sức mình để cứu sống cô. Cầm tờ hóa đơn thanh toán viện phí, anh viết gì đó bên lề và chuyển lên phòng cô gái. Cô gái lo sợ
không dám nhìn tờ hóa đơn viện phí, bởi cô nghĩ suốt đời mình không thể thanh toán hết số tiền đó. Cuối cùng, cô can đảm nhìn, mắt cô nhòa lệ khi thấy dòng chữ bên lề: “Đã thanh toán bằng một ly sữa". Ký tên: Tiến sĩ Howard Kelly.
(Theo http://songdep.xitrum.net)
Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2. (0,75 điểm). Vì sao cậu bé Howard Kelly khi rời khỏi ngôi nhà của cô bé lại “tràn đầy niềm tin vào con người và cuộc sống"?
Câu 3. (0,75 điểm). Văn bản trên đã cho em những bài học gì?
Phần III: Tập làm văn (6,0 điểm)
Câu 1. (1,5 điểm) Từ ngữ liệu phần Đọc - hiểu văn bản, em hãy viết một đoạn văn nghị luận (từ 10 đến 15 câu và đánh số thứ tự các câu) để bày tỏ suy nghĩ về ý nghĩa của lối sống trao đi mà không ghi nhớ, nhận về mà không lãng quên.
Câu 2. (4,5 điểm) Người nghệ sĩ không chỉ lắng nghe nỗi niềm của con người mà còn biểu đạt nó một cách nghệ thuật.
Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua việc phân tích đoạn thơ sau:
“Xót người tựa cửa hôm mại,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc từ đã vừa người ôm.
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh,
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Âm âm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi."
(Trích Kiều ở lầu Ngưng Bích; Truyện Kiều - Nguyễn Du Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr. 94)
Lời giải chi tiết
Phần I
Câu tục ngữ sau liên quan đến phương châm hội thoại nào? "Lời nói chẳng mất tiền mua Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" A. Phương châm quan hệ. B. Phương châm về chất. C. Phương châm về lượng. D Phương châm lịch sự. |
Phương pháp: căn cứ các Phương châm hội thoại
Cách giải:
D. Phương châm lịch sự
Từ “Này” trong câu: "Này, bác có biết mấy hôm nay súng nó bắn ở đâu mà nghe rát thể không?" (Làng - Kim Lân) thuộc thành phần: A. trạng ngữ. B. gọi - đáp. C. khởi ngữ. D. phụ chú. |
Phương pháp: căn cứ các thành phần biệt lập
Cách giải:
B. Gọi – đáp
Yếu tố “đồng” có nghĩa là trẻ con trong từ: A, đồng dao. B. trống đồng. C. đồng chí. D. đồng sự. |
Phương pháp: căn cứ các từ, phân tích
Cách giải:
A. Đồng dao
Từ nào sau đây là từ ghép? A. Trăng trắng. B. Cỏ cây. C. Lấp lánh. D. Nhấp nhô. |
Phương pháp: căn cứ Từ ghép
Cách giải:
B. Cỏ cây
Chọn phương án đúng khi nói về hiệu quả của phép tu từ nói giảm, nói tránh được sử dụng trong hai câu thơ: “Bác Dương thôi đã, thôi rồi Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta." (Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến). A Giảm đi sự đau thương, mất mát. B. Giảm đi sự đột ngột, bất ngờ. C. Thể hiện thái độ nhã nhặn, lịch sự. D. Thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng. |
Phương pháp: căn cứ bài Nói giảm, nói tránh
Cách giải:
A. Giảm đi sự đau thương, mất mát.
Thuật ngữ “số thập phân” thuộc lĩnh vực khoa học nào? A. Văn học. B. Lịch sử. C. Vật lý. D. Toán học. |
Phương pháp: căn cứ bài Thuật ngữ
Cách giải:
D. Toán học
Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong hai câu thơ sau? “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ." (Ngắm trăng - Hồ Chí Minh) A. So sánh. B. Nhân hóa, C. Nói quá. D. Ẩn dụ. |
Phương pháp: căn cứ bài Nhân hóa
Cách giải:
B. Nhân hóa
Từ “Đầu” ở phương án nào sau đây dùng theo nghĩa gốc? A Đầu bạc răng long. B. Đầu non cuối bể. C. Đầu súng trăng treo. D. Đầu sóng ngọn gió. |
Phương pháp: căn cứ bài Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ
Cách giải:
A. Đầu bạc răng long
Phần II
Câu 1:
Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. |
Phương pháp: căn cứ các ptbd
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính: tự sự.
Câu 2:
Vì sao cậu bé Howard Kelly khi rời khỏi ngôi nhà của cô bé lại “tràn đầy niềm tin vào con người và cuộc sống"? |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Cậu bé Howard Kelly khi rời khỏi ngôi nhà của cô bé lại “tràn đầy niềm tin vào con người và cuộc sống” vì cậu nhận được sự giúp đỡ của một người xa lạ trong lúc mình đang khó khăn và điều đó khiến cậu tin trên đời vẫn có sự cho đi không điều kiện, cần phải cố gắng sống để đền đáp điều tốt mình nhận được cuộc đời.
Câu 3:
Văn bản trên đã cho em những bài học gì? |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
HS tự rút ra bài học. Gợi ý:
- Bài học về tình yêu thương giữa những con người.
- Bài học về lòng biết ơn.
Phần III
Câu 1
Từ ngữ liệu phần Đọc - hiểu văn bản, em hãy viết một đoạn văn nghị luận (từ 10 đến 15 câu và đánh số thứ tự các câu) để bày tỏ suy nghĩ về ý nghĩa của lối sống trao đi mà không ghi nhớ, nhận về mà không lãng quên. |
Phương pháp: phân tích, lí giải, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: ý nghĩa của lối sống trao đi mà không ghi nhớ, nhận về mà không lãng quên.
2. Giải thích vấn đề:
- Trao đi mà không ghi nhớ: chia sẻ, giúp đỡ người khác một cách chân thành và không mong cầu nhận lại sự đền đáp.
- Nhận về mà không lãng quên: nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia của người khác và luôn luôn ghi nhớ, lấy đó làm động lực để thêm tin yêu cuộc sống.
=> Lối sống trao đi mà không ghi nhớ, nhận về mà không lãng quên là lối sống đẹp, văn minh mà bất cứ ai cũng cần có.
3. Phân tích, bàn luận vấn đề
- Ý nghĩa của lối sống trao đi mà không ghi nhớ, nhận về mà không lãng quên.
+ Đây là lối sống lành mạnh, văn minh mà mỗi người cần học tập, xây dựng.
+ Lối sống trên thể hiện tình yêu vô điều kiện với thế giới.
+ Lối sống trên giúp cho cuộc đời thêm đẹp, xã hội tràn ngập tình yêu thương.
+ Người xây dựng được lối sống như trên sẽ được mọi người yêu quý, tin tưởng.
…
- Phê phán những người sống ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình.
4.Liên hệ bản thân và Tổng kết
Câu 2
Người nghệ sĩ không chỉ lắng nghe nỗi niềm của con người mà còn biểu đạt nó một cách nghệ thuật. Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua việc phân tích đoạn thơ sau: “Xót người tựa cửa hôm mại, Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ? Sân Lai cách mấy nắng mưa, Có khi gốc từ đã vừa người ôm. Buồn trông cửa bể chiều hôm, Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa? Buồn trông ngọn nước mới sa, Hoa trôi man mác biết là về đâu? Buồn trông nội cỏ rầu rầu, Chân mây mặt đất một màu xanh xanh, Buồn trông gió cuốn mặt duềnh, Âm âm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi." (Trích Kiều ở lầu Ngưng Bích; Truyện Kiều - Nguyễn Du Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr. 94) |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
- Giới thiệu nhận định: Người nghệ sĩ không chỉ lắng nghe nỗi niềm của con người mà con biểu đạt nó một cách nghệ thuật.
- Giới thiệu đoạn thơ cần phân tích.
2. Phân tích
2.1 Giải thích nhận định
- Người nghệ sĩ không chỉ lắng nghe nỗi niềm của con người mà con biểu đạt nó một cách nghệ thuật.
=> Nhận định đã khẳng định mỗi tác phẩm văn chương chính là sự lắng lòng của mỗi tác giả với một mảnh đời, một số phận trong cuộc sống. Nhưng một tác phẩm văn chương không chỉ là sự ghi chép y nguyên hiện thực vào tác phẩm của mình mà dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, những mảnh đời, số phận, những nỗi niềm đó được tác giả diễn tả lại một cách nghệ thuật.
=> Đây là nhận định hoàn toàn chính xác.
- Nguyễn Du – đại thi hào của văn học dân tộc, ông để lại số lượng tác phẩm đồ sộ, mỗi tác phẩm là sự lắng lòng cảm nhận để thấu cảm nỗi đau của nhân sinh, nỗi đau của mỗi kiếp người. Truyện Kiều chính là một trong những tác phẩm như vậy. Lấy bất cứ lát cắt, đoạn trích nào trong tuyệt tác này ta cũng có thể thấy tấm lòng của Nguyễn Du gửi gắm trong từng câu chữ vô cùng nghệ thuật.
2.2. Phân tích
Đoạn thơ được trích trong phần 2: Gia biến và lưu lạc cho thấy nỗi nhớ cha mẹ của Thúy Kiều và tình cảnh vô cùng đáng thương của nàng Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích khi nghĩ về cuộc đời, tương lai vô định của mình.
* Nỗi nhớ cha mẹ:
- Từ “xót”:
+ Là nỗi xót xa, thương cảm của một người con giành cho cha mẹ đã tuổi cao, sức yếu.
+ Vì tưởng tượng ra cảnh cha mẹ ngày đêm tựa cửa, ngóng chờ mình (“hôm mai”…)
+ Vì vắng nàng cha mẹ thiếu bàn tay chăm sóc: “quạt nồng ấp lạnh”, thiếu người nâng giấc bê gối.
+ Vì ý thức được sự vô tình của thời gian -> cha mẹ ở xa lại ngày càng già yếu hơn.
- Nhớ để rồi ân hận, tự trách bản thân mình vẫn chưa tận hiếu với mẹ cha.
=> Cho thấy vẻ đẹp nhân phẩm của Thúy Kiều: một người tình thủy chung, một người con hiếu thảo, một con người vị tha, đáng trọng.
=> Cho thấy sự đồng cảm lạ lùng của Nguyễn Du với nỗi lòng và sự tài hoa trong ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật của ông.
* Nỗi buồn, nỗi cô đơn, hãi hùng của Thúy Kiều
- Điệp từ “buồn trông” khởi đầu cho 4 cặp lục bát đã tái hiện nỗi buồn triền mien bao trùm tâm hồn nhân vật, thấm sâu vào cảnh vật.
- Đó là nỗi buồn cho thân phận lênh đênh, nổi chìm giữa dòng đời của Thúy Kiều:
+ Tạo dựng sự tương phản: Không gian cửa biển lúc triều dâng >< Cánh buồm thấp thoáng, nhạt nhòa; cánh hoa tàn lụi man mác trôi trên dòng nước.
-> Tô đậm cái nhỏ bé, bơ vơ của cánh buồm, bông hoa.
+ Hình ảnh ẩn dụ: “thuyền ai”, “hoa” -> ẩn dụ cho thân phận của Thúy Kiều đang trôi dạt giữa dòng đời.
+ Câu hỏi “về đâu” -> sự lạc lõng, mất phương hướng, không biết sẽ đi đâu về đâu của nàng.
+ Thời gian “chiều hôm” lại càng làm cho nỗi buồn thân phận thêm sâu sắc.
- Là cảm giác cô đơn, lẻ loi khi đối diện với không gian mặt đất quanh lầu Ngưng Bích.
+ Hình ảnh: “nội cỏ”, “chân mây”, “mặt đất” -> cái vô cùng, vô tận của đất trời.
+ Từ láy “rầu rầu”: nhân hóa nội cỏ, vẽ lên một vùng cỏ cây vẻ ủ rũ, héo tàn -> gợi sự tàn úa, u buồn của lòng người.
+ Từ láy “xanh xanh”: gợi sắc xanh nhạt nhòa của nội cỏ, mặt đất chân mây; sắc xanh như che phủ, chia cắt tất cả.
=> Từ ngữ, hình ảnh cho thấy dẫu có kiếm tìm nhưng dường như trong vũ trụ bao la này Thúy Kiều khong thể tìm được một dấu hiệu thân quen nào, một hơi ấm nào.
=> Đối diện với một không gian như vậy Thúy Kiều càng thấm thía hơn bao giờ hết sự nhỏ nhoi, đơn độc của mình.
- Nỗi trơ trọi, hãi hùng:
+ Thiên nhiên dữ dội và đầy biến động: gió giận dữ cuốn mặt duềnh, sóng ầm ầm vỗ ào ạt khi thủy triều lên.
+ Thậm chí, Kiều cảm giác những đợt sóng dữ dội kia đang bủa vây, kêu réo ngay bên mình.
+ Thiên nhiên là ẩn dụ cho dự cảm về những biến cố kinh hoàng sắp sửa ập xuống cuộc đời nàng. Những con sóng của số phận đang bủa vây, đe dọa người con gái lẻ loi, đơn độc nơi đất khách này.
-> Linh cảm trước tương lai khiến Thúy Kiều càng lo sợ, hãi hùng.
= > 8 câu cuối cảnh được miêu tả theo trình tự: xa -> gần, màu sắc: nhạt -> đậm, âm thanh: tĩnh -> động.
ð Gợi:
- Nỗi buồn đau, lo âu, kinh sợ chồng chất trong lòng Thúy Kiều.
- Sự mong manh, lẻ loi, trôi dạt, bế tắc trong thân phận nàng.
- Sự tuyệt vọng, yếu đuối nhất.
3. Nhận xét
- Với đoạn trích trên ta có thể thấy Nguyễn Du đã “không chỉ lắng nghe nỗi niềm của con người” mà ở đây là nỗi niềm của nàng Thúy Kiều khi phải xa gia đình, bị giảm lỏng và sự cảm thương cho số phận lênh đênh, chìm nổi của Thúy Kiều “mà con biểu đạt nó một cách nghệ thuật” qua:
+ Hệ thống ngôn từ phong phú, đặc biệt là từ láy giàu sắc thái biểu cảm.
+ Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tài tình.
+ Nghệ thuật điệp điêu luyện.
+ Sự dụng thể thơ lục bát tài hoa.
Các bài khác cùng chuyên mục