Đề thi học kì 2 Văn 10- Cánh diều

Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 11


Đề thi học kì 2 Văn 10 cánh diều đề số 11 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Hs đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi kế tiếp

CHO NGƯỜI KHÁC NIỀM TỰ HÀO

(Dale Carnegie)

Trong quyển Những kỷ niệm đời tôi với Maeterlinck (Souvenirs, My Life with Maeterlinck), Georgette Leblanc kể về sự chuyển hóa kỳ diệu của một “nàng lọ lem” người Bỉ như sau:

“Một cô phục vụ ở khách sạn lân cận mang thức ăn đến cho tôi. Người ta gọi cô là “Marie rửa bát” vì cô bắt đầu nghề nghiệp của mình bằng công việc bị nhiều người coi thường này. Đã vậy, cô còn xấu xí, mắt lác, chân vòng kiềng. Nhìn chung, dưới mắt người đời, cô là một cô bé lọ lem đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Một hôm, khi cô mang đĩa mì ống tới cho tôi, tôi nói: “Marie này, ở cô có rất nhiều điểm đáng yêu, cô có biết không?”. Marie đứng lặng trong giây lát, gần như ngưng thở. Sau đó cô đặt cái đĩa lên bàn và nói: “Thưa bà, cháu chưa nghĩ đến điều đó bao giờ”. Cô không nói thêm điều gì nữa mà chỉ lặng lẽ lui ra.

Từ ngày đó, những thay đổi kỳ lạ bắt đầu xuất hiện ở cô gái thầm lặng ấy. Tin rằng mình có nhiều điều tốt đẹp mà mọi người chưa biết, cô bắt đầu chăm sóc gương mặt và dáng hình mình một cách kỹ lưỡng. Và rồi bao vẻ thanh xuân bị vùi lấp bấy nay bỗng trỗi dậy trong cô. Hai tháng sau, cô báo tin sẽ kết hôn với người cháu của ông bếp trưởng. Cô nói: “Cháu sẽ trở thành một quý bà!” rồi cô cảm ơn tôi. Tôi vô cùng cảm động khi nghĩ rằng chỉ với một câu nói ngắn ngủi ấy, tôi đã giúp cô thay đổi cả cuộc đời.”

Georgette Leblanc đã cho “Marie rửa bát” niềm tin và động lực để vươn lên. Và Marie đã lấy niềm tin và động lực ấy làm điểm tựa để thay đổi cuộc đời mình.

Trong đời thường, cho người khác một thanh danh là quan trọng; nhưng phê bình một người mà vẫn giữ được danh dự cho người ấy còn quan trọng hơn gấp nhiều lần. Chuyện kể rằng, một buổi sáng, nha sĩ Martin Fitzhugh ở Dublin, Ireland, bị một bệnh nhân than phiền cái bình kim loại đựng nước súc miệng không được sạch sẽ lắm. Thực ra, người bệnh dùng cái cốc bằng giấy chứ không phải cái bình, nhưng rõ ràng để một vật kém vệ sinh trong phòng khám là điều không nên chút nào. Sau giờ làm việc, nha sĩ Fitzhugh viết một bức thư ngắn cho Bridgit, người giúp việc thường đến văn phòng ông hai lần mỗi tuần để dọn dẹp.

Ông viết như sau:

Chị Bridgit thân mến!

Tôi ít khi gặp chị. Nên tôi nghĩ mình phải tranh thủ để cảm ơn chị về công việc dọn dẹp rất tốt mà chị đã làm. Nhân tiện, tôi xin đề nghị thế này: Hiện tại, hai giờ dọn dẹp, mỗi tuần hai lần là quá ít, xin chị cứ tùy ý đến làm việc thêm một giờ nữa vào bất cứ lúc nào chị cảm thấy thuận tiện để làm những việc như lau chùi các bình, lọ, cốc... Dĩ nhiên, tôi sẽ trả thêm tiền ngoài giờ cho chị.

“Ngày hôm sau, khi tôi bước vào phòng làm việc”, ông Fitzhugh kể, “bàn ghế

láng bóng, còn ở phòng răng, mọi thứ – kể cả bình nước – đều sạch sẽ, sáng choang và nằm ngay ngắn đúng vị trí của chúng.

Cố gắng này vượt xa những biểu hiện thông thường của chị. Mà chị cũng chẳng

làm thêm một giờ nào hết. Chị muốn tỏ ra xứng đáng với sự tin cậy, lời khen ngợi của tôi”.

Ruth Hopkins, cô giáo dạy lớp bốn ở Brooklyn, New York, phải đương đầu với một khó khăn lớn. Năm học này lớp của cô sẽ có Tommy, cậu học trò được xem là bất trị nổi tiếng nhất trường. Thầy giáo lớp ba của cậu luôn than phiền về cậu. Cậu không chỉ nghịch ngợm theo kiểu thông thường mà còn đánh nhau, trêu chọc bạn gái, ngang ngược với thầy cô. Mọi giáo viên đều nói rằng càng lớn cậu càng tệ hơn. Ưu điểm duy nhất của cậu là khả năng tiếp thu nhanh và làm bài tập ở lớp rất nhanh.

Cô Hopkins quyết định đương đầu với “vấn đề Tommy” ngay lập tức. Sau khi

chào các học sinh mới, cô khen từng em một: “Rose à! Chiếc áo của em rất xinh”, “Alicia này! Cô nghe nói em vẽ rất đẹp”. Khi đến bên cạnh Tommy, cô nhìn thẳng vào mắt cậu và nói: “Tommy! Cô biết em là một người có tài lãnh đạo. Cô sẽ nhờ em giúp cô làm cho lớp này thành lớp giỏi nhất khối lớp bốn năm nay, được không?”. Cô nhấn mạnh điều này trong những ngày đầu tiên bằng cách khen ngợi Tommy trong mọi việc cậu làm và rằng điều này chứng minh cậu là một học trò giỏi như thế nào. Có lời khen và danh dự này, cậu bé chín tuổi ấy quyết tâm gìn giữ. Và quả thật, cậu đã không làm cô giáo và mọi người thất vọng vào cuối năm học đó. Gần như bất cứ người nào trên đời cũng đều như vậy chứ không chỉ là những cậu bé hay cô bé. Một cách đơn giản để đánh thức những đức tính tốt đẹp trong con người mình là tin rằng mình có ít nhất một đức tính tốt nào đó. Như thế, dù trên thực tế chúng ta chưa có nó thì sau đó, chúng ta sẽ hành xử như chúng ta đã có đức tính đó vậy.

“Nếu muốn khuyến khích một điều gì ở ai đó, bạn hãy làm như điều ấy chính là

đặc điểm vượt trội của người đó. Họ nhất định sẽ nỗ lực phi thường để trở nên như thế” – Dale Carnegie. “Trong cách đối nhân xử thế, nếu ta đối xử với một người như thế nào thì anh ta sẽ trở thành người như thế ấy” – Johann Wolfgang von Goethe

 (Đắc nhân tâm -Dale Carnegie. NXB văn hóa Thông tin 2012)

Trả lời câu hỏi:

Câu 1: Văn bản trên thuộc kiểu văn bản nào? Vì sao?

Câu 2: Vì sao Marie đứng lặng trong giây lát, gần như ngưng thở khi nghe Georgette Leblanc nói về mình?

Câu 3: Câu chuyện về nha sĩ Fitzhugh viết một bức thư ngắn gửi chị giúp việc Bridgit đã chứng minh điều gì?

 

Câu 4: Nhận định sau đây có thể vận dụng vào mọi hoàn cảnh, với mọi đối tượng trong cuộc sống được không? Vì sao? Hãy xây dựng một tình huống giả định, hoặc lấy một ví dụ để phản biện

“Trong cách đối nhân xử thế, nếu ta đối xử với một người như thế nào thì anh ta sẽ trở thành người như thế ấy” – Johann Wolfgang von Goethe

Câu 5: Em “vi phạm” nguyên tắc nào trong văn bản Cho người khác niềm tự hào chưa? Sau bài học này, em rút ra kinh nghiệm nào cho mình trong cách nhìn nhận, đánh giá và ứng xử với mọi người xung quanh?

II. Viết (4đ)

Câu 1: Quan sát hình ảnh sau và trả lời câu hỏi a,b

a. Hãy đặt tên cho từng bức ảnh

b. Có thể dùng hình ảnh nào để minh họa cho một nội dung/ nhận định trong văn bản ở phần đọc hiểu trên?

Câu 2: Theo dõi cuộc trao đổi của đôi bạn sau giờ sinh hoạt lớp với nội dung tổng kết khen thưởng tháng sau đây

Em hãy viết bài luận thể hiện quan điểm của mình về ý kiến của hai người bạn trên (dài từ 1,5 – 2 trang giấy thi/ vở)

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

Đáp án

 Phần I. ĐỌC HIỂU

Câu 1 (1 điểm)

Câu 1: Văn bản trên thuộc kiểu văn bản nào? Vì sao?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Nhớ lại dấu hiệu nhận biết các kiểu văn bản

Lời giải chi tiết:

Văn bản nghị luận:

+ Vì bàn về một vấn đề cụ thể

+ Vì dùng ý kiến, lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục người đọc

Câu 2 (1 điểm)

Câu 2: Vì sao Marie đứng lặng trong giây lát, gần như ngưng thở khi nghe Georgette Leblanc nói về mình?

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

- Vì cô ấy có ngoại hình không đẹp, làm công việc bị coi thường

- Vì cô ấy chưa nghĩ đến điều đó bao giờ

Câu 3 (1 điểm)

Câu 3: Câu chuyện về nha sĩ Fitzhugh viết một bức thư ngắn gửi chị giúp việc Bridgit đã chứng minh điều gì?

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ bức thư

Lời giải chi tiết:

Phê bình bằng cách khích lệ, thể hiện niềm tin họ sẽ tỏ ra xứng đáng với sự tin cậy, lời khích lệ

Câu 4 (1.5 điểm)

Câu 4: Nhận định sau đây có thể vận dụng vào mọi hoàn cảnh, với mọi đối tượng trong cuộc sống được không? Vì sao? Hãy xây dựng một tình huống giả định, hoặc lấy một ví dụ để phản biện

“Trong cách đối nhân xử thế, nếu ta đối xử với một người như thế nào thì anh ta sẽ trở thành người như thế ấy” – Johann Wolfgang von Goethe

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ nhận định

Suy nghĩ và áp dụng vào các hoàn cảnh, thực tế cuộc sống

Lời giải chi tiết:

- Không thể

- Bởi vì có những người quá chây ì, không bao giờ nỗ lực, không bao giờ quan tâm đến sự tiến bộ của mình và mọi người nên họ rất khó nhận ra sự tôn trọng, khích lệ hay coi thường trong đối thoại, đối xử… Và cũng có thể họ không quan tâm đến thái độ của mọi người đối với mình nữa

Câu 5 (1.5 điểm)

Câu 5: Em “vi phạm” nguyên tắc nào trong văn bản Cho người khác niềm tự hào chưa? Sau bài học này, em rút ra kinh nghiệm nào cho mình trong cách nhìn nhận, đánh giá và ứng xử với mọi người xung quanh? 

 Phương pháp giải:

Học sinh liên hệ bản thân

 Lời giải chi tiết:

- HS tự “ngoái lại” thời gian trước đây để đối chiếu một số ứng xử, đánh giá của mình với người thân, bạn bè với 3 nhận định từ văn bản để có câu trả lời (cần khớp với nhận định của văn bản)

- Rút kinh nghiệm: từ những “vi phạm” nguyên tắc nếu mình có; từ những nhận định đắt giá của văn bản

II. VIẾT (4đ)

Câu 1 (1 điểm)

a. Hãy đặt tên cho từng bức ảnh

b. Có thể dùng hình ảnh nào để minh họa cho một nội dung/ nhận định trong văn bản ở phần đọc hiểu trên?

 Phương pháp giải:

a. HS quan sát kĩ 2 bức ảnh, rút ra nội dung chính và đặt tên

b. HS dựa vào quan điểm cá nhân

Lời giải chi tiết:

a. HS tự đặt tên (cần sát với đặc điểm, biểu hiện, hình ảnh)

b. HS dựa vào ý kiến cá nhân (cần có phân tích hợp lí, suy luận logic, bởi có những điều khi quan sát ta thấy chúng không hề liên quan đến nhau, hoặc không chứa đựng ý nghĩa gì… cho đến khi nghe phân tích, suy luận ta lại phát hiện ra)

- Gợi ý: Bức ảnh 1 phù hợp minh họa cho luận điểm 1 (bao vẻ thanh xuân bị vùi lấp bấy lâu nay bỗng trỗi dậy)

Câu 2 (3 điểm)

Em hãy viết bài luận thể hiện quan điểm của mình về ý kiến của hai người bạn trên (dài từ 1,5 – 2 trang giấy thi/ vở)

 Phương pháp giải:

Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn

Lời giải chi tiết:

Em hãy viết bài luận thể hiện quan điểm của mình về ý kiến của hai người bạn trên (dài từ 1,5 – 2 trang giấy thi/ vở)

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,25

- Nêu luận đề: quan điểm cá nhân về ý kiến 2 người bạn về khích lệ và chỉ thẳng lỗi

- Thái độ/ quan điểm cá nhân: sơ bộ/ khái quát (không đồng ý hoàn toàn/ cần bàn về hoàn cảnh vận dụng…)

Thân bài

2,0

Gồm các ý chính (từ 3 luận điểm trở lên)

- Phân tích, đánh giá ý kiến của bạn A (gắn với từng hoàn cảnh, đối tượng cụ thể): Ý kiến, lí lẽ, dẫn chứng

- Ý kiến cá nhân: khách quan, không cực đoan (lí lẽ, dẫn chứng để thuyết phục 2 người bạn…)

Kết bài

0,25

-  Khẳng định ý kiến cá nhân

- Rút ra nhận thức, hành động của cá nhân…

Yêu cầu khác

0,5

- Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại (nghị luận)

- Phân tích, suy luận logic, phù hợp với văn hóa dân tộc,…

- Tránh áp đặt cứng nhắc, cực đoan

 

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 10 - Cánh Diều - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí